Một trong những thành quả nổi bật trong công cuộc xây dựng đất nước 70 năm qua và nhất là sự nghiệp đổi mới đất nước gần 30 năm qua là hội nhập kinh tế quốc tế (KTQT). Hội nhập KTQT đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước, góp phần củng cố môi trường hòa bình, tranh thủ tối đa các điều kiện quốc tế thuận lợi để phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Đúng như nhận định của Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trong bài viết đăng trên Báo Quân đội nhân dân số ra ngày 29-7-2015 với nhan đề “Tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, sớm đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, thì Việt Nam “chủ động hội nhập quốc tế để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia”.
Trong quá trình hội nhập KTQT, các quy định pháp luật đã được Quốc hội, Chính phủ rà soát và hoàn thiện theo hướng sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm thực hiện các cam kết quốc tế. Thể chế hóa Cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Hiến pháp năm 2013, nhiều luật, pháp lệnh liên quan đến các lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế được hoàn thiện, thể hiện qua nhịp độ khẩn trương của hoạt động lập pháp của Quốc hội. Chính phủ đã tích cực trong việc ban hành các văn bản hướng dẫn. Về cơ bản, hệ thống pháp luật được sửa đổi, bổ sung thời gian qua đã góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh cho doanh nghiệp bằng việc bảo vệ quyền kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, bảo đảm sự bình đẳng giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài. Việc vận dụng và hoàn thiện hệ thống pháp luật có vai trò quan trọng để phát huy các lợi thế do hội nhập mang lại cũng như hạn chế các tác động tiêu cực từ quá trình hội nhập quốc tế.
Hội nhập KTQT đã giúp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, góp phần đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế tương đối cao. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ở các khu vực nông-lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ… cho thấy sự thay đổi về cơ cấu so với trước khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2007. Tốc độ tăng trưởng cao nhất thuộc về khu vực dịch vụ, tiếp đó là công nghiệp và xây dựng; nông-lâm-ngư nghiệp. Tính trung bình năm giai đoạn 2007-2014, tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ, công nghiệp và xây dựng, nông-lâm-ngư nghiệp lần lượt là 6,88%, 6,2% và 3,33%. Sự phát triển mạnh của khu vực dịch vụ có tác động tích cực từ việc mở cửa thị trường dịch vụ theo cam kết quốc tế, trong khi khu vực công nghiệp và xây dựng, dịch vụ tiếp tục giữ vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế. Hội nhập KTQT đã tạo ra những tác động tích cực về mở rộng thị trường, đầu tư đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam, thể hiện qua tăng trưởng kim ngạch và thị phần xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam có quan hệ thương mại với hơn 230 nước, vùng lãnh thổ. Thị trường xuất khẩu được đa dạng hóa. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường trọng điểm, đặc biệt là các thị trường có Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đều đạt mức tăng trưởng cao. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 150,19 tỷ USD, gấp 3,09 lần so với năm 2007; trong khi nhập khẩu là 148,05 tỷ USD, gấp 2,36 lần so với năm 2007.
Trong quá trình hội nhập, điều đáng mừng là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cơ bản đã chủ động chuyển đổi để thích ứng với các điều kiện cạnh tranh quyết liệt trên thị trường trong nước và thế giới. Số liệu thống kê của UBND TP Hồ Chí Minh cho thấy, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của thành phố trong khu vực kinh tế ngoài Nhà nước năm 2014 chiếm 58,8% so với 23,7% của khu vực vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và 17,5% của khu vực kinh tế Nhà nước. Xu hướng tăng dần tỷ trọng của khu vực dân doanh cho thấy sức sống mãnh liệt và khả năng thích ứng tuyệt vời trong hội nhập của kinh tế tư nhân. Ở cấp độ doanh nghiệp, có thể kể ra nhiều gương sáng. Điển hình như Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex ở TP Hồ Chí Minh, sau 9 năm hội nhập, vốn điều lệ tăng từ 14,4 tỷ đồng lên 223 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt gần 1 tỷ USD/năm, chủ yếu là xuất khẩu nông sản; Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) trong 12 năm sau cổ phần hóa, hằng năm doanh thu tăng bình quân 22%, lợi nhuận sau thuế tăng 26%, vốn chủ sở hữu tăng 10,6 lần, tổng tài sản tăng 10,1 lần, trở thành công ty sữa số một Việt Nam, là một trong 50 công ty sữa lớn nhất thế giới, doanh thu đạt gần 3 tỷ USD. Mới đây, khi tới thăm và làm việc với Vinamilk, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã đánh giá cao những thành công của doanh nghiệp và “thực sự ngưỡng mộ một doanh nghiệp Việt Nam đã làm vẻ vang thương hiệu Việt trong tiến trình hội nhập KTQT, trong môi trường cạnh tranh khốc liệt, trở thành niềm tự hào của đất nước, con người Việt Nam”.
Đóng góp của khu vực FDI trong tổng sản phẩm nội địa cũng tăng mạnh từ năm 2007 đến nay, nhờ giá trị xuất khẩu của khu vực này tăng mạnh. Giá trị xuất khẩu của khu vực FDI trung bình giai đoạn 2007-2014 đạt 56,06 tỷ USD, chiếm 61% tổng giá trị xuất khẩu cả nước. Ngoài ra, khu vực FDI tạo ra khoảng 2 triệu việc làm trực tiếp và hàng triệu việc làm gián tiếp cho nền kinh tế. Số liệu điều tra năm 2013 cho thấy, khu vực này chiếm 26,6% tổng số lao động của nền kinh tế, chiếm 19,1% tổng vốn sản xuất kinh doanh bình quân của các loại hình doanh nghiệp, 25% doanh thu thuần sản xuất kinh doanh, 42,4% lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp. Cùng với quá trình hội nhập KTQT sâu rộng, hoạt động đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài dần được mở rộng, đa dạng hơn cả về thị trường và lĩnh vực đầu tư. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lũy kế đến tháng 4-2015, vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài là 20 tỷ USD, trong đó 15 tỷ USD là vốn đăng ký đầu tư của 962 dự án mới, 5 tỷ USD là vốn tăng thêm của 115 lượt dự án đã đầu tư. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài không còn chỉ giới hạn trong khu vực doanh nghiệp Nhà nước mà đã có nhiều cá nhân, doanh nghiệp tư nhân đầu tư ra nước ngoài. Năm 2014, số dự án đầu tư ra nước ngoài của các doanh nghiệp tư nhân chiếm 76% tổng số dự án.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) xác định chỉ số cạnh tranh toàn cầu 2014/2015 của Việt Nam xếp thứ 68. So với khu vực ASEAN, có thể thấy xếp hạng của Việt Nam năm 2014 vẫn ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực như: Xin-ga-po xếp thứ 2, Ma-lai-xi-a xếp thứ 20, Thái Lan thứ 31, In-đô-nê-xi-a thứ 34 và Phi-líp-pin thứ 52. Dựa trên ba yếu tố quan trọng trong cách xếp hạng của WEF về thể chế, chính sách và năng suất, có thể thấy mặc dù chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế ngày càng cao, nhưng Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện cả ba yếu tố này. Ngoài ra, số liệu thống kê của Việt Nam cho thấy có sự cải thiện trong yếu tố năng suất lao động xã hội, cụ thể năng suất lao động năm 2014 gấp 2,7 lần so với năm 2007.
Chủ trì thực hiện giám sát tối cao của Quốc hội về kết quả hội nhập kinh tế từ khi nước ta trở thành thành viên WTO, chuẩn bị báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 10 tới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu nhận định, quá trình hội nhập KTQT cho thấy kết quả của quá trình thực hiện cam kết WTO nói riêng và hội nhập KTQT nói chung khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong mở rộng hợp tác KTQT và quan hệ đối ngoại, tạo tiền đề thúc đẩy quá trình hội nhập quốc tế trong các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh… nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Đoàn giám sát của Quốc hội nhận thấy, hội nhập KTQT đã góp phần to lớn cho những thành tựu đạt được trong lĩnh vực kinh tế của tỉnh Bình Dương. Năm 2014, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng bình quân 13%. Cơ cấu kinh tế công nghiệp-dịch vụ-nông nghiệp với tỷ trọng tương ứng là 60,8%-36,2%-3%, GDP bình quân đầu người đạt 61,2 triệu đồng. Bình Dương là một trong những điểm đến đáng tin cậy của các nhà đầu tư. Tính đến hết quý I-2015, toàn tỉnh hiện có 18.001 doanh nghiệp trong nước đăng ký kinh doanh với tổng số vốn là 136.506 tỷ đồng và 2.440 dự án đầu tư nước ngoài với tổng số vốn là 20,8 tỷ USD từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ, trở thành một trong 5 địa phương có số vốn đầu tư nước ngoài vượt mốc 20 tỷ USD.
Khi làm việc với TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đánh giá, kết quả đạt được của thành phố đã chứng minh sinh động về định hướng đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong hội nhập, triển khai kịp thời các chủ trương, chính sách, pháp luật về hội nhập, phối hợp nhịp nhàng với các bộ, ngành ở Trung ương trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực thi các cam kết quốc tế…
Đoàn giám sát của Quốc hội nhìn nhận, hội nhập KTQT đã tác động toàn diện đến mọi mặt phát triển của đất nước. Quá trình hội nhập đã góp phần phát huy nội lực, lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh giữa các vùng, các lĩnh vực và thúc đẩy phát triển kinh tế nhanh, bền vững với những cải cách, hoàn thiện về thể chế, tái cơ cấu nền kinh tế và chuyển hướng bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, góp phần phát huy những lợi thế của hội nhập KTQT và hạn chế những tác động tiêu cực từ bên ngoài… Trong quá trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế, chúng ta nhận thức rõ hơn về những yếu kém, bất cập của nền kinh tế, từ đó có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng, cải cách hành chính gắn với tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng lực cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế./.
Tiến sĩ TRẦN VĂN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính
- Ngân sách của Quốc hội
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)