“Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, nói tới chính trị thì trước hết là sự bảo đảm vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, hiệu lực quản lý của Nhà nước, quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội”(1).
Theo nghĩa đó, chúng tôi xin cố gắng trình bày một số quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đặc trưng chính trị của CNXH được thể hiện xung quanh ba vấn đề căn bản sau đây:
1. Đặc trưng về mục tiêu chính trị
Nghiên cứu quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin về các đặc trưng của CNXH, từ thực tiễn của công cuộc xây dựng CNXH trên thế giới và xuất phát từ thực tế phát triển của xã hội Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu một số đặc trưng cụ thể và tổng quát về mục tiêu chính trị của CNXH để phân biệt với các chế độ khác.
Trả lời câu hỏi “Chủ nghĩa xã hội là gì?”, Người đã diễn giải CNXH trước hết nhằm làm cho nhân dân thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc, “là nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân”(2), “là làm cho mọi người dân được ấm no, hạnh phúc và học hành tiến bộ”(3), “là sung sướng, tự do”(4), “làm sao cho dân giàu nước mạnh”(5).
Đó là một chế độ “xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt”(6).
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đây cho thấy: CNXH phát triển từng bước, từ thấp đến cao, từ bảo đảm công ăn việc làm đến làm cho dân giàu, nước mạnh và tiến tới xã hội phát triển cao về vật chất, tinh thần và các giá trị xã hội tiến bộ nhất.
Người chỉ rõ: “xã hội xã hội chủ nghĩa không có bóc lột và áp bức dân tộc”(7), đó là “một xã hội bảo đảm cho đất nước phát triển rực rỡ một cách nhanh chóng chưa từng thấy, đưa quần chúng lao động đến một cuộc sống xứng đáng, vẻ vang và ngày càng phồn vinh, làm cho người lao động có một Tổ quốc tự do, hạnh phúc và hùng cường, hướng tới những chân trời tươi sáng, mà trước kia không thể nghĩ tới”(8).
Người cũng nêu lên đặc trưng tổng quát về mục tiêu chính trị của CNXH ở giai đoạn cao là: “Chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới cứu nhân loại, đem lại cho mọi người không phân biệt chủng tộc và nguồn gốc sự tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết, ấm no trên quả đất, việc làm cho mọi người và vì mọi người, niềm vui, hòa bình, hạnh phúc, nói tóm lại là nền cộng hòa thế giới chân chính, xóa bỏ những biên giới tư bản chủ nghĩa cho đến nay chỉ là những vách tường dài ngăn cản những người lao động trên thế giới hiểu nhau và thương yêu nhau”(9).
Những mục tiêu trên thể hiện trên các phương diện chính trị đối nội và chính trị đối ngoại. Đối nội với đặc trưng là giải phóng và phát triển con người Việt Nam. Đối ngoại là thiết lập quan hệ quốc tế hòa bình và hữu nghị giữa các nước trên thế giới vì sự tiến bộ xã hội.
Mục tiêu chính trị đặc trưng của CNXH ở nước ta thể hiện tập trung nhất ở tiêu ngữ độc lập - tự do - hạnh phúc của chế độ mới ở nước ta sau Cách mạng Tháng Tám. Đó là mục tiêu chính trị chung của toàn dân tộc, là mục tiêu để toàn dân đoàn kết phấn đấu. Mục tiêu chung đó gắn hữu cơ vấn đề dân tộc với giai cấp, giải phóng dân tộc gắn với phục hưng dân tộc và phát triển xã hội và con người Việt Nam. Trên ý nghĩa đó, mục tiêu chính trị đặc trưng của CNXH ở Việt Nam, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, trở thành động lực chính trị của cả dân tộc và của mỗi người Việt Nam.
Mục tiêu chính trị đặc trưng độc lập - tự do - hạnh phúc, trong các thời đoạn lịch sử lại được biểu thị bằng các mục tiêu chính trị cụ thể sát hợp với yêu cầu nhiệm vụ ở từng giai đoạn nhất định của cách mạng: Từ mục tiêu chính trị xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và phú cường (sau Cách mạng Tháng Tám) đến xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh (từ sau chiến thắng Điện Biên Phủ) và được khẳng định trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh như là “điều mong muốn cuối cùng” của Người về mục tiêu của CNXH ở nước ta là nhất quán.
Rõ ràng, theo tư tưởng Hồ Chí Minh, thì mục tiêu chính trị của CNXH ở Việt Nam mang đậm yếu tố vì dân tộc, con người và được thể hiện ở những mục tiêu hiện thực, cụ thể nhưng cũng mang đầy đủ những yếu tố dân tộc, nhân loại và thời đại: Độc lập - tự do - hạnh phúc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Chúng ta tiến lên xây dựng một nước xã hội chủ nghĩa tức là một nước có một cuộc đời ấm no, bình đẳng, tự do và độc lập, tức là nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”(10).
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mục tiêu chính trị của CNXH ở Việt Nam thể hiện đặc trưng chính trị của CNXH nước ta là xây dựng một xã hội hòa bình, không có áp bức, bóc lột; một xã hội hạnh phúc, tự do, bình đẳng, bác ái, đoàn kết thương yêu nhau và mọi người được phát triển hết khả năng của mình trên cơ sở của nền kinh tế - văn hóa phát triển cao.
2. Đặc trưng về tổ chức xã hội
Từ quan niệm tổng quát trên đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ đặc trưng của CNXH thể hiện trên các phương diện cấu thành đời sống xã hội về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội đến các quan hệ giữa con người với con người, chỉ ra sự thống nhất biện chứng giữa các nhân tố kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá và đạo đức của CNXH.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước ta do dân làm chủ, “Chế độ ta là chế độ dân chủ.Tức là nhân dân làm chủ”(11). Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lý giải đặc trưng về tổ chức xã hội ở nước ta như sau:
“NƯỚC TA LÀ NƯỚC DÂN CHỦ
Bao nhiêu lợi ích đều vì dân.
Bao nhiêu quyền hạn đều của dân.
Công việc đổi mới, xây dựng là trách nhiệm của dân.
Sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc là công việc của dân.
Chính quyền từ xã đến Chính phủ trung ương do dân cử ra.
Đoàn thể từ Trung ương đến xã do dân tổ chức nên.
Nói tóm lại, quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”(12).
Quan niệm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm nổi bật đặc trưng chính trị khi Người nhấn mạnh về vấn đề Nhà nước. Đó là quyền lực của nhân dân trong việc cử ra, tổ chức nên bộ máy nhà nước cũng như toàn bộ hệ thống chính trị ở nước ta.
Xét theo khía cạnh Nhà nước do dân cử ra, tổ chức nên thì quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đặc trưng về tổ chức xã hội của CNXH ở nước ta cho thấy “sự tự quy định của nhân dân”, “là sự nghiệp của bản thân nhân dân” như Mác nói và đồng thời cũng cho thấy“sự bình đẳng giữa những người công dân..., mọi người ngang nhau trong việc xác định cơ cấu nhà nước và quản lý nhà nước”theo quan điểm của V.I.Lênin.
Ý nghĩa của vấn đề là ở chỗ, quan điểm đó cho thấy không phải Nhà nước tạo ra nhân dân mà nhân dân tạo ra chế độ nhà nước, phù hợp với nguyện vọng và ý chí của nhân dân. Đó là Nhà nước do dânvà nó có nhiệm vụ hướng tới phục vụ nhân dân, vì dân, và được xác định là sự nghiệp của bản thân nhân dân, của dân. Với sự hình thành và nội dung hoạt động như vậy, Nhà nước đó là của dân, do dân và vì dân.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ rằng: “Ở nước ta chính quyền là của nhân dân, do nhân dân làm chủ. Nhân dân bầu ra các Hội đồng nhân dân, Uỷ ban kháng chiến hành chính địa phương, và Quốc hội cùng Chính phủ Trung ương.
Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hóa, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý, để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình...
Nhân dân là ông chủ nắm chính quyền. Nhân dân bầu ra đại biểu thay mặt mình thi hành chính quyền ấy. Thế là dân chủ”(13).
Quan niệm trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ việc nhân dân được tổ chức thành hệ thống chính trị khi họ thực hiện hành động chính trị để “bầu ra đại biểu thay mặt cho mình thi hành chính quyền”, “cử ra” chính quyền các cấp và “tạo ra” các đoàn thể từ Trung ương xuống địa phương. Điều này cho thấy, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đặc trưng chính trị của CNXH xét về mặt tổ chức xã hội có nội hàm rất rộng lớn, nhân dân không chỉ tạo ra Nhà nước mà là cả hệ thống chính trị, Nhà nước chỉ là một bộ phận trong đó.
Quan niệm trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh làm sáng tỏ hơn đặc trưng về tổ chức xã hội theo hình thức dân chủ XHCN và xác định đó là một phương thức tổ chức xã hội hiện đại - xem chế độ nhà nước chỉ là một yếu tố tồn tại của nhân dân nhưng không bao trùm lên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, chỉ là một hình thức tồn tại đặc biệt của nhân dân. Điều đó chỉ rõ, trong khi hoàn thiện chế độ nhà nước thì đồng thời cũng mở rộng và hoàn thiện quan hệ dân chủ trong các yếu tố của sự tồn tại của nhân dân, mở rộng phạm vi tự quản của nhân dân, thúc đẩy sự phát triển của nền dân chủ. Quan niệm đó cho thấy, đặc tính dân chủ phải được thấm sâu vào trong tất cả các lĩnh vực quan hệ, giữa các cá nhân, cộng đồng, giữa các nhóm và tổ chức xã hội trong hệ thống chính trị..., để hướng tới một xã hội bảo đảm sự phát triển tự do của mỗi thành viên và là điều kiện cho sự phát triển tự do của tất cả mọi người trong xã hội.
Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức xã hội theo phương thức dân chủ khẳng định, chế độ dân chủ của nước ta phải thể hiện “bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “quyền hành”, “trách nhiệm, lực lượng” là “của dân”, “đều ở nơi dân”. Quan niệm đó chỉ ra phương thức tổ chức, vận hành của nền dân chủ XHCN là chế độ đại diện, ủy quyền, trong đó chính quyền và đoàn thể đều “do dân cử ra” và “do dân tổ chức nên”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan niệm về dân chủ cũ và dân chủ mới, đồng thời nhấn mạnh tới sự khác biệt và hơn hẳn của nền dân chủ mới đối với nền dân chủ cũ (dân chủ tư sản) và cho rằng thực hiện thành công dân chủ mới là điều kiện để tiến lên CNXH.
Khi phân rõ quyền hành và lực lượng, quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tổ chức xã hội đặc trưng của CNXH không chỉ dừng lại như những quan niệm cổ điển coi dân chủ chỉ là vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân mà còn vạch rõ nguồn gốc, lực lượng tạo ra quyền lực là xuất phát từ nhân dân. Quan niệm đó đã làm sáng tỏ quan điểm Hồ Chí Minh về cách mạng là sự nghiệp của quần chúng khi Người cho rằng công việc đổi mới, xây dựng, kháng chiến kiến quốc là trách nhiệm và công việc của dân. Đồng thời quan niệm trên còn làm nổi bật và thể hiện rõ tư tưởng của Người về nền dân chủ XHCN - nền dân chủ lấy mục tiêu cao nhất là vì con người và giải phóng triệt để con người.
Như thế, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc trưng chính trị của CNXH xét về phương diện tổ chức xã hội là chế độ dân chủ XHCN, chế độ do nhân dân lao động làm chủ.
Đặc trưng chính trị của Nhà nước XHCN không chỉ xét về mặt tổ chức mà chủ yếu là ở nhiệm vụ chính trị của nhà nước đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ:
(1) Nhà nước XHCN “chỉ lo làm lợi cho nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, ngày càng được tiến bộ về vật chất và tinh thần, làm cho trong xã hội không có người bóc lột người”(14).
(2) Nhà nước XHCN phải đoàn kết được dân tộc, phải “phát triển quyền dân chủ và sinh hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công việc Nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội ”(15).
Như vậy, Nhà nước XHCN ở nước ta có nhiệm vụ phải xây dựng thiết chế xã hội để nhân dân thực hiện và phát huy quyền làm chủ của mình. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, để thực hiện được yêu cầu trên, trước hết phải tổ chức, xây dựng một nhà nước pháp quyền mạnh mẽ và sáng suốt với một đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước thực sự là công bộc của dân.
3. Đặc trưng về lực lượng lãnh đạo xã hội
Đặc trưng chính trị này đồng thời phản ánh tính tất yếu của việc xây dựng và hoàn thành mục tiêu chính trị và tổ chức xã hội theo phương thức dân chủ XHCN ở nước ta.
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Vị thế đó bắt nguồn từ quan niệm của Người cho rằng “Đảng cũng ở trong xã hội”(16). Nhưng theo Người, vấn đề không chỉ là sự ra đời của Đảng từ nhân dân và do nhân dân tổ chức nên mà chính là Đảng lấy sức mạnh từ nhân dân, phải luôn gắn bó với nhân dân. Đảng có đủ phẩm chất là lực lượng tiên phong, là đại diện của dân tộc và đưa lại quyền lợi cho toàn dân tộc, vì Đảng không có lợi ích nào khác ngoài việc phấn đấu vì lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Đảng ta đấu tranh để làm gì? - Là muốn cho tất cả mọi người được ăn no mặc ấm, được tự do”(17). Tất cả những mục tiêu đó đã được Đảng chứng minh bằng sự lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, đem lại độc lập, thống nhất cho Tổ quốc và lại tiếp tục dẫn dắt dân tộc xây dựng nền dân chủ mới để tiến đến CNXH. Chính phẩm chất vì nhân dân đó làm cho Đảng xứng đáng với vai trò lãnh đạo thực hiện dân chủ ở nước ta.
Vấn đề đặt ra là nền dân chủ mới dưới sự lãnh đạo của một Đảng được thực hiện như thế nào?
Như đã nêu ở trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra bản chất và cơ chế thực hiện nền dân chủ mới dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Nền dân chủ đó được ghi nhận trong Hiến pháp, thể hiện qua phương thức tổ chức và vận hành của hệ thống chính trị dân chủ ở nước ta. Thực tiễn đó cho thấy, trình độ dân chủ không phụ thuộc vào một hay nhiều đảng phái hay sự đa nguyên chính trị mà là ở chỗ nhân dân được tổ chức như thế nào vào việc quản lý và xây dựng xã hội. Điều đó lại phụ thuộc vào bản chất và năng lực của đảng lãnh đạo. Chính vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh tới việc rèn luyện nâng cao năng lực, phẩm chất, đạo đức cách mạng của đảng cầm quyền với yêu cầu phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Mặt khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chỉ rõ phương thức lãnh đạo của Đảng bằng chủ trương, đường lối, thông qua tổ chức trong hệ thống chính trị nhưng Đảng lãnh đạo chứ không bao biện, làm thay. Và do đó, Người rất chú ý tới chất lượng trong xây dựng hệ thống chính trị và xây dựng những điều kiện để nâng cao, phát triển nền dân chủ.
Tại Đại hội XI, Đảng xác định đặc trưng chính trị của CNXH ở nước ta “là một xã hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển”; “có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”(18) thể hiện đặc trưng về mục tiêu chính trị của CNXH ở nước ta hiện nay.
Đại hội XI cũng chỉ ra phải tổ chức xã hội XHCN ở nước ta “do nhân dân làm chủ”, “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo”.
Đặc trưng trên thể hiện đầy đủ đặc trưng chính trị của CNXH ở nước ta theo tư tưởng Hồ Chí Minh. Đó là những đặc trưng chính trị không thể thay đổi của CNXH ở Việt Nam.
PGS, TS. Phạm Hồng Chương
Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
Thu Hiền (st)
__________________
Bài đăng trên Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2014
(1) Từ điển Bách khoa Việt Nam,t.1, Trung tâm Từ điển bách khoa Việt Nam, Hà Nội, 2005, tr.478.
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập,t.10, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.556.
(3), (6), (11) Sđd, t.10, tr.97, 591, 251.
(4), (5), (7), (8), (14), (16), (17) Sđd, t.8, tr.396, 226, 559, 560, 276, 279, 396.
(9) Sđd, t.1, tr.461.
(10), (15) Sđd, t.9, tr.476, 590.
(12) Sđd, t.5, tr.698.
(13) Sđd, t.7, tr.218-219.
(18) Xem ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.70.