Chuyện ấy chỉ có Giáo sư Lý Chánh Trung và tôi biết cụ thể, hay kể nhau nghe và rất tâm đắc. Nay thì giáo sư đã lớn tuổi (sinh năm 1928), sức khỏe kém, đi đứng khó khăn, trí nhớ hạn chế. Chuyện mới đó mà trên 20 năm rồi. Thời gian như thước đo, chốt lại cái gì đáng nhớ, cái gì lặng lẽ như dòng nước trôi đi. Gẫm lại, tôi thấy cần phải ghi mấy dòng tâm sự này; nếu không tôi thấy như có phần thiếu sót.
Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh (xã Long Đức, TP Trà Vinh)
là điểm đến của tuổi trẻ và nhân dân ĐBSCL.
Sau ngày giải phóng, Giáo sư Lý Chánh Trung về thăm quê Trà Vinh, viếng Đền thờ Bác Hồ ở xã Long Đức. Sau đó, ông viết bài báo nói lên sự ngạc nhiên, vì sao trong chiến tranh ác liệt, cách TX Trà Vinh 4 cây số đường chim bay, tứ phía là đồn bót thế mà hàng trăm đồng bào ngày đêm góp công sức xây dựng đền thờ Bác dưới làn bom đạn.
Đền thờ Bác vừa là nơi linh thiêng dân tôn kính tưởng nhớ, vừa là biểu tượng tinh thần đoàn kết Kinh- Khmer, lương - giáo đấu tranh để thực hiện mục tiêu giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, quyết làm theo Di chúc của Người.
Giáo sư Lý Chánh Trung còn nêu tội ác của đế quốc Mỹ và bọn tay sai bất chấp cả đạo lý và truyền thống của dân tộc, 4 lần dùng bom đạn, xua quân càn quét phá hủy đền thờ. Điển hình lần đầu tiên ngày 3/10/1971, chúng đưa cả tiểu đoàn cơ động (Tiểu đoàn 404) phối hợp với quân bảo an, biệt kích, có cố vấn Mỹ chỉ huy đánh phá ác liệt vào đền thờ.
Địch thiêu hủy toàn bộ đền thờ, thủ tiêu ảnh chân dung của Bác và hành động này đã xúc phạm đến niềm tôn kính thiêng liêng của cả dân tộc.
Không ngờ bài báo đăng phát hành tại TP Hồ Chí Minh đã tới tay nhiều độc giả trong và ngoài nước. Đặc biệt là tới một độc giả người Mỹ từng làm cố vấn tại nhiệm ở tỉnh Trà Vinh và ông có tham gia cuộc hành quân hôm đó.
Ông tên Kent (còn có tên khác là William). Ông thừa nhận đúng ngày hôm đó có đến thị sát xã Long Đức, chứng kiến Đền thờ Hồ Chí Minh trên quãng đất rộng, dưới tàng cây lớn, xung quanh bao bọc toàn là tre rậm rạp, bốn phía là chiến hào. Chỉ có một cổng vào được rào rấp nhiều chướng ngại.
Bài báo của ông Kent viết đăng trên tờ báo ở tận nước Mỹ và ông Kent cắt bài báo ra gửi ông Lý Chánh Trung như một sự trả lời về bài báo nọ. Tác giả nêu, trước Đền, trong Đền và xung quanh đền đều thể hiện sự rất tôn kính của người dân.
Tại bàn thờ, áng lư hương đầy chân nhang. Phía trên chính diện là bức ảnh trang trọng chân dung Hồ Chí Minh. Nếu không có lòng ngưỡng mộ cao cả thì không thể thiết kế xây dựng Đền thờ vừa giản dị mà uy nghiêm, đầy ý nghĩa tôn kính sâu xa dù trong thời kỳ chiến tranh. Thật là đáng khâm phục người dân biết tôn kính vị Lãnh tụ dân tộc của họ như vị đại thần linh.
Đoạn bài báo viết sau đây ông Kent như tỏ vẻ phân trần:
“Ngày hành quân hôm ấy, đúng là tôi có mặt. Tôi ra lệnh cho quân lính gỡ ảnh chân dung Hồ Chí Minh khiêng về TX Trà Vinh. Lúc đó khoảng 14 giờ (tức 2 giờ chiều). Tôi đi về trước, còn lại tiểu đoàn cơ động, quân bảo an, biệt kích cùng với viên Tiểu khu trưởng về sau, việc đốt phá đền thờ thế nào tôi không có mặt chứng kiến, nên không rõ.
Bức chân dung Hồ Chí Minh vẽ sơn dầu màu sắc rực rỡ ngang 60cm, dài (cao) 90cm để trong khuôn kính(1). Thần sắc bức chân dung Hồ Chí Minh cuốn hút tôi. Tôi thấy đáng tôn kính ông như nhân dân Việt Nam ngưỡng mộ ông. Tôi trân trọng treo bức chân dung Hồ Chí Minh ngay trên cao bậc cửa lối đi từ phòng làm việc xuống phòng ăn. Hàng ngày, tôi tới lui gặp ông nhiều lần. Đó là lúc tôi ở tại Trà Vinh.
Khi mãn nhiệm cố vấn ở Việt Nam, được về quê nước Mỹ, bức chân dung Hồ Chí Minh tôi trân trọng mang theo, tôi treo chân dung ông tại phòng khách cùng dãy với chân dung các danh nhân trên thế giới. Tôi thường giới thiệu bạn bè tôi về ông. Một người nổi tiếng ở Việt Nam suốt đời đấu tranh vì độc lập, tự do cho dân tộc. Ông còn là nhà văn hóa lớn, thế giới đều nghe danh biết tiếng”.
Qua bài báo của ông Kent mới biết rõ thêm là ông mang bức chân dung Hồ Chí Minh về treo ở phòng làm việc như hình ảnh của một vĩ nhân, chứ không phải là “thủ tiêu ảnh chân dung của Bác”.
Câu hỏi đặt ra là vì sao một người Mỹ lại kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế khi từ bên kia nửa vòng trái đất, Chính phủ Mỹ và lực lượng hiếu chiến đem bom đạn giết hại nhân dân ta? Đó là vì cũng có những người Mỹ giàu lòng nhân ái, nhân dân Mỹ trọng nhân cách, yêu hòa bình, tôn trọng lẽ phải, hiểu biết Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt cả cuộc đời đấu tranh cho độc lập tự do, cho khát vọng hòa bình và công lý ngay trong nước và trên thế giới.
Bài phát biểu tham luận của Giáo sư Lý Chánh Trung nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại tỉnh Cửu Long (4/1990) kèm bản dịch bài báo của ông Kent và 2 bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông Kent treo ở phòng làm việc tại Trà Vinh và tại quê nhà ở nước Mỹ. Quan sát kỹ thì nhận thấy, chỉ một ảnh chân dung Bác mà treo 2 nơi, chỉ có khác là ảnh treo phía trên lối đi và tại bức tường lớn trong gian phòng rộng hơn. Phía sau lưng 2 bức ảnh chụp lại 2 nơi (Trà Vinh- Việt Nam và Mỹ) có ghi rõ địa chỉ, số nhà, đường phố cụ thể.
Năm 1990, chính quyền Mỹ còn cấm vận gay gắt với Việt Nam. Mấy chục năm nhân dân Việt Nam trải qua mưa bom bão đạn của Mỹ, những vết thương chiến tranh còn hằn sâu trong ký ức và thể xác. Do đó, bài tham luận của Giáo sư Lý Chánh Trung tuy có nhiều người chú ý, nhưng cũng không ít khán thính giả thiếu quan tâm.
Đã trên 20 năm qua, với cái nhìn đổi mới khép lại quá khứ, hướng đến về tương lai hội nhập và phát triển, bài tham luận của Giáo sư Lý Chánh Trung về ông cố vấn Kent là nhịp cầu hiểu biết gắn nhân dân Mỹ với Bác Hồ, cũng như giữa Bác Hồ với nhân dân Mỹ, khoảng cách không còn xa lạ. Mỗi đất nước, mỗi dân tộc ai cũng có quyền bảo vệ nền độc lập tự do - một yêu cầu chính đáng- cũng như hoài bão hạnh phúc là lẽ sống cần thiết của con người.
Tôi viết bài này mong ước những người có liên quan hiểu cho và nếu thấy gì thiếu sót xin góp ý những điều cần thiết để bổ sung hồ sơ tư liệu về đền thờ Bác Hồ ở Trà Vinh ngày càng phong phú. Lòng tôn kính đối với danh nhân luôn luôn không biên giới và sống mãi với thời gian.
Xin cảm ơn giáo sư Lý Chánh Trung và ông Kent đã có bài báo đáng quý, làm cho nhịp cầu hiểu biết vừa ngỡ ngàng vừa sâu sắc đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
(1) Tác giả là Phong Ba - một họa sĩ tài danh. Nghe đâu ông là một sinh viên quê ở TX Trà Vinh tuổi còn rất trẻ, tham gia lực lượng phía bên kia. Ông vẽ bức chân dung đầy tâm huyết nên đường nét dễ cảm hóa lòng người./.
NGUYỄN CHIẾN THẮNG
(Nguyên Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)
Theo baovinhlong.com.vn
Minh Thu (st)