"Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức", chiếu cầu tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1946 viết.
Khi mới giành độc lập, nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gặp muôn vàn khó khăn. Hậu quả của nạn đói năm 1945 kéo dài dai dẳng, gần 95% dân số không biết chữ. Các thế lực thù địch lăm le phá hoại nhà nước non trẻ. Ngày 6/1/1946, cuộc tổng tuyển cử đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được tổ chức trên toàn quốc. Quốc hội khóa I ra đời đã tiến hành kỳ họp thứ nhất tại Hà Nội, bầu ra Chính phủ Liên hiệp kháng chiến, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chính phủ Liên hiệp kháng chiến có 15 thành viên, đến từ các đảng phái như Mặt trận Việt Minh, Việt Nam Quốc dân Đảng, Việt Nam Cách mệnh đồng minh hội hoặc không đảng phái. Chính phủ có nhiệm vụ "thực hiện triệt để sự thống nhất các lực lượng của quốc dân về phương diện quân sự, tuyên truyền, hành chính, tư pháp", tổng động viên nhân lực và tài sản quốc gia theo nhu cầu của tình thế để đưa kháng chiến đến thắng lợi và nước nhà đến độc lập hoàn toàn.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và cụ Huỳnh Thúc Kháng (người mặc áo dài đứng bên phải)
và nội các Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa,
sau là Chính phủ Liên hiệp kháng chiến. Ảnh tư liệu.
Công cuộc kiến thiết đất nước xác định những nhiệm vụ trọng tâm là "Kiến thiết ngoại giao. Kiến thiết kinh tế. Kiến thiết quân sự. Kiến thiết giáo dục". Nhận định muốn kiến thiết thì phải có người tài đức cùng đứng ra gánh vác, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì hai lần gửi điện mời nhà nho yêu nước Huỳnh Thúc Kháng từ Huế ra Hà Nội làm Bộ trưởng Nội vụ.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng được biết đến là người "giàu sang không làm xiêu lòng, nghèo khổ không làm nản chí, oai vũ không làm sờn gan, không cầu danh vị, không cầu lợi lộc, không thèm làm giàu, không thèm làm quan". Cụ cùng các nhà chí sĩ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh mưu nghiệp cứu nước nhưng không thành và bị đày ra Côn Đảo 13 năm. Sau khi ra tù, cụ lập báo Tiếng Dân, uy tín và tài đức vang xa, có ảnh hưởng rất lớn trong xã hội.
Vào cuối năm 1945, cụ Huỳnh Thúc Kháng đang ở Huế đã nhận được bức điện của Chủ tịch Hồ Chí Minh mời ra Hà Nội tham gia Chính phủ. Ông cụ hơn 70 tuổi điện trả lời "Thời tiết xấu tôi chưa đi được và không thể nhận chức bộ trưởng. Nhưng trước sau tôi cũng ra gặp Cụ". Vài hôm sau, cụ lại nhận tiếp được bức điện thứ hai có ký tên Chủ tịch Hồ Chí Minh và ông Võ Nguyên Giáp gửi với nội dung "Chúng tôi khẩn khoản mời cụ ra Hà Nội nhận chức Bộ trưởng Nội vụ". Cụ Huỳnh Thúc Kháng đồng ý ra Thủ đô nhưng từ chối lời mời làm bộ trưởng và nói "Tôi chỉ muốn ra để bày tỏ một vài ý kiến. Còn việc khác thì tôi không thể nhận".
Ngày 24/2/1946, cụ Huỳnh Thúc Kháng được đón ra Hà Nội gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Hai tư tưởng yêu nước gặp nhau, trao đổi nhiều chuyện. Trong cuốn Những năm tháng không thể nào quên, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể lại "Giây phút gặp gỡ đầu tiên giữa Bác và cụ Huỳnh thật là cảm động. Hai người đều bước vội tới ôm lấy nhau. Bác và cụ Huỳnh bỗng dưng đều ứa nước mắt…".
Lúc đầu, cụ Huỳnh lấy cớ tuổi già, sức yếu mà từ chối, nhưng cuối cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thuyết phục được. Ngày 2/3/1946, khóa họp đầu tiên của Quốc hội thông qua danh sách Chính phủ mới, cụ Huỳnh Thúc Kháng giữ chức Bộ trưởng Nội vụ. Khi giới thiệu danh sách Chính phủ liên hiệp để Quốc hội thông qua, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng "Bộ trưởng Nội vụ, một người đạo đức danh vọng mà toàn quốc dân ai cũng biết: cụ Huỳnh Thúc Kháng".
Tháng 5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Hà Nội đi Pháp và đã ủy nhiệm cụ Huỳnh Thúc Kháng làm quyền Chủ tịch nước, với lời dặn "Dĩ bất biến ứng vạn biến" để ứng phó với tình hình trong nước.
Ngoài cụ Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thuyết phục rất nhiều chí sĩ yêu nước, nhân sĩ trí thức của xã hội cũ góp phần vào sự nghiệp củng cố nền độc lập của nước nhà. Tư tưởng ấy được thể hiện ở việc tập hợp đoàn kết toàn dân với sự ra đời của Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (Hội Liên Việt) vào ngày 29/5/1946. Đây là một trong những tổ chức tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay.
Bộ trưởng Quốc gia giáo dục Nguyễn Văn Huyên và vợ Vi Kim Ngọc.
Ảnh tư liệu.
Kiến thiết giáo dục là nhiệm vụ quan trọng của công cuộc kiến thiết quốc gia. Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn ông Nguyễn Văn Huyên đảm nhận chức vụ Bộ trưởng Quốc gia giáo dục. Ông Huyên du học nhiều năm ở Pháp về, từ chối lời mời ra làm quan của chính quyền thực dân để làm một thầy giáo bình thường. Sau ngày độc lập, ông được Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm thành viên của Ủy ban Kiến thiết quốc gia. Khi được giao giữ trọng trách Bộ trưởng Giáo dục, ông từ chối với lý do "thiếu kinh nghiệm". Trước sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch "Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân", ông nhận nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I và giữ cương vị "tư lệnh ngành" trong suốt 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 1975.
Từ việc xóa nạn mù chữ cho nhân dân những năm đầu độc lập đến hai cuộc cải cách giáo dục lần thứ nhất (năm 1950) và lần thứ hai (năm 1956) sau này, xây dựng nền giáo dục phát triển qua hai cuộc kháng chiến đều mang đậm "dấu ấn Nguyễn Văn Huyên". Bộ trưởng Huyên đã tổ chức và chủ trì nhiều hội nghị giáo dục với những nhà quản lý, trí thức và nhà giáo có uy tín để thảo luận và định ra nhiều chủ trương giáo dục phù hợp với thực tiễn kháng chiến.
Ngoài xóa mù chữ, tổ chức lớp học trong kháng chiến, đào tạo giáo viên, ông còn đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ học đường, nâng cao dân trí, phát triển sự nghiệp giáo dục miền núi, phát triển sử học và quốc văn vì đó là những lợi khí rèn tinh thần, tư tưởng dân tộc. Bộ trưởng Huyên có tài hùng biện, nói chuyện lôi cuốn người nghe. Hình ảnh "ông nghè Tây” rời bỏ cuộc sống đầy đủ dưới chế độ thực dân phong kiến để đi kháng chiến với tấm lòng son sắt đủ sức thuyết phục, lôi cuốn giáo viên, học trò, khẳng định con đường họ đã lựa chọn là đúng đắn.
Nhận thấy rõ vai trò của những trí thức yêu nước đang du học nước ngoài, Chủ tịch đã kêu gọi họ về kiến thiết quốc gia. Trong lớp thanh niên tài đức thời ấy, có 3 trí thức Việt kiều nổi bật là kỹ sư Phạm Quang Lễ (tức "vua vũ khí" Trần Đại Nghĩa), kỹ sư Võ Quý Huân và bác sĩ Trần Hữu Tước.
Năm 1946, kỹ sư Phạm Quang Lễ đã có 5 bằng đại học và kinh nghiệm làm việc trong các nhà máy chế tạo vũ khí của Pháp, Đức. Ông trở thành kỹ sư trưởng của nhà máy chế tạo máy bay ở Pháp, nhận mức lương tương tương 22 lượng vàng mỗi tháng thời bấy giờ. Kỹ sư Võ Quý Huân sang Pháp năm 25 tuổi, theo học 3 trường đại học một lúc với các chuyên ngành đúc, luyện kim, kỹ nghệ thực hành. Bác sĩ Trần Hữu Tước đỗ loại xuất sắc để vào làm việc tại Bệnh viện nhi đồng Necker, trung tâm y khoa danh tiếng của Pháp và cả châu Âu. Với tài năng của mình, bác sĩ Tước có khả năng nhận được nhiều cơ hội thăng tiến.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp dự Hội nghị Fontainebleau đã tìm gặp những thanh niên trên và thuyết phục họ trở về Việt Nam. Chuyến tàu rời ga Lyon sáng 16/9/1946 chở theo 3 nhân tài về nước. Trong đó, việc trở về với kỹ sư Võ Quý Huân là quyết định khó khăn bởi ông đã có gia đình, một người vợ xinh đẹp cùng cô con gái 2 tuổi.
Chủ tịch Hồ Chí Minh bế con gái kỹ sư Võ Quý Huân ở Paris tháng 7/1946. Ông Huân
sau này từ biệt gia đình nhỏ để về xây dựng đất nước thời kỳ khó khăn. Ảnh tư liệu.
Trở về khi đất nước còn nhiều khó khăn, sau này lại dấn dân vào cuộc kháng chiến, 3 thanh niên ấy đều đảm nhận những trọng trách quan trọng. Hồi ký của giáo sư Tạ Quang Bửu ghi lại: "Sớm muộn gì chiến tranh Việt - Pháp sẽ không tránh khỏi. Chú Trần Đại Nghĩa, chú Võ Quý Huân sẽ chế tạo được vũ khí đánh giặc, chú Trần Hữu Tước bào chế thuốc men. Đó là yêu cầu khẩn thiết lúc này".
Bằng tài năng, đức độ, kỹ sư Trần Đại Nghĩa trở thành nhà khoa học lớn, cha đẻ của ngành công nghiệp quốc phòng Việt Nam. Ông từng đảm nhận chức Cục trưởng Quân giới (nay là Tổng cục công nghiệp Bộ Quốc phòng). Kỹ sư Võ Quý Huân trở thành chuyên gia hàng đầu trong ngành đúc luyện kim và công nghiệp Việt Nam. Khi về nước, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Sở khoáng chất kỹ nghệ Trung Bộ, đã nghiên cứu sản xuất những mẻ thép đầu tiên phục vụ kháng chiến, đặt nền móng cho ngành đúc - luyện kim của Việt Nam.
Trong kháng chiến chống Pháp, bác sĩ Trần Hữu Tước giảng dạy tại Đại học Y dược ở chiến khu, đào tạo hơn 500 y bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng. Hòa bình lập lại, ông trở thành Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch đầu tiên của Tổng hội Y học Việt Nam.
Để đẩy mạnh công cuộc xây dựng nền móng đất nước, ngày 20/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra văn bản Tìm người tài đức đăng trên báo Cứu quốc số 411. Văn bản nêu rõ "Nhà nước cần phải kiến thiết. Kiến thiết cần phải có nhân tài. Trong số 20 triệu đồng bào chắc không thiếu người có tài, có đức. E vì Chính phủ nghe không đến, thấy không khắp, đến nỗi những bậc tài đức không thể xuất thân. Khuyết điểm đó, tôi xin thừa nhận".
Hồ Chủ tịch cũng đề xuất sửa đổi khuyết điểm bằng cách chiêu mộ người tài. "Nay muốn sửa đổi điều đó và trọng dụng những kẻ hiền năng, các địa phương phải lập tức điều tra nơi nào có người tài đức, có thể làm được những việc ích nước lợi dân thì phải báo cáo ngay cho Chính phủ biết. Báo cáo phải nói rõ tên tuổi, nghề nghiệp, tài năng, nguyện vọng và chỗ ở của người đó".
Chính sự cầu thị đã khiến nhiều trí thức yêu nước hướng về cách mạng, gạt bỏ nhiều vướng mắc để cùng gánh vác trọng trách quốc gia. Từ các nhà nho uy tín trong xã hội như cụ Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn đến các quan chức cấp cao của chế độ cũ như cụ Bùi Bằng Đoàn, Phan Kế Toại. Một lực lượng lớn trí thức tài giỏi như luật sư Phan Anh, Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Minh Giám... hay các trí thức đang ở nước ngoài đều trở về.
Những nhân tài ấy đã góp phần xây dựng chính quyền, tạo nền móng quốc gia, tạo nên thế và lực cùng với khối đại đoàn kết toàn dân đưa đất nước bước vào cuộc trường kỳ kháng chiến, bảo vệ thành quả là nền độc lập mà Cách mạng Tháng Tám giành được năm 1945./.
Hoàng Phương
Theo Vnexpress.net
Thanh Huyền (st)