Thứ sáu, 20/12/2024

 

Đã hơn 40 năm trôi qua, những chàng trai Bah Nar năm xưa chân trần, băng rừng kéo gỗ gửi về xuôi dựng Lăng Bác Hồ giờ “tóc bạc da mồi” nhưng tình yêu dành cho Bác không bao giờ nguôi.

tam long 1
Ông Đinh Văn Đoàn kể về những ngày vượt rừng để đốn gỗ trắc làm Lăng Bác Hồ. Nhìn cánh rừng, họ lại nhớ về Bác và tự hào kể cho con cháu nghe một thời theo Bác Hồ,
theo cách mạng.

Vượt dãy Trường Sơn kéo gỗ

Dọc theo đường Đông Trường Sơn chiều cuối năm, không khí Tết làm rộn ràng những phiên chợ cuối ngày ven đường. Chiều lãng đãng, sương giăng giăng. Làng Đắk Asêl (xã Sơn Lang, huyện K’Bang, Gia Lai) tĩnh mịch trong sương. Hình ảnh nhà tranh vách đất năm xưa đã thay màu ngói mới, san sát cửa nhà.

Dẫn chúng tôi men theo dọc bìa rừng, ông Đinh Hmunh (63 tuổi) hồ hởi kể về những ngày gian khổ góp công sức, cưa gỗ xây Lăng Bác. Ông xúc động: “Nếu ngày đó tôi không trực tiếp vào rừng kéo gỗ thì không thể tin được những việc đã diễn ra: "Rừng núi cheo leo, hiểm trở, không máy móc hỗ trợ mà kéo những khúc gỗ to đi xuyên rừng hàng chục km. Chỉ có tình yêu và tấm lòng dành cho Bác quá nhiều mới làm được”.

Sau khi Bác mất, cuối năm 1973, đầu năm 1974, Trung ương Đảng có chủ trương kêu gọi mỗi địa phương góp một đặc sản để xây Lăng Bác Hồ. Tỉnh Gia Lai – Kon Tum bấy giờ bạt ngàn rừng, nhiều gỗ quý. Với đặc tính gỗ cứng, không bị mối mọt, màu nâu thẫm đẹp mắt nên gỗ trắc được chọn “làm quà” xây Lăng. Ngày làm lễ phát động “lên rừng đốn gỗ”, xã Hà Nừng (nay là Sơn Lang) chiêng trống rền vang, đồng chí Ksor Ní – Nguyên Bí thư Tỉnh ủy chặt nhát búa đầu tiên vào gốc trắc già. Sau lời kêu gọi, hàng trăm người không ngại gian khổ lặn lội vào núi cao, rừng sâu tìm gỗ.

tam long 2
Niềm tự hào đã góp lòng mình vào làm Lăng Bác Hồ, câu chuyện luôn được nhắc lại trong các buổi hội họp đông người của cộng đồng người Bahnar
 tại (xã Sơn Lang, K'bang, Gia Lai).

Ông Hmunh kể, nghe nói cưa gỗ xây Lăng cho Bác ai cũng đồng lòng. Tham gia có nhiều người lắm, gồm: Bộ đội, dân quân và thanh niên trong làng. Còn người già thì đi trước chỉ đường, chỗ nào có gỗ trắc họ chỉ cho thanh niên mang rìu, rựa vào đốn hạ. Những cây gỗ to được đẽo vuông vức, rộng 40cm, dài 5 mét rồi đục lỗ hai đầu để buộc dây kéo. Cứ mỗi tổ gồm 40 người thay nhau kéo gỗ đi xuyên rừng hàng chục km. Những chỗ dốc cao, nhóm trước dẫn lối, nhóm sau kéo thả chậm rãi cho gỗ khỏi tuột xuống núi. Cứ thế, ngày kéo đêm nghỉ. Có những cây ở xa phải kéo cả tháng mới ra tới điểm tập kết gần Quảng Ngãi và được bộ đội cẩn thận bốc lên xe chở ra Hà Nội.

Nhớ về một thời, đôi mắt già Đinh Xích (81 tuổi) ánh lên vẻ tự hào. Với kỳ tích “tay không kéo gỗ xuyên rừng Trường Sơn Đông”, cụ Đinh Văn Lực kể lại, những cây gỗ tròn được mọi người lót làm “bánh xe”, kéo đến đâu chêm vào đến đó thì đường có xa mấy cũng vượt qua. Thế là trên 40 (mặt 40x50 cm dài 5m) cây gỗ trắc được chọn lọc đẽo vuông vắn vượt hàng trăm km ra Thủ đô an toàn để rồi góp vào hàng trăm đặc sản của mọi miền khác kiến tạo nên Lăng Bác.

Mong một lần ra thăm Bác!

Sau hơn 40 năm, những người tham gia kéo gỗ năm xưa giờ đã già, có nhiều người đã vĩnh viễn ra đi nhưng câu chuyện dân làng kéo gỗ xây Lăng Bác vẫn được lưu truyền. Đời sống của người dân nơi đây phát triển rất nhiều, từ chỗ thiếu ăn mùa giáp hạt đã có của ăn của để. Bà con đã biết trồng cây cà phê, hồ tiêu… thay cây lúa rẫy truyền thống.

tam long 3
Ước mơ của những người kéo gỗ làm Lăng Bác ngày ấy là được đặt chân đến Lăng Bác Hồ
một lần trong đời.

Mới đây, đường Đông Trường Sơn qua xã đã hoàn thành tạo điều kiện thông thương, không còn cách trở như trước. Người Bah Nar cũng yêu rừng, bảo vệ rừng nên nhiều lâm sản phụ quý ở rừng K’bang như: Mật ong, nấm linh chi, kim tuyến… giúp lại bà con có thêm thu nhập.

Ông Đinh Hmunh chia sẻ: "Giờ không còn lo cái ăn từng bữa nữa, ngoài lên rẫy tôi thường dành thời gian kể cho lũ trẻ nghe về truyền thống của làng, cho chúng biết tấm lòng người Bah Nar với Bác. Chỉ tiếc cái giấy khen của tỉnh tặng đã hỏng mất rồi. Trước đây, lúc nghe tin Bác mất cả làng khóc thương, để tưởng nhớ bà con treo ảnh Bác lên thờ".

Mặc dù gần tuổi 70 nhưng giọng ông Đinh Văn Đoàn vẫn hào sảng khi nhắc đến một thời kéo gỗ. Ông Đoàn trước đây làm Bí thư Đoàn xã, ông kể: "Hồi ấy tôi là thủ lĩnh thanh niên mà. Tôi được phân công chỉ đạo 4 tổ, mỗi tổ từ 30-40 người vào rừng kéo gỗ. Những cây gỗ trắc to, đẹp nhất được các già làng chọn lựa rất kỹ để đưa ra xây Lăng Bác. Mọi việc luôn được ông chỉ đạo suôn sẻ, gỗ đưa ra tới Hà Nội vẹn toàn “mười cây như một”.

tam long 4
Cộng đồng người Bahnar luôn đặt bàn thờ Bác Hồ ở vị trí trang trọng nhất trong nhà
.

Về sau ông được nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười tặng giấy khen. "Chiếc giấy khen như là kỷ vật quý giá nhất trong cuộc đời tôi. Đó là niềm tự hào của gia đình, dòng họ và cả cái thôn bản này nữa", ông Đoàn hồ hởi.

Khi chúng tôi hỏi các bác đã được về thăm Lăng Bác Hồ lần nào chưa? Thì những người kéo gỗ ngày ấy chỉ im lặng. "Hơn 40 năm qua, sau chiến tranh lại bắt tay vào cuộc sống mới. Hồi đó cuộc sống còn nghèo nàn đến nỗi một lần ra huyện, ra phố còn khó nữa huống gì nghĩ đến chuyện ra thăm Lăng Bác. Giờ tuổi cao sức yếu rồi, nguyện vọng cuối đời của tôi là được ra thăm Lăng Bác để tận thấy Bác - một con người bằng da, bằng thịt như thế nào và xem gỗ trắc vùng K’bang được làm gì ở trong Lăng Bác”, ông Đoàn nói.

Trao đổi với PV, ông Đinh Xuân Phiết – Phó chủ tịch HĐND xã Sơn Lang cho biết: Chúng tôi biết các bác ấy có nhu cầu ra thăm Lăng nhưng do địa phương không có điều kiện nên chưa đưa đi được.

Năm rồi, xã có đưa đồng chí Đinh Hní – nguyên Bí thư Đảng ủy xã có nhiều đóng góp cho địa phương thăm Lăng Bác ra thăm đảo Trường Sa. “Về cá nhân, Tôi rất tự hào về truyền thống của dân làng mình. Sự đóng góp mồ hôi, công sức và cả tấm lòng của bà con Bah Nar với Bác là món quà vô giá. Sơn Lang là xã anh hùng, xưa nay bà con vẫn một lòng theo Bác Hồ, theo cách mạng”./.

Theo thiết kế Lăng Bác Hồ, vật liệu  xây dựng được mang về từ nhiều miền trên cả nước như cát ở Kim Bôi (Hòa Bình), Thanh Xuyên (Thái Nguyên), đá ở Tuyên Quang, Thanh Hoá.…cùng các loại như chò nâu ở Đền Hùng, tre Cao Bằng. Đặc biệt, nhân dân dọc dãy Trường Sơn đóng góp 16 loại gỗ quý, trong đó có gỗ trắc ở huyện K’bang.

 

 

Theo http://www.baogiaothong.vn/

Doãn Thị Hồng (st)

Bài viết khác: