Thứ bảy, 21/12/2024

Một kỹ sư cầu đường, nhưng lại có hàng chục bài hát, trong đó có nhiều bài hát về Bác Hồ, về con đường Hồ Chí Minh. Không chỉ sáng tác nhạc, anh còn có hàng chục bài thơ về Bác. Dù là nhạc, hay thơ, thì trong mỗi sáng tác của anh, người nghe, người đọc đều cảm nhận sâu sắc tình yêu đặc biệt của anh với Bác Hồ. Anh là nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn (ảnh), Hội viên Hội Nhạc sỹ Hà Nội.

giai-dieu-con-duong-cua-bac-1
Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn

Con đường đầu tiên

“Khi chúng con được về bên nhà Bác, làm con đường mà mỗi sáng Bác đi, quanh Nhà sàn một con đường cách mạng, là con đường Việt Nam, con đường của Bác, con đường của thời đại Hồ Chí Minh…”. Những câu hát trong bài hát “Con đường của Bác - Đường Hồ Chí Minh” của nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn, do ca sỹ trẻ Hiền Anh thể hiện đã khiến nhiều người nghe ngỡ ngàng. Với lời ca giản dị, mộc mạc, giai điệu mượt mà, sâu lắng, phảng phất âm hưởng dân ca xứ Nghệ, bài hát cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe. “Đường con đi từ Nhà sàn của Bác, đường con đi bắt đầu từ đây. Đường con đi nối bao nhiêu đỉnh núi, giữa ngàn tiếng vang ca, hát về Bác mãi mãi. Giữa đất trời bát ngát chứa chan, giữa tấm lòng người dân Việt Nam”…

Và khi biết, những giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng, với những ca từ mộc mạc, gần gũi ấy được sáng tác bởi một… kỹ sư cầu đường, tôi thực sự bất ngờ.

Chia sẻ về lý do và sự ra đời của bài hát, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn kể, khi anh còn nhỏ, nghe bố mẹ, và những người lớn tuổi kể chuyện về Bác Hồ, trong lòng anh luôn hình dung Bác như một vị tiên với lòng kính yêu vô hạn, và tình yêu ấy cứ lớn dần theo thời gian. Năm 1979, anh là sinh viên năm thứ nhất của trường Đại học Giao thông Vận tải. Khi đó, khoa Công trình của anh được giao nhiệm vụ tu sửa con đường quanh Nhà sàn trong Phủ Chủ tịch, con đường trước đây Bác Hồ vẫn thường đi bộ để rèn luyện sức khỏe, sau này được các cán bộ công tác tại khu di tích trìu mến gọi là con đường mòn Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch. “Khi biết tin, anh em sinh viên chúng tôi vừa háo hức, vừa tự hào, bởi thời đó, được vào Phủ Chủ tịch là một việc vinh dự lắm. Vậy mà chúng tôi lại còn được làm công trình ý nghĩa như vậy. Đó là con đường đầu tiên, công trình đầu tiên trong đời kỹ sư của tôi”, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn xúc động nhớ lại.

giai-dieu-con-duong-cua-bac-2
Một đoạn đường Hồ Chí Minh.

Anh Sơn cho biết thêm, cũng chính trong những ngày vào tu sửa con đường ấy, các anh đã có cơ hội được gặp những nhân vật nổi tiếng, những người vốn rất gần gũi Bác Hồ khi Người còn sống, như đồng chí Vũ Kỳ, Đại tướng Hoàng Văn Thái, Thượng tướng Trần Văn Trà… được các bác, các chú kể cho nghe nhiều câu chuyện về Bác, một vị lãnh tụ có lối sống giản dị, gần gũi... “Những câu chuyện đó đã giúp chúng tôi hiểu hơn về cuộc đời của Bác Hồ, để rồi càng thấy yêu và kính trọng Bác hơn”, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn chia sẻ.

Năm 1983, sau khi tốt nghiệp đại học, chàng trai trẻ Phạm Hồng Sơn xung phong vào công tác tại Tây Nguyên. Thời gian này, anh thường đi lại nhiều trên con đường mòn Hồ Chí Minh. Khi đó, con đường chưa được nâng cấp, việc đi lại vô cùng khó khăn. Trong một chuyến công tác năm 1989, khi nghỉ chân trên đỉnh đèo Lò Xo (giáp ranh giữa tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi). Anh đứng trên đỉnh đèo nhìn về hướng Quảng Ngãi, quê hương của người cha thân yêu. Từ trên cao nhìn xuống, quê nhà gần là thế, ấy vậy mà đi ngoằn ngoèo mãi mới tới nơi.

Trong giây phút đứng trên cao đó, anh thầm ước, giá như có một con đường, xẻ dọc Trường Sơn, nối liền những đỉnh núi, để cho việc đi lại thuận tiện hơn thì tốt biết bao nhiêu. Và anh liên tưởng ngay đến con đường đầu tiên anh được làm trong đời, con đường mòn trong Phủ Chủ tịch… rồi anh lại nghĩ, trong kháng chiến, chúng ta đã từng có con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại để giải phóng đất nước, tại sao lại không có con đường Hồ Chí Minh trong hòa bình, con đường đó sẽ mang lại hạnh phúc, ấm no cho người dân... Những cảm xúc hiện tại cùng mơ ước về con đường huyền thoại đã thôi thúc anh chắp bút, viết lên một bản nhạc, mượn lời bài hát nói hộ tâm trạng và mong ước trong lòng mình khi đó. Và bài hát “Con đường của Bác - Đường Hồ Chí Minh” ra đời trong hoàn cảnh đó.

Từ huyền thoại đến hiện thực

Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn chia sẻ, khi anh viết bài hát đó, phần là để nói lên tình cảm của bản thân với Bác Hồ, phần là để nhớ đến kỷ niệm đáng nhớ khi làm con đường trong Phủ Chủ tịch. Và mơ ước đến một con đường Hồ Chí Minh của thời đại hôm nay. Nhưng có lẽ có một cơ duyên kỳ diệu nào đó, mà 10 năm sau, năm 1999, khi Chính phủ quyết định xây dựng con đường Hồ Chí Minh, anh được lãnh đạo phân công về công tác tại Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Khỏi phải nói, khi được điều về công tác tại Ban Quản lý Dự án đường Hồ Chí Minh, chàng kỹ sư Phạm Hồng Sơn thấy vui và hạnh phúc đến dường nào. Anh vui với niềm vui chung của cả nước, bởi con đường huyền thoại sắp được nâng cấp, trở thành con đường huyết mạch nối liền Bắc - Nam. Anh cũng cảm thấy rất vinh dự, khi được đóng góp một phần công sức của mình vào thi công con đường ấy. Nhưng anh còn vui hơn, bởi chính anh cũng không ngờ, con đường trong mơ ước của riêng anh, lại có cơ hội trở thành hiện thực.

Trong niềm vui nhân đôi ấy, anh luôn tự nhủ với chính mình, phải gắng sức làm thật tốt, để xứng đáng với một công trình huyền thoại mang tên Bác. Cũng trong thời gian làm đường, trong một cuộc sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, chàng kỹ sư Phạm Hồng Sơn cao hứng cất cao giọng hát bài “Con đường của Bác - con đường Hồ Chí Minh”, mọi người sau khi nghe xong đã khẳng định, đây chính là bài hát của đường Hồ Chí Minh. Từ đó, bài hát được anh em cán bộ, công nhân làm đường Hồ Chí Minh truyền tay nhau, học thuộc và thường xuyên hát trong những cuộc vui.

Ngoài ca khúc “Con đường của Bác - Đường Hồ Chí Minh”, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn còn có 2 tác phẩm viết về Trường Sơn, viết về con đường mòn Hồ Chí Minh, đó là ca khúc “Người bạn Cuba trên đường Hồ Chí Minh” và ca khúc “Hát mãi với Trường Sơn”. Mỗi bài hát một giai điệu, một phong cách khác nhau. Bài thì rộn ràng, hoan ca, bài lại nhẹ nhàng, êm ái… nhưng dù bài hát nào, với giai điệu nào, cũng đều mang trong đó những tình cảm chân thành nhất của một người con đất Việt với Bác Hồ kính yêu.

Nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn kể, suốt thời gian cùng anh em thi công con đường, điều khiến anh ấn tượng nhất, cũng xúc động nhất chính là dọc tuyến đường huyền thoại ấy, anh được tham quan, được biết đến rất nhiều căn cứ cách mạng ở nhiều vùng khác nhau, nhiều di tích cũng như những danh lam thắng cảnh, trải dọc một dải rừng núi phía Tây của Tổ quốc, từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau). Trong hành trình dọc đất nước ấy, anh đã đến nhiều nơi đã từng là căn cứ cách mạng, nuôi dưỡng, giúp đỡ cán bộ, gặp gỡ những nhân vật anh hùng nổi tiếng một thời như anh hùng Can Lịch, anh hùng Núp… những cuộc gặp gỡ kỳ diệu ấy càng khiến anh cảm thấy tự hào hơn.

Và từ trong tâm mình, anh luôn cho rằng, con đường Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tuyến đường để thông thương, đi lại, mà nó như một sự tri ân với đồng bào, với những người anh hùng đã chiến đấu quên mình để bảo vệ Tổ quốc, để cho các thế hệ con cháu có một tương lai tươi sáng như ngày hôm nay. Và đó cũng chính là nguồn cảm hứng để anh viết bài “Hát mãi với Trường Sơn” cùng lời nhắn nhủ: “Em ơi hãy cùng anh, hát mãi với Trường Sơn, với con đường tương lai, con đường mang tên Bác, con đường Hồ Chí Minh…”

Không chỉ sáng tác ca khúc, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn còn có nhiều bài thơ viết về Bác. Anh cho biết, hơn chục năm nay, năm nào anh cũng làm ít nhất một bài thơ về Bác Hồ. Đến nay, anh đã có khoảng trên 30 bài thơ về Bác. Rồi như để chứng minh, anh cất tiếng đọc: “Xuân về chan chứa bao tình/ Non xanh mây trắng thanh bình yên vui/ Con về viếng Bác ngậm ngùi/ Tản Viên như cũng nhớ người trầm tư/ Nén hương thơm đến thẫn thờ/ Nhắc con nhớ mãi bến bờ ơn sâu/ Đường con nối những nhịp cầu/ Giữ cho tên Bác ngàn sau vững vàng…”.

Cho đến nay, “gia tài” ca khúc của nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn không nhiều, nhưng cũng lên đến con số vài chục ca khúc, thơ cũng có tới vài chục bài. Trong số những tác phẩm mình sáng tác, những bài thơ, bài hát về Bác Hồ, về con đường Hồ Chí Minh vẫn là những tác phẩm anh tâm đắc nhất. “Mấy chục năm trong nghề, tôi đã đi nhiều, làm nhiều con đường, nhưng với tôi, con đường đầu tiên và ý nghĩa nhất vẫn là con đường mòn bên nhà sàn Bác Hồ. Và những ký ức về thời gian làm con đường đó sẽ theo tôi đi suốt cuộc đời mình”, nhạc sỹ Phạm Hồng Sơn tâm sự./.

Phương Hà

Theo Baotintuc

Đặng Tuyết (st)

Bài viết khác: