Luật sư Loseby từng nói rằng, việc bào chữa cho Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ chính là việc tốt nhất mà ông đã làm. Từ mối quan hệ, luật sư – bị cáo, họ trở thành những người bạn. Trải qua năm tháng, tình bạn ấy trở thành một tài sản vô giá của nhân dân Việt Nam.

Người giúp Nguyễn Ái Quốc thoát khỏi nhà tù thực dân

Kể từ khi thay mặt Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp ký tên vào bản Yêu sách của nhân dân An Nam gửi Hội nghị Versailles cho đến khi sáng lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc trở thành một nhân vật quan trọng trong kế hoạch lùng bắt của Pháp.

Vì vậy, ngày 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc – Tống Văn Sơ bị bắt lén ở số nhà 186 Tam Kung, Hương Cảng.

Chính quyền Pháp rất mừng trước việc Nguyễn Ái Quốc bị bắt. Toàn quyền Robin điện từ Hà Nội báo tin cho Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp, Bộ Ngoại giao và Tổng Lãnh sự Pháp tại Hồng Kông về “niềm vui bất ngờ này”. Đồng thời, chúng mở cuộc vận động chính quyền Hồng Kông giao Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền Pháp bằng cách dẫn độ về Đông Dương hoặc giam giữ ở một nơi xa xôi nào đó của Anh trên nguyên tắc “có đi có lại”, chứ tuyệt nhiên không được “trả tự do” cho Người. Vì “trả tự do cho con người vô cùng năng động và nguy hiểm này là khả năng cần phải tránh bằng mọi giá”.

bac-ho-voi-qte-2-1
Vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông được tái hiện qua bộ phim cùng tên.

Trong khi đó, biết tin Nguyễn Ái Quốc bị bắt, qua Liên đoàn Quốc tế cứu tế đỏ, Hồ Tùng Mậu đến gặp ông Francis Henry Loseby – một luật sư tiến bộ, người Anh ở Hồng Kông nhờ giúp đỡ. Việc làm trái pháp luật bại lộ khi báo chí đồng loạt đưa tin sự kiện Nguyễn Ái Quốc bị bắt. Để hợp pháp hóa việc bắt giữ, Thống đốc Hồng Kông ra lệnh bắt giam Người nhiều lần và Sở cảnh sát Hồng Kông buộc phải đồng ý để luật sư vào gặp Tống Văn Sơ (24/6/1931).

Luật sư tìm cách bào chữa và ngăn cản âm mưu của chính quyền Hồng Kông giao nộp Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền Pháp ở Đông Dương. Sau khi tiếp xúc và trả lời những câu hỏi liên quan đến vụ án mà luật sư nêu ra, người tù Tống Văn Sơ cảm ơn sự quan tâm của ông Loseby đối với mình, và tỏ ý băn khoăn vì không có tiền để trả công cho ông.

Một người thanh niên Việt Nam gầy, xanh, song vẻ cương nghị, sự thông minh trong từng câu nói bằng tiếng Anh và đôi mắt sáng đã làm luật sư xúc động. Luật sư chân tình nói: “Tôi nhận giúp vì danh dự chứ không phải vì tiền”. Luật sư sẽ ra sức cứu giúp, mong người tù tin tưởng và hãy cung cấp cho ông những điều gì có thể giúp trong việc bênh vực… Và rằng, biết được mỗi ngườicách mạngđều có bí mật riêng của họ nên ông không muốn hỏi thêm nhiều nữa.

Nhân cách của Tống Văn Sơ gây được mối thiện cảm sâu sắc với những người trước đó còn xa lạ với Người: gia đình ông bà luật sư Loseby và cả những người trong văn phòng luật sư của ông...

Thời gian Tống Văn Sơ bị giam giữ cũng đồng thời là khoảng thời gian nước rút của cuộc đua, giữa một bên là gia đình luật sư và những người bảo vệ Tống Văn Sơ, một bên khác là sự cấu kết, có điều kiện của mật thám Anh và Pháp muốn hãm hại người Cộng sản.

bac-ho-voi-qte-2-2
Bác Hồ nhận được tình cảm quý mến đặc biệt từ luật sư Loseby và gia đình ông.

Lúc ấy, nhiều tờ báo thông tin về vụ việc: báo Nhân Đạo của Đảng Cộng sản Pháp ngày 19/6/1931 đăng bài “Bọn đế quốc câu kết với nhau. Người Anh đã bắt nhà cách mạng An Nam ở Thượng Hải” - thực chất Người bị bắt ở Hồng Kông và khẳng định: “Vụ bắt Nguyễn Ái Quốc không dập tắt được làn sóng cách mạng của nhân dân Đông Dương”. Báo Điện tín Hồng Kông ngày 22/6/1931 đưa tin: “Một vụ bắt giữ quan trọng ở Hồng Kông. Thành công của Chính phủ Pháp"… Luật sư Loseby đã đưa vụ án Tống Văn Sơ ra xử trước Tòa tối cao.

Lần đầu tiên trong lịch sử thuộc địa, Toà án tối cao phải xét xử một bản án chính trị. Tính chất đặc biệt của vụ án, sự giúp đỡ cùng tài trí của luật sư và người cộng sự, sự thông minh và nhất quán trong từng câu trả lời của Tống Văn Sơ buộc toà án phải xét xử một cách công khai. Tống Văn Sơ phải trải qua 3 cuộc thẩm vấn của Thư ký Trung Hoa vụ Hồng Kông và 9 phiên toà xét xử. Ngày 31/7/1931 là phiên thứ nhất, diễn ra trong không khí căng thẳng, quyết liệt. Và phiên cuối cùng kết thúc vào ngày 12/9/1931.

Tiền án phí và những thủ tục bắt buộc được luật sư lo liệu đầy đủ. Hai người bạn của ông Loseby là luật sư Denis Noel Pritt và Stafford Cripps cũng nhận lời giúp đỡ Tống Văn Sơ. Cuối cùng, toà án Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ. Ngày 28/12/1932, Tống Văn Sơ định tới Anh, song khi đi đến Singapore, Người lại bị chính quyền sở tại buộc quay trở lại Hồng Kông. Ngày 19/1/1933, một lần nữa Người bị bắt giam.

Ngay khi ấy, Nguyễn Ái Quốc kịp thời viết thư báo tin cho luật sư Loseby và nhờ ông giúp đỡ. Luật sư đề nghị Thống đốc Hồng Kông can thiệp. Thống đốc buộc không còn cách nào khác là ra lệnh thả Tống Văn Sơ và hạn trong ba ngày Người phải rời khỏi Hồng Kông.

Thêm một lần, gia đình luật sư Loseby lại bênh vực và cứu Tống Văn Sơ ra khỏi nhà tù. Kế hoạch di chuyển và bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ trốn được vạch ra. Lúc Người ở tạm trong ký túc xá Hội Thanh niên Thiên chúa giáo Trung Hoa (YMCA), khi thì ở ngay trong nhà của luật sư Loseby. Cuối cùng, ngày 22/1/1933, Nguyễn Ái Quốc cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có. Với một viên thư ký tháp tùng (thư ký của luật sư), Người đi xuồng ra khơi, rồi lên tàu Anhui tới Hạ Môn.

Ở Hạ Môn một thời gian, Người lên Thượng Hải. Sau khi nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc bắt liên lạc được với Quốc tế Cộng sản và trở về Liên Xô an toàn.

Tình bạn thủy chung

Sau khi rời khỏi Hồng Kông, Nguyễn Ái Quốc hai lần viết thư cho luật sư Loseby. Vì sợ nhà cầm quyền tìm ra địa chỉ của Người nên luật sư không trả lời. Trong thời gian đó, Bác tiếp tục hành trình tìm đường giải phóng dân tộc.

Mùa xuân năm 1941, Người trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng. Cuộc cách mạng giải phóng dân tộc mùa thu năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Người thanh niên Việt Nam Tống Văn Sơ được gia đình luật sư cứu giúp năm nào, giờ đây trở thành Chủ tịch nước Việt Nam độc lập.

bac-ho-voi-qte-2-3
Gia đình luật sư thăm Việt Nam năm 1960
.

Là lãnh tụ, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn bộn bề công việc. Song dù bận, Người vẫn không quên gửi thư, thiếp và quà đến gia đình luật sư Loseby mỗi dịp Noel, khi xuân về, tết đến. Năm 1956, Hồ Chủ tịch gửi thư và ảnh của Người đến gia đình luật sư và gia đình luật sư cũng gửi thư và ảnh cho Bác.

Mùa Xuân năm 1960, nhận lời mời của Hồ Chủ tịch, vợ chồng luật sư cùng con gái sang ăn tết cổ truyền với nhân dân Việt Nam (26/1 đến 3/2/1960), thăm đất nước mà họ từng được nghe qua lời kể của người tù từ năm 1931. Gia đình luật sư đi thăm vịnh Hạ Long, mỏ than Cẩm Phả, thăm Bảo tàng cách mạng Việt Nam, nhà máy Cơ khí Hà Nội, Trại nhi đồng miền Nam tại Hà Nội...

Trở về Hồng Kông, luật sư viết thư cho Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/2/1960), bày tỏ lòng cảm ơn Người và sự hiếu khách của nhân dân Việt Nam đối với gia đình ông trong những ngày thăm Việt Nam. Ông viết: “Chúng tôi không thể quên đất nước Việt Nam tươi đẹp, những khuôn mặt rạng rỡ nụ cười của con người Việt Nam và con đường mà tất cả các bạn đã trải qua để dẹp bỏ mọi dấu vết đau thương của quá khứ… Và ngài nói rằng tôi “đã cứu sống ngài”. Điều đó có thể đúng. Nếu vậy thì đó chính là việc làm tốt nhất mà tôi đã từng làm, và đó mãi mãi là một việc làm sáng suốt. Về phần tôi thì tôi thấy mình đã được đền đáp hơn nhiều với ký ức về thời gian ở Việt Nam. Những món quà mà tôi được tặng sẽ luôn là vật kỷ niệm về tháng ngày tuyệt vời đó”.

bac-ho-voi-qte-2-4
Trải qua thời gian, tình bạn thủy chung giữa Hồ Chủ tịch và gia đình luật sư ngày một sâu nặng.

7 năm sau đó, luật sư Loseby qua đời. Báo Hoa Nam buổi sáng ở Hồng Kông (1967) đưa tin luật sư mất, cùng những dòng chữ của gia đình với nội dung: “Xin đừng mang hoa đến viếng. Hãy dùng số tiền phúng viếng đó để giúp đỡ người nghèo”.

Nhận được tin vị ân nhân cứu sống mình qua đời, không với tư cách Chủ tịch nước, không ở cương vị quốc gia, giữa nồng hậu thân tình gia đình, vòng hoa gửi kính viếng luật sư của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa giản dị với dòng chữ: "Hồ Chí Minh kính viếng!".

Khi Bác kính yêu của chúng ta qua đời, điện chia buồn của gia đình luật sư gửi Lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc in đậm dòng chữ: "Được tin Chủ tịch qua đời, xin bày tỏ tình cảm sâu sắc nhất!", có kèm chữ ký của bà luật sư cùng con gái.

Cùng với thời gian, tình nghĩa trọn vẹn thuỷ chung của Hồ Chủ tịch với luật sư Loseby, tấm lòng trước sau như một của nhân dân Việt Nam đối với gia đình luật sư Loseby và gia đình luật sư đối với Việt Nam vẫn còn lưu truyền mãi. Đâu đó, trong bức tranh thêu chùa Một Cột Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng luật sư; trong bộ quần áo, mũ, giày, kính gia đình luật sư tặng và Người dùng năm nào; trong những bức ảnh của gia đình luật sư; những kỷ vật, tài liệu liên quan đến vụ án Hồng Kông những năm 1931 - 1933… đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Và ở những nơi khác nữa trên mảnh đất Việt Nam, tại gia đình luật sư vẫn thấy hiển hiện một tình bạn cao cả, một ân tình sâu nặng Hồ Chí Minh - Loseby mà muôn đời các thế hệ con cháu mai sau ngưỡng mộ và chiêm nghiệm./.

http://thoidai.com.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: