Khi nói về những bức thư Bác Hồ gửi cho học sinh, ai cũng nhớ bức thư Bác gửi nhân ngày khai trường năm 1945, tuy vậy còn bức thư khác Bác gửi nhân ngày khai trường năm 1955. Tại đây,  Người xác định “Bốn trụ cột” của Giáo dục Việt Nam.

bac-ho-voi-giao-duc
Bác Hồ luôn quan tâm đến giáo dục

Trong suốt cuộc đời mình, Bác luôn dành tình cảm và quan tâm đến vấn đề trồng người. “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”, đó là triết lý giáo dục được tổ chức UNECO đánh giá rất cao và đó cũng là nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục.

Trong quá trình lãnh đạo đất nước, bên cạnh những bài nói chuyện, những sắc lệnh… Bác viết 7 bức thư cho ngành giáo dục. Trong trí nhớ của mọi người, hầu hết đều biết đến bức thư Bác gửi cho học sinh nhân ngày khai trường tháng 9 năm 1945 khi Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập. Song còn lá thư khác Bác cũng gửi cho học sinh nhân ngày khai trường ít người biết. Đó là bức thư Bác gửi học sinh “Nhân dịp mở trường” vào năm 1955, tức là thời điểm miền Bắc hoàn toàn giải phóng, những tên lính thực dân cuối cùng rời khỏi thành phố Hải Phòng. Bức thư này được Báo Nhân Dân số 600, ngày 24-10-1955 đăng toàn văn với bút danh CB. Bên cạnh các nội dung khác, điểm quan trọng mà Bác Hồ xác định, trong nội dung lá thư này là bốn trụ cột của việc học theo quan điểm rất hiện đại. Người viết: “Đối với các em, việc giáo dục gồm có:

- Thể dục: Để làm cho thân thể mạnh khoẻ, đồng thời cần giữ gìn vệ sinh riêng và vệ sinh chung.

- Trí dục: Ôn lại những điều đã học, học thêm những tri thức mới.

- Mỹ dục: Để phân biệt cái gì là đẹp, cái gì là không đẹp.

- Đức dục: Là yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu trọng của công, (5 cái yêu)”.

Sau này để cho thuận phát ngôn, chúng ta thường nói tắt bốn yếu tố giáo dục này là “Đức ,Trí, Thể, Mỹ”. Cách dùng nói tắt này chưa đúng với trật tự quan trọng của từng yếu tố mà Bác đã có chủ định sắp xếp theo một logic. Theo đó yếu tố đầu tiên và quan trọng mang tính chi phối toàn diện các yếu tố còn lại là sức khỏe. Con người sống và phát triển đương nhiên cần tiếp nhận các tri thức. Song như vậy chưa đủ, một con người có thể hình lực sĩ, có bộ óc thông minh sẽ chỉ là người khổng lồ không có trái tim; bởi thế con người cần có cảm xúc tinh tế để nhận biết cái đẹp, phân biệt cái xấu. Và tất cả những phẩm chất này sẽ trở thành vô nghĩa nếu không được soi sáng bằng một nền tảng đạo đức hàm ẩn chất nhân văn cao đẹp.

Mặt khác khi chỉ nói ”Đức, Trí, Thể, Mỹ”, chúng ta bỏ qua một tiếng rất quan trọng trong cấu tạo từ ở đây, đó là tiếng “Dục”, như chính Bác viết “Đối với các em, việc giáo dục gồm có” tức các yếu tố này sẽ được tạo nên bởi chính quá trình giáo dục, chứ nó không nằm rời rạc để chỉ biểu hiện nghĩa của chính nó.

Như vậy, mục tiêu của Giáo dục Việt Nam cần đạt bao hàm bốn yếu tố, những yếu tố này gắn với các chỉ số con người hiện đại ngày nay bao gồm: Chỉ số về sức khỏe (PQ), chỉ số về thông minh; tiếp nhận các tri thức (IQ), chỉ số.thông minh cảm xúc (EQ), chỉ số nền tảng đạo đức (MQ).Làm theo bốn trụ cột của việc học như lời Bác dạy, nền giáo dục Việt Nam sẽ đào tạo được những con người Việt Nam mới, với nhân cách hội đủ các phẩm chất căn cốt của một con người hiện đại?

Bốn trụ cột của việc học theo quan điểm Hồ Chí Minh xuất hiện từ những năm 50 của thế kỷ 20, vẫn là những yếu tố quan trọng và mang tính thời sự. Trong lộ trình đổi mới giáo dục hiện tại, để thực hiện hội nhập với thế giới văn minh, nền giáo dục Việt Nam đang có những dự định cải cách mới để phù hợp trong tương lai gần. Sẽ có thêm những yếu tố giáo dục mới được bổ sung, nhưng điều chắc chắn, bốn trụ cột giáo dục trong bức thư Bác viết gửi học sinh nhân ngày khai trường năm 1955 vẫn là tư tưởng hiện đại. nhân văn và mang bản sắc Việt Nam./.

Nguyễn Đình Minh

Theo Baohaiphong.com

Đặng Tuyết(st)

Bài viết khác: