Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm các chiến sĩ lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô (25-9-1966).
Độc lập, tự do là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Độc lập, tự do bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Từ thuở vua Hùng dựng nước đến Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... vận nước bao phen chìm đắm. Để rồi bao phen dân mình như cây một gốc, như con một nhà đứng lên “cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông”, giành lại thái bình cho xã tắc. Khát vọng độc lập, tự do đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh đúc rút trong câu nói nổi tiếng: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Ngày 17-7-1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân đánh phá miền bắc, qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam đã vang lên Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong Lời Hịch non sông ấy có câu: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước sau này trở thành một trong những Bảo vật quốc gia. Đây là lời hiệu triệu của vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc đồng bào, chiến sĩ hăng hái lên đường đánh giặc, giành độc lập, tự do cho non sông, đất nước. Đây là tư tưởng lớn mang tầm vóc thời đại, kế thừa những truyền thống quý báu của cha ông ta trong suốt mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đây là nét độc đáo trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin về vấn đề đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lời kêu gọi của Bác Hồ cách đây đã gần 50 năm nhưng vẫn vẹn nguyên giá trị, nóng hổi tính thời sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc chúng ta hôm nay.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Ta như nghe vang vọng từ nghìn xưa Bài thơ Nam quốc Sơn Hà rạng ngời khí phách: “Sông núi nước Nam, vua Nam ở/ Rành rành định phận tại sách trời/ Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/ Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời”. Ta như nghe tiếng lòng nhân nghĩa của Nguyễn Trãi trong Đại cáo Bình Ngô: “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân/ Quân điếu phạt trước lo trừ bạo/ Như nước Đại Việt ta từ trước/ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”. Và vang lên chính lời trịnh trọng tuyên bố với quốc dân đồng bào, với toàn thế giới trong Tuyên Ngôn Độc lập, Bác đọc tại Quảng trường Ba Đình trong ngày Độc lập 2-9-1945: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.
Độc lập, tự do là khát vọng ngàn đời của dân tộc ta. Độc lập, tự do bắt nguồn từ chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo. Từ thuở vua Hùng dựng nước đến Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Quang Trung... vận nước bao phen chìm đắm. Để rồi bao phen dân mình như cây một gốc, như con một nhà đứng lên “cưỡi cơn gió mạnh, chém cá kình ở biển Đông”, giành lại thái bình cho xã tắc. Khi đến thăm bộ đội Đại đoàn 308, ngày 19-9-1954, bên Đền Giếng, Bác ân cần dặn dò: “Ngày xưa các Vua Hùng đã có công dựng nước, ngày nay Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Giữ nước là giữ lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc. Giữ lấy “cây độc lập”, “trái tự do” mà biết bao máu xương đồng bào, chiến sĩ đã đổ. Những năm đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, còn bề bộn khó khăn, Bác Hồ căn dặn: “Không sợ thiếu, chỉ sợ không công bằng; không sợ nghèo, chỉ sợ lòng dân không yên”.
Độc lập, tự do là sự tổng kết cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, kể từ năm 1911, khi Người xuất dương tìm đường cứu nước. Đi khắp châu Mỹ, châu Phi, châu Âu, châu Á, đến đâu Người cũng thấy cảnh lầm than nô lệ, cảnh người dân các nước thuộc địa bị những “con đỉa hai vòi” hút máu. Cho đến khi đọc Luận cương của V.I. Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa, Người đã tìm thấy con đường đến với độc lập, tự do: Bác Hồ viết: “Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao? Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”. Từ đó ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao theo ngọn gió thời đại. Đúng như Nhà thơ Rô-mét Chan-đra, Chủ tịch Hội đồng Hòa bình thế giới đã viết: “Bất cứ nơi nào chiến đấu cho độc lập tự do/Ở đó có Hồ Chí Minh và ngọn cờ Hồ Chí Minh bay cao”.
Từ đó, Người chiến sĩ cộng sản quốc tế Nguyễn Ái Quốc sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam. Từ đó, Người trở về nước vào mùa Xuân năm 1941, để rồi bốn năm sau, Cách mạng Tháng Tám rung trời sấm nổ. Từ đó, “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu”... Từ đó, tư tưởng, khát vọng độc lập, tự do ngày một hình thành rõ rệt hơn, chói sáng hơn, mang tầm vóc dân tộc và thời đại sâu sắc. Từ Hồ Chí Minh, khát vọng ấy trở thành khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam. Từ đó, cho đến những năm cuối của cuộc đời “vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ” Người vẫn đau đáu một niềm tin “tự do cho đồng bào tôi, độc lập cho Tổ quốc tôi”. Bài thơ chúc Tết cuối cùng, mùa Xuân Kỷ Dậu, 1969, Bác viết: “Vì độc lập, vì tự do/Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc - Nam sum họp, Xuân nào vui hơn!”.
Thành phố mang tên Bác phát triển vượt bậc sau 40 năm giải phóng. Ảnh: MAI HẢI
Ngày ấy đã đến. Chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân 1975 toàn thắng. Nhân dân ta đã đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân mới quy mô lớn, dài ngày nhất, ác liệt và dã man nhất từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tổ quốc ta hoàn toàn độc lập. Dân tộc ta hoàn toàn tự do. Người dân làm chủ cuộc đời mình. Khát vọng cháy bỏng của Bác kính yêu đã thành hiện thực.
Thắng giặc Mỹ ta sẽ xây dựng đất nước hơn mười ngày nay. Lời Bác trong Di chúc nhắc chúng ta còn nhiều việc, rất nhiều việc phải làm. Độc lập, tự do trong lúc này là phải làm sao cho đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí và những tệ nạn, tiêu cực xã hội. Trong 15 năm đầu thế kỷ 21, tình hình thế giới thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Hàng trăm quốc gia sau khi đấu tranh giành thắng lợi, thoát khỏi chế độ thuộc địa vẫn chưa có sự bứt phá mạnh mẽ, vẫn trong tình trạng lạc hậu, kém phát triển. Lợi dụng toàn cầu hóa, một số cường quốc khai thác triệt để thế mạnh về kinh tế, tài chính, khoa học, công nghệ cao, để xâm phạm độc lập, chủ quyền của các nước khác. Lửa vẫn cháy và máu vẫn đổ. Nhưng hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu. Con đường gìn giữ hòa bình là con đường của ý chí tự lực tự cường, vượt lên bằng sức mạnh kinh tế, quân sự, văn hóa, tranh thủ sự hợp tác quốc tế, để bảo vệ chính mình và góp phần gìn giữ hòa bình thế giới. “Trái” tự do chỉ có thể nở trên “cây” độc lập. Hoa trái ấy có sum suê, ngọt lành, hãy nhìn từ đời sống thường ngày của người dân, từ no đủ tới giàu sang, quyền con người được bảo đảm và con người sống với nhau có nghĩa, có tình.
Ngày nay độc lập, tự do biểu hiện sâu sắc trong tiến trình xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì một xã hội mới tốt đẹp, tươi sáng hơn. “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”, chúng ta kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc; giải quyết những bất đồng, tranh chấp bằng giải pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống. Truyền thống yêu nước, ý chí quật cường của dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân sẽ tạo nên sức mạnh để đất nước chúng ta vững bước trên con đường lớn. Con đường thời đại Hồ Chí Minh.
Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đó không chỉ là tư tưởng mà còn là lẽ sống.
HẢI ĐƯỜNG
Theo Báo Nhân Dân
Thanh Huyền (st)