“Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) - tập thơ chữ Hán được Hồ Chí Minh viết xong vào tháng 9-1943 sau ngót 14 tháng bị giam cầm trong các nhà lao ở Quảng Tây (Trung Quốc). Tác phẩm "Ngục trung nhật ký" - một bảo vật văn chương của dân tộc Việt Nam, đã thể hiện đầy đủ những phẩm chất, nhân cách cao đẹp của Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.
Năm 1943 là năm Hồ Chí Minh viết xong “Ngục trung nhật ký”.
Năm 1960 là năm bản dịch “Nhật ký trong tù” đầu tiên ra mắt bạn đọc.
Đầu năm 1960, khi tôi được về công tác ở Viện Văn học thì Viện đang trong không khí chuẩn bị cho sự ra mắt long trọng lần đầu bản dịch “Ngục trung nhật ký” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân sinh nhật lần thứ 70 của tác giả. Trong đời nghề của mình tôi đã từng viết và nói về sự nghiệp thơ văn của Hồ Chí Minh, về "Nhật ký trong tù", thế mà mỗi lần chạm phải câu hỏi, hoặc tự mình đặt câu hỏi: "Ngục trung nhật ký" từ đâu đến? Hoặc nói cho cụ thể hơn: Trước khi đến Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, "Ngục trung nhật ký" nằm ở đâu?... tôi đều tìm cách tránh câu trả lời; hoặc chỉ trả lời cho qua chuyện - đại loại là có ai đó đã lưu giữ hoặc phát hiện và đưa vào Bảo tàng Cách mạng Việt Nam… Vậy tốt nhất là cứ để một khoảng trống cho nó, và đành bằng lòng với cái xuất xứ dừng lại ở Bảo tàng Cách mạng Việt Nam.
Cố nhiên chuyện Hồ Chí Minh làm thơ trong tù thì đã nhiều lần được tác giả nói đến, như trong "Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch" (1949) của Trần Dân Tiên, "Vừa đi đường vừa kể chuyện" (1963) của T. Lan… Hoàng Điền-học viên Trường Quân sự Liễu Châu, thời 1940-1943, trong hồi ký “Những ngày sống gần Bác” (NXB Lao động, 1997) cũng cho biết ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh cho xem cuốn nhật ký bằng thơ của mình: “Hồi mới ở tù ra, Bác đã bùi ngùi kể cho tôi nghe về đời sống trong tù và cho xem cuốn nhật ký bằng thơ (chữ Trung Quốc) của Bác”.
Nhưng còn chuyện sau khi ra tù, cuốn sổ thơ ấy được lưu giữ như thế nào thì ngoài Hồ Chí Minh, vẫn chưa có ai được biết.
Bản gốc tập thơ “Ngục trung nhật ký”. Ảnh: THẢO DUY
Trở lại chuyện “Nhật ký trong tù", tôi tin là những người tổ chức việc viết lại chữ Hán, phiên âm, dịch và ấn hành “Nhật ký trong tù” như: Tố Hữu, Đặng Thai Mai, Hoài Thanh, Phạm Phú Tiết, Nam Trân… đều biết rõ lai lịch của nó. Tôi cũng có lòng tin là tác giả Hồ Chí Minh không thờ ơ trong chuyện này, và có tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc hoàn thiện văn bản dịch “Nhật ký trong tù” năm 1960. Nói “trực tiếp” là căn cứ vào các bút tích của Bác trên các văn bản Bác trả lại cho Viện Văn học. Nói “gián tiếp” là ở các ý kiến của tác giả qua Văn phòng Phủ Chủ tịch hoặc Ban Tuyên giáo Trung ương và những người thân cận Bác như Tố Hữu. Bằng chứng là các bút tích trên bức thư Đặng Thai Mai gửi ngày 4-2-1960 để được biết chính xác 6 trường hợp chữ viết còn nghi vấn, trong các bài: “Ngọ hậu”, “Quả Đức ngục”, “Tảo giải II”, “Điệp lạc”, “Lai tân” (có ở hồ sơ tư liệu của Viện Văn học). Và một bức thư khác, qua Ban Tuyên giáo Trung ương-như được Đặng Thai Mai nói đến trong một bài viết của mình: “Cuốn sổ tay của Bác hiện còn được lưu trữ, có ghi trên bìa hai con số: 1932-1933. Trong thời gian Viện Văn học hiệu đính bản dịch tập "Ngục trung nhật ký" (1959-1960) chúng tôi đã đề đạt lên Bác câu hỏi về điểm này, qua Ban Tuyên giáo Trung ương. Và đã được trả lời: Hai con số trên đây là sai; đúng ra là 1942-1943” (“Nghiên cứu, học tập thơ văn Hồ Chí Minh”, NXB Khoa học xã hội, 1979).
Cho đến cuối tháng 4-2003, khi tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử làm phản biện cho luận án Tiến sĩ: “Khảo sát văn bản “Ngục trung nhật ký” và nghiên cứu nội dung hình thức nghệ thuật tập thơ từ góc độ nhật ký” của nghiên cứu sinh Vũ Thị Kim Xuyến, thì mới được sự trả lời cụ thể về câu hỏi này. Để làm luận án, chị Kim Xuyến đã được Bảo tàng Cách mạng Việt Nam cho tiếp xúc trực tiếp với văn bản chữ Hán “Ngục trung nhật ký”; theo như cách viết của luận án, thì văn bản đó đã được chính Bác giao cho những người tổ chức cuộc triển lãm cải cách ruộng đất, ở phố Bích Câu vào ngày 14-9-1955. Và đây là trích dẫn luận án: “ Ngày 14-9-1955, nhân dịp Chủ tịch Hồ Chí Minh đến duyệt nội dung triển lãm về Cải cách ruộng đất tại phố Bích Câu, Hà Nội, Người đã đưa cuốn sổ tay kèm theo Thẻ dự Hội nghị Liễu Châu, Trung Quốc cho đồng chí Nguyễn Việt-Trưởng ban tổ chức Triển lãm và Người nói: “Tôi có quyển sổ tay cách đây mười mấy năm, còn giữ đến bây giờ, các cô các chú xem có triển lãm được thì dùng”. Và: “Trong hồ sơ hiện vật về cuốn sổ tay của Hồ Chí Minh có ghi rõ: Đồng chí Trần Ngọc Chương-Phó phòng nghiên cứu sưu tầm Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã được chứng kiến lúc Hồ Chủ tịch bàn giao cuốn sổ “Ngục trung nhật ký” cho Bảo tàng Cách mạng Việt Nam”.
Nhưng sau tất cả những dẫn liệu trên, câu trả lời về lai lịch "Nhật ký trong tù" vẫn chưa thật được thỏa mãn. Phải đến bài viết của Hồng Khanh: “Niềm vui của Bác Hồ khi nhận lại bản thảo “Nhật ký trong tù”, đăng trên Báo Nhân Dân, số ra ngày 17-5-2003 thì vấn đề mới thật sự được sáng tỏ.
Vậy là chính Hồ Chí Minh đã giữ theo mình văn bản "Ngục trung nhật ký" suốt từ năm 1943, sau khi ra tù. Hoàn cảnh chuẩn bị Tổng khởi nghĩa khiến Bác phải di chuyển luôn, nên Bác đã gửi nhờ trong nhà của một đồng bào người dân tộc ở Cao Bằng… Và từ đấy, cho đến giữa 1955, sau ngày giải phóng Thủ đô, cuốn sổ theo đường bưu điện lại được gửi về Văn phòng Phủ Chủ tịch để trình lên Bác. Khỏi phải nói niềm vui và sự cảm động của Bác, qua ký ức của đồng chí Tạ Quang Chiến-người từng được giúp việc cho Bác, và được nhận cái phong bì dày cộm hơn bình thường của một đồng bào nào đó đã cẩn thận giữ cuốn sổ trong suốt bao nhiêu năm, nay mới có dịp gửi trả về cho chủ…
Từ đó, mới tiếp tục có câu chuyện Bác chuyển giao cuốn sổ cho Ban tổ chức một cuộc triển lãm. Chính vì có sự xuất hiện của cuốn nhật ký trong triển lãm nên mới có bài của Nguyễn Tâm, trên Báo Nhân Dân số ra ngày 19-5-1957: “Tại phòng triển lãm những tài liệu cách mạng có một quyển vở nhỏ bằng giấy bồi, ngoài bìa có 4 chữ "Ngục trung nhật ký". Quyển nhật ký có hơn trăm bài thơ bằng chữ Nho ghi lại tình trạng Bác trong tù”… Thế nhưng ngoài bài giới thiệu của Nguyễn Tâm vẫn chưa thể có sự giới thiệu rộng rãi cuốn nhật ký-bởi sau khi triển lãm kết thúc, nó lại được chuyển giao về nơi lưu giữ.
Tôi có lưu ý đến bài của PGS Phan Ngọc trả lời Lê Hữu Mục có tên “Câu chuyện tác giả “Ngục trung nhật ký” đăng trong “Suy nghĩ mới về “Nhật ký trong tù”, với đoạn mở đầu: “Vào khoảng tháng 9-1956, nhà thơ Nam Trân đến nhà tôi cho tôi xem một tập ảnh chụp quyển "Ngục trung nhật ký". Tập này gồm 133 bài, viết cùng một thứ chữ, chữ của Hồ Chí Minh, vì tôi đã được xem chữ của ông”.
Viện Văn học mãi đến giữa 1959 mới thành lập, Nam Trân là lớp cán bộ cốt cán đầu tiên. Vậy có chuyện Nam Trân có văn bản "Ngục trung nhật" ký từ năm 1956 không? Hay là năm 1959 mà Phan Ngọc nhớ nhầm? Theo chỗ tôi biết thì sau khi xuất hiện trong triển lãm, văn bản "Ngục trung nhật ký" lại được đưa về bảo quản ở Bích Câu (có người nói là trở về nơi lưu trữ của Văn phòng Trung ương Đảng) là nơi tập kết các hiện vật của Bảo tàng Cách mạng Việt Nam để chuẩn bị cho việc khánh thành bảo tàng còn phải chờ ngót 4 năm sau, cho đến năm 1959. Việc bảo quản nguyên tác văn bản “Ngục trung nhật ký” là rất cẩn trọng, không thể dễ dàng giao cho một cá nhân nào; không một cá nhân nào được tùy tiện sử dụng, nếu không được phép của các cấp trên. Mà phải chờ cho đến khi có một tổ chức học thuật đáng tin cậy như Viện Văn học thì các cấp và cá nhân có thẩm quyền mới có thể trịnh trọng giao việc. Và sự thật là Viện Văn học đã thực hiện xứng đáng việc đó vào tháng 5-1960, khi NXB Văn hóa ấn hành lần đầu tiên “Nhật ký trong tù”./.
Bài 2: Bức chân dung tự họa của Hồ Chí Minh
GS PHONG LÊ (Nguyên Viện trưởng Viện Văn học)
Báo Quân đội nhân dân
Kim Chi (st)