Cựu thanh niên xung phong Đặng Hữu Bao sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống cách mạng thuộc xã Tân Cương, huyện Vĩnh Tường.  Sớm giác ngộ cách mạng, năm 1940, cậu thiếu niên Đặng Hữu Bao khi ấy mới chỉ 12 - 13 tuổi đã xung phong tham gia du kích thôn và nhiệt tình với công tác của Đoàn thanh niên cứu quốc. Trong 10 năm hoạt động tại quê hương, nhiều lần bị giặc vây bắt ráo riết và tra tấn dã man, nhưng lý tưởng cách mạng vẫn luôn thôi thúc ông đi theo con đường mình đã chọn.

Những năm 1949 - 1950, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Vĩnh Tường thuộc vùng tạm chiếm của thực dân Pháp. Chứng kiến tận mắt cảnh cơ cực, lầm than của đồng bào mình, lòng yêu nước và chí căm thù giặc luôn sôi sục trong trái tim chàng thanh niên trẻ. Năm 1951, bất chấp sự kiểm soát của địch, anh vượt qua đồn, bốt, boong-ke, vượt sông Phó Đáy ra vùng tự do, lên căn cứ Việt Bắc gia nhập Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương. Nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của tổ chức, sau khi gia nhập, anh được giao nhiệm vụ lần lượt chỉ huy các liên phân đội, rồi đảm nhận chức vụ Đại Đội trưởng kiêm Bí thư Chi bộ C271 thuộc ATK - đơn vị bảo vệ các cơ quan đầu não của Quân đội.

cuu-thanh-nien-xp
Cựu thanh niên xung phong Đặng Hữu Bao và niềm vui giản dị trong cuộc sống đời thường

 “Để đảm bảo toàn thắng trong trận quyết chiến cuối cùng, năm 1953, các lực lượng thanh niên xung phong được chọn lọc và hợp nhất thành Đoàn “XP” , lúc này, tôi được giao làm Bí thư Liên chi đoàn, Trưởng ban Tổ chức Đội 36, sau đó trở thành Đại Đội trưởng C272 - XP. Đến khi Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đơn vị tôi phụ trách được nhận nhiệm vụ bảo vệ Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiếp quản Thủ đô cuối năm 1954”. - ông Bao nhớ lại.

Bước qua khói lửa đạn bom, người cựu thanh niên xung phong ấy lại trở về góp sức cho công cuộc kiến thiết quê hương. Trong khoảng thời gian từ năm 1955 đến 1979, ông đã trải qua nhiều vị trí công tác khác nhau và đều giữ cương vị chủ chốt trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Ở vị trí nào ông cũng luôn luôn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Tâm sự với chúng tôi, ông Bao có nói, trong suốt cuộc đời mình, điều khiến ông cảm thấy may mắn và hạnh phúc không phải những huân chương, huy hiệu mà mình đã đạt được mà chính là những lần ông được gặp và nói chuyện cùng với Bác Hồ. Người cựu thanh niên xung phong ấy có may mắn được gặp Bác 6 lần. “Mỗi lần gặp Bác là một ký ức mãi mãi không phai trong tâm trí tôi, những lời Bác dặn luôn thấm thía và sâu sắc, đó cũng chính là động lực để tôi có thể hoàn thành tốt những nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó. Kỷ niệm mà tôi luôn khắc ghi trong tim về Bác đó là vào cuối năm 1951, tại Km37, Quốc lộ 3 - tỉnh Bắc Kạn, khi tôi đang cùng đồng đội san lấp hố bom vừa bị máy bay Pháp ném bom, đúng lúc đó xe ô tô của Bác cũng đi qua con đường này. Khi thấy Bác từ trên xe xuống, xắn tay áo cùng san lấp đường, anh em chúng tôi vừa bất ngờ, vừa bối rối, nhưng sau đó mọi người lại hào hứng bắt tay vào công việc của mình”.

Sau nửa cuộc đời cống hiến cho cách mạng và xây dựng Tổ quốc, trở về quê hương, ông tiếp tục góp sức cho công tác xã hội tại địa phương. Không những thế, ông còn trở thành sợi dây kết nối những người đồng chí, đồng đội khi xưa. Căn nhà ông ở trở thành nơi tụ hội của hàng trăm lượt đồng đội trong thời kỳ kháng chiến. “Mới đầu là do được anh em tin tưởng, mọi người thường xuyên qua lại thăm hỏi chuyện trò, dần dần nhà tôi trở thành nơi họp mặt các đồng đội khi nào chẳng hay” - ông chia sẻ.

Đến năm 1995, khi hệ thống ban liên lạc các đơn vị truyền thống được thành lập, ông được giao nhiệm vụ Trưởng ban Ban Liên lạc các đơn vị chống Pháp ở Vĩnh Phúc. Mỗi khi về cơ sở, đồng đội lại vây quanh ông, quý mến, trân trọng ông như một người anh lớn trong gia đình.

Khi Hội Cựu thanh niên xung phong Vĩnh Phúc được thành lập, ông được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch thường trực. Ở tuổi 80, quên cả việc nghỉ ngơi dưỡng lão, ông vẫn cần mẫn ghi chép lại lịch sử theo ký ức, sưu tầm tư liệu, chứng cứ để phân tích và xác nhận hồ sơ cho các đồng chí là cựu thanh niên xung phong thời kỳ chống Pháp ở Vĩnh Phúc. Không chỉ thế, ông còn nghiên cứu, đối chiếu các dữ liệu để thẩm định hồ sơ của cựu thanh niên xung phong các thời kỳ, giúp cho việc giải quyết chế độ chính sách đối với người có công đảm bảo kịp thời và chính xác. “Mình còn sức khỏe thì mình phải tiếp tục cống hiến. Tôi nghĩ cuộc sống của mình không đến nỗi khó khăn, nhưng nhiều đồng đội của mình cuộc sống vất vả vô cùng, nhất là chị em phụ nữ, sau khi trở về từ chiến trường thiệt thòi nhiều thứ lắm. Tôi chỉ mong có thể đóng góp chút sức lực nhỏ bé để giúp đỡ những đồng đội của mình có cuộc sống dễ chịu hơn”. - ông Bao cho hay.

Trong lễ kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Lực lượng thanh niên xung phong Việt Nam, ông vinh dự được tuyên dương là một trong 60 điển hình tiên tiến toàn quốc./.

Mai Loan

Theo http://www.vinhphuc.gov.vn

Thu Hiền (st)

Bài viết khác: