Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1990, hằng năm, theo hiệp định thỏa thuận giữa hai nhà nước Việt Nam và Liên Xô, các chuyên gia y tế, kỹ thuật của bạn đã định kỳ, lần lượt sang Việt Nam để hướng dẫn, đào tạo cán bộ, nhân viên kỹ thuật vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng và giúp đỡ chúng ta giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Tình cảm, tình đồng chí, tình thầy trò luôn được giữ gìn và trân trọng. Trong 15 năm đã có hàng chục lượt chuyên gia sang Việt Nam và bạn đã không quản ngại khó khăn, gian khổ bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm quản lý, vận hành hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng Bác. Từ chỗ chúng ta chưa trực tiếp vận hành được thiết bị kỹ thuật, không bao lâu, toàn bộ hệ thống thiết bị kỹ thuật công trình Lăng Bác đã được đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh làm chủ hoàn toàn.
Lãnh đạo Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tri ân các chuyên gia Nga.
Ảnh: HỮU ĐOÀN.
Cố Thiếu tướng Lương Soạn và Thiếu tướng Nguyễn Văn Tưởng, trên cương vị Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi còn công tác đã cùng có chung nhận xét: “Các chuyên gia y tế, kỹ thuật của bạn luôn là những người thầy, tận tụy với những người học trò ham học và luôn tìm tòi vươn tới cái mới, từng bước làm chủ được nhiệm vụ chính trị”. Cũng chính vì lòng say mê, tìm tòi và sáng tạo, đội ngũ cán bộ, nhân viên kỹ thuật của ta đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật các thiết bị cho phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam. Cụm công trình khoa học phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác được Giải thưởng Nhà nước đã minh chứng cho trí thông minh, sự sáng tạo của đội ngũ cán bộ y tế, kỹ thuật Việt Nam dưới sự quan tâm, chỉ bảo tận tình, chu đáo của các chuyên gia bạn.
Lịch sử sẽ mãi còn ghi nhớ thời điểm, tháng 8-1991, hệ thống chính trị của Liên Xô có sự thay đổi. Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu bị sụp đổ, hệ thống XHCN trên thế giới lâm vào tình trạng thoái trào. Đối với Việt Nam, sự thay đổi đột ngột đó đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, chính trị và xã hội… Trước khi Liên Xô sụp đổ, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là một công trình được Đảng, Nhà nước Liên xô viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam. Giờ đây, sự giúp đỡ đó không còn nữa, khó khăn lại chồng chất khó khăn. Các lực lượng trong Ban Quản lý Lăng, nòng cốt là Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã kịp thời tham mưu, đề xuất với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, nhanh chóng chuyển đổi mô hình sang hợp tác trực tiếp với Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga (Viện Thi hài Lê-nin trước đây), đồng thời tích cực tranh thủ sự hợp tác với các nhà khoa học y tế Liên bang Nga. Giải quyết tốt được “nút thắt” này, nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh không bị gián đoạn, đồng thời cũng giải tỏa được nỗi niềm băn khoăn, lo lắng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trước sự tan rã của Liên Xô.
Người Anh có câu ngạn ngữ: “Tình bạn đến với nhau trong lúc khó khăn mới thực sự là tình bạn”, đối chiếu với thời điểm của chúng ta vào cuối năm 1991, đầu năm 1992 của thế kỷ trước, sự chia sẻ, giúp đỡ của các nhà khoa học y tế Liên bang Nga lúc đó mới đáng quý làm sao. Đành rằng, chúng ta đã tích cực chủ động, tự lực, tự cường, nhưng những kiến thức và kinh nghiệm và đội ngũ cán bộ, bác sĩ của chúng ta còn rất non trẻ, so với yêu cầu nhiệm vụ chính trị đặc biệt còn phải cố gắng nhiều hơn nữa. Trong sự khó khăn đó, chúng ta đã nhận được sự chia sẻ, động viên và hợp tác có hiệu quả của các nhà khoa học y tế Liên bang Nga. Thiếu tướng, TS Nguyễn Quang Tấn, người có thời gian giữ chức Trưởng ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng dài nhất (từ năm 1992 đến năm 2003), người đã trực tiếp cùng với Thường vụ Đảng ủy Đoàn 969 và Bộ tư lệnh chèo lái con thuyền trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, đầy gian nan thử thách đã nhớ lại thời điểm có ý nghĩa lịch sử này: “Thiết bị, vật tư y tế, ta phụ thuộc hoàn toàn vào phía bạn. Trước tình hình trên, Đảng, Nhà nước đã dành sự quan tâm đặc biệt tới nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương đã ra Nghị quyết chuyên đề lãnh đạo đơn vị thực hiện nhiệm vụ trong tình hình mới. Ngày 10-7-1991, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Nguyễn Khánh đã chủ trì hội nghị đặc biệt tại Lăng Bác để bàn biện pháp tiếp tục giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tình hình không còn sự viện trợ trực tiếp của Liên Xô”. Cũng trong thời điểm cam go đó, chúng ta đã tranh thủ được sự giúp đỡ về nhiều mặt của các chuyên gia bạn và sự kiện chuyển từ viện trợ không hoàn lại sang hợp tác trực tiếp đã mở ra một hướng đi mới cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thiếu tướng Nguyễn Quang Tấn, khi hồi tưởng lại những sự kiện diễn ra cách đây hơn 20 năm đã viết: “Nhân dịp này, tôi xin phép được dành những tình cảm đặc biệt, lòng biết ơn sâu sắc đến Giáo sư, Viện sĩ X.X.Đê-bốp, Viện trưởng Viện Cấu trúc sinh học Liên bang Nga, người đã cùng tôi ký bản thỏa thuận có tính chất mở đầu cho một thời kỳ mới… Các Giáo sư Iu.A.Rô-ma-cốp, I.N.Mi-khai-lốp, L.Đ.Giê-rép-xốp, những người tích cực ủng hộ cho thỏa thuận về quan hệ trực tiếp đã đi vào cõi vĩnh hằng. Đặc biệt, tôi dành tình cảm kính trọng đối với Viện sĩ V.A.Bư-kốp, Giám đốc G.NU.VILAR, nhà quản lý, nhà khoa học tài ba đã đặt nền móng cho hợp tác trực tiếp giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Viện Nghiên cứu công nghệ y sinh Mát-xcơ-va”.
Cũng từ năm 1992 trở đi, quan hệ hợp tác giữa ta và chuyên gia y tế Liên bang Nga đã mở ra một chương mới. Hằng năm, theo sự thỏa thuận hai bên, các chuyên gia của bạn tiếp tục sang Việt Nam giảng dạy và hợp tác nghiên cứu khoa học cùng với các nhà khoa học y tế Việt Nam. Phía Việt Nam, cũng cử cán bộ, bác sĩ sang Liên bang Nga học tập và nghiên cứu khoa học phục vụ cho nhiệm vụ giữ gìn lâu dài thi hài Bác. Quá trình học tập, nghiên cứu và tích lũy kinh nghiệm trong những năm qua, đội ngũ các nhà khoa học y tế Việt Nam đã trưởng thành tiến bộ, công lao đó trước hết thuộc về những chuyên gia Nga, những người thầy đã hết lòng hướng dẫn, bồi dưỡng kiến thức cho các đồng nghiệp của Việt Nam. Hình ảnh tận tụy, hết lòng vì công việc của cố Giáo sư, TSKH V.L.Kô-den-sép, người đã có “thâm niên” 14 lần sang Việt Nam; cố Tiến sĩ V.P.Gô-lu-bép, 13 lần sang Việt Nam; Giáo sư, TSKH A.A.Đốc-tơ-rốp, 10 lần sang Việt Nam; cố TS V.K.Va-xi-lép-ski, 14 lần sang Việt Nam… để lại những tình cảm hết sức tốt đẹp trong lòng đội ngũ bác sĩ của Việt Nam.
Trong những năm vừa qua, theo cơ chế hợp tác trực tiếp, bên cạnh số chuyên gia đã sang Việt Nam nhiều lần và tham gia giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ trong chiến tranh, bạn đã cử thêm một số chuyên gia mới sang huấn luyện bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, bác sĩ của ta. Trong số các chuyên gia lần đầu sang Việt Nam có một số nữ chuyên gia như các chị: M.I.Bê-lô-xô-va, T.V.Vô-lô-đi-a và I.V.Ta-chi-an-na. Các chuyên gia Liên bang Nga đã nêu tấm gương sáng về năng lực, trình độ và lòng say mê nghề nghiệp cho các bác sĩ chúng ta học tập và làm theo. Đánh giá về sự giúp đỡ to lớn của các chuyên gia y tế Liên bang Nga trong những năm hợp tác trực tiếp vừa qua, Đại tá, TS Vũ Văn Bình, nguyên Viện trưởng Viện 69 đã nhận xét: “Chuyên gia Nga là những nhà khoa học giỏi về chuyên môn, tận tụy với nghề nghiệp và hết lòng giúp đỡ cán bộ, bác sĩ Việt Nam”. Không phụ lòng quan tâm của các bạn Nga, đội ngũ cán bộ, bác sĩ của chúng ta đã có sự trưởng thành vượt bậc. Nay chúng ta đã độc lập tự chủ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị bảo quản, gìn giữ lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đặc biệt, từ mùa xuân năm 2004, bạn đã chính thức phối hợp với ta tiến hành pha chế dung dịch đặc biệt tại Việt Nam, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ hợp tác giữa ta và bạn.
Những ngày này, trong không khí tưng bừng chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9 và 40 năm khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ, trao đổi với Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban Quản lý Lăng kiêm Tư lệnh Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người vừa dẫn đầu đoàn cán bộ cấp cao của Ban Quản lý Lăng sang Mát-xcơ-va làm việc với bạn về nội dung chương trình hợp tác giữa Ban Quản lý Lăng và Trung tâm Nghiên cứu công nghệ, y sinh Mát-xcơ-va, Thiếu tướng Nguyễn Văn Cương tâm sự: “Các chuyên gia bạn phần lớn đã lớn tuổi, một số đã qua đời, nhưng bạn rất nhiệt tình với công việc huấn luyện, đào tạo và truyền thụ kinh nghiệm cho cán bộ, bác sĩ của Việt Nam. Khi nghe chúng ta báo cáo về kết quả công việc hiện nay, về trạng thái thi hài Bác, bạn rất phấn khởi. Đặc biệt, khi chúng ta nói về phương hướng tới, nhất là sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong thực hiện Đề án 2341 của Thủ tướng Chính phủ và Nghị quyết 122 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về: “Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa Công trình Lăng của Người trong giai đoạn mới”, mọi người rất xúc động, vui mừng chia sẻ với những thành công của chúng ta”.
40 năm Lăng Bác khánh thành và đi vào hoạt động, 46 năm giữ gìn tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Lăng Bác mãi trường tồn với toàn dân tộc. Thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau, luôn ghi nhớ công lao của các nhà khoa học y tế, kỹ thuật Liên Xô, Liên bang Nga; tình bạn, tình hữu nghị thủy chung sẽ còn mãi mãi./.
Trung tướng, PGS, TS ĐẶNG NAM ĐIỀN, Chính ủy Học viện Hậu cần, nguyên Chính ủy Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Theo Báo Quân đội nhân dân
Tâm Trang (st)