Với chất giọng xứ Nghệ ngọt ngào và sâu lắng khi kể về thời thơ ấu của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các thuyết minh viên đã làm nhiều du khách bồi hồi, xúc động mỗi khi đến thăm quê Bác.

tu-hao-nguoi-thuyet-minh-1
Bằng chất giọng sâu lắng và ngọt ngào, các thuyết minh viên đã làm sống dậy
cuộc đời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Nghe lời kể về thời thơ ấu của Bác, nhìn chiếc võng Bác từng nằm, ông Nguyễn Khang (70 tuổi, quê Quảng Nam) chốc chốc lại lau nước mắt: “Tôi không ngờ sống đến từng này tuổi vẫn còn được nghe về cuộc đời của Bác, lại được chứng kiến ngôi nhà Bác từng sống lúc nhỏ. Thật cảm ơn các cô hướng dẫn viên đã giúp tôi có được những giây phút lịch sử như thế này”.

Vẫn ngôi nhà tranh vách nứa đơn sơ mộc mạc đó, nhưng qua lời kể đầy truyền cảm của các thuyết minh viên tại Khu Di tích Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An) vẫn khiến cho du khách cảm thấy thân thương, lôi cuốn và đầy xúc động.

Đến với công việc này đã được 15 năm, mỗi ngày đón tiếp hàng chục đoàn, nhưng đến bây giờ chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1977) vẫn còn cảm thấy như ngày hôm qua: “Mỗi năm có hàng trăm nghìn du khách trong nước và quốc tế đến thăm Làng Sen, nhiều độ tuổi khác nhau với nhiều hiểu biết về Bác khác nhau, vì thế chúng tôi cũng phải dùng nhiều cách để nói về cuộc sống của Bác, nên ngày hôm nay đều cảm giác mới lạ hơn ngày hôm qua”.

Từ nhỏ, khi được bố mẹ đưa đi thăm quê Bác lần đầu tiên, chị Huyền đã mơ ước lớn lên được mặc áo dài và kể những câu chuyện về Bác. Sau khi tốt nghiệp Khoa Du lịch, Đại học Vinh, chị nghe thông tin tuyển người trên đài phát thanh nhân kỷ niệm 110 năm sinh nhật Bác, ngay lập tức chị đã nộp hồ sơ. Đến bây giờ dẫn bao nhiêu đoàn vào thăm nhà Bác, chị cũng không thể nhớ nổi nữa.

“Mỗi đồ vật trong ngôi nhà Bác đều có những câu chuyện riêng, vì vậy chúng tôi phải kể làm sao cho mỗi du khách thấy được cuộc sống ngày xưa của cậu bé Nguyễn Sinh Cung sinh ra và trưởng thành như thế nào, từ đấy mọi người mới cảm nhận được truyền thống quê hương đã tạo nên con người của Bác như bây giờ”.

tu-hao-nguoi-thuyet-minh-2
Mỗi ngày các thuyết minh viên đón hàng nghìn người tới thăm quê Bác

Chị Huyền cho biết, nhiều người có suy nghĩ thuyết minh viên chỉ nói lại một câu chuyện, nghe nhiều lần sẽ cảm thấy nhàm chán. Điều đó không đúng, bởi để nói được về Bác cũng cần có kỹ năng, nghiệp vụ. Mỗi thuyết minh viên được tuyển chọn ngoài trình độ học vấn, ngoại hình, quan trọng nhất là giọng nói phải truyền cảm để dẫn dắt mọi người qua những hiện vật, không gian văn hóa thời niên thiếu của Bác.

“Cách đây mấy năm, sau khi dẫn một đoàn du khách cựu chiến binh ở Hưng Yên xong thì mấy ngày sau tôi bỗng nhiên được nhận một bức thư cảm ơn. Trong đó có những đoạn bị nhòe mực, ở đoạn cuối có lời chú thích: “Khi viết những dòng này cho các cháu, bác đã khóc, bác không kìm được nước mắt nên có những câu bị nhòe. Cảm ơn các cháu hướng dẫn viên đã giúp bác biết về cuộc sống vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc nhỏ…”. Tôi đưa cho mọi người đọc ai cũng vô cùng cảm động, chúng tôi nói với nhau đây là bức thư nước mắt ân tình”, chị Huyền kể về một kỉ niệm khó quên trong thời gian làm thuyết minh.

Tại Khu Di tích, mỗi ngày có hàng nghìn du khách đến tham quan, nhưng chỉ có 20 người phụ nữ làm công việc hướng dẫn viên, thuyết minh. Được làm việc tại đây ai thấy rất vinh dự và tự hào, nhưng do đặc thù nghề nghiệp nên trách nhiệm cũng rất lớn.

Cũng có thời gian công tác gần 10 năm trong nghề, chị Lê Thị Hà cho biết, bản thân di tích gồm tài liệu và hiện vật đã có tính lịch sử, mang sự giáo dục sâu sắc bởi nó gắn với cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì thế để truyền tải nội dung thông tin đến khách tham quan một cách sinh động hơn nữa đòi hỏi những thuyết minh viên cần phải luôn tìm tòi và học hỏi không ngừng.

“Công việc đặc biệt này luôn đòi hỏi chúng tôi không được phép để xảy ra sai sót, dù là nhỏ nhất. Vì thế mỗi câu từ chúng tôi nói với du khách đều phải chọn lựa kỹ nhưng cũng phải bình dị và gần gũi với mọi người dân. Làm sao để mỗi thế hệ du khách đến đây đều cảm nhận được sự chân thực từ mỗi câu chuyện, vừa cảm động khi chứng kiến quá trình trưởng thành của vị lãnh tụ dân tộc”, chị Lê Thị Hà chia sẻ.

Khi hỏi về những khó khăn trong nghề, chị Hà cười: “Đây là nghề nghiệp đặc biệt, chúng tôi phải nói nhiều và nói không ngừng nghỉ. Lúc cao điểm, mỗi ngày phải dẫn đến 20, thậm chí 30 đoàn khách vào tham quan. Vì nói nhiều nên ai cũng mắc bệnh viêm họng, nên hành trang bên mình luôn phải kèm theo một chai nước muối. Bây giờ thì đỡ nhiều vì các thuyết minh viên được cấp một chiếc loa, nhưng lúc tôi mới vào nghề có khi cả tuần nói không ra tiếng”.

Ông Nguyễn Văn Chung, phó Giám đốc Khu Di tích Kim Liên cho biết, được thành lập từ năm 1956, đến năm 1989 Khu Di tích Kim Liên mới tiến hành thi tuyển những hướng dẫn viên chuyên nghiệp đầu tiên. Đến nay đã có tới 6 thế hệ hướng dẫn viên.

Điều đặc biệt, hướng dẫn viên ở đây toàn là nữ và đều là người dân xứ Nghệ, được tuyển chọn gắt gao, có tầm hiểu biết về lịch sử, văn hóa xứ Nghệ và đặc biệt là am tường về cuộc đời của Hồ Chủ tịch cũng như người thân trong gia đình.

“Trong những năm qua, với nhiệm vụ làm cho Khu Di tích sống lại trong lòng tất cả du khách khi đến với quê hương Chủ tịch Hồ Chủ Minh, các thế hệ hướng dẫn viên ở Khu Di tích Kim Liên luôn làm tốt nhiệm vụ được giao, phát huy truyền thống lịch sử, góp phần quảng bá hình ảnh con người Nghệ An thân thiện và mến khách”, ông Chung nói./.

Anh Ngọc

Theo nguoiduatin.vn

Đặng Tuyết (st)

Bài viết khác: