Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 13/02/2025

Tình cảm yêu mến đối với Bác Hồ không chỉ sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam mà cả với bạn bè quốc tế. Khi Bác mất, thế giới nhắc đến Người với một sự kính trọng.

“Châu Á đã mất đi một vị Tư lệnh kiên cường”

Năm 1969, Bác ra đi. Đó không chỉ là mất mát lớn đối với nhân dân Việt Nam mà còn để lại cho bạn bè thế giới sự tiếc thương vô hạn. Lãnh tụ nhiều quốc gia gửi đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam những lời chia buồn đầy chân thành, sâu sắc.

Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhấn mạnh: "Hồ Chí Minh thuộc những lớp người đặc biệt mà cái chết đã gieo mầm cho sự sống, và là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt".

bac-ho-voi-ban-be-qte-4-1
Chủ tịch Cuba Fidel Castro nhấn mạnh Bác Hồ "là nguồn cổ vũ đời đời bất diệt".

Quốc trưởng Norodom Sihanouk, Vương quốc Campuchia cũng nói: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi vào lịch sử các dân tộc Đông Dương và các dân tộc Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh như là tượng trưng cho cuộc đấu tranh yêu nước giành độc lập dân tộc. Được nhân dân kính mến, được các bạn hữu khâm phục, được kẻ thù tôn trọng. Người là một trong những nhân vật hoạt động chính trị và là lãnh tụ cao quý nhất của thế kỷ này”.

“Chủ tịch Chủ Hồ Chí Minh là vị lãnh tụ và người chiến sỹ vĩ đại đã dâng hiến cả cuộc đời cho tự do và công lý. Chúng tôi cảm thấy Châu Á đã mất đi một vị tư lệnh kiên cường, nhưng chúng tôi tin tưởng rằng sự nghiệp vĩ đại của Người mà nhân dân Việt Nam anh hùng cùng nhân dân các nước đang tiếp tục phấn đấu để thực hiện nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”, ông Abdul Rahman Yahya Al-Eryani, Chủ tịch nước Cộng hòa Yemen bày tỏ.

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại nhiều ấn tượng cho những người từng tiếp xúc. Lãnh tụ Ấn Độ Jawaharlal Nehru mô tả Bác bằng cụm từ "đặc biệt dễ mến và thân thiện". Trong khi đó, Paul Mus, nhà Đông phương học người Pháp được tiếp chuyện với Hồ Chủ tịch trong các năm 1946 và 1947 thì thấy ở Bác hình ảnh "một nhà cách mạng kiên định, liêm khiết".

bac-ho-voi-ban-be-qte-4-2
Bạn bè thế giới tưởng nhớ Hồ Chủ tịch tại tượng đài Bác ở Cuba.

Một Tư lệnh Hải quân Pháp sau khi tiếp xúc với Bác Hồ trong 3 tuần thì kết luận rằng, nhà lãnh đạo Việt Nam là "một người thông minh, lôi cuốn, một nhà lý tưởng say mê cống hiến cho sự nghiệp mà ông theo đuổi, một con người tin tưởng chân thành vào các khẩu hiệu chính trị xã hội của thời đại".

Vị lãnh tụ giản dị, gần gũi

Tại Hội thảo khoa học quốc tế “Di sản Hồ Chí Minh trong thời đại ngày nay” do Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức năm 2010, Chủ tịch điều hành Ủy ban Đoàn kết Ấn Độ - Việt Nam Greetesh Sharma bày tỏ cảm xúc yêu mến, kính trọng của mình đối với Bác Hồ và đất nước Việt Nam khi mở đầu bài tham luận của mình bằng câu: “Việt Nam và Hồ Chí Minh là hai tên gọi nổi tiếng và phổ biến nhất đối với nhân dân Ấn Độ”.

Ông khẳng định: Hồ Chí Minh là biểu tượng của sự thanh bạch và giản dị. Trở thành vị Chủ tịch của nước Việt Nam, Người vẫn giữ lối sống thanh bạch. Mặc dù có cả một Phủ Chủ tịch ở Hà Nội, Người vẫn chọn một ngôi nhà nhỏ trong khu nhà của Phủ ở cho đến cuối đời. Người chỉ sử dụng Phủ Chủ tịch trong các cuộc gặp chính thức hoặc dùng cơm với các quan chức cao cấp ngoại quốc”.

bac-ho-voi-ban-be-qte-4-3
Chuyến thăm của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới Ấn Độ.

Trong chuyến thăm Ấn Độ, Người từng gặp và bắt tay thân mật với người lái xe ô tô của mình và các nhân viên phục vụ trước sự bối rối của quan chức lễ tân ngoại giao.

Người dùng đôi dép được làm từ lốp cũ của máy bay bị pháo phòng không bắn rơi. Đôi dép đó trở thành thương hiệu của sự thanh bạch, giản dị của Người và của các lãnh đạo, cán bộ, trí thức. Đặc biệt, các nhà hoạt động ở Tây Bengal đã lấy nguồn cảm hứng từ Hồ Chí Minh để bắt đầu dùng dép làm từ lốp cũ.

Hồ Chí Minh có mối liên hệ đặc biệt với trẻ nhỏ khi Người coi trẻ em là tương lai của đất nước. Người tin rằng trẻ em khỏe mạnh và được giáo dục sẽ xây dựng được một đất nước đoàn kết và vững chắc. Trẻ em cũng rất yêu quý Người và gọi Người là “Bác Hồ”.

Hồ Chí Minh là người bạn thật sự và vĩ đại của Ấn Độ. Hồ Chủ tịch đi thăm Kolkata hai lần. Chuyến đầu tiên vào năm 1946, lúc đó Người đã ghé thăm Kolkata một ngày trên đường đi Pari. Chuyến thăm thứ hai của Người vào năm 1958 là chuyến thăm chính thức với tư cách là Chủ tịch của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để lại những tình cảm tốt đẹp không bao giờ quên cho nhân dân Ấn Độ.

bac-ho-voi-ban-be-qte-4-4
Người dùng bữa cùng Thủ tướng Nehru và các quan chức khác.

Người chinh phục được hoàn toàn trái tim của mọi người bằng phong cách nói chuyện, sự thân mật, tính khiêm nhường và giản dị của mình. Thế hệ được nhìn thấy Hồ Chủ tịch trong những ngày đó vẫn còn nhớ đến Người với tình cảm, lòng ngưỡng mộ và kính trọng sâu sắc.

Xúc động nhớ lại những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trong nhiệm kỳ ngoại giao, nguyên Đại sứ Hungari tại Việt Nam Alfred Almasi viết: “Tinh thần của Hồ Chí Minh đã theo suốt sự nghiệp của tôi, trong nhiệm kỳ ngoại giao của tôi tại Việt Nam, Campuchia và Lào. Tinh thần Hồ Chí Minh giống như chiếc la bàn trong cuộc sống của tôi”.

Ông kể: “Lần gặp đáng nhớ đầu tiên của tôi với Hồ Chủ tịch là vào năm 1957 và lần thứ hai vào năm 1969. Năm 1957, tôi là một cán bộ ngoại giao trẻ và bắt đầu nhiệm kỳ tại Đại sứ quán Hungari ở Hà Nội. Đó là một ngày giống như tất cả những ngày khác ở Đại sứ quán của chúng tôi. Lúc trời xẩm tối, chúng tôi thường ngắm nhìn những bông hoa thơm trong vườn. Đột nhiên có một người đàn ông bất ngờ xuất hiện trong vườn, ngay trước mặt tôi, trong trang phục kaki đơn giản và đi đôi dép cao su, theo sau là mấy chiến sỹ Việt Nam đang mỉm cười.

Tôi không thể thốt lên lời. Nhưng cùng với sự bất ngờ lớn, tôi lập tức nhận ra ngay, đó chính là Người - Hồ Chí Minh. “Chào đồng chí!”, Người nói rồi bắt tay tôi. Đầy xúc động, tôi trả lời: “Chào đồng chí!”. Ngay lập tức, tôi mời Người vào phòng khách VIP của Đại sứ quán.

bac-ho-voi-ban-be-qte-4-5
Con đường mang tên Người ở Thủ đô New Delhi, Ấn Độ.

Tất cả các nhà ngoại giao và nhân viên của Đại sứ quán chúng tôi ngồi vây quanh chiếc bàn tròn, đầy vui mừng và xúc động. Chúng tôi mời Người trà và rượu vang Hungari. Lập tức Người cất lời nói: “Tôi vừa đi qua phố Điện Biên Phủ và tôi nhìn thấy lá cờ 3 màu của Đại sứ quán. Tôi quyết định vào thăm các bạn Hungari của chúng tôi”.

Tiếp đó Người tiếp tục câu chuyện bằng tiếng Pháp: “Ai trong số các bạn có thể nói được tiếng Pháp?”. Với niềm vinh dự lớn, tôi trả lời: “Có cháu ạ”. “Vậy còn tiếng Nga?”, Người hỏi bằng tiếng Nga. Rất nhiều người trong chúng tôi đã trả lời có. Và Hồ Chí Minh tiếp tục trò chuyện bằng tiếng Nga.

Sau đó, Người còn thân mật trò truyện bằng cả tiếng Anh. Kết thúc chuyến thăm một cách khéo léo, Người nói với chúng tôi bằng Tiếng Việt thông qua thông dịch viên người Việt: “Tôi đến để nồng nhiệt chào đón các bạn với nhiệm vụ mới tại Việt Nam. Cảm ơn tình đoàn kết của nhân dân Hungari với nhân dân Việt Nam anh em và với sự nghiệp chính nghĩa của chúng tôi”.

Người cũng quan tâm, hỏi thăm đến gia đình và sức khoẻ của chúng tôi trong lúc thưởng thức rượu vang đỏ Hungari. Và Người nhận xét rằng, thứ rượu vang này gần giống với rượu vang Bordeaux Pháp. Cuối cùng, Người còn chuyển lời chào thân ái của nhân dân Việt Nam tới nhân dân Hungari anh em.

Sau đó, với một sự đơn giản tự nhiên, Người bắt tay chúng tôi và nói: “Tạm biệt các bạn!”. Người rời khỏi Đại sứ quán khiêm tốn như khi Người tới. Chúng tôi thật sự cảm động về việc Hồ Chủ tịch đã đích thân đến thăm Đại sứ quán chúng tôi và cách thức Người tiếp cận với người dân, cách Người chinh phục người dân cũng như chinh phục cả một dân tộc và dư luận quốc tế về sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Chính từ thời điểm đó, từ cuộc gặp gỡ đó, thậm chí mãi sau này tôi đã thật sự hiểu được tinh thần, sức mạnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của toàn dân tộc Việt Nam, những chiến thắng lịch sử vĩ đại chống Pháp, rồi sau này là cuộc đấu tranh thắng lợi chống Mỹ.

Cuộc chiến đấu lâu dài về chính trị, ngoại giao và quân sự này đã được thực hiện theo tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự đoàn kết của toàn thể nhân dân Việt Nam, của giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức và các dân tộc”./.

Theo Mạnh Phúc

http://thoidai.com.vn/

Huyền Trang (st)

Bài viết khác: