Thứ sáu, 20/12/2024

 Tiến sĩ Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển Phương Đông đã có nhiều tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt 2 tác phẩm “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” và “Đường Bác Hồ đi cứu nước” của ông đã được tái bản nhiều lần. Ông được Viện hàn lâm các vấn đề xã hội tặng danh hiệu Viện sĩ, được trường Mỹ phong hàm Giáo sư kinh tế nhưng ông vẫn thích gọi mình là nhà văn…

viet ve BH anh 1
Tiến sĩ Trình Quang Phú

ĐẾN VỚI CÁCH MẠNG TỪ TUỔI ẤU THƠ      

Trình Quang Phú sinh năm 1940, quê ở xã An Chấn, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cha của Trình Quang Phú là một Đảng viên Cộng sản từ năm 1945, trong những kháng chiến chống Pháp, ông là chính trị viên xã đội, bí thư Đảng ủy xã.  Ông đã đưa Trình Quang Phú bước theo con đường cách mạng từ năm 12 tuổi. Với suy nghĩ giúp đỡ cha anh, hàng ngày ông làm liên lạc và trở thành liên lạc viên cho xã đội. Mặc dù nhỏ tuổi, nhưng Trình Quang Phú rất nhanh nhẹn, tháo vát, lại thông thạo địa hình, nên ông được điều chuyển làm liên lạc viên cho tiểu đoàn bộ đội địa phương. Từ căn cứ của ta ở Phú Cốc  về làng  đi qua đồi Thơm, nơi có trạm gác tầu thủy của du kích xã An Chấn, Trình Quang Phú  qua. Từ trên đỉnh đồi Thơm phóng tầm mắt ra biển rộng, ông cảm nhận về  quê hương Phú Yên đẹp dẽ vô cùng. Chính ấn tượng từ tuổi thơ đó mà giờ đây ông dành tâm huyết biến đồi Thơm thành khu du lịch sinh thái Sao Việt rất đẳng cấp ngày nay.

Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ 1954, Phú yên bàn giao cho chính quyền Ngô Đình Diệm, Tháng 7-1954,  tỉnh ủy Phú Yên dời ra Bình Định, các chi bộ ở Phú Yên đi vào hoạt động bí mật. Ông Trình Quang Phú được chọn làm  liên lạc cho Tỉnh ủy. Ông được giao nhiệm vụ chuyển công văn, mệnh lệnh từ Bình Định vào Phú Yên. Giao thông lúc bấy giờ còn rất khó khăn, thường phải đi bộ hoặc xe đò. Đến chuyến thứ ba về Phú Yên, lúc ra thì bị lộ.  Một tên cảnh sát người làng An Chấn nhận ra ông , định giữ lại tra xét . Nhờ sự lanh trí, trên chuyến xe đò trước đó, Trình Quang Phú đã làm quen với một phụ nữ người Huế, (sau này gặp lại bà trên tàu đi tập kết) nên chị phụ nữ một mực nhận Trình Quang Phú  là cháu. Sự khẳng định của người phụ nữ làm tên cảnh sát tưởng mình ngộ nhận, nên cho ông đi. Sau chuyến đó, Tỉnh ủy Phú Yên cho ông tập kết ra Bắc vào tháng 2-1955.

Trình Quang Phú được theo học trong trường học sinh miền Nam số 27. Ông bắt đầu viết báo từ năm 1958. Tác phẩm đầu tay của ông là ký sự “Cô gái sông Hồng” do nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1962. Năm 1966, Trình Quang Phú là phóng viên trên đường 5 trong chiến dịch Sấm Rền. Ông đã có  mặt 122 trận đánh của Không quân Mỹ trên tuyến đường 5 trọng điểm. Tại đây ông bị thương lần thứ nhất. Năm 1968, Trình Quang Phú được cử tham gia chiến trường Khe Sanh, Trình Quang Phú đã có nhiều bài viết và ảnh gửi ra các báo. Tại chiến trường  ông bị thương lần thứ 2 vì đạn pháo của Mỹ. Trở về Hà Nội điều trị xong, ông được cử tham gia Đoàn đại biểu Thanh niên giải phóng miền Nam đi dự Đại hội Thanh niên Thế giới tổ chức tại Bun-ga-ri, ở đây ông đã được nhận huy chương vàng tác phẩm ảnh “cắm cờ ở Khe Sanh”. Sau đó ông về công tác tại Ban miền Nam Trung ương Đảng (CP40) làm công tác đối ngoại cho Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam và Chính phủ cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam, có thời kỳ ông làm trợ lý giúp việc cho LS. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Được tiếp xúc nhiều nhân vật miền Nam, chứng kiến những tình cảm sâu sắc cao cả của Bác Hồ với miền Nam yêu thương chưa được đón Bác, ông quyết tâm viết về Bác, trước nhất là viết cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ miền Nam đọc- Hai tác phẩm đồ sộ gần 1.000 trang về Bác của ông ra đời từ tâm huyết đó.

KỶ NIỆM NHỮNG LẦN GẶP BÁC

Trình Quang Phú nhớ mãi lần được Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng Huy hiệu của Người. Đó là vào năm 1957, khi ông còn học ở Trường học sinh miền Nam số 27 tại Chương Mỹ Hà Tây. Lần ấy, ông bắt được cây bút máy hiệu “anh hùng” của Trung Quốc. Cây bút rất đẹp là niềm ao ước của học sinh thời ấy. Trình Quang Phú không tham của rơi, đã đem bút nộp lại các thầy giáo để trả lại cho người bị mất. Việc làm đó, ông nghĩ bình thường như mọi người. Nhưng không ngờ đến giờ chào cờ buổi sáng thứ 2, thầy Dương Văn Diêu, Hiệu trưởng trường đã tuyên dương hành động thật thà của ông và cho biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng huy hiệu của Người. Vinh dự quá to lớn, ông lặng người đi vì sung sướng, hạnh phúc. Cả đêm đó ông nâng niu tấm huy hiệu của Bác Hồ và suốt những năm tháng công tác tấm huy hiệu của Bác Hồ tặng đã theo ông, tiếp cho ông thêm sức mạnh. Sau này ông mới biết Bác Hồ rất quan tâm việc học tập của các cháu học sinh miền Nam, hàng tuần Người đều đọc báo cáo về tình hình hoạt động các trường học sinh miền Nam. Bác đã tặng huy hiệu động viên cho những tấm gương tiêu biểu làm việc tốt của học sinh miền Nam thông qua các báo cáo đó.

Trong cuộc đời hoạt động của mình, Trình Quang Phú đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời gian công tác ở Ban miền Nam. Tháng 9-1968,   Đoàn đại biểu Thanh niên sinh viên Giải phóng miền Nam lần đầu tiên đi dự đại hội Thanh niên sinh viên thế giới ở Sofia Bungari trở về được Bác Hồ cho vào gặp. Đoàn rất đông, gần 100 người, trừ một số anh hùng, dũng sĩ diệt Mỹ và một số cán bộ từ miền Nam ra, còn lại là anh em miền Nam tập kết ra Bắc làm công tác miền Nam đóng vai các đoàn thể Mặt trận dân tộc giải phóng. Bác Hồ rất vui, Bác giang rộng tay và nói: “Cháu nào giải phóng thì vào đây, còn cháu nào “giả phóng” thì ở vòng ngoài”. Mọi người im lặng vì không biết thế nào là “giả phóng”. Bác cười vui: “Các cháu không ở chiến trường miền Nam mà làm nhiệm vụ cho miền Nam là “giả phóng” đúng không?”. Ông Trình Quang Phú lúc đó mới từ chiến trường Khe Sanh ra, nhưng là cán bộ của ban CP72 ở miền Bắc, nên ông tự nhận mình là “giả phóng” đứng vòng ngoài. Thấy vậy, Bác Hồ hỏi: “Cháu là phóng viên ở Khe Sanh vừa được Huy chương vàng ở Đại hội phải không ?” . Trình Quang Phú xúc động chưa kịp trả lời, thì DĐoàn trưởng Trần Văn Tư xác định với Bác.  Bác gọi: “Cháu vào đây, cháu là thứ thiệt”. Ông Phú vội chạy lại, Bác bắt tay và nói: “Tấm Huy chương vàng Đại hội tặng cho cháu cũng là tặng cho các hành động dũng cảm chiến đấu của đồng bào chiến sĩ miền Nam. Các cháu cố gắng chụp được nhiều hình ảnh anh hùng hơn nữa”.

Đầu năm 1969, khi ông đi công tác ở Paris trở về , ông được cùng Thủ trưởng của mình là ông Lê Toàn Thư (Phó ban miền Nam) đi gặp Bác Hồ. Sau buổi làm việc, ông được ăn cơm cùng Bác Hồ. Bữa cơm rất đạm bạc, chỉ cá kho với thịt, rau muống luộc và cà pháo. Trong bữa ăn có một kỷ niệm mà ông không bao giờ quên được. Đấy là khi xới cơm, ông Phú để rơi một ít cơm xuống bàn. Ông định bốc mấy hạt cơm bỏ vào bát đựng xương, nhưng một tích tắc trước đó Bác Hồ đã nhặt nó cho vào bát ông và nói:

- Cháu đừng bỏ những hạt cơm này, đây là mồ hôi nước mắt của bà con nông dân đấy.

Ông Phú lạnh hết người. Đó là bài học sâu sắc về ý thức tiết kiệm mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy cho ông. Đến bây giờ, ông là Chủ một khu du lịch sinh thái năm sao, nhưng ông luôn sống giản dị và tiết kiệm ông thường dặn các con cháu và nhân viên dưới quyền tinh thần cần kiệm, không được bỏ lãng phí thức ăn, đồ uống…

viet ve BH anh 2
TS. Trình Quang Phú với những tác phẩm viết về Bác Hồ

VIẾT TỪ TRÁI TIM VỀ BÁC HỒ

Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Trình Quang Phú đã có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Riêng trong lĩnh vực văn học, ông đã có nhiều tác phẩm có giá trị, đặc biệt ông đã giành tình cảm chân thành của người con miền Nam viết về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Để viết về Bác, ông đã phải sưu tập nhiều nguồn tài liệu, đồng thời ghi nhận từ những cảm xúc mỗi lần gặp Bác  của mình và của những bạn bè, đồng đội. Ông có 5 tác phẩm viết về Bác Hồ đó là: “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng”, “Đường Bác Hồ đi cứu nước”, “Theo Bác Hồ đi kháng chiến”, “Miền Nam trong lòng Bác”, “Người là niềm tin”.

Tác phẩm: “Đường Bác Hồ đi cứu nước” được tái bản lần thứ 9. Trong dịp tháng 5 mừng sinh nhật Bác Hồ lần thứ 122 , Nhà Xuất bản Thanh niên đã tái bản lần thứ 10. Mùa Thu năm 2002, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã viết lời tực cho cuốn sách: “Tác phẩm “Đường Bác Hồ đi cứu nước” là một công trình biên soạn công phu. Tôi hoan nghệnh Tiến sĩ Trình Quang Phú đã có nhiều cố gắng tuyển chọn và biên soạn thành công tác phảm này…”.

Riêng tác phẩm “Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng” đã được tái bản lần thứ 12. Năm 1997, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đánh giá: “Tôi đã chăm chú đọc cuốn sách “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của đồng chí và những bài nhận xét về cuốn sách của đồng chí ở các báo. Những nhận xét của các báo gộp lại nói lên một cách đầy đủ giá trị cuốn sách của đồng chí đã viết về thời niên thiếu của Bác Hồ khi chuẩn bị ra đi tìm đường cứu nước cũng như những tình cảm của Bác đối với đồng bào và chiến sĩ miền Nam và ngược lại những tình cảm của đồng bào và chiến sĩ miền Nam đối với Bác. Những nhận xét của các báo là rất đầy đủ, rất tốt  không thể nói gì hơn được”. Tập ký sự “Từ Làng Sen đến Bến Nhà Rồng” của nhà văn Trình Quang Phú viết về tình cảm sâu sắc của Bác Hồ với miền Nam và miền Nam nhớ Bác.

 Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và tòan dân ta đang tích cực tham gia cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Những tác phẩm của nhà văn GSTS. Trình Quang Phú là một trong những tác phẩm quý góp phần thêm tư liệu về lãnh tụ Hồ Chí Minh kính yêu, đáp ứng được yêu cầu giáo dục truyền thống, nhất là lớp trẻ trong nhà trường./.

Theo VanVN.Net
Kim Yến (st)

Bài viết khác: