Gặp những chiến sĩ làm công tác tiếp đón, hướng dẫn, đảm bảo an ninh trật tự phục vụ đồng bào và du khách bốn phương vào Lăng viếng Bác mới thấy hết sự hy sinh thầm lặng của họ.
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 375 hướng dẫn đồng bào và khách quốc tế vào Lăng viếng Bác.
Mặc trời nắng hay mưa, nhiều ngày lượng khách đông phải kéo dài thêm giờ viếng đến quá trưa, cán bộ, chiến sĩ vẫn rất vui khi được phục vụ các cụ già, các đồng chí thương binh, người tàn tật vào viếng Bác bằng xe đẩy hoặc quyết tâm giúp một em nhỏ bị lạc tìm lại được người thân. Rất nhiều tấm gương chiến sĩ nhặt được của rơi trả lại người mất để lại ấn tượng vô cùng tốt đẹp trong tình cảm của đồng bào và khách quốc tế về hình ảnh người chiến sĩ bên Lăng Bác Hồ.
Là một trong những người đầu tiên có mặt khi đơn vị được thành lập, nguyên Phó Trung đoàn trưởng 375 Lê Quốc Tuấn kể lại: “Sau khi được tuyển dụng vào ngành công an năm 1972, tôi được điều động vào Công an tỉnh Quảng Bình công tác. Đến tháng 3/1975, tôi được điều động với một số cán bộ, chiến sĩ kết hợp 2 trường cảnh sát nhân dân và trường trung cấp công an vũ trang ra làm nhiệm vụ ngoài Bắc. Đến nơi, nhìn thấy Lăng đang được xây dựng, hình ảnh Người những giây phút cuối cuộc đời hiện về khiến chúng tôi rất xúc động”.
Hồi đó, không chỉ cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 375 mà cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân nói chung đều hết sức khó khăn, nhưng đều một lòng tâm nguyện làm hết sức mình để bảo vệ an toàn cho Lăng Bác… Nhìn cơ sở vật chất khang trang ngày hôm nay, ông Lê Quốc Tuấn nhớ lại những ngày đầu đầy gian khó. Ban đầu, các anh em chiến sĩ đều không có nơi ăn chốn ở mà phải mượn cơ sở của các đơn vị khác.
Trong ký ức của nhiều cán bộ còn in đậm kỷ niệm của những ngày huấn luyện gian khổ ở Trâu Quỳ, những ngày dựng lều bạt sống tạm bợ ở Công viên Bách Thảo, một thời gian dài phải đi thuê, mượn địa điểm làm trụ sở là những năm tháng khó phai mờ. Đến tận năm 2011, chúng tôi có doanh trại mới tại số 19 Thụy Khuê bây giờ.
“Mấy chục năm công tác, trở về cuộc sống đời thường, tâm trạng tôi không tránh khỏi sự bùi ngùi khó tả, thậm chí đi qua doanh trại vẫn ngắm lại. Mỗi một kỳ, cuộc, mà gần đây nhất là công tác bảo vệ công trình Hội trường Ba Đình mới, tôi cũng đều đến thăm, kiểm tra nhiều lần. Đó như là thói quen, trách nhiệm thấm vào mình từ lúc nào không biết”, ông Lê Quốc Tuấn tâm sự.
Địa bàn bảo vệ của Trung đoàn nằm hoàn toàn ở Cụm Di tích lịch sử, văn hóa Ba Đình, trong quần thể các cơ quan Trung ương, đây là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện trọng đại mang tính quốc gia và quốc tế. Đồng thời, còn là nơi có nhiều hoạt động của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước. Công việc hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ là tuần tra, canh gác 24/24 giờ, không cho phép một giây phút lơ là, mất cảnh giác.
Trung đoàn 375 còn được giao nhiệm vụ hộ tống, tiêu binh danh dự các nguyên thủ quốc gia, các đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc tại Việt Nam. Gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ đội mô-tô hộ tống, tôi mới hiểu được nỗi vất vả gian truân của họ.
Chỉ huy trưởng Trung đoàn 375 Doãn Văn Hòa cho biết: Là một đơn vị thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, được thay mặt cho toàn thể lực lượng công an nhân dân trực tiếp bảo vệ Lăng Bác Hồ kính yêu, chúng tôi xác định rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của mình.
Trong công tác xây dựng lực lượng nói chung và công tác cán bộ nói riêng, chúng tôi luôn đề cao công tác giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị hiểu được vai trò, chức năng và nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ đã góp phần triệt phá nhiều vụ việc mất trật tự, an ninh quanh khu vực.
Sự cống hiến, hy sinh thầm lặng của những cán bộ, chiến sĩ được người dân, du khách trong nước và quốc tế ghi nhận không chỉ bằng những dòng cảm tưởng trong cuốn sổ ghi cảm tưởng khi vào Lăng viếng Bác mà còn là sự kính trọng, cảm kích trước sự tận tụy, nhiệt thành trong công việc. Hình ảnh người chiến sĩ “canh giấc ngủ cho Người” đã trở thành một biểu tượng đáng ghi nhớ./.
Ngày 28/03/1975, Tiểu đoàn 75 - đơn vị tiền thân của Trung đoàn 375- Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chính thức được thành lập với những cán bộ, chiến sĩ được tuyển chọn từ 24 tỉnh, thành, gồm 11 dân tộc anh em từ Quảng Trị trở ra đại diện cho lực lượng Công an nhân dân thực hiện nhiệm vụ vinh quang “Giữ yên giấc ngủ của Người”. |
Hà Phương
Theo Báo Tiền Phong
Nguyễn Văn Ngọc (st)