Hệ thống Trợ năng

Thứ năm, 13/02/2025

1. Thông tư số 130/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 25/8/2015 sửa đổi Thông tư 115/2013/TT-BTC hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015.

Theo Thông tư hướng dẫn bảo hiểm hưu trí và quỹ hưu trí tự nguyện có một số điểm mới như sau:

- Trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, người được bảo hiểm bắt đầu nhận quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi đạt đến tuổi theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, nhưng không dưới 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam.

Trường hợp pháp luật có quy định khác về độ tuổi nghỉ hưu thì thực hiện theo quy định tại văn bản pháp luật đó về độ tuổi nghỉ hưu.

- Người được bảo hiểm có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm cho rút trước một phần hoặc toàn bộ giá trị tài khoản bảo hiểm hưu trí trong trường hợp người được bảo hiểm là công dân Việt Nam được cơ quan có thẩm quyền cho phép định cư hợp pháp tại nước ngoài.

- Đại lý bảo hiểm phải được doanh nghiệp bảo hiểm đào tạo và chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện.

2. Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT của Bộ Y tế và Bộ Giao thông vận tải ban hành ngày 21/8/2015 quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ cho người lái xe. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/10/2015.

Thông tư quy định cụ thể về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe đối với người lái xe, khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô (sau đây gọi tắt là khám sức khỏe cho người lái xe) và quy định về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Thông tư áp dụng đối với người lái xe, người sử dụng lao động lái xe ô tô, các cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư quy định những người có một trong các tình trạng bệnh, tật sau thì không đủ điều kiện để lái xe hạng A1:

- Đang rối loạn tâm thần cấp.

- Rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi.

- Liệt vận động từ hai chi trở lên.

- Rối loạn nhận biết 3 màu cơ bản: Đỏ, vàng, xanh lá cây.

- Thị lực nhìn xa hai mắt dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

- Nếu còn một mắt, thị lực dưới 4/10 (kể cả điều chỉnh bằng kính).

- Cụt hoặc mất chức năng 01 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng).

- Sử dụng các chất ma túy.

- Sử dụng chất có cồn nồng độ vượt quá giới hạn quy định.

Ngoài ra, Thông tư liên tịch này cũng quy định tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe hạng A2, A3, A4, B1, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE.

Các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe áp dụng cho người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ ban hành kèm theo Quyết định số 4132/QĐ-BYT ngày 04/10/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.

3. Thông tư số 127/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hànhngày 21/8/ 2015, hướng dẫn cấp mã số doanh nghiệp thành lập mới và phân công cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10/2015.

Thông tư quy định các doanh nghiệp vi phạm pháp luật về thuế sẽ được cảnh báo trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp:

- Cá nhân là người quản lý doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự, đã bị cơ quan thuế chuyển cơ quan điều tra theo quy định pháp luật về tố tụng hình sự và thuế.

- Doanh nghiệp có cá nhân là “người quản lý doanh nghiệp” hoặc thành viên của Hội đồng thành viên, thành viên của Hội đồng quản trị hoặc thành viên hợp danh mà trước đó các cá nhân này là Chủ doanh nghiệp (đối với doanh nghiệp tư nhân); chủ tịch hội đồng thành viên, chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc (đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần); thành viên hợp danh (đối với công ty hợp danh) và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đã bị cơ quan thuế thông báo doanh nghiệp không còn kinh doanh ở địa chỉ đã đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước.

- Doanh nghiệp thành lập trái với quy định của doanh nghiệp như: Cá nhân là chủ doanh nghiệp, chủ hộ kinh doanh thì không được làm chủ Doanh nghiệp và ngược lại; thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác.

4. Thông tư số 28/2015/TT-BCT của Bộ Tài chính ban hành ngày ngày 20/8/2015 quy định việc thực hiện thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Thương mại hàng hóa Asean. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 05/10/2015.

Theo đó, thương nhân được lựa chọn tham gia chương trình thí điểm tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa phải đáp ứng đủ các tiêu chí sau:

- Là nhà sản xuất đồng thời là nhà xuất khẩu hàng hóa do chính thương nhân sản xuất.

- Không vi phạm quy định về xuất xứ trong 02 năm gần nhất tính đến thời điểm nộp hồ sơ đăng ký.

- Kim ngạch xuất khẩu đi ASEAN được cấp C/O mẫu D năm trước liền kề đạt tối thiểu 10 triệu đô la Mỹ.

- Có cán bộ được đào tạo, được cấp chứng nhận hoặc chứng chỉ về xuất xứ hàng hóa do đơn vị đào tạo được Bộ Công thương chỉ định cấp.

Ngoài ra, Thông tư này cũng quy định điều kiện cho hưởng ưu đãi thuế quan với hàng hóa nhập khẩu.

5. Thông tư số 24/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành ngày 18/8/2015 quy định về quản lý và sử dụng tài nguyên Internet. Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 10/10/2015.

Theo Thông tư quy định khi đăng ký, thay đổi thông tin đăng ký, hoàn trả tên miền “.vn” các chủ thể phải chuẩn bị hồ sơ gồm:

- Bản khai đăng ký tên miền.

- Đơn đề nghị thay đổi thông tin đăng ký tên miền hoặc Đơn đề nghị hoàn trả tên miền.

Các mẫu bản khai, đơn đề nghị này phải đảm bảo đầy đủ thông tin theo mẫu quy định tại Phụ lục 3, Phụ lục 4, Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

Hồ sơ được nộp tại:

- Các nhà đăng ký tên miền “.vn” có tên trong danh sách được công bố tại địa chỉ: www.nhadangky.vn đối với hồ sơ đăng ký tên miền.

- Nhà đăng ký tên miền “.vn” đang quản lý tên miền đối với hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký, hoàn trả tên miền “.vn”.

Thông tư 24/2015/TT-BTTTT thay thế các Thông tư 19/2014/TT-BTTTT, Thông tư 10/2008/TT-BTTTT, Thông tư 09/2008/TT-BTTTT.

6. Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC do Bộ Công Thương, Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao ban hành ngày 17/8/2015 hướng dẫn chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông tư liên tịch số 27/2015/TTLT-BCT-BCA-VKSNDTC-TANDTC có hiệu lực từ ngày 05/10/2015.

Thông tư liên tịch này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc chuyển giao và xử lý vụ trộm cắp điện có dấu hiệu tội phạm. Các trường hợp cụ thể phải chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản theo Điều 138 Bộ luật Hình sự gồm:

1. Hành vi trộm cắp điện thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 44 Nghị định số 134/2013/NĐ-CP.

2. Hành vi trộm cắp điện không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng theo hướng dẫn tại mục 3.4 phần I Thông tư liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XIV “Các tội xâm phạm sở hữu” của Bộ luật Hình sự năm 1999 hoặc trước đó người thực hiện hành vi trộm cắp điện đã bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật về hành vi chiếm đoạt tài sản mà chưa hết thời hạn bị coi là chưa bị xử phạt hành chính, xử lý kỷ luật hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích.

Theo Thông tư quy định hồ sơ trộm cắp điện để truy cứu trách nhiệm hình sự thì hồ sơ chuyển cho cơ quan cảnh sát điều tra gồm:

- Văn bản chuyển hồ sơ vụ trộm cắp điện.

- Biên bản vi phạm hành chính.

- Bản tính số lượng điện bị trộm cắp và giá trị thiệt hại do hành vi trộm cắp điện gây ra.

- Quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Quyết định tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

- Biên bản kiểm tra sử dụng điện (nếu có), Biên bản kiểm tra hoạt động điện lực (nếu có).

- Biên bản kiểm tra thiết bị đo đếm điện năng (nếu có), Biên bản kiểm định thiết bị đo đếm điện năng (nếu có).

- Sơ đồ trộm cắp điện, ảnh, băng ghi hình, dữ liệu điện tử ghi nhận và mô tả hành vi vi phạm (nếu có).

- Biên bản tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm và các tang vật, phương tiện vi phạm kèm theo (nếu có).

- Các giấy tờ, tài liệu và đồ vật khác có liên quan.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: