Trong suốt quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc giữ gìn an toàn bí mật của tổ chức cách mạng. Người nhiều lần căn dặn cán bộ, đảng viên, chiến sỹ phải nâng cao cảnh giác, không được lơ là, chủ quan, mất tập trung, phải tuyệt đối giữ gìn bí mật của cơ quan, tổ chức và của Đảng, Nhà nước. Người khẳng định: “Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch”, “Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này”. Trong tình hình hiện nay, trước hàng loạt âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi chống phá chủ nghĩa xã hội trên mọi lĩnh vực của các thế lực thù địch thì các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc giữ bí mật là lời nhắc nhở nghiêm khắc với mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên.
1. Bài “Giữ bí mật”đăng trên báo Sự Thật, số 97, ngày 30-7-1948 với bút danh A.G.
"Vị tổ sư của các nhà quân sự là ông Tôn Tử nói rằng: "Trong chiến tranh, điều gì quan trọng nhất?Giữ bí mật là điều quan trọng nhất".
Ông lại nói: "Ta dò được tin tức địch, thì ta thắng địch. Địch dò được tin tức ta, thì địch thắng ta".Thế là cuộc chiến tranh thắng hay bại, một phần lớn do biết giữ bí mật hay không biết giữ bí mật, mà quyết định.
Vì vậy, trong cuộc thế giới đại chiến, các nước hết sức chú ý đến sự giữ bí mật. Ở các trường học, các phòng giấy, các trại lính, các xưởng máy, các đường phố, các xe, các tàu, các chợ, các khách sạn, các quán nước, các làng xóm, cho đến các nhà dân, nơi nào cũng có những khẩu hiệu nhắc nhủ mọi người giữ bí mật.
Chẳng những thế, mỗi ngày, những người phụ trách các cơ quan, các nhà máy, các bộ đội, v.v., lại nhắc nhân viên của họ một lần: "Phải giữ bí mật"!
Trong cuộc kháng chiến này, chúng ta đã biết giữ bí mật chưa?
Chưa!
Ta chưa biết dùng cách luôn luôn khuyên rǎn nhắc nhủ mọi người giữ bí mật.
Nhân viên, công nhân, bộ đội, và nhân dân ta chưa biết giữ bí mật.
Về hành động, cử chỉ, cũng như về lời nói, nhiều người không biết giữ bí mật.
Đó là một khuyết điểm rất nguy hiểm.
Kháng chiến đang chuyển qua giai đoạn mới, chúng ta cần phải cấp tốc ra sức sửa chữa cái khuyết điểm ấy. Sửa chữa cách thế nào?
Các bộ đội, cơ quan, trường học, chợ búa, hàng quán, v.v., cần phải dán những khẩu hiệu giữ bí mật. Những người phụ trách cần phải hàng ngày dặn dò nhân viên của mình giữ bí mật. Các cán bộ hành chính và đoàn thể trong các làng xã phải giải thích và luôn luôn nhắc nhủ dân trong làng giữ bí mật. Các bộ máy tuyên truyền, các báo chí, phải thường nhắc đến vấn đề giữ bí mật. Cuộc thi đua ái quốc cũng phải chú trọng đến vấn đề giữ bí mật.
Ta biết giữ bí mật, thì bọn Việt gian mật thám khó mà hoạt động.
Ta biết giữ bí mật, thì dù địch có trǎm tai, ngàn mắt, cũng không dò được tin tức và đoán được sự hành động của ta.
Biết giữ bí mật, tức là ta đã nắm chắc một phần lớn thắng lợi trong tay ta.
2. Bài viết “Phải giữ bí mật” đăng trên báo Sự Thật, số 134, ngày 1-6-1950 (ký tên X.Y.Z.), Hồ Chí Minh toàn tập Tập 6 (1950 - 1952)
Vấn đề này, nhắc đi nhắc lại đã nhiều lần. Nhưng tiếc thay, chứng bệnh không biết giữ bí mật vẫn rất phổ thông, rất trầm trọng. Nhiều cán bộ, nhân viên, binh sĩ, nhân dân còn mắc bệnh ấy. Chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng: Trong chiến tranh, giữ bí mật hay không là điều rất quan hệ đến sự thắng hay bại. Nếu địch biết tin tức của ta, nó sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của ta, thì địch sẽ thắng. Nếu ta thấy rõ tin tức của địch, ta sẽ tìm đánh vào chỗ yếu của nó, thì ta sẽ thắng. Dù có khí giới nhiều, bộ đội đông, lực lượng mạnh, kế hoạch hay, nhưng nếu để tin tức lộ ra, địch sẽ biết mà phòng bị trước, thì cũng không thắng được. Vì vậy, người ta gọi là Mặt trận tin tức. Nếu mặt trận ấy giữ không vững, nghĩa là không biết giữ bí mật, thì các mặt trận khác cũng bị lung lay. Nhất là khi địch gần đến đường cùng, chúng phóng ra rất nhiều Việt gian, mật thám để dò tin tức, để tìm cách phá hoại ta, thì việc giữ bí mật lại quan trọng hơn bao giờ hết. Thế mà nhiều người vẫn quen thói bô lô ba la. Biết cũng nói, không biết cũng nói, gặp ai cũng nói, ở đâu cũng nói. Từ người này chuyển sang người nọ, người nọ chuyển đến người kia, rồi dần dần tin tức đi đến tai Việt gian, đến tai địch. Thế là, vì miệng hay ba hoa mà vô tình đã giúp đỡ địch, đã đưa tin cho địch.
Ai phải giữ bí mật? Trước hết là cán bộ, nhân viên, bộ đội phải giữ bí mật. Lúc ở làng, khi đi đường, lúc vào quán nước, khi gặp người quen, chớ nói mình làm việc gì, ở cơ quan nào, đi đâu, quen biết ai. Chớ ba hoa, mà cũng chớ tò mò. Việc gì cần nói thì chỉ nói với người phụ trách. Lại cần phải giải thích và huấn luyện cho nhân dân, từ cụ già đến em bé, đều biết giữ bí mật. Ai đi đâu, cơ quan nào đóng ở đâu, bộ đội nào kéo đi đâu - đồng bào đều phải giữ bí mật. Gặp ai lạ mặt vào làng, không có giấy giới thiệu, hay hỏi tò mò - thì đồng bào phải theo dõi một cách kín đáo và báo cho uỷ ban hoặc công an xét hỏi. Nếu không có nhân dân giúp giữ bí mật, thì bí mật chỉ giữ được một phần.
Kinh nghiệm tỏ rằng: Nếu ta biết cách giải thích, thì đồng bào ta rất tốt và giữ bí mật rất khéo. Ngày trước ở Cao Bằng, đồng bào hiểu chính sách "ba không". Ngoài người phụ trách, ai hỏi gì cũng trả lời: Tôi không nghe gì, tôi không thấy gì, tôi không biết gì cả. Nhờ vậy, mà tuy lính đông, mật thám Pháp và mật thám Nhật đông như rươi, cán bộ cách mạng vẫn thong dong hoạt động. Lại như kinh nghiệm Hà Tĩnh. Nhờ đồng bào hiểu biết và giúp đỡ, mà không có tên Việt gian nào, tù trốn nào lọt khỏi cái lưới bí mật của nhân dân.
Làm thế nào để giữ bí mật? Tất cả các cơ quan, bộ đội, tất cả các đoàn thể phải phụ trách thiết thực huấn luyện cho binh sĩ, cán bộ và nhân dân điều lợi, điều hại và cách giữ bí mật. Mỗi người phải coi việc giữ bí mật là một nghĩa vụ của mình đối với Tổ quốc, đối với Chính phủ. ở các phòng giấy, các đình làng, các hàng quán, các trường học, các nhà máy và những nơi nhiều người qua lại, phải có những khẩu hiệu nhắc mọi người giữ bí mật. Hễ thấy ai hay bô lô ba la, không biết giữ bí mật thì phê bình cảnh cáo, thậm chí phải xử phạt. Làm như vậy thì Mặt trận tin tức của ta sẽ thắng lợi.
3. Bài viết “Giữ bí mật” ký tên C.B, Báo Nhân Dân, số 40, ngày 10-1-1952, Hồ Chí Minh toàn tập Tập 6 (1950 - 1952)
Chính phủ vừa ra Sắc lệnh cho bộ đội, nhân dân, các cơ quan, đoàn thể, báo chí, cán bộ phải giữ bí mật. Đó là một việc rất quan trọng, rất hợp thời. Mọi người đều biết rằng: Phe đế quốc là phe chiến tranh. Chúng mong dùng chiến tranh để cướp nước người ta, để làm chúa thế giới. Và trong chiến tranh, tình báo (đặc vụ, mật thám) là một bộ phận quan trọng bực nhất; nó là lỗ tai con mắt của bộ chỉ huy.
TÌNH BÁO ĐỊCH HOẠT ĐỘNG NHƯ THẾ NÀO?
Nó nghe ngóng tin tức, tìm tòi tài liệu quân sự, chính trị, kinh tế của ta. Nó dò xét địa điểm các cơ quan, kho tàng, nhà máy, trường học, v.v. của ta. Biết rồi, thì chúng tìm mọi cách để phá hoại. Bọn đế quốc dùng từ toà đại sứ cho đến các hiệu buôn làm cơ quan tình báo. Tình báo địch lợi dụng đủ các hạng người làm tay sai cho chúng; những người quý tộc "sang trọng", những cô đầu nổi tiếng xinh đẹp và hát hay, những người mượn tiếng dạy học hoặc truyền đạo, những người buôn bán, những bọn du côn. Nhiều khi chúng lợi dụng cả trẻ em. Có những người bên ngoài ra vẻ đạo đức nhân từ lắm, nhưng kỳ thực là trùm tình báo của Mỹ. Như Đức giám mục Vũ Bân và Khâm mạng Toà thánh là Đức cha Bibơri (Biberi) là những người tổ chức và chỉ huy tình báo Mỹ ở Trung Quốc. Lại có bọn tình báo gọi là "mật thám chờ". Bọn này đến một địa phương nào đó, giả ǎn ở rất tử tế, giả hǎng hái tham gia công việc của địa phương, gây cảm tình với nhân dân địa phương. Rồi chúng lóng tai nghe, mở mắt nhìn mọi việc, mọi người. Chúng chờ 5,10 nǎm, có khi lâu hơn nữa; khi điều kiện chín muồi, chúng mới phá hoại một vố. Những vụ án phản quốc ở Liên Xô (như vụ Tờrốtxki), ở Ba Lan, ở Bảo, trước đây, và vụ Xlǎngky ở Tiệp Khắc gần đây, tỏ rằng: tình báo địch dùng đủ cách phỉnh phờ, lừa bịp, mua chuộc, đe doạ, thậm chí ám sát, để dò bí mật của ta... Trước kia, tình báo là một việc bí mật. Ngày nay, bọn đế quốc đã lỳ mặt, không giấu giếm nữa; chúng đưa tình báo thành một việc công khai: hôm 10-10-51, Chính phủ và Quốc hội Mỹ đã chuẩn y một ngân sách 100 triệu đôla, nói rõ là để giúp những phần tử phản động làm tình báo và phá hoại ở Liên Xô và ở các nước dân chủ mới; để giúp bọn phản quốc ở các nước ấy trốn ra ngoài, giúp chúng hoạt động, và vũ trang cho chúng.
VÌ SAO TÌNH BÁO HOẠT ĐỘNG ĐƯỢC?
Vì ta sơ suất, kém cẩn thận, không biết giữ bí mật. Cụ thể là ta còn phạm những khuyết điểm:
- Nói nǎng không cẩn thận. Bô lô ba la, bạ gì nói nấy. Đi ngoài đường, vào hàng quán, gặp bạn bè, cũng đưa công tác của cơ quan ra nói. Không nhớ câu: "Sừng có vạch, vách có tai; ta trong thì nói, địch ngoài thì nghe".
- Viết lách không cẩn thận. Tài liệu giấy tờ để lung tung, ai cũng có thể xem, có thể thấy. Khi viết thư cho bầu bạn, cho người nhà, thì viết cả công việc và địa điểm của cơ quan, của bộ đội. Các báo chí thì kém cẩn trọng trong việc đǎng tin tức và trong lời bình luận.
- Đi lại không cẩn thận. Địa điểm cần giữ bí mật, mà người nào cũng đi lại ra vào được.
- Chỗ ở không cẩn thận. Không biết cách làm nhà cửa cho kín đáo. áo quần phơi bừa bãi. Bò ngựa gặp đâu buộc đấy. Đi ỉa, vứt giấy lung tung, v.v.. Đó là những khuyết điểm rất phổ thông, còn nhiều sự sơ hở khác. Tình báo địch cũng như một thứ nước bẩn. Có chỗ trũng, chỗ hở thì nó chảy vào. Ta sơ hở, không biết giữ bí mật, tức là vô tình ta đã giúp địch, và đã phạm tội hại nước hại dân.
CHỐNG TÌNH BÁO ĐỊCH CÁCH THẾ NÀO?
Cũng như muôn việc khác, việc chống tình báo địch, việc giữ bí mật, phải dựa vào sức quần chúng. Cán bộ và chiến sĩ không những phải làm gương mẫu trong việc giữ bí mật mà còn phải tuyên truyền giáo dục cho nhân dân giữ bí mật. Dù tinh ranh quỷ quyệt mấy, tình báo địch cũng không thể che giấu được hàng ức hàng triệu lỗ tai, con mắt của nhân dân. Nhân dân hiểu biết thì chẳng những giữ được bí mật của ta, lại còn dò biết được bí mật của địch. Kinh nghiệm các nước bạn đã chứng tỏ rằng: nhờ lòng yêu nước và sự hiểu biết của nhân dân, mà bọn tình báo địch và bọn phản động sớm muộn đều lòi mặt và bị bắt. ở Trung Quốc, việc chống tình báo, việc giữ bí mật đã thành một phong trào quần chúng rộng khắp, thành một bộ phận của phong trào thi đua ái quốc. Các em nhi đồng, các chị phụ nữ ở thành thị và thôn quê đã giúp chính phủ bắt được nhiều vụ tình báo và bọn phản động. Vụ tình báo lớn của 2 đức cha Vũ Bân và Bibơri cũng do anh chị em công giáo đưa ra ánh sáng. Nước ta cũng có kinh nghiệm thiết thực và quý báu. ở khu giải phóng Việt Bắc ngày trước đồng bào gái trai già trẻ ai cũng biết giữ bí mật, theo khẩu hiệu "Ba không". Ngoài những cán bộ phụ trách, có ai hỏi gì, đồng bào cũng trả lời: không nghe, không thấy, không biết. Kết luận là chúng ta phải tuân theo Sắc lệnh của Chính phủ. Từ nay, chúng ta phải xem giữ bí mật là một việc rất cần thiết và rất quan trọng trong công cuộc kháng chiến. Cán bộ và chiến sĩ phải làm gương mẫu giữ bí mật. Chính quyền và đoàn thể cần có kế hoạch tuyên truyền và giáo dục nhân dân giữ bí mật. Chúng ta đã đánh thắng địch trên mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, chúng ta phải kiên quyết đánh thắng địch trên mặt trận tình báo bằng cách tuyệt đối giữ bí mật.
4. Bài viết “Phải giữ bí mật của Nhà nước” (1-2-1956) với bút danh C.B Hồ Chí Minh toàn tập Tập 8 (1956-1957)
Người thường ai cũng có cái ví đựng tiền. Nhà nào cũng có cửa, có buồng, có hòm, có khoá, để phòng ngừa kẻ gian giảo, để giữ gìn của cải do mình khó nhọc làm ra. Giữ nhà phải cẩn thận như vậy. Giữ nước càng phải cẩn thận hơn. Những vǎn kiện bí mật của Nhà nước quan hệ trực tiếp đến vận mệnh của toàn dân, đến sự mất còn của dân tộc. Cho nên giữ bí mật của Nhà nước là nhiệm vụ của toàn dân, đặc biệt là nhiệm vụ của cán bộ các cơ quan, các đoàn thể. Muốn phá hoại ta về mọi mặt, kẻ địch dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh cắp vǎn kiện bí mật của ta về chính trị, kinh tế, quốc phòng, v.v.. Khẩu hiệu của kẻ địch là: "Lấy được bất kỳ tình báo gì và dù là chút ít, cũng là quý". Nói chung, cán bộ ta được những nǎm kháng chiến huấn luyện, đã biết giữ bí mật. Nhưng cũng còn nhiều cán bộ lơ là và xem nhẹ việc ấy. Nhiều cán bộ còn phạm khuyết điểm:
- Không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra vǎn kiện bí mật.
- Mang vǎn kiện bí mật về nhà xem. Xem vǎn kiện bí mật ở chỗ đông người. Ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình.
- Hay ba hoa, đưa việc bí mật nói với vợ con, bầu bạn...
- Ở quán cơm, rạp hát, công viên, tiệm hớt tóc... cũng đưa việc trong cơ quan ra nói.
- Khi viết thư riêng, hoặc viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật... Như thế là các cán bộ đó đã vô tình mà giúp cho địch. Cũng có một số ít người, vì lập trường không vững, chí khí ươn hèn, bị tiền tài, ǎn uống, gái đẹp quyến rũ, mà sa vào cạm bẫy của địch, tiết lộ bí mật cho địch. Cơ quan đặc vụ Mỹ - Diệm đã chỉ thị cho lũ tay sai của chúng: "Tìm làm quen với những cán bộ ham ǎn chơi, ham tiêu xài, ham gái đẹp. Cho họ vay tiền, uống rượu, chơi gái. Làm cho họ say mê, mắc nợ, rồi đưa họ vào tròng". Giữ bí mật của Nhà nước là một bộ phận trong cuộc đấu tranh với địch. Đó là một vấn đề chính trị quan trọng. Chính phủ ta đã có phép luật về việc ấy. Các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra việc ấy. Cũng như mọi công việc khác, việc phòng gian bảo mật cần phải dựa vào lòng yêu nước và lực lượng của nhân dân. Chúng ta phải tuyên truyền giải thích cho nhân dân hiểu thấu, để nhân dân giúp sức vào công việc này.
5. Bài viết “Cảnh giác” với bút danh T.L (23-12-1959)
Giữ nhà phải cảnh giác, phải có cửa, có khoá để ngǎn ngừa bọn trộm cắp.
Giữ nước càng phải cảnh giác để ngǎn ngừa bọn đế quốc và bè lũ tay sai phá hoại thành quả cách mạng, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội của chúng ta.
Trong thời kỳ kháng chiến, nhân dân ta cũng như cán bộ và bộ đội ta đều biết nâng cao cảnh giác. Nhưng từ hoà bình trở lại, thì tinh thần cảnh giác có phần kém sút.Đó là một khuyết điểm lớn cần được sửa chữa ngay.
Vụ án do thám hồi tháng tư, vụ bắt được do thám của Mỹ - Lào và vừa rồi vụ bắt được bọn do thám Nguyễn Sáu ở Nghệ An là những tiếng chuông thức tỉnh chúng ta.
Những lời khai của bọn chúng và những tài liệu ta bắt được đã nói rõ những gì? Đã nói rõ Mỹ - Diệm tìm cách do thám ta về mọi mặt:
Về quân đội- số lượng, cấp chỉ huy, vũ khí, các đồ đạc khác, số hiệu các đơn vị, v.v..
Về dân quân- số lượng vũ khí, ai chỉ huy, v.v..
Về công an- số lượng, cấp chỉ huy, ở đâu, người Kinh hay người Thổ...
Về mậu dịch- bao nhiêu nhân viên và cán bộ, hàng hoá gì, giá hàng hoá thế nào ...
Về các uỷ ban- ai làm chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên, tên và chỗ ở của vợ con họ...
Về cán bộ- tên tuổi, ai đi học, học gì, học ở đâu, học mấy tháng, v.v...
Nói tóm lại: chúng do thám tỉ mỉ về tình hình quân sự, chính trị và kinh tế của ta. Để làm gì? Để chúng tìm cách phá hoại!
Để ngǎn chặn âm mưu của kẻ địch, thì cán bộ, bộ đội và nhân dân ta cần phảiluôn luôn nâng cao cảnh giác. Đó là một nghĩa vụ quan trọng mà mọi người công dân phải làm trọn để chống lại âm mưu của đế quốc và bè lũ tay sai, để bảo vệ nhân dân và bảo vệ Tổ quốc./.
Huyền Trang (tổng hợp)