Thứ bảy, 21/12/2024

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, dù bận trăm công nghìn việc nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành sự quan tâm, yêu thương đặc biệt đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Có thể nói, hiếm có một vị lãnh tụ nào trên thế giới lại gần gũi với nhân dân, yêu thương con trẻ và bình dị, đời thường như Bác Hồ. Tình thương yêu bao la ấy được thể hiện rõ nét qua hình ảnh bình dị Bác ở lại để chờ được đón Tết Trung thu cùng các em thiếu nhi, là những lá thư, bài thơ chất chứa tình yêu thương thắm thiết, sự quan tâm sâu sắc Bác gửi cho các cháu vào dịp Tết Trung thu và ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 hàng năm, là những ân cần, mong đợi khi Bác đi xa “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thương yêu cho các cháu thiếu niên, nhi đồng” (Di chúc).

tam long yeu thuong
Bác Hồ vui Tết Trung thu với các cháu thiếu nhi Hà Nội năm 1958.
Ảnh: Ảnh internet

1. Tết Trung thu năm 1941

Sau những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, năm 1941, Bác trở về Tổ quốc để trực tiếp lãnh đạo cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Nhân dịp Tết Trung thu năm đó, Người viết bài thơ kêu gọi thiếu nhi vào ngày 21/9/1941 thể hiện sự quan tâm của mình đối với các cháu thiếu nhi:

Trẻ em như búp trên cành

Biết ăn ngủ, biết học hành là ngoan

Chẳng may vận nước gian nan

Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng

Học hành, giáo dục đã thông

Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa...

2. Tết Trung thu năm 1945  

Nhân dịp Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước,Bác Hồ đã viết bài báo: "Tết Trung thu với nền độc lập" in trên báo Cứu Quốc số 45ngày 17 tháng 9 năm 1945. Chia sẻ với các em niềm vui, hạnh phúc trong Tết Trung thu độc lập đầu tiên của đất nước sau khi giành được độc lập, lời của Bác thật thân tình, hồn nhiên và phấn khởi nhưng Người cũng không quên nhắc các cháu những điều thiết thực. Bác viết:

“Cùng các trẻ em yêu quý!

Hôm nay là Tết Trung thu

Mẹ đã sắm cho các em nào đèn, nào trống, nào hoa nào nhiều đồ chơi khác.

Các em vui vẻ nhỉ!

Cái cảnh trăng tròn gió mát, hồ lặng trời xanh của Trung thu lại làm các em vui cười hớn hở.

Các em vui cười hớn hở, già Hồ cũng vui cười, hớn hở với các em. Đố các em biết vì sao? Một là vì già Hồ rất yêu mến các em. Hai là vì Trung thu năm ngoái, nước ta còn bị áp bức, các em còn là bầy nô lệ trẻ em. Trung thu năm nay nước ta đã được tự do và các em đã thành những người tiểu quốc dân của một nước độc lập.

Hôm nay, tha hồ các em vui chơi cho thỏa chí, ngày mai mong các em ra sức học tập, tất cả các em đã biết chữ quốc ngữ chưa? Em nào chưa biết thì phải học cho biết. Phải siêng tập thể thao cho mình mẩy được nở nang. Và ra sức giúp việc cho Nhi đồng cứu vong  hội.

Đến Trung thu năm sau, chúng ta sẽ tổ chức một cuộc vui cả già lẫn trẻ. Các em nghĩ thế nào?

Trung thu này, già Hồ không có gì gửi tặng các em. Chỉ gửi tặng các em 100 cái hôn thân ái!”.

Năm ngày sau, ngày 22-9-1945, Bác Hồ lại viết: “Thư gửi thiếu nhi Việt Nam - Đêm Trung thu đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Thư này in trên báo Cứu Quốc số 49:

          “Các em

Đây là Hồ Chí Minh nói chuyện với các em. Hôm nay các em vui chơi, vui chơi một cách có đoàn kết, có tổ chức. Như thế là tốt lắm. Hôm nay, Tết Trung thu là của các em. Mà cũng là một cuộc biểu tình của các em để tỏ lòng yêu nước và để ủng hộ nền độc lập.

Các em phải ngoan, ở nhà phải nghe lời bố mẹ, đi học phải siêng năng; đối với bầu bạn phải yêu kính. Các em phải thương yêu nước ta. Mong các em mai sau lớn lên thành những người dân xứng đáng với nước độc lập tự do.

Các em có hứa với tôi như thế không? Tôi không có gì biếu các em, chỉ có thể đem cho mỗi đoàn các em một cái ảnh, các đại biểu sẽ đưa cho các em.

Cảm ơn các em! Hôn các em nhé!

Trước khi các em đi phá cỗ vui vẻ, chúng ta cùng nhau hô hai khẩu hiệu:

Trẻ em Việt Nam sung sướng!

Việt Nam Độc lập muôn năm!

Chào các em

Hồ Chí Minh”

Có thể nói, đây vừa là những lời chan chứa tình thương yêu các cháu, và cũng là những lời giáo dục các cháu một cách rất nhẹ nhàng và tự nhiên của Bác Hồ kính yêu. Đáng chú ý hơn, là Bác dùng từ “Tặng các em một trăm cái hôn” và “Biếu các em” một tấm ảnh, những lời nói đầy tình thương yêu và trân trọng. 

3. Tết Trung thu năm 1946

Mặc dù bận rộn với những công việc quan trọng của đất nước khi phải giải quyết những vấn nạn của đất nước như: “Giặc đói”, “giặc dốt”, giặc ngoại xâm, nhưng Bác Hồ vẫn không quên làm thơ gửi cho các cháu:

“Bác mong các cháu chăm ngoan

Mai sau gìn giữ giang sơn Lạc Hồng

Sao cho nổi tiếng Tiên Rồng

Sao cho tỏ mặt nhi đồng Việt Nam”

Vẫn là sự quan tâm và niềm mong mỏi các cháu thiếu nhi chăm học và làm được nhiều việc tốt góp phần xây dựng và giữ gìn nền độc lập còn rất non trẻ của đất nước. Bác nhắc đến những danh từ thiêng liêng như: Lạc Hồng, Tiên Rồng, Việt Nam như muốn gợi lại truyền thống yêu nước bốn nghìn năm của dân tộc gắn liền với tên tuổi của những người anh hùng nhỏ tuổi như: Thánh Gióng, Trần Quốc Toản... Đây là những tấm gương sáng trong lịch sử dân tộc đáng để các cháu noi theo.

4. Tết Trung thu năm 1947

Năm 1947, đất nước ta đang còn kháng chiến, các cháu không được ăn Tết Trung thu. Trong thư Trung thu “Gửi các cháu nhi đồng cả nước” đăng trên Báo Cứu quốc, số 713, ngày 27-9-1947, chúng ta đều thấy được tình thương của Bác rất cụ thể, thiết thực. Người hiểu rất rõ những gian khổ, thiệt thòi mà các cháu nhi đồng phải chịu đựng trong hoàn cảnh chung của đất nước.

“Tết Trung thu là của các cháu. Trăng thu soi xuống các cháu êm ái như một người mẹ lành.

Nhưng trong thời kỳ nô lệ, các cháu không được ăn Tết Trung thu.Từ ngày nước ta được độc lập, các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ.Năm nay vì thực dân hung ác, muốn cướp nước ta, chúng ta phải ra sức kháng chiến để giữ lấy Tổ quốc, để các cháu khỏi phải làm nô lệ. Người lớn kháng chiến, trẻ con cũng kháng chiến.Vì vậy năm nay nhiều cháu xa cha rời mẹ, tản cư đến núi đỏ rừng xanh. Nhiều cháu chịu khó nhọc hăng hái giúp việc các anh trong bộ đội. Các cháu ở hậu phương, thấy đồng bào hy sinh cực khổ, không nỡ ăn Tết Trung thu vui sướng một mình.Thấy các cháu không được ăn Tết, lòng Bác rất áy náy, và thêm căm giận bọn thực dân phản động Pháp. Chắc các cháu cũng vậy nhỉ?Bác hứa với các cháu: Các bác, các chú, toàn cả đồng bào, sẽ ra sức tranh đấu, để sớm đuổi bọn thực dân phản động, để trường kỳ kháng chiến sớm thắng lợi, thống nhất độc lập sớm thành công, để các cháu được ăn Tết Trung thu vui vẻ như năm kia, năm ngoái. Và Bác sẽ ăn Tết vui vẻ với các cháu, gửi kẹo bánh cho các cháu.Bác khuyên các cháu ra sức học hành, làm việc. Năm nay chúng ta không ăn Tết, năm sau chúng ta sẽ ăn Tết linh đình hơn.

Bác hôn các cháu

HỒ CHÍ MINH”

5. Tết Trung thu năm 1948

Năm 1948 là năm đất nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ nên thư của Người cũng chất chứa bùi ngùi thương xót. Trong “Thư gửi các cháu nhi đồng nhân Tết Trung thu 1948” đăng trên Báo Cứu quốc, chi nhánh số 6,số 1042, ngày 16-9-1948,Bác viết:

“Gửi các cháu nhi đồng toàn quốc,

Một nǎm nữa, các cháu ǎn tết Trung thu kháng chiến.

Vì công việc kháng chiến, mà tết Trung thu này Bác cháu ta đang xa cách nhau.

Vì phải tiết kiệm để kháng chiến, mà Bác không có quà Trung thu cho các cháu.

Nhưng Tết Trung thu này Bác rất vui, vì qua một Trung thu thì kháng chiến càng gần đến thắng lợi. Chắc các cháu cũng vui, vì ngày sau các cháu có thể tự hào rằng: Các cháu đã ǎn mấy tết Trung thu kháng chiến.

Mặc dầu giặc Tây độc ác, chúng quyết không thể ngǎn trở trǎng thu vừa đẹp vừa tròn.

Mặc dầu giặc Tây hung tàn, chúng quyết không thể ngǎn trở các cháu vui tươi và hǎng hái.

Mặc dầu giặc Tây bạo ngược, chúng quyết không thể ngǎn trở chúng ta kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công.

Đến ngày kháng chiến thắng lợi, thống nhất và độc lập thành công, Bác cháu ta sẽ cùng nhau ǎn những tết Trung thu tưng bừng vui vẻ. Vinh hoa bõ lúc phong trần. Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ và gửi các cháu nhiều cái hôn Trung thu.

BÁC HỒ”

6. Tết Trung thu năm 1949

Trong những năm kháng chiến đầy cam go và khó khăn tuy thiếu thốn đủ bề nhưng với sự quan tâm và động viên của Bác đã khiến cho thiếu niên nhi đồng càng cố gắng học tập, rèn luyện và giúp đỡ người lớn những công việc phù hợp với sức vóc của mình.

Trong Thư gửi các cháu nhi đồng nhân dịp tết trung thu (18-10-1949) đăng trên Báo Cứu quốc, số 1374, Bác viết:

Các cháu yêu quý!

Nhân dịp Tết Trung thu, Bác gửi lời thân ái chúc các cháu vui vẻ. Lần này là Trung thu kháng chiến thứ ba của các cháu.

Vì chúng ta kháng chiến đã ba nǎm, thức gì cũng hơi thiếu thốn hơn trước, cho nên có lẽ Trung thu này các cháu cũng ít bánh quà hơn nǎm ngoái.

Nhưng Bác chắc các cháu vui hơn. Một là vì các cháu đều biết rằng càng khó khǎn là ta càng gần ngày thắng lợi. Hai là vì nǎm nay các cháu tiến bộ hơn nǎm ngoái, về mặt thi đua học hành cũng vậy, về mặt tham gia kháng chiến cũng vậy. Thí dụ: Có những cháu đã xung phong phá tàu bay của giặc như ở Trung Bộ. Có những cháu đã xung phong giật mìn giết giặc ở Trung du. Có cháu thi đua đóng đảm phụ kháng chiến như ở nhiều nơi, v.v..

Trung thu nǎm nay, Bác cũng chưa có quà gì biếu các cháu. Nhưng chắc rằng nǎm sau, các cháu sẽ có Tết Trung thu linh đình là Tết Trung thu kháng chiến hoàn toàn thắng lợi.

Bác gửi các cháu nhiều cái hôn.
HỒ CHÍ MINH”

7. Tết Trung thu năm 1951

Cuộc kháng chiến chống Pháp có nhiều gian khổ, thiếu thốn, khó khăn. Nhưng Bác vẫn luôn dành cho các cháu thiếu nhi những quan tâm, những tình cảm yêu thương đặc biệt. Bác đã viết Thư Trung thu gửi các cháu nhi đồng ngày 12 tháng 9 năm 1951 đăng trên Báo Cứu quốc, số 1904.

“Các cháu yêu quý,

Trung thu trǎng sáng như gương,
Bác Hồ ngắm cảnh, nhớ thương nhi đồng.
Sau đây Bác viết mấy dòng,
Gửi cho các cháu, tỏ lòng nhớ nhung.

Trước hết, Bác nói cho các cháu biết rằng: Bác thường nhận được thư nhi đồng ở vùng tạm bị chiếm, mách với Bác, thực dân và bù nhìn hung ác thế nào, các cháu ấy khổ sở thế nào và đấu tranh oanh liệt thế nào.

Những thư ấy làm cho Bác đau đớn, vì các cháu ấy bị đày đoạ. Làm cho Bác vui lòng, vì các cháu ấy dũng cảm. Làm cho Bác và tất cả đồng bào càng cǎm ghét bọn thực dân và bù nhìn.

Bác cũng thường nhận được thư nhi đồng các nơi báo cáo thành tích thi đua.

Những thư ấy làm cho Bác rất vui vẻ.

Mồng 1-6 vừa rồi, cũng là ngày Tết của các cháu. Đó là một ngày Tết mới, chắc các cháu chưa hiểu nguyên do. Bác giải thích cho các cháu nghe nhé:

Ba nǎm trước (1949), Hội liên hiệp phụ nữ quốc tế định mỗi nǎm lấy ngày 1-6 làm ngày Tết cho nhi đồng thế giới. Muốn cho nhi đồng sung sướng, thì phải chống đế quốc chiến tranh. Vì vậy, Hội ấy đã đưa ra khẩu hiệu: “Đấu tranh để giữ gìn hoà bình thế giới, để bảo vệ hạnh phúc cho nhi đồng”.

Như thế thì ai thương con, cháu đều phải chống chiến tranh đế quốc, phải giữ gìn hoà bình.

Tháng 2 nǎm nay (1951), Hội ấy lại quyết định đẩy mạnh phong trào bảo vệ nhi đồng.

Hiện nay, Hội liên hiệp phụ nữ và Đoàn thanh niên nước ta đương lo tổ chức ủy ban bảo vệ nhi đồng Việt Nam.

Thế là các chú, các anh trong bộ đội thì thi đua giết giặc, để bảo vệ các cháu.

Các chú, các anh, các chị ở hậu phương, thì thi đua tǎng gia sản xuất để các cháu được ấm no.

Các cô, các thím, các anh ở Liên Xô, Trung Hoa, các nước bạn và các nước khác cũng lo nghĩ đến các cháu.

Vậy các cháu nên thế nào?

Các cháu phải ghét, ghét cay ghét đắng bọn thực dân Pháp, bọn can thiệp Mỹ, bọn Việt gian, bọn bù nhìn. Vì chúng nó mà ta khổ.

Các cháu phải yêu, yêu Tổ quốc, yêu đồng bào, yêu lao động.

Các cháu phải gắng, gắng giúp đỡ thương binh và gia đình chiến sĩ, gắng giữ gìn vệ sinh và giữ gìn kỷ luật, gắng học hành.

Các cháu phải đoàn kết, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam với nhau, đoàn kết giữa nhi đồng Việt Nam cùng nhi đồng Trung Quốc, Liên Xô, các nước bạn và nhi đồng thế giới.

Ngày nay, các cháu là nhi đồng. Ngày sau, các cháu là người chủ của nước nhà, của thế giới. Các cháu đoàn kết thì thế giới hoà bình và dân chủ, sẽ không có chiến tranh.

Các cháu phải thi đua, tuỳ theo sức của các cháu làm được việc gì có ích cho kháng chiến thì thi đua làm việc ấy.

Các cháu biết ghét, biết yêu, biết gắng, các cháu đoàn kết và thi đua như thế thì kháng chiến sẽ chóng thắng lợi, kháng chiến thắng lợi thì trung thu sẽ vui vẻ hơn.

Thư Trung thu này, Bác nói chữ nhiều, và nói dài quá rồi. Cháu nào không hiểu thì hỏi các anh, các chị cắt nghĩa cho mà nghe.

Bác chúc các cháu vui khoẻ và cố gắng.

Bác gửi các cháu nhiều cái hôn.

BÁC HỒ

8. TếtTrung thu năm 1952

Trung thu 1952 là năm đất nước đang bước vào thời kỳ kháng chiến cam go. Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ niềm thương nhớ thiếu nhi ở mọi vùng đất nước, Người đã gửi thư và làm thơ tặng thiếu nhi. Đây là những câu thơ nổi tiếng của Bác gửi cho “bầy con cưng của dân tộc” (chữ Bác dùng). Trong thư, Bác nhắc nhở thiếu nhi phải biết đoàn kết và thi đua làm nhiều việc có ích cho kháng chiến. Thư của Bác đăng trên BáoNhân Dân, số 75, ngày 25-9-1952.

 “Gửi các cháu nhi đồng ở vùng tự do, vùng du kích, vùng tạm bị chiếm và ở ngoài nước,

Mỗi nǎm, đến Tết Trung Thu, Bác càng nhớ các cháu.

Trung Thu trǎng trong gió mát là cảnh thái bình. Mục đích của Bác và Đoàn thể cùng Chính phủ là cốt xây dựng cho các cháu đời sống thái bình, tự do, sung sướng.

Nhưng vì giặc Pháp, bọn can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù nhìn muốn bắt dân ta làm nô lệ cho chúng, chúng gây ra chiến tranh xâm lược, cho nên dân ta phải ra sức kháng chiến để giữ lấy độc lập, tự do.

Từ Thu trước đến Thu này, kháng chiến ta có nhiều thắng lợi, mà các cháu cũng tiến bộ nhiều.

Các cháu đều biết yêu nước, ghét giặc, đều chǎm học, siêng làm. Các cháu đều biết đoàn kết, thương yêu cha mẹ, giúp đỡ bộ đội và thương binh, giúp tǎng gia sản xuất và tiết kiệm.

Có nhiều cháu đã được khen thưởng, có cháu đã thành chiến sĩ thi đua toàn quốc.

Các cháu ở trong vùng tạm bị chiếm rất gan góc. Nhiều cháu đã hy sinh oanh liệt, để giữ bí mật, để giúp đỡ cán bộ và bộ đội.

Nói tóm lại, các cháu rất ngoan, Bác rất vui lòng.

Chắc các cháu có nghe nói: Không những đồng bào trong nước mà các ông, các bà, các cô, các chú trong phe dân chủ thế giới, nhất là ở các nước bạn như Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu, đều nhớ đến các cháu. Cho nên đã lập ra Uỷ ban quốc tế bảo vệ thiếu nhi và định ngày 1-6 là ngày Tết Quốc tế của tất cả nhi đồng ở các nước.

Như thế là các cháu, nhi đồng Việt Nam và Trung Quốc, có hai Tết: Tết mồng 1 tháng 6 và Tết Trung Thu. Càng được sǎn sóc, các cháu càng phải cố gắng ngoan hơn nữa.

Các cháu gửi thư cho Bác nhiều lắm. Bác rất vui. Nhưng vì Bác bận quá, không trả lời riêng cho từng cháu được. Nhân dịp Tết Trung Thu, Bác gửi các cháu thư này:

Ai yêu các nhi đồng
Bằng Bác Hồ Chí Minh ?

Tính các cháu ngoan ngoãn,
Mặt các cháu xinh xinh,
Mong các cháu cố gắng
Thi đua học và hành.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ,
Tuỳ theo sức của mình:
Để tham gia kháng chiến,
Để gìn giữ hoà bình.
Các cháu hãy xứng đáng:
Cháu Bác Hồ Chí Minh!

Hôn các cháu
HỒ CHÍ MINH

9.Tết Trung thu năm 1953

Cuộc kháng chiến chống Pháp bước vào giai đoạn cuối, quân - dân ta trên khắp các chiến trường liên tiếp giành được những thắng lợi quan trọng.kháng chiến thu được nhiều thắng lợi, Bác phấn khởi làm “Thơ Trung thu gửi các cháu nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân, số 136, từ ngày 16 đến 20-9-1953

9 Tết Trung Thu,
8 nǎm kháng chiến,
Các cháu khôn lớn,
Bác rất vui lòng.

Thu này Bác gửi thơ chung,
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,
Thu này hơn những Thu qua,
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.

Phát động nông dân,
Cải cách ruộng đất,
Dân đỡ chật vật,
Hǎng hái tǎng gia.

Xóm gần cho đến làng xa,
No cơm ấm áo, theo đà tiến lên.
Chỉnh huấn, chỉnh quân,
Bộ đội cố gắng,
Quyết chiến quyết thắng,
Diệt giặc lập công.
Khắp nơi Nam, Bắc, Tây, Đông,
Đưa tin thắng trận cờ hồng tung bay.
Các cháu vui thay!
Bác cũng vui thay!
Thu sau so với Thu này vui hơn.

BÁC HỒ”

10. Tết Trung thu năm 1954

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, Trung thu năm ấy, một lần nữa Bác Hồ lại viết thư động viên cho các cháu thiếu nhi:Thư gửi nhi đồng nhân dịp Trung thu đăng trên Báo Nhân dân, số 224,từ ngày 11 đến 12-9-1954.

Đây là mùa Thu hòa bình đầu tiên, sau 8, 9 năm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong thư Trung thu, sau khi khen ngợi các cháu nhi đồng về những đóng góp cho cuộc kháng chiến cứu nước, Bác "Chúc các cháu vui vẻ, mạnh khỏe, ngoan ngoãn và cố gắng thi đua học hành.

Gửi các cháu nhi đồng,

Trung thu này là Trung thu hoà bình đầu tiên, sau 8, 9 nǎm kháng chiến anh dũng của nhân dân ta. Trong cuộc kháng chiến cứu nước, các cháu cũng có đóng góp một phần. Nhân dịp này, Bác gửi lời thân ái khen ngợi các cháu.

Trǎng thu trong đẹp, sáng rọi khắp nơi, từ Nam đến Bắc. Cũng như lòng Bác yêu quý tất cả các cháu miền Bắc và miền Nam.

Lần này Bác bận việc quá, không rảnh làm thơ gửi cho các cháu. Bác chỉ chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, ngoan ngoãn và cố gắng thi đua học hành.

Đến ngày Nam Bắc một nhà,
Các cháu xúm xít, thì ta vui lòng.

Trung thu nǎm Giáp Ngọ
Bác Hồ của các cháu”

11. Tết Trung thu năm 1956

Tết Trung thu 1956 và 1957, Bác đều viết thư gửi thiếu niên, nhi đồng cả nước và bao giờ Bác cũng dành tình cảm thân thương, trìu mến mà rất mộc mạc chân tình:

Năm 1956, Bác viết Thư gửi thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu (18-9-1956) Báo Nhân Dân, số 927.

“Nhân dịp Tết Trung thu
Thân ái chúc các cháu:
Vui vẻ, mạnh khoẻ,
Đoàn kết chặt chẽ.
Thi đua học hành,
Tiến bộ mau lẹ.

Bác Hồ”

          12. Tết Trung thu năm 1960

Ngày 05-10-1960, Bác Hồ đã ở vào tuổi 70, sức khoẻ của Người đã giảm sút đi nhiều, nhưng Người vẫn kể chuyện Trung thu trong bài “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng”. Bằng lời văn dí dỏm Bác kể: “Theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trăng có chú cuội chăn trâu: Chú cuội ngồi ở trong trăng. Để trâu ăn lúa nhăn răng mà cười...” cuối bài Bác viết: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về nhiều mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Đây là lá thư Trung thu cuối cùng Bác viết cho thiếu nhi. 

 “Theo chuyện đời xưa Việt Nam thì trên mặt trǎng có chú Cuội chǎn trâu:

Chú Cuội ngồi ở trong trǎng, Để trâu ǎn lúa, nhǎn rǎng mà cười!

Theo chuyện đời xưa Trung Quốc thì trên mặt trǎng có cô Tiên đẹp có lâu đài sang:

Trên trǎng các chị Hằng Nga,

Ở trong cung điện xa hoa tuyệt vời.

Những người làm thơ xưa nay thì hay ngâm nga:

Rằm Thu gió mát trǎng thanh...

Nhưng đó là chuyện nói cho vui thôi, T.L. muốn nói chuyện với các em về mặt trǎng khoa học cơ. Chắc các em còn nhớ, cuối nǎm ngoái, Liên Xô đã dùng tên lửa chụp ảnh sau lưng mặt trǎng. Đó là một thành công vĩ đại về khoa học xưa nay chưa từng có.

Liên Xô lại dùng tên lửa đặt Quốc huy của Liên Xô vào mặt trǎng. Từ đó, mặt trǎng đã thành người tuyên truyền tốt cho chủ nghĩa cộng sản. Nhân dân khắp thế giới hễ thấy mặt trǎng là nghĩ đến Búa Liềm.

Mỹ cũng đã nhiều lần thử phóng tên lửa lên mặt trǎng nhưng đều thất bại. Điều này lại chứng tỏ rằng khoa học và kỹ thuật của Liên Xô đã vượt Mỹ rất xa.

T.L. muốn nói với các em vài chuyện nữa. Từ Trung thu trước đến Trung thu này, các em đã cố gắng nhiều và đã tiến bộ khá. Vài ví dụ:

- Học tập khá - hầu hết các em đều đạt trên điểm trung bình.

- Lao động khá - như làm phân, bắt sâu, chǎm sóc trâu bò, thu nhặt thóc rơi... Phát triển hợp tác xã tí hon để cấy lúa, trồng rau, nuôi gà, lợn, v.v..

- Biết thực hành tiết kiệm - như thu nhặt sắt vụn, gạch vụn...

- Biết giữ đạo đức trong sạch - như nhặt được của rơi, đem trả lại.

- Trồng cây khá - các em đã trồng được khá nhiều. Nay T.L. đề nghị:

1- Các em tiếp tục trồng cho nhiều nữa.

2- Ở thành thị cũng như ở nông thôn các em nên tổ chức những Đội nhi đồng chǎm nom cây cối để giúp đồng bào trồng cây nào sống cây ấy, tốt cây ấy.

Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng sǎn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.

Thân ái chúc các em đoàn kết, vui vẻ, mạnh khoẻ và tiến bộ nhiều.

T.L”

Đã 46 năm kể từ ngày Người đi xa, nhưng tấm lòng yêu thương con trẻ của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn sống mãi trong lòng mỗi thế hệ người dân Việt Nam. Đọc lại thư và thơ Trung thu, sau này là Di chúc của Bác Hồ, chúng ta đều bồi hồi xúc động, cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm sâu nặng, thiết tha, vô cùng thiêng liêng, cao đẹp, ấm áp, gần gũi của Người đối với các cháu nhỏ. Nay thiếu nhi cả nước không còn nhận được thư và thơ Trung thu của Bác nữa nhưng “muôn vàn tình thân yêu” của Bác luôn mãi là di sản văn hóa vô giá của toàn Đảng, toàn dân và của thế hệ trẻ nước ta, để mỗi dịp Trung thu về, các cháu thiếu nhi cả nước luôn khắc ghi lời Bác dạy: “Tuổi nhỏ làm việc nhỏ” -  “Các cháu hãy xứng đáng. Cháu Bác Hồ Chí Minh”./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: