Phóng viên Denis Gray của hãng thông tấn AP (Mỹ) từng khẳng định: “Việt Nam có thể có những bước thăng trầm, nhưng ký ức về vị lãnh tụ cộng sản được sinh ra từ cuối thế kỷ XIX sẽ tồn tại mãi mãi”. Không chỉ với người dân đất Việt, mà với cả bạn bè quốc tế, hình ảnh Bác vẫn sống động, gần gũi. Báo giới nước ngoài dành nhiều thiện cảm, ngưỡng mộ cho người anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam.
“Người chiến thắng”
Nhà báo Mỹ Alden Whitman mở đầu bài viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh trên tờ New York Times bằng đoạn: "Đối với 19 triệu người ở phía bắc vĩ tuyến 17 và hàng triệu người khác ở phía nam vĩ tuyến này, Hồ Chí Minh với dáng người gầy, chòm râu dài, cùng đôi mắt sáng thực sự như một vị già làng của toàn thể dân tộc Việt Nam".
Theo Whitman, sau năm 1954, Việt Nam tạm thời bị phân chia theo Hiệp định Geneva và đứng trước nguy cơ bị chia cắt, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo nhân dân ở miền Bắc chống trả sức mạnh quân sự của người Mỹ. Trong chiến tranh, Thủ đô Hà Nội cùng nhiều thành phố khác của miền Bắc liên tục bị máy bay Mỹ oanh tạc. Hồ Chí Minh là nguồn cảm hứng cho Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc chiến trường kỳ và nhiều mất mát.
Tạp chí Time số ra ngày 12/9/1969 thể hiện hình ảnh chân dung Hồ Chủ tịch trên trang bìa với tựa đề là "Kỷ nguyên mới ở miền Bắc Việt Nam". Bài viết trong số này nói về
di sản của Bác để lại sau sự ra đi vĩnh viễn của Người.
Harry Ashmore, cựu chủ bút của tờ Arkansas Gazette cùng William C. Baggs, biên tập viên của tờ Miami News là hai người Mỹ có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Buổi gặp gỡ diễn ra tại Hà Nội vào đầu năm 1967.
"Ông là một người lịch thiệp, nho nhã và khoan thai", nhà báo Ashmore mô tả. Tại cuộc gặp gỡ đó, Hồ Chủ tịch mặc áo trắng cổ cao, chân đi dép cao su. Ông liên tục hút thuốc, loại thuốc Salems của Mỹ. Hồ Chủ tịch đã khiến Ahsmore ngạc nhiên về tài giao tiếp bằng tiếng Anh. "Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều ngoại ngữ mà ông thành thạo, gồm tiếng Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga", nhà báo Mỹ viết.
Tạp chí Time nổi tiếng của Mỹ đã không dưới 5 lần đưa hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh xuất hiện trên trang bìa. Lần thứ nhất là vào tháng 11/1954 khi nói về sự kết thúc cuộc kháng chiến chống Pháp. Lần thứ 2, trong bài báo mang tên “Việt Nam: Miền Bắc không khoan nhượng” đăng ngày 16/7/1965, Bác Hồ xuất hiện khi đã 75 tuổi nhưng “vẫn hồng hào, vui vẻ, có khiếu hài hước”. Một năm sau đó, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp chung với nhà ngoại giao Shelepin lại tiếp tục được đăng trang bìa để minh họa cho bài viết về cuộc tấn công của Mỹ và sự đáp trả của Việt Nam.
Hình ảnh Bác Hồ xuất hiện trên bìa Time là ở số ra ngày 12/5/1975, gần hai tuần sau
Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam.
Khi Bác mất, tạp chí Time có bài viết với ảnh mang tên “Di sản của Hồ Chí Minh”. Trong đó, tạp chí danh tiếng này khẳng định những gì mà Bác để lại trước lúc ra đi rất ấn tượng. Cuối cùng, hai tuần sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam, tạp chí hàng đầu của Mỹ gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Người chiến thắng” và sau đó, còn bình chọn Người là một trong 100 nhân vật có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử.
“Người đã mất nhưng Người còn sống mãi”
Gần đây nhất, vào tháng 4, nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ở Việt Nam, nhiều tờ báo nước ngoài cũng cho đăng tải các bài viết ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong đó, đáng chú ý nhất là bài viết của nhà báo nổi tiếng Alina Diaconu trên tờ La Gaceta (Argentina).
Từ những trải nghiệm thực tế tại Việt Nam trong chuyến thăm hồi tháng 1 cùng những tư liệu lịch sử về Bác Hồ, đặc biệt là tập thơ “Nhật ký trong tù”, nhà báo Alina Diaconu khẳng định: “Hồ Chí Minh đã thổi vào hồn nhân dân Việt Nam sự khiêm nhường, lòng quả cảm và chủ nghĩa anh hùng. Với tất cả điều này và vì tấm gương của Người, ngày hôm nay, Bác Hồ có thể yên nghỉ trong hòa bình”.
Chân dung Bác Hồ trên trang bìa tạp chí Life, số ra ngày 22/3/1968.
Hồi tưởng ký ức, nhà báo Argentina viết: “Tôi đã nhìn thấy, như thể Người đang ngủ, thanh thản, trong Lăng ở Hà Nội, với bộ đồ sáng màu, bộ râu trắng. Tôi đã thăm nơi Người sống, bàn làm việc, giường ngủ, bức chân dung Lênin trong một thư viện nhỏ. Lối sống giản dị là bạn đồng hành của Người trong suốt cuộc đời. Tuổi thơ của tôi đã gắn liền với Hồ Chí Minh. Tôi thấy hình Người trong tờ lịch treo trong nhà ở Bucharest.
Tôi luôn cảm thấy vô cùng ngưỡng mộ con người ấy, là Chủ tịch của một đất nước ở Đông Nam Á, mà ở cái tuổi còn quá nhỏ lúc đó, tôi chẳng biết gì về Người. Khi bước vào Lăng, những ký ức về Người đã trỗi dậy trong tôi. Cổ tôi nghẹn lại. Đây là lần đầu tiên tôi thấy một con người như vậy. Biết bao tranh đấu, biết bao lịch sử đằng sau con người nhỏ bé nhưng vĩ đại. Người đã mất nhưng Người còn sống mãi!”.
Bìa tạp chí Newsweek ra ngày 20/2/1967 với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trong bài viết mang tên “Hồ Chí Minh – Chiến thắng một tầm nhìn” đăng trên tạp chí In Asien của Đức, tác giả Dierk Szekielda từng viết rằng, sự ngưỡng mộ của ông với Chủ tịch Hồ Chí Minh và với nhân dân Việt Nam đầy sức sống đã thôi thúc ông viết bài báo.
Dierk Szekielda ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một nhà yêu nước và là người soi sáng con đường đấu tranh cách mạng của nhân dân Việt Nam, một người có phẩm chất phi thường. Còn tờ Manila Times (Philippines) từng gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của Châu Á vì thành công trong sự nghiệp lãnh đạo một cách mẫu mực. Người toàn tâm, toàn ý phục vụ quyền lợi của người dân, làm nên lịch sử hiện đại và là một trong những “nhân vật cao quý nhất, đáng kính nhất của thời đại”./.
(còn tiếp)
Theo Mạnh Phúc
Huyền Trang (st)