Thứ sáu, 20/12/2024

Tư tưởng thân dân, quý dân và sẵn sàng làm mọi việc vì dân, không chỉ thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, mà còn thấm sâu trong lối sống thường ngày của Bác. Dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật đầy cam go và hiểm nguy, hay khi đã là Chủ tịch Nước, Bác vẫn sống một cuộc sống bình dị, khiêm nhường.

hcm-con-nguoi-vi-moi-nguoi

Hồ Chí Minh từng căn dặn chúng ta: “Trên đời không có gì quý bằng nhân dân”. Tháng 5-1946, trong cuộc nói chuyện với đồng bào trước khi sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về hòa bình ở Việt Nam, Bác nói: “Cả đời tôi chỉ có một mục đích, là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân. Những khi tôi phải ẩn núp nơi núi non, hoặc sa vào chốn tù tội, xông pha sự hiểm nghèo, là vì mục đích đó. Đến lúc nhờ quốc dân đồng bào, tranh được chính quyền, ủy thác cho tôi gánh vác việc chính phủ, tôi lo lắng ngày đêm, nhẫn nhục cố gắng cũng vì mục đích đó. Bất kỳ bao giờ, bất kỳ ở đâu, tôi cũng chỉ theo đuổi một mục đích, làm cho ích quốc lợi dân”(1).

Đó là những lời tâm can của Bác, của một con người đã tự nguyện từ bỏ mọi lợi ích riêng tư, chấp nhận mọi gian khổ hy sinh, để mang lại cuộc sống ấm no hạnh phúc cho mọi người. Cũng vì lẽ đó, Người thường biến nỗi đau của nhiều người thành nỗi đau của cá nhân mình, và chừng nào trong xã hội còn có những người bất hạnh, thì chừng đó Người vẫn cảm thấy có phần trách nhiệm của mình. Phải chăng vì thế khi Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định tặng thưởng cho Người Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta, Người đã cảm ơn và xin phép chưa nhận. Người khiêm tốn nói: “Quốc hội có ý định tặng cho tôi Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta. Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn Quốc hội. Nhưng tôi xin Quốc hội cho phép tôi chưa nhận huân chương ấy. Vì sao? Vì huân chương là để tặng thưởng người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng với sự tặng thưởng cao quý của Quốc hội”(2).

Xuất phát từ tình yêu và trách nhiệm to lớn đối với dân, Hồ Chí Minh đòi hỏi các cán bộ, đảng viên phải có hiếu với dân, phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân. Đây là tư tưởng lớn của Bác trong công tác xây dựng Đảng, trong giáo dục cán bộ, đảng viên. Từ năm 1947, trong bài nói chuyện với cán bộ tỉnh Thanh Hóa, Bác căn dặn: “Đối với nhân dân, phải nhớ Đảng làm việc cho dân, Đảng mạnh hay yếu là ở dân. Phải hiểu nguyện vọng của dân, sự cực khổ của dân, hiểu tâm lý của dân, học sáng kiến của dân. Muốn cho dân phục, phải được dân tin, muốn cho dân tin thì phải thanh khiết”. Người lại nói: “Nhiệm vụ của đoàn thể là phụng sự nhân dân. Nghĩa là làm đầy tớ cho dân. Đã phụng sự nhân dân thì phải phụng sự cho ra trò. Nghĩa là việc gì có lợi cho dân thì phải làm cho kỳ được. Việc gì có hại cho dân thì phải hết sức tránh. Không học hỏi dân thì không lãnh đạo được dân. Có biết làm học trò dân, mới làm được thầy học dân”(3). Như vậy, trong tư tưởng của Hồ Chí Minh, khái niệm lãnh đạo và bị lãnh đạo không còn là khái niệm về ngôi thứ, về thứ bậc xã hội, bởi vì để trở thành người lãnh đạo thì phải thường xuyên là người đầy tớ của dân, để trở thành người thầy dạy của dân thì phải thường xuyên là người học trò của dân. Lãnh đạo và bị lãnh đạo chẳng qua chỉ có ý nghĩa của sự phân công xã hội. Điều đó cũng có nghĩa rằng khi người lãnh đạo sống xa dân, không tự nguyện toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân, không chịu khó học hỏi dân, làm học trò của dân, thì thiên chức của người lãnh đạo cũng không còn. Bác dạy chúng ta: “Đảng mạnh hay yếu là ở dân”, vì vậy “mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn ghi vào đầu óc cái chân lý: nhân dân rất tốt, rất khôn khéo, rất hăng hái, rất anh hùng”. Người chỉ rõ: “Dân chúng biết cách giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những bậc tài giỏi, những đoàn thể lớn nghĩ mãi không ra”(4). Người còn khẳng định: “Dân chúng đồng lòng thì việc gì cũng xong, dân chúng không ủng hộ thì việc gì làm cũng không nên”. Chính vì vậy, theo ý Bác, “khi một nghị quyết nào mà dân cho là không hợp thì phải để họ đề nghị sửa chữa lại nghị quyết. Phải dựa vào dân mà sửa chữa cán bộ và tổ chức của ta”(5).

Tư tưởng thân dân, quý dân và sẵn sàng làm mọi việc vì dân, không chỉ thể hiện trong toàn bộ cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, mà còn thấm sâu trong lối sống thường ngày của Bác. Dù trong hoàn cảnh hoạt động bí mật đầy cam go và hiểm nguy, hay khi đã là Chủ tịch Nước, Bác vẫn sống một cuộc sống bình dị, khiêm nhường. Bữa ăn của Chủ tịch Nước thường chỉ có vài ba món giản đơn; lúc ăn Bác không để rơi một hạt cơm, ăn xong, cái bát bao giờ cũng sạch, và thức ăn còn lại thì được sắp xếp tươm tất. Tài sản của vị Chủ tịch Nước là ngôi nhà sàn nhỏ bé nằm gọn trong khu vườn Phủ Chủ tịch:

Nhà gác đơn sơ một góc vườn

Gỗ thường mộc mạc chẳng mùi sơn

Giường mây, chiếu cói, đơn chăn gối

Tủ nhỏ vừa treo mấy áo sờn.

                                                (Tố Hữu)

Cái triết lý sâu xa trong phong cách sống cực kỳ giản đơn và tiết kiệm của Bác là ở chỗ, Bác luôn tìm mọi cách để được sống gần dân, để cảm thông sự gian khổ khó khăn thường nhật của quần chúng, và do đó hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Trong bất cứ hoàn cảnh nào, Bác đều tìm cách tự bảo vệ để được gần gũi quần chúng. Ngay khi mới về tiếp quản Thủ đô, Người từ chối sống trong dinh toàn quyền cũ, mà chọn cho mình nơi ở của người công nhân điện phục vụ trong đó. Dù chiếc ô tô Bác dùng đã quá cũ, Trung ương đề nghị thay xe mới để Bác đi lại thuận tiện hơn, nhưng Bác cũng từ chối. Bác chỉ nói đơn giản: xe đang dùng được, sao phải thay. Các chú có biết để sắm cái xe mới tốn bao nhiêu tiền không? Gọi là tiền Nhà nước, nhưng là do nhân dân đóng thuế mà có. Phong cách sống bình dị, gần gũi nhân dân của Hồ Chí Minh còn được thể hiện sâu sắc, đầy chân tình trong những lần giao tiếp với quần chúng.

Người ta tính ra rằng, kể từ năm 1959 đến năm 1969, Bác đã có hơn 700 cuộc gặp gỡ quần chúng dưới rất nhiều hình thức: hoặc đi thăm hỏi, nói chuyện, hoặc cùng lao động với bà con. Có một câu chuyện cảm động diễn ra năm 1968, khi Người về tham gia chống hạn với bà con nông dân ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Hôm đó Bác đến sớm, bà con chưa ra đồng. Bác bảo dừng xe lại ven đường và vào thăm một gia đình nông dân. Chủ nhà là một bà cụ. Bác hỏi thăm bà cụ Tết vừa qua gia đình ăn Tết có vui không? Bà cụ thưa: dạ, không vui lắm. Bác hỏi vì sao? Bà cụ thưa: Gia đình từ lâu đã sống trong ngôi nhà này, nhưng vừa qua huyện có lệnh buộc gia đình phải chuyển đi để lấy đất làm đường, mà không có bồi thường và cũng không chỉ cho một chỗ ở mới, vì thế gia đình không vui. Nghe đến đấy, Bác lại hỏi: thế ai ký lệnh đó. Chủ nhà cho biết đó là ông chủ tịch huyện. Nghe xong chuyện, Bác không vui. Bác bảo với những người đi theo rằng: cán bộ như vậy thì không xứng đáng, không khác gì cường hào ngày xưa. Sau đó, Bác chỉ thị cho điều tra vụ việc, và người chủ tịch huyện đã bị kỷ luật. Sáng hôm đó Bác cùng lao động với bà con. Thấy trời nắng, một cán bộ địa phương mang ô đến che nắng cho Bác, Bác bảo: “Dân chịu được thì Bác cũng chịu được. Chú cứ làm như Bác là ông quan ngày xưa”. Trên đường đi chống hạn về, Bác thấy xe công an bóp còi inh ỏi để dẹp đường cho Bác đi. Bác không đồng ý, bảo đồng chí lái xe của Bác dừng xe lại, và lệnh cho xe công an dừng lại, rồi Bác mới tiếp tục đi. Bác phê bình các đồng chí cán bộ địa phương: “Bác xuống với dân để chống hạn mà các chú lại làm cho dân sợ thì xuống làm gì?”.

Câu chuyện đó nhắc chúng ta nhớ đến những câu chuyện từ lúc Bác còn hoạt động cách mạng bí mật tại Cao Bằng. Theo lời kể của đồng chí Đàm Quang Trung (sau này là Thượng tướng), khi được giao trách nhiệm bảo vệ Bác, đồng chí thường tâm sự với các đồng chí khác rằng: Sao Bác học rộng, hiểu nhiều, đi khắp năm châu mà về với dân ta như về với người thân trong nhà, còn bản thân mình, vốn là dân sở tại, mà đôi khi còn cảm thấy xa cách với dân. Đồng chí cũng kể lại, câu nói mà Bác lúc đó thường căn dặn các đồng chí bảo vệ: “Các chú làm gì thì làm, chứ không được biến Bác thành một người đặc biệt, xa cách với dân”.

Chính tư tưởng thân dân, lối sống gắn bó mật thiết với dân, làm cho Bác không xa lạ với nhân dân; luôn lên án chủ nghĩa quan liêu, đầu óc danh vị, cùng hàng loạt những thói hư tật xấu trong một bộ phận cán bộ, đảng viên có chức có quyền. Những tệ nạn đó, theo Bác đều là sản phẩm của chủ nghĩa cá nhân - kẻ thù nguy hiểm của đạo đức cách mạng.

Theo hồi ức của nhà thơ Tố Hữu, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, Tố Hữu được Trung ương điều ra Hà Nội để gặp Bác. Trong một lần làm việc với Bác, Bác nhắc Tố Hữu và những người xung quanh rằng: “Bây giờ, Đảng cầm quyền, có nhà cao cửa rộng, có ô tô sang trọng, dễ lên mặt “quan” lắm đấy. Xe của cơ quan là để đi việc công, không phải để các chú đi chơi, mang theo cả quan ông, quan bà, quan cô, quan cậu, thế là hỏng đấy”(6). Bác cũng phê phán tư tưởng muốn làm “vua con”, muốn làm “ông tướng”, “bà tướng” ở các vùng miền, trong một số cán bộ lãnh đạo lúc bấy giờ. Bác viết: “Khi phụ trách ở một vùng nào thì như ông “vua con” ở đấy, tha hồ hách dịch, hạnh họe. Đối với cấp trên thì xem thường, đối với cấp dưới thì cậy quyền lấn át, đối với quần chúng thì ra vẻ quan cách mạng, làm cho quần chúng sợ hãi. Cái đầu óc “ông tướng, bà tướng” ấy đã gây ra bao ác cảm, bao chia rẽ, làm cho cấp trên xa cấp dưới, đoàn thể xa nhân dân”(7).

Triết lý sống vì mọi người đã làm cho Hồ Chí Minh thực sự là con người của mọi người. Sức hấp dẫn của Hồ Chí Minh đối với dân tộc và đối với nhân loại chủ yếu là ở đó. Mọi chiến công của Người cũng khởi đầu từ đó. Bác từng nói: “Nghĩ cho cùng, mọi vấn đề... là vấn đề ở đời và làm người. Ở đời và làm người là phải thương nước, thương dân, thương nhân loại đau khổ bị áp bức”(8). Tư tưởng nhân văn cao đẹp đó là ngọn lửa hồng mà Bác đã trực tiếp chuyển giao cho các thế hệ người cách mạng Việt Nam, để từ đó Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là Đảng của giai cấp vô sản mà còn là Đảng của dân tộc Việt Nam. Đã từ lâu, nhân dân ta vẫn quen gọi Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng ta, tức Đảng của mình. Sức mạnh vô địch của Đảng bắt nguồn từ đó. Đó là bài học lớn, bài học đầu tiên và thiết thực nhất cho tất cả mọi người, cho các cán bộ và đảng viên của Đảng, đặc biệt trong tình hình hiện nay./.

GS. TS. TRẦN VĂN BÍNH

(1), (3), (4), (5), (7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb.Chính trị quốc gia, H, 2002, t.5, tr.560-561; 298; 295; 298; 72.

(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.11, tr.61.

(6) Tố Hữu: Nhớ lại một thời, Nxb.Hội Nhà văn, H, 2000, tr.38.

(8) Hồ Chí Minh: Nhà nước và pháp luật, Nxb. Pháp lý, H, 1990, tr.174.

Theo tuyengiao.vn

Đặng Tuyết (st)

Bài viết khác: