Giáo sư Ahn Kyong Hwan, Chủ nhiệm Khoa Tiếng Việt của Đại học Chosun (Hàn Quốc) chia sẻ như vậy khi trò chuyện với phóng viên Báo Hà Nội mới nhân dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tên tuổi của Giáo sư Ahn Kyong Hwan từ lâu đã nổi tiếng khi dịch các tác phẩm "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, "Truyện Kiều" của Nguyễn Du, "Nhật ký Đặng Thùy Trâm" và hồi ký "Những năm tháng không thể nào quên" của Đại tướng Võ Nguyên Giáp sang tiếng Hàn. Với nhiều đóng góp thúc đẩy quan hệ Việt - Hàn, năm ngoái Giáo sư Ahn Kyong Hwan được UBND TP Hà Nội trao tặng danh hiệu "Công dân danh dự Thủ đô Hà Nội". Nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Hà Nội mới có cuộc trò chuyện với Giáo sư Ahn Kyong Hwan để hiểu hơn những tình cảm mà ông dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Nhật ký trong tù" giúp người Hàn hiểu hơn về Bác Hồ
- Thưa Giáo sư Ahn Kyong Hwan, đã 12 năm kể từ khi ông cho ra mắt bản dịch bằng tiếng Hàn tập thơ "Nhật ký trong tù". Những năm qua độc giả Hàn Quốc đã đón nhận tập thơ này như thế nào?
- Sau khi bản dịch bằng tiếng Hàn tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được ra mắt tại Hàn Quốc năm 2003, nhiều độc giả Hàn Quốc như các học giả, nhà ngoại giao, sinh viên học tiếng Việt, các nhà đầu tư, thương gia… hầu hết những ai quan tâm đến Việt Nam đều tìm đọc tập thơ. Trước khi tập thơ bằng tiếng Hàn này ra mắt, tại Hàn Quốc chưa có cuốn sách nào giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng tiếng Hàn. Sau 12 năm xuất bản, đến nay bản dịch tập thơ đã được tái bản 7 lần. Tôi cũng đã tự bỏ tiền ra mua vài trăm cuốn để tặng cho thư viện của nhiều trường đại học ở Hàn Quốc, Thư viện Quốc gia Hàn Quốc, Thư viện Quốc hội Hàn Quốc và những người bạn thân. Tôi rất tự hào về bản dịch của tôi, vì tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giúp người Hàn Quốc hiểu hơn về cuộc đời, sự nghiệp của Bác Hồ cũng như đất nước và con người Việt Nam.
- Là một người Hàn Quốc, vậy nguyên do nào khiến Giáo sư tìm hiểu và dày công dịch 133 bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Tôi học Tiếng Việt từ năm 1974 tại Khoa tiếng Việt Trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc vì khi đó đã có giáo viên Hàn Quốc dạy Tiếng Việt. Tháng 7-1989, tôi đến TP Hồ Chí Minh lần đầu tiên. Khi đó, tôi đang làm việc cho chi nhánh của hãng Hyundai tại Thái Lan, vì Việt Nam và Hàn Quốc chưa thiết lập quan hệ ngoại giao nên các công ty của Hàn Quốc chưa được phép mở văn phòng tại Việt Nam. Với nhiều cơ duyên khiến tôi đã gắn bó với Việt Nam từ đó. Sau nhiều năm làm việc và học tập, năm 1993 tôi tốt nghiệp Thạc sĩ tiếng Việt và năm 1996 bảo vệ luận án Tiến sĩ tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh. Sau đó về nước, tôi giảng dạy môn Tiếng Việt và văn hóa Việt Nam tại Trường ĐH Yong San.
Quả thực lúc đầu mới sang Việt Nam, tôi chưa biết nhiều về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì ở Hàn Quốc tôi chưa bao giờ gặp ai nói chuyện về Người, mà chỉ nghe nói đến tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh thôi. Thế nhưng, ở Việt Nam ai cũng nói đến Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình cảm và lòng kính trọng hết sức đặc biệt. Vì thế, tôi muốn biết Chủ tịch Hồ Chí Minh là người như thế nào, có những đóng góp gì cho Tổ quốc Việt Nam. Những câu hỏi đó đã thôi thúc tôi mua cuốn "Nhật ký trong tù" về để trên giá sách và hàng ngày mang ra đọc, suy ngẫm từng bài trong tập thơ này. Với tôi, các nhà chính trị nên học tư tưởng của Hồ Chí Minh.
- Giáo sư đã dành nhiều thời gian để đọc, nghiên cứu và sau này dịch trọn tập "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra tiếng Hàn Quốc. Vậy điều gì ấn tượng nhất ở con người Hồ Chí Minh mà ông đã cảm nhận được?
- Sau nhiều năm đọc và nghiền ngẫm, đến năm 2002 tôi mới bắt tay vào dịch tập thơ "Nhật ký trong tù". Khi dịch từng câu thơ, từng bài thơ, tôi mới hiểu sâu sắc về con người Bác Hồ, càng cảm thấy yêu và kính trọng Người vô cùng. Tôi thấy tự hào vì Châu Á có nhà thơ vĩ đại như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tập thơ "Nhật ký trong tù" đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, con người, tình yêu cuộc sống, lòng yêu nước thiết tha và khát vọng tự do của người chiến sĩ - thi sĩ Hồ Chí Minh. Tất cả đã tạo nên cốt cách của một nhà hiền triết phương Đông với những phẩm chất Nhân - Trí - Dũng. Điều ấn tượng nhất mà tôi đã cảm nhận được, học được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh là tinh thần bất khuất, tình yêu nước và yêu dân tộc vượt lên trên tất cả.
- Như Giáo sư từng nói, mỗi bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù" là một bài học lớn, vậy Giáo sư đã học được những điều gì ở Bác Hồ?
- Đúng vậy, mỗi bài thơ trong tập thơ "Nhật ký trong tù" là một bài học lớn về nhân sinh quan. Khi đọc và dịch 133 bài thơ trong tập thơ, tôi đã học được rất nhiều điều bổ ích từ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thông qua tác phẩm, tôi còn học được tấm gương sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là sự khiêm nhường, ý chí quyết tâm, tinh thần bất khuất để giành độc lập tự do cho dân, cho nước. Tôi nghĩ rằng các nhà chính trị trên thế giới nên học tập tư tưởng này của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Những sự kiện, hoạt động đầy ý nghĩa
- Được biết, sau khi cho ra mắt tập thơ "Nhật ký trong tù" bằng tiếng Hàn, Giáo sư còn chủ trì tổ chức rất nhiều sự kiện, hoạt động để giới thiệu với người dân Hàn Quốc về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
- Vâng, có nhiều hoạt động nhưng tôi chỉ xin kể hai sự kiện tiêu biểu. Đó là vào năm 2005, tôi đã cùng 25 nhà thư pháp Hàn Quốc và 5 nhà thư pháp Việt Nam tham gia viết thư pháp tập thơ "Nhật ký trong tù" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi đã tổ chức thành công triển lãm thư pháp này trong vòng 11 tháng tại 3 thành phố lớn của Hàn Quốc (Seoul, Busan và Gwangju) và 3 địa danh của Việt Nam: TP Hồ Chí Minh, Nghệ An và Hà Nội. Kết thúc triển lãm, chúng tôi đã tặng 68 bức thư pháp cho Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Năm 2011, nhân kỷ niệm 121 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại học Chosun cũng đã tổ chức một cuộc hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Đây là hội thảo khoa học đầu tiên về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hàn Quốc nên nó có ý nghĩa rất to lớn. Với chủ đề "Hồ Chí Minh - Nhà văn hóa thế giới, nhà cách mạng đấu tranh vì hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc", hội thảo đã giúp người dân Hàn Quốc hiểu hơn về cuộc đời và sự hiến dâng cả cuộc đời mình cho Tổ quốc và dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giúp người dân Hàn Quốc rất nhiều trong việc hiểu biết đúng đắn về đất nước Việt Nam. Tất cả các bài báo cáo tại hội thảo là những bài phát biểu đầu tiên ở Hàn Quốc về Chủ tịch Hồ Chí Minh nên đã được rất nhiều người quan tâm.
- Qua những hoạt động trên, giới học giả ở Hàn Quốc quan tâm đến khía cạnh nào của con người Chủ tịch Hồ Chí Minh, thưa Giáo sư?
- Hiện tôi là Chủ tịch Hội Nghiên cứu Việt Nam tại Hàn Quốc. Chỉ riêng qua hội thảo trên, tôi thấy giới học giả Hàn Quốc đặc biệt quan tâm đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các nhà sử học thì quan tâm đến những hoạt động cách mạng của Người để so sánh với những nhà hoạt động độc lập của Hàn Quốc. Các nhà văn của Hàn Quốc lại quan tâm đến các bài thơ của tác phẩm "Nhật ký trong tù"...
- Là một người am tường về văn hóa Việt Nam, đã nhiều năm nghiên cứu về Bác Hồ, vậy Giáo sư thường dạy những bài học gì về tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho các sinh viên của mình?
- Hiện tôi đang giảng dạy về lịch sử, văn hóa của Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh cho sinh viên Hàn Quốc mỗi tuần 9 giờ và tôi cũng dạy tiếng Việt 2 giờ nữa. Mỗi học kỳ tôi còn dạy môn "Lý giải văn hóa Việt Nam" cho sinh viên Hàn Quốc. Số sinh viên đăng ký tham gia môn học này khoảng 1.000 sinh viên thuộc 3 trường đại học có khoa tiếng Việt của Hàn Quốc. Mỗi học kỳ kéo dài 15 tuần. Trong đó tôi dành 2 tuần để giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh như hoàn cảnh xuất thân, những hoạt động cách mạng, những bài thơ trong tập "Nhật ký trong tù"… để các em hiểu hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Bác Hồ. Trong những bài giảng của mình, tôi còn giới thiệu cho giới trẻ Hàn Quốc hiểu rằng, chiến tranh Việt Nam là chiến tranh để giành độc lập, thống nhất đất nước. Nhờ có những vĩ nhân như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà Việt Nam mới giành được độc lập, thống nhất như ngày nay.
Và triển vọng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc
- Tuy mới thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1992 đến nay, nhưng quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển trên các lĩnh vực, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ lên thành "Đối tác hợp tác chiến lược" (năm 2009). Đóng góp vào thành công chung này là sự giao lưu giữa người dân hai nước, đặc biệt là giới trẻ. Giáo sư đánh giá về nhận định này như thế nào?
- Đúng vậy, mới hơn 20 năm kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao đến nay, quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc đã phát triển trên tất cả các lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, thương mại, đầu tư… Trong đó, sự giao lưu giữa người dân hai nước cũng không ngừng được đẩy mạnh với việc các doanh nghiệp Hàn Quốc sang Việt Nam đầu tư, lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc, các cô dâu Việt lấy chồng Hàn… Qua trò chuyện tôi được biết, hầu hết sinh viên Hàn Quốc đều muốn sang Việt Nam để tham quan, du lịch, trong đó vịnh Hạ Long là điểm đến không thể thiếu. Các sinh viên trong trường đại học của chúng tôi đều đánh giá rất cao các du học sinh Việt Nam vì họ chăm chỉ học tập và luôn tuân thủ những quy định pháp luật của nước sở tại. Hiện Đại học Chosun của chúng tôi có khoảng 150 du học sinh Việt Nam.
- Việc học Tiếng Việt ở Hàn Quốc cũng như học tiếng Hàn ở Việt Nam hiện ra sao, thưa Giáo sư?
- Hiện nay tại Hàn Quốc có 3 trường đại học có mở khoa Việt Nam học, ngoài ra còn có 2 trường dạy Tiếng Việt. Khoa tiếng Việt được mở tại Hàn Quốc đầu tiên là vào năm 1967. Đặc biệt, đến năm 2014 vừa qua, Tiếng Việt là một trong các ngoại ngữ 2 được sử dụng trong kỳ thi nhập học đại học tại Hàn Quốc. Vì thế, sẽ có nhiều học sinh quan tâm và học tiếng Việt nhiều hơn nữa. Tại Việt Nam, từ năm 1993 có mở ngành Hàn Quốc học và hiện nay có 14 trường đại học đang dạy tiếng Hàn. Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam dẫn đến nhu cầu học tiếng Hàn của người Việt Nam ngày càng cao. Bên cạnh đó, số phụ nữ Việt Nam kết hôn với người Hàn Quốc và đang sinh sống tại Hàn Quốc ngày càng tăng sẽ là cầu nối thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước.
- Là một người có tình cảm đặc biệt với Việt Nam, có nhiều đóng góp trong việc giới thiệu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến với giới trẻ của Hàn Quốc, vậy dịp kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Người, Giáo sư có dự định nào không?
- Tôi rất mong được tổ chức một cuộc triển lãm thư pháp về "Nhật ký trong tù" như đã từng thực hiện vào năm 2005. Tuy nhiên, rất tiếc tôi không thể thực hiện được vì kinh phí tổ chức rất lớn. Để tổ chức được một triển lãm quy mô như năm 2005, chúng tôi cần kinh phí khoảng 100.000 USD. Tôi nghĩ rằng những hoạt động giới thiệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hàn Quốc cũng rất cần thiết nhằm góp phần tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược và hợp tác hữu nghị giữa hai nước Việt Nam - Hàn Quốc. Dù không tổ chức được một cuộc triển lãm thư pháp, tôi đang chuẩn bị tổ chức một cuộc hội thảo về "Triển vọng quan hệ Hàn - Việt" trong tương lai để kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 40 năm Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước của Việt Nam; 70 năm ngày Việt Nam giành độc lập… Hội thảo dự kiến được tổ chức vào tháng 9 hoặc tháng 12 tới.
- Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!
Đình Hiệp thực hiện
Khúc Thị Lan Hương (st)