tinh-cam-cua-bac-voi-phu-nu-1
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu phụ nữ các ngành dự
Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ Nhất năm 1950

Suốt cả cuộc đời mình, Bác đã để lại cho đời nhiều thứ quý giá, trong đó có một suối nguồn tình cảm sâu nặng nghĩa tình, nâng niu quý trọng mà Bác đã dành cho nhiều thế hệ phụ nữ Việt Nam. Trong những năm tháng bôn ba tìm đường cứu nước, trong những vấn đề Người quan tâm, Người đặc biệt chú ý đến trẻ em và phụ nữ ở các thuộc địa nói chung và Việt Nam nói riêng, Người cho đó là những lớp người khổ nhất trong những người khổ cực.

Người căm ghét bọn thống trị luôn “đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người phụ nữ... và xúc phạm tới phong hóa, trinh tiết và đời sống của họ” (Bản án chế độ thực dân Pháp). Mỗi một phụ nữ, một trẻ em bị đánh, bị giết đều làm Người đau đớn. Người đã từng thốt lên: "Một em bé bị lột trần truồng, một thiếu nữ ruột gan lòi ra, cánh tay trái cứng đờ giơ nắm tay lên chĩa vào ông trời vô tình".

Có gì xúc động hơn, khi thấy nỗi lòng Người đồng cảm với nỗi lòng của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng trong vụ Pháp giết hại những người Việt Nam tại Khám lớn Sài Gòn. Người đã từng lên tiếng vạch trần những hành động dã man của lũ mặt người dạ thú với những người phụ nữ “Không một chỗ nào người phụ nữ thoát khỏi những hành động bạo ngược của bọn người xâm lược...”, chúng “Ngay giữa chợ Bến Thành ở Sài Gòn... bọn gác chợ người Âu cũng không ngần ngại dùng roi gân bò, dùi cui đánh người phụ nữ bản xứ...”.

Có thể nói trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho phụ nữ Việt Nam sự quan tâm đặc biệt, những tình cảm chứa chan, chân tình như một người cha, người chú, người anh. Người luôn khuyên nhủ chị em phụ nữ cố gắng rèn luyện phẩm chất đạo đức để phát huy hết nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chúng ta hãy cùng đọc lại những bài nói của Người về công tác phụ nữ, để thấy được tình cảm sâu sắc mà Bác dành cho chị em phụ nữ, đó cũng là sự công nhận hùng hồn nhất vai trò quan trọng của phụ nữ trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm lần thứ 20 Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (19-10-1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc đến truyền thống yêu nước đầy tự hào của người phụ nữ Việt Nam: “Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc, cứu dân cho đến ngày nay mỗi khi nước nhà gặp nguy nan, thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc. Do đó ta có câu tục ngữ rất hùng hồn: “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh”. Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam, Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy những thế hệ anh hùng của nước ta”.

Nói chuyện tại Đại hội Liên hoan Phụ nữ “Năm Tốt” vào ngày 30-4-1964, Bác Hồ đã giúp phụ nữ nhận thức rõ: “Dưới chế độ thực dân và phong kiến, nhân dân ta bị áp bức, bóc lột, thì phụ nữ ta bị áp bức, bóc lột càng nặng nề hơn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phụ nữ ta đã góp phần khá lớn làm cho cách mạng thành công, kháng chiến thắng lợi vẻ vang. Ngay từ lúc đầu, Đảng và Nhà nước ta đã thi hành chính sách đối với phụ nữ cũng được bình quyền, bình đẳng với đàn ông”.

tinh-cam-cua-bac-voi-phu-nu-2
Bác Hồ với đại biểu dự Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ III, tháng 3 năm 1961

Bác không chỉ quan tâm đến quyền bình đẳng của nữ giới trong mọi quan hệ xã hội mà còn lo cho hạnh phúc của nữ giới trong quan hệ vợ chồng, khuyên giới nữ ý thức được quyền lợi và trách nhiệm của mình để tự đấu tranh giải phóng mình khỏi những ràng buộc phi lý kiểu “chồng chúa vợ tôi”. Trong dịp gặp gỡ với cán bộ tỉnh Hà Tây vào ngày 10-2-1967, Bác phê phán tình trạng chồng đánh vợ và khẳng định đây là tệ nạn về mặt đạo đức và vi phạm pháp luật: “Đàn ông là người công dân, đàn bà cũng là người công dân, dù là vợ chồng, người công dân này đánh người công dân khác tức là phạm pháp”.

Tại buổi nói chuyện với Lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo cấp huyện vào ngày 18-1-1967, Bác đã nghiêm khắc phê phán những thành kiến hẹp hòi ở một số cán bộ: “Nhiều người còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến, hẹp hòi. Như vậy là rất sai... Bác mong rằng các đồng chí hãy thật sự sửa chữa bệnh thành kiến, hẹp hòi đối với phụ nữ...”.

Bác đã chỉ ra cho chúng ta thấy, phụ nữ không thua kém nam giới khi được tạo mọi điều kiện thuận lợi: “Trong hàng ngũ vẻ vang những anh hùng quân đội, anh hùng lao động, chiến sĩ thi đua và lao động tiên tiến đều có phụ nữ. Phụ nữ ta tham gia ngày càng đông và càng đắc lực trong các ngành kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Thế là dưới chế độ tốt đẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phụ nữ đã thật sự làm chủ Nhà nước”.

Bác đã biểu dương những đóng góp to lớn của phụ nữ trong công cuộc kháng chiến đánh đuổi giặc ngoại xâm: “Miền Nam anh hùng có đội quân đấu tranh chính trị gồm hàng vạn chiến sĩ toàn là phụ nữ. Họ rất mưu trí và dũng cảm làm cho địch phải khiếp sợ và gọi họ là “đội quân tóc dài”. Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

Phụ nữ nước ta còn được Bác khen tặng bởi những thành tích trong học tập, rèn luyện và đóng góp trong mọi lĩnh vực... “Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo... Theo gương các bà, các mẹ và các chị anh hùng, nhiều cháu thiếu niên nhi đồng gái cũng rất ngoan... Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng...”.

Bác khuyên giới nữ phải tự đấu tranh với bản thân mình, tự mình phải biết tôn trọng mình mới làm nên mọi việc. Bác đã nói: “Phụ nữ phải nâng cao tinh thần làm chủ, cố gắng học tập và phấn đấu; phải xóa bỏ tư tưởng bảo thủ, tự ti; phải phát triển chí khí tự cường, tự lập.

Bác đã nhắc nhở Đảng, Nhà nước phải quan tâm đến công tác phụ nữ. Di chúc thiêng liêng của Người ghi rõ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.

tinh-cam-cua-bac-voi-phu-nu-3
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị Cán bộ nữ toàn miền Bắc

Trong những năm qua, không phụ lòng tin yêu và sự kỳ vọng của Bác, chị em phụ nữ đã ra sức học tập, rèn luyện, vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong xã hội. Đảng và Nhà nước ta cũng luôn tạo điều kiện cho sự phát triển của phụ nữ, thông qua các chủ trương, chính sách về phụ nữ, về bình đẳng giới nhằm phát huy vai trò của phụ nữ. Không chỉ là những người vợ, người mẹ đảm đang trong gia đình, nhiều phụ nữ đã đạt được những thành tích nổi bật, được xã hội ghi nhận trong nhiều lĩnh vực như: Chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ… xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành tặng phụ nữ Việt Nam./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: