Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành tình cảm và sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ tham mưu quân sự, đặc biệt là cán bộ tham mưu tác chiến. Những tình cảm và sự dạy bảo của Người là động lực to lớn để các thế hệ cán bộ chỉ huy tham mưu tác chiến toàn quân vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, khi địch trắng trợn phá hoại Hiệp định 6-3, Phòng Tác chiến thuộc Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) khi đó được Bác Hồ chỉ thị trực tiếp đến báo cáo về một số vụ vi phạm nghiêm trọng của Pháp. Sau khi nghe báo cáo, Bác chỉ thị: "Giữa ta và Pháp nhất định phải đánh nhau, các chú phải tích cực chuẩn bị. Mà đánh nhau ta nhất định phải thắng Pháp". Thực hiện chỉ thị của Bác, Phòng Tác chiến đã kịp thời phổ biến kinh nghiệm chiến đấu ở miền Nam và kiểm tra, tổ chức hiệp đồng đưa các đơn vị Nam tiến chi viện miền Nam, đồng thời cùng với Bộ Chỉ huy Thủ đô nhanh chóng xây dựng phương án bảo vệ Hà Nội...
Bác Hồ trên đài quan sát Nà Lạn, Đông Khê trong Chiến dịch Biên giới. Ảnh tư liệu.
Tại Hội nghị cán bộ Đảng toàn quốc tháng 2-1950, nhiệm vụ quân sự được đề ra "gấp rút hoàn thành việc chuẩn bị, chuyển mạnh sang tổng tiến công". Bộ máy cơ quan Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh được kiện toàn, trong đó "BTTM có nhiệm vụ giúp Tổng Tư lệnh tổ chức quân đội, dân quân và chỉ đạo tác chiến”. Phòng Tác chiến được tổ chức thành Cục Tác chiến. Cán bộ Cục Tác chiến mỗi khi được làm việc với Bác Hồ luôn được Bác chỉ bảo về công tác tham mưu. Một lần, thủ trưởng Cục Tác chiến đến báo cáo với Bác về tình hình chiến trường Bắc Bộ, Bác vừa nghe vừa dùng bút màu xanh đánh dấu những vùng địch tạm chiếm và dùng bút đỏ đánh dấu vùng căn cứ của ta, vùng du kích hoạt động mạnh, thể hiện rõ hơn các hoạt động của ta và địch. Từ đó trên bản đồ tác chiến có thêm mục "hình thái địch - ta". Năm 1950, khi ta mở Chiến dịch Biên giới, cán bộ Cục Tác chiến vinh dự được đưa Bác Hồ lên quan sát tình hình Đông Khê chiều 17-9-1950 và đón Bác về nghỉ ở phòng họp của cục ở mặt trận trước khi Bác đi thăm, động viên bộ đội tham gia chiến dịch.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, các cán bộ tham mưu tác chiến đã phục vụ đắc lực BTTM trong cuộc "đấu trí đấu lực" quyết liệt nhất với địch, đánh bại các chiến lược chiến tranh. Bác Hồ mỗi lần nghe Cục Tác chiến báo cáo về tình hình miền Nam thường biểu dương những cố gắng và chỉ bảo sửa chữa những thiếu sót, khuyết điểm để Cục Tác chiến ngày càng làm tốt hơn nhiệm vụ cơ quan tham mưu chiến lược. Có trận đánh khi quân ta thắng lớn, cục muốn tuyên truyền rộng rãi để động viên quân và dân cả nước chiến đấu, nhưng Bác bảo: "Ta bây giờ đánh lấy miếng, chưa cần lấy tiếng để hạn chế việc tăng quân và mở rộng chiến tranh của Mỹ". Khi Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, những lúc Bác làm việc ở nơi sơ tán, Cục Tác chiến tổ chức xe thông tin, tiêu đồ để Bác theo dõi tình hình được liên tục, kịp thời. Thỉnh thoảng Bác trực tiếp theo dõi đường bay của máy bay địch trên bảng tiêu đồ, Bác rất vui và cho quà các chiến sĩ làm nhiệm vụ...
Cùng với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, Bác Hồ đã dạy bảo các cán bộ tham mưu tác chiến nhiều bài học, kinh nghiệm sâu sắc. Người dạy: “Dùng binh giỏi nhất là đánh bằng mưu. Thứ hai là đánh bằng ngoại giao. Thứ ba mới là đánh bằng binh. Vây thành mà đánh là kém nhất”. Người còn chỉ rõ: “Biết sức ta, biết sức địch thì trăm trận trăm thắng. Biết sức ta mà không biết sức địch thì thắng 1, bại 1. Không biết ta, không biết địch thì trận nào cũng thua”. Nói chuyện với các cán bộ tại hội nghị chuẩn bị Chiến dịch Tây Bắc, Người chỉ đạo: “Các chú đã bàn rõ cái dễ và cái khó. Gặp cái dễ mà không quyết tâm phát triển thì nó có thể biến thành cái khó, gặp cái khó mà quyết tâm khắc phục thì cũng thành cái dễ. Ở đời không có cái gì khó mà cũng không có cái gì dễ. Ví dụ: Bẻ một cành lá là dễ, nhưng nếu không quyết tâm bẻ mà cứ lờ vờ thì cũng không bẻ được; làm cách mạng và kháng chiến là việc khó, nhưng quyết tâm thì cũng thành công...”. Và để thực hiện tốt công tác tham mưu quân sự, tham mưu tác chiến, ngay từ buổi đầu thành lập BTTM, Người đã chỉ rõ phương hướng, biện pháp: “Bây giờ chưa có kinh nghiệm, chưa hiểu biết về công tác tham mưu, có khó khăn đấy, nhưng phải cố gắng vừa làm vừa học, có quyết tâm thì khó mấy cũng làm được, thế nào ta cũng xây dựng được một ngành tham mưu vững mạnh, tài cán, xứng đáng với dân tộc Việt Nam mưu trí, sáng tạo và anh hùng bất khuất, để bảo vệ độc lập của Tổ quốc, tự do của dân tộc”...
Qua thực tiễn công tác và chiến đấu, được sự quan tâm, chỉ bảo của Bác Hồ, các thế hệ cán bộ ngành tham mưu tác chiến nói riêng, tham mưu về quân sự, quốc phòng nói chung đã vận dụng sáng tạo, làm tốt chức năng tham mưu, tổ chức hiệp đồng, chỉ huy chiến đấu, góp phần vào những thắng lợi vĩ đại của dân tộc ta trong thế kỷ 20. Ngày nay, cán bộ ngành Tham mưu tác chiến toàn quân luôn đẩy mạnh việc "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào thực tiễn công tác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới...
Thiếu tướng NGUYỄN NHƯ HUYỀN - Nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến
Theo Báo Quân đội nhân dân
Bùi Hảo (st)