Thứ sáu, 20/12/2024

 

Mỗi người Việt Nam chúng ta, ai ai cũng dành tình yêu thiêng liêng với Chủ tịch Hồ Chí Minh và có cách thể hiện tình cảm đặc biệt đó của riêng mình.

Thấm nhuần lợi dạy của Bác "Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người", ông Hoàng Trọng Đạo, xóm Đòng, xã Hưng Công, huyện Bình Lục (Hà Nam), không chỉ là cán bộ mẫu mực của ngành Giáo dục - Đào tạo tỉnh Hà Nam, trong những năm qua ông đã tìm tòi, sáng tạo, gửi tình yêu của mình vào những cây ăn quả quý để hiến tặng vườn cây bên Lăng Bác.

Ông Hoàng Trọng Đạo nay đã ở vào tuổi "xưa nay hiếm" nhưng vẫn cần cù lao động, chăm sóc vườn cây của gia đình, trước là để nâng cao thu nhập, sau là để thoả mãn niềm đam mê chiết ghép sáng tạo ra những cây ăn quả quý hiếm.

Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng quanh khu vườn rộng gần 4.000 m2, ông Đạo không khỏi bùi ngùi, xúc động kể cho chúng tôi nghe về những lần trực tiếp mang cây lên Vườn Bác cũng như đón các đoàn cán bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và chuyển cây lên vườn Bác trồng.

Nâng niu những quả bưởi trên cây bưởi Bồ Đề, giống bưởi đặc sản của quê hương Hà Nam, ông Đạo cho biết đây chính là cây bưởi cùng giống với cây ông đã hiến tặng vườn Bác vào năm 1998.

Rồi ông tâm sự về cơ duyên đến với Vườn cây của Bác để sau này, mỗi khi chiết ghép được một cây quý, ông lại đem lên hiến tặng. Ông cho biết mỗi lần có dịp lên Hà Nội, ông đều vào Lăng viếng Bác, rồi đi một vòng quanh khu vườn Bác để thăm quan.

Vào năm 1998, khi đi thăm quan vườn Bác, ông nhận thấy khu vườn được chăm sóc rất kỹ lưỡng, nhưng những loại cây ăn quả ở đây chưa đa dạng và phong phú, phần lớn là những cây mơ, cây táo, cây Bưởi Pômilô chỉ cho quả đến hết tháng 8 âm lịch. Cây táo hết mùa ra quả lại phải chặt đi để nảy mầm cho mùa quả sau, khi đó chỉ còn trơ lại gốc, vườn lại thiếu đi mầu xanh.

Khi đó ông nảy sinh ý nghĩ, nếu cây bưởi Bồ Đề được trồng ở đây, khách thăm quan Vườn Bác sẽ được chiêm ngưỡng những quả bưởi có mã đẹp, nặng đến 5 kg, mỏng cùi đanh tép, đặc biệt hơn, bưởi sẽ chín đúng vào dịp Tết Nguyên đán, toả hương thơm ngát, bưởi có thể đậu đến hết mùa xuân mà không bị rụng.

Mạnh dạn đề nghị với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về suy nghĩ của mình, ông đã được các cán bộ tại đây ghi nhận và trực tiếp về khảo sát giống bưởi Bồ Đề. Ngay trong năm đó, cây bưởi Bồ Đề đầu tiên của Hà Nam đã được trồng bên Lăng Bác.

Dẫn chúng tôi đến cạnh gốc cây kỳ đà, nâng niu từng quả được bọc trong túi ni lông một cách cẩn thận, ông Đạo khiến cho chúng tôi bất ngờ bởi gốc kỳ đà ông Đạo dày công chăm sóc đã phần nào nói lên tình yêu của ông dành cho đất, cho cây.

Thoạt nhìn cây kỳ đà này giống như những cây khác, nhưng có điều đặc biệt là mỗi nhánh cây cho ra một thứ quả khác nhau như bưởi da xanh, bưởi đào, bưởi đỏ, chanh yên, phật tử, kỳ đà... Có thể nói rằng đây là cây kỳ đà đa trái.

Ông Đạo cho biết, vườn cây này trước đây của ông cụ thân sinh ra ông để lại, vốn được trồng những cây chuối, cây tre rập rạp. Đến khi thừa kế vườn cây, lại có thời gian rảnh rỗi ông đã tìm tòi, sáng tạo và đi thu thập những cây ăn quả quý, đặc sản của các vùng khác về trồng như bưởi da xanh, nhãn Khoái Châu muộn, hồng xiêm, chanh yên, kỳ đà lai ghép...

Riêng vườn nhãn của gia đình ông có tới gần 200 gốc, một nửa trong số đó là nhãn Khoái Châu muộn cho năng suất và chất lượng quả được cánh thương lái rất ưa chuộng, mang lại hiệu quả kinh tế tương đối lớn.

Nhẩm tính, từ khi cây bưởi Bồ Đề được trồng trong vườn Bác đến nay đã hơn 1 thập kỷ, ông Đạo khoe với chúng tôi về tấm ảnh chụp cây bưởi hiến tặng ngày nào giờ đã cao to, vươn mình cho ra những tán lá xanh quanh năm, đúng dịp Tết Nguyên đán cho những trái bưởi vàng ươm, toả hương thơm thoang thoảng cả một góc vườn.

Từ năm 1998 đến nay, ông đã vinh dự 5 lần được hiến những cây bưởi, chanh yên, phật tử, kỳ đà, nhãn, hồng xiêm vào vườn Bác, trong đó có lần cán bộ của Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về tận vùng quê chiêm trũng để đánh cây tại vườn của ông.

Thăm ngôi nhà khang trang tọa lạc trong khu vườn luôn toả hương thơm của hoa, trái, chúng tôi thật ấn tượng đối với cách bài trí, sắp xếp các đồ đạc trong gia đình ông một cách rất gọn gàng, ngăn nắp, khoa học.

Tại vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà là bức ảnh chân dung của Bác Hồ do Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng, trong tủ được trưng bày những kỷ vật gắn liền với những lần ông viếng Lăng và hiến tặng cây vào vườn bên Lăng Bác.

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ về sự nghiệp trồng cây, trồng người, ông Đạo luôn luôn răn dạy con cháu mình phải phát huy truyền thống gia đình cách mạng, nỗ lực phấn đấu, trở thành người có ích cho nước, cho đời.

Ông tự hào khoe với chúng tôi rằng tất cả 5 người con của ông đều rất thành đạt, mỗi người đang theo một nghiệp khác nhau và bận rộn với công việc của mình. Nhưng mỗi khi ngày lễ, Tết hay những ngày giỗ chạp đều tề tựu đông đủ, thụ hưởng những hoa thơm, trái ngọt từ chính mảnh vườn do ông Đạo hàng ngày chăm sóc.

Như thay cho lời chia tay chúng tôi, ông Đạo bộc bạch rằng khi còn sức khoẻ là còn lao động và ông còn mong muốn chiết ghép được nhiều cây quý nữa để hiến tặng vào vườn Bác, bởi được đưa cây vào trồng trong vườn Bác đối với ông là một niềm vinh dự vô cùng lớn lao, cũng là cách ông thể hiện tình yêu thiêng liêng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh./.

ĐỨC PHƯƠNG (TTXVN)

Dương Thúy Hà – Sưu tầm

Bài viết khác: