Chủ tịch Hồ Chí Minh, cái tên không chỉ gợi lên tình cảm thành kính trong mỗi người dân Việt Nam mà còn tạo được ấn tượng vô cùng tốt đẹp với bè bạn quốc tế. Dấu ấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn hiện hữu trong lòng bạn bè thế giới như biểu tượng về một lãnh tụ kiệt xuất của thế giới trong thế kỷ XX.
Vị Chủ tịch giản dị, gần gũi
Nữ nhà văn, nhà thơ Pháp Madelaine Riffaud đã nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và có những kỷ niệm sâu sắc với Người. Ấn tượng về lần đầu tiên gặp Bác luôn làm bà xúc động mỗi khi nhớ về Người.
Bà Madelaine Riffaud nhớ lại: "Tôi được gặp Hồ Chủ tịch lần đầu tiên tại Hội nghị Fontainebleau ở Pháp năm 1946. Tôi thực sự ấn tượng bởi cách ăn mặc giản dị của Hồ Chủ tịch. Ấn tượng hơn là những câu hỏi, vấn đề mà Người đưa ra thì hết sức thông minh và thuyết phục. Người trả lời câu hỏi của các nhà báo quốc tế với thái độ bình tĩnh, khảng khái, dứt khoát và kiên quyết.
Nữ nhà báo Madeleine Riffaud trong một lần gặp gỡ với Bác Hồ vào năm 1966.
Khi cuộc họp báo kết thúc, chúng tôi theo Bác ra ngoài hành lang. Bác dừng lại trước chúng tôi và chào hỏi thân mật như những người bạn. Khi đó, tôi đang bẽn lẽn không biết nói gì, chỉ biết chào Chủ tịch. Người chào lại và mỉm cười với tôi. Tôi nhớ mãi giây phút đó, nụ cười trìu mến đó".
Năm 25 tuổi, bà Madelaine Riffaud được đến Hà Nội nhân dịp chứng kiến việc thực thi Hiệp định Geneva vào năm 1955 - 1956. Đó là lần thứ 2 bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà Madelaine Riffaud tâm sự: "Vào một buổi sáng năm 1955, tôi được ăn sáng cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh và được tiếp chuyện Bác gần 1 tiếng đồng hồ. Tôi thấy mình thật vinh dự".
Với những ai từng tích cực phản đối cuộc chiến tại Việt Nam và có may mắn được gặp Người như bà Raymond Dien, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất đỗi gần gũi và tình cảm. Người phụ nữ Pháp đã kiên cường bất chấp mạng sống nằm trên đường ray để ngăn chặn đoàn tàu hỏa chở vũ khí đến Việt Nam vẫn nhớ như in ngày bà được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 1956.
Bác Hồ tiếp thân mật chị Raymondien và anh Henri Martin, tại Hà Nội tháng 11/1956.
Bà Raymond Dien xúc động đến trào nước mắt khi kể lại ngày 23/10/1956, khi bà cùng Henri Martin vượt chặng đường dài tới 15 ngày bay qua Bắc Kinh rồi đi tàu đến Hà nội để tham dự Đại hội Thanh niên toàn quốc. Bà kể: “Trước giờ diễn ra Đại hội, tôi nhìn thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đi đến. Người gọi tôi lại ngồi cạnh Người, tôi thực sự rất kinh ngạc, tôi không nghĩ một người Pháp bé nhỏ như tôi lại được ngồi cạnh vị Chủ tịch vĩ đại mà tôi được nghe nói đến rất nhiều và cả thế giới ngưỡng mộ nhưng Người lại gần gũi, giản dị và thân thương đến thế.
Bà Raymond Dien xúc động khi kể lại ngày 23/10/1956 đến Hà nội được gặp Bác Hồ.
Khi tôi nói rằng quê tôi ở Tours, Người đã nói Người biết thành phố Tours, nơi Người từng tham dự Đại hội Đảng Cộng sản Pháp tại đó. Người tặng tôi một chiếc vòng tay bằng ngà. Ngày hôm sau, Người mời chúng tôi đến nhà chơi và gặp gỡ trò chuyện. Và đó là ngày không bao giờ quên trong cuộc đời tôi”.
“Người thầy dạy tôi cách cư xử, cách làm người”
Từ năm 1947 đến năm 1967, trong 20 năm làm việc tại Việt Nam, ông Chu Văn Trang – giáo sư trường Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh (Trung Quốc) vinh dự được nhiều lần tiếp xúc và làm việc với Bác Hồ.
Ông đã viết hàng chục tác phẩm về cuộc đời, con người, thơ ca và những kỷ niệm với Bác trong suốt một thời gian dài. Đối với ông, Bác Hồ thực sự là một người thày vĩ đại, một tấm gương nhân cách sáng chói mà ông suốt đời noi theo.
Ông Chu Văn Trang tâm sự: “Mặc dù Bác Hồ đã rời xa chúng ta lâu rồi nhưng nỗi nhớ của tôi với Bác không vì thời gian mà giảm bớt, ngược lại ngày càng sâu sắc hơn. Tôi luôn nghĩ làm sao phải làm hết sức mình để giới thiệu với người Trung Quốc về Bác Hồ, vị lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, người bạn vĩ đại, thân thiết của nhân dân Trung Quốc”.
Theo ông Trang, Bác Hồ còn là người đã xây dựng nên mối quan hệ mật thiết giữa 2 nước Trung - Việt. Bác không chỉ có mối quan hệ mật thiết với các vị lãnh đạo Trung Quốc, mà còn hết sức quan tâm đến các cán bộ Trung Quốc công tác ở Việt Nam. Đối với nhân dân Trung Quốc, Bác đi đến đâu cũng gây được tình cảm sâu đậm với người dân nơi đó. Ngoài ra, Bác còn rất hiểu biết về văn hoá Trung Quốc. Bác là một nhà thơ chữ Hán lỗi lạc…
Đối với cá nhân ông và cả gia đình ông, ấn tượng về Bác Hồ luôn hết sức sâu đậm. Con trai thứ 2 của ông Văn Trang được Bác Hồ đặt tên. Khi đó, cậu bé mới 2 tháng thì vợ chồng ông sang Việt Nam. Bác đã mời vợ chồng ông và Đại sứ La Quý Ba đến ăn cơm và thể theo đề nghị của ông, Bác đặt tên cho con trai ông là Việt Dũng.
Ông Văn Trang nói về ảnh hưởng của Bác với mình: "Tôi thấy sự ảnh hưởng quan trọng hơn hết là sự bình dị, đạo đức thánh nhân của Bác. Tôi còn nhớ khi nói về tiết kiệm, Bác có lấy ví dụ 1 cái thùng mà bị dò sẽ không bao giờ có thể rót đầy, do đó phải tiết kiệm, phải chống lãng phí, chống tham ô. Những câu nói này mang ý nghĩa vô cùng sâu xa.
Sự giản dị của Bác luôn là tấm gương trong suốt cuộc đời tôi. Sự gần dân của Bác nữa. Bác đi đến đâu là tạo được tình cảm với nhân dân ở đó. Riêng tôi, tôi luôn coi Bác như một người thầy của mình, một người thầy dạy tôi cách cư xử, cách làm người".
Nguyện vì Người góp phần giúp nhân dân Trung Quốc hiểu và yêu quý Việt Nam
Bà Vương Phong là phóng viên lâu năm của tạp chí Liễu Vọng (Trung Quốc). Nhớ lại lần được gặp và chụp ảnh với Bác Hồ năm 1957, bà bồi hồi xúc động: "Hôm ấy, Bác Hồ đi đón một Nguyên soái Liên Xô. Trước đó, bố tôi đã kể cho tôi rất nhiều câu chuyện về những người anh hùng của Việt Nam, làm tôi vô cùng tôn sùng đất nước các bạn.
Bố tôi còn nói, Bác Hồ là vị anh hùng vĩ đại nhất của dân tộc Việt Nam, chính vì vậy tôi luôn mong ước một ngày nào đó mình sẽ được gặp vị anh hùng vĩ đại ấy để bày tỏ sự sùng kính của mình. Bố tôi còn bảo, vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam, Bác Hồ cả đời không lập gia đình, không có con cái. Tôi nghĩ sự hy sinh ấy thật lớn lao biết bao”.
Bà Vương Phong và bức ảnh quý chụp với Bác Hồ khi xưa.
Không ngờ tâm nguyện của cô bé Vương Phong đã trở thành hiện thực. Cô được cha mẹ cho ra sân bay đón vị Nguyên soái người Liên Xô. Trước khi đi, Vương Phong đã mặc chiếc váy mà khi đó, cô luôn nghĩ rằng đó là "áo dài" Việt Nam mà cô thích nhất. Tại sân bay, gia đình cô đứng cùng vợ chồng Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam La Quý Ba.
“Tôi vẫn nhớ rất rõ hôm đó trời mưa nên máy bay đến muộn. Mọi người đang đứng đợi thì chợt có giọng reo vang: "Bác Hồ tới". Không ai bảo ai, tất cả reo mừng chào đón Người. Lúc ấy, tôi nhìn thấy một ông già râu tóc bạc phơ trong bộ quần áo kaki giản dị bước nhanh về phía tôi và mọi người đang đứng. Trong lúc bắt tay với Đại sứ La Quý Ba và phu nhân, Người phát hiện ra tôi và hỏi: "Cô bé này là con ai?".
Hỏi xong Người liền kéo tôi vào lòng, hôn nhẹ lên má tôi và hỏi tôi bằng tiếng Trung Quốc: "Cháu bao nhiêu tuổi? Có biết múa hát không? Có thích Việt Nam không?". Tôi trả lời ngay Bác rằng, tôi rất thích Việt Nam và rất yêu Bác Hồ. Sau đó, Bác đã hỏi tôi có biết tiếng Việt không. Tôi không chần chừ nói liền 3 câu tiếng Việt mà tôi biết, đó là: "Ăn cơm chưa? Ăn cơm rồi. Chào đồng chí". Nghe rồi Bác cười vang, làm mọi người xung quanh cũng vui lây.
Bà Vương Phong giới thiệu Tập tuyển ca khúc về Việt Nam được bà luôn mang theo bên mình.
Khoảng khắc ấy tôi thấy mình là cô bé hạnh phúc nhất trên đời vì tôi đã được gặp vị anh hùng vĩ đại mà ngày đêm tôi hằng mong ước. Và tôi cũng cảm nhận được tình yêu của Người dành cho một cô bé Trung Quốc như tôi, thật giản dị, gần gũi biết bao”, bà Vương Phong nhớ lại.
Đúng lúc ấy, các phóng viên có mặt tại sân bay đã chụp ảnh tới tấp cho Vương Phong và Bác, trong đó có 1 bức được đăng trên báo Tiền Phong với nhan đề "Ai yêu nhi đồng bằng Bác Hồ Chí Minh".
Bà kể: “Bố mẹ tôi đã đóng khung trang báo đó và bày ở vị trí trang trọng nhất trong nhà tôi ở Bắc Kinh.
Chỉ tiếc sau này, do nhiều lần chuyển nhà bức ảnh quý ấy đã không may bị thất lạc. Cũng may chú Tạ Sĩ Phong, phóng viên báo "Tân Việt Hoa" đã tặng cho bố tôi 2 bức ảnh mà ông chụp được. Giờ đây, 2 bức ảnh ấy tôi luôn nâng niu và giữ gìn cẩn thận”.
Hiện nay, bà vẫn dành quỹ thời gian eo hẹp của mình viết những bài báo về Việt Nam. Hay nhờ những người bạn Việt Nam dịch những bài hát, bài thơ nổi tiếng tiếng Việt mà Vương Phong yêu thích sang tiếng Trung để qua đó, bà có thể cảm nhận, rồi truyền tải những cái hay, cái đẹp trong âm nhạc và thơ ca Việt Nam vào những bài viết của mình. Bà luôn tự nhủ với mình rằng, là một nhà báo, sẽ nguyện vì Người góp phần nhỏ bé của mình giúp nhân dân Trung Quốc biết đến Việt Nam, hiểu về Việt Nam và yêu quý Việt Nam./.
(còn tiếp)
Theo Mạnh Phúc
Huyền Trang (st)