Thứ bảy, 21/12/2024

Buổi sáng một ngày đầu tháng 6 năm 1957, tôi vinh dự được dẫn đoàn thanh thiếu niên các cơ quan Khu Tả Ngạn cùng đoàn đại biểu nhân dân tỉnh và thị xã Hải Dương gồm trên năm nghìn người có mặt đầy đủ tại sân trụ sở Khu ủy Khu Tả Ngạn đóng tại thị xã Hải Dương lúc 7 giờ 30 phút để đón và nghe Bác Hồ nói chuyện.

mot-lan-duoc-don-bac - Copy
Nông dân xã Ái Quốc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương báo cáo kết quả sản xuất với Chủ tịch Hồ Chí Minh (ngày 31/5/1957). Ảnh tư liệu

Đúng 8 giờ, Bác xuất hiện. Người nói chuyện ngay. Tôi may mắn được cùng với đoàn thanh thiếu niên ngồi gần Bác nhất. Tôi thấy Bác khỏe mạnh, hồng hào, da đốm đồi mồi, chân Bác đi dép cao su. Bài nói chuyện của Bác viết bằng chữ Hán Nôm, mực đỏ. Lời Bác nói nhẹ nhàng, thân mật, rõ ràng. Tôi đã nhanh chóng ghi được ý nói của Bác.

Sau khi tổng quát về tình hình thế giới, tình hình và nhiệm vụ trong nước, Bác nói sang việc mà cán bộ, công nhân viên thắc mắc. Bác nói: Bác được các đồng chí lãnh đạo Khu ủy cho biết, hiện nay cán bộ, công nhân viên đang thắc mắc là tiền lương thấp, đời sống rất khó khăn và công cuộc cải cách ruộng đất của ta không thắng lợi.

Bác giải thích việc thứ nhất: Tiền lương của cán bộ, công nhân viên còn thấp, đời sống khó khăn, điều này Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác đều biết. Nhưng hiềm một nỗi, đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, một nửa nước còn bị chia cắt, chúng ta còn phải tiếp tục đấu tranh để thống nhất nước nhà. Nước ta còn rất nghèo, nhân dân nhiều nơi còn bị thiếu đói, hiện nay Chính phủ đang lo cứu đói cho dân. Muốn có cuộc sống tốt thì mỗi cán bộ, công nhân viên và nhân dân phải cùng Chính phủ phấn đấu xây dựng đất nước giàu mạnh, đất nước giàu mạnh thì tất nhiên đời sống mọi người sẽ ấm no hơn.

Khi nói đến việc thứ hai: Có ý kiến cho rằng công cuộc cải cách ruộng đất của chúng ta không thắng lợi, Bác chỉ tay hỏi một đồng chí nữ: Nhà cô có bao nhiêu nhân khẩu? Thưa Bác, nhà cháu có 7 nhân khẩu. - Thế trước cải cách ruộng đất có bao nhiêu ruộng? Thưa Bác, nhà cháu không có ruộng, bố mẹ cháu phải đi làm mướn, mấy chị em cháu phải đi ở cho nhà giàu, thiếu đói lắm ạ. - Thế sau cải cách ruộng đất, nhà cháu được chia bao nhiêu ruộng? Thưa Bác, nhà cháu được chia 7 sào ruộng và nửa con bò ạ. - Thế cải cách ruộng đất có thắng lợi không? Thưa Bác, có ạ. Bác lại gọi hỏi một đồng chí nam giới ngồi ở phía tay phải Bác: Nhà chú có bao nhiều nhân khẩu, trước cải cách ruộng đất có bao nhiêu ruộng và sau cải cách ruộng đất được chia bao nhiêu ruộng? Thưa Bác, trước cải cách ruộng đất nhà cháu không có ruộng tư, 10 nhân khẩu chỉ được cấy 2 sào ruộng công ở cánh đồng xa, trũng, hay bị mất mùa, mất mùa nhưng vẫn phải đóng nộp thóc cấy ruộng, đói lắm Bác ạ. Nay được chia 1 mẫu Bắc Bộ và một nửa con trâu ạ. - Vậy cải cách ruộng đất có thắng lợi không? Thưa Bác, có ạ. Bác tiếp tục hỏi người thứ ba, thứ tư, thứ năm với nội dung như trên, rồi Bác nói: Cương lĩnh cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1930 đề ra hai mục tiêu: Đấu tranh giành độc lập dân tộc và thực hiện người cày có ruộng. Đến nay, nhiệm vụ thứ nhất nhân dân ta đã đấu tranh giành độc lập một nửa đất nước, đang tiếp tục đấu tranh thống nhất cả nước. Nhiệm vụ thứ hai giành ruộng đất cho dân cày, cuộc cải cách ruộng đất đã đem lại ruộng đất cho giai cấp nông dân để tự sản xuất, bảo đảm cuộc sống cho mình và đóng góp cho đất nước, không phải chịu cảnh chết đói như năm 1945 nữa. Như vậy, cuộc cải cách ruộng đất có thắng lợi không? Mọi người đồng thanh hô vang: Thưa Bác, có ạ.

Bác lại giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng. Bác nói tiếp: Tuy cuộc cải cách ruộng đất của chúng ta giành thắng lợi là cơ bản song lúc tiến hành chúng ta còn mắc nhiều khuyết điểm. Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác đã nhận rõ những khuyết điểm, xin lỗi trước nhân dân và đề ra nhiệm vụ trọng tâm là tích cực sửa sai. Sửa sai để tiến lên. Các cô, các chú có nhất trí với Bác không? Mọi người lại đồng thanh hô vang: Hồ Chủ tịch muôn năm...

Nói chuyện xong, Bác chia kẹo cho các cháu nhỏ. Tôi đứng gần, chỉ mong Bác cho một cái để làm kỷ niệm nhưng không được. Người chậm rãi cầm một ít kẹo đi lách qua chỗ chúng tôi chia cho các cháu nhỏ ngồi ở xa...

Lúc đó tôi 25 tuổi, lần đầu tiên cũng là lần duy nhất trong đời được đón và trực tiếp nghe Bác Hồ nói chuyện. Tôi còn nhớ một chi tiết trong buổi nói chuyện của Bác khiến mọi người vô cùng cảm động, đó là: Lúc Bác nói chuyện là hơn 8 giờ, mặt trời mùa hè đã lên cao, ánh nắng chiếu vào chỗ Bác đứng. Để tránh nắng cho Bác, một đồng chí xòe chiếc ô che cho Bác. Lập tức Bác vẫy tay lại đằng sau ra hiệu không được làm thế. Đồng chí đó cụp ô đi vào. Và cứ thế, Bác đứng nói chuyện đến khi kết thúc. Cử chỉ của Bác khiến mọi người càng trân trọng, biết ơn, kính yêu Bác nhiều hơn.

Tôi năm nay 83 tuổi, đã từng chứng kiến năm 1944 - 1945 thôn Đoài quê tôi và các xã xung quanh bọn Nhật, Pháp bắt những người có ruộng nhổ lúa trồng đay, thầu dầu, bông... để cung cấp nguyên liệu phục vụ công nghiệp chiến tranh. Chúng còn thu thóc tạ theo đầu sào ruộng. Giữa lúc nhân dân đói vàng mắt mà những nhà có ruộng phải chở hàng trăm bao thóc lên đê sông Hóa đi phục vụ bọn xâm lược. Những nhà có ruộng ngoài thóc phải chở đi phần còn lại chỉ đủ cho gia đình họ sống (năm ấy lại mất mùa). Nguồn thóc trong thôn không còn, họ không còn khả năng cấp cứu cho những người đói. Những người không có ruộng không còn gì để sống; củ chuối, rau má, lá dong... cũng không còn, đành phải đi xin ăn ở nơi khác rồi chết đói tại đấy. Những người nơi khác cũng lần lượt đến làng tôi, xã tôi xin ăn rồi cũng chết đói tại đây. Người chết không có người chôn vì ai cũng đói. Xác người chết phải đẩy xuống sông Hóa, sông Diêm Hộ; trời nắng, xác người trương lên, nổi lềnh bềnh trôi dần ra biển.

Từ ngày người nông dân được chia ruộng đến nay, sau hai lần dồn điền đổi thửa để xây dựng nông thôn mới, ruộng được dồn lại nhưng người nông dân vẫn có quyền sử dụng mảnh ruộng của mình trong điều kiện quy đổi diện tích hợp lý. Thôn Đoài quê tôi có trên 300 gia đình, quyền sử dụng trên 100ha, từ trên 1.000 mảnh dồn lại chỉ còn dưới 400 mảnh, nhiều gia đình chỉ còn sử dụng một mảnh. Ruộng to, rộng, vuông góc, bờ thửa thẳng tắp, rộng 3,5m, mặt được đổ bê tông. Do dồn ruộng, ít mảnh, diện tích rộng nên 100% khâu làm đất, xay xát, tuốt lúa, tưới tiêu đều bằng máy; lúa gặt tập trung tại cánh đồng, máy tuốt tại chỗ, thóc đóng bao, đưa lên xe chở về nhà qua các bờ vùng, bờ thửa đã được bê tông hóa.

Nhờ có chính sách của Đảng, Nhà nước về nông nghiệp, nông thôn và nông dân cộng với tiến bộ về khoa học kỹ thuật giống, kinh nghiệm canh tác... nên năng suất lúa ngày càng cao. Người dân quê tôi đã có thừa lương thực, có tiền xây nhà mái bằng, hơn 300 gia đình có hơn 300 chiếc xe máy, 100% gia đình có ti vi, đại đa số có tủ lạnh và đã được sử dụng nước sạch. Thụy Ninh quê tôi cách đây mấy năm được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp; năm 2014 được công nhận hoàn thành 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Phan Văn Bút

(Phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình)

Theo http://www.baothaibinh.com.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: