Mùa Xuân năm 1930 (ngày 3/2), lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã chủ trì Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam là một sự kiện lịch sử trọng đại, mở ra bước ngoặt vĩ đại trong sự phát triển của dân tộc. Lần đầu tiên trong lịch sử, nhân dân Việt Nam đã có một chính đảng mang bản chất cách mạng và khoa học, đủ sức lãnh đạo nhân dân giành quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc và các quyền dân tộc cơ bản khác để xây dựng và phát triển đất nước. Kể từ đó đến nay, Đảng ta đã trải qua 11 kỳ Đại hội. Mỗi kỳ Đại hội Đảng là một mốc son ghi nhận sự trưởng thành của Đảng và cách mạng Việt Nam. Là người sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và chỉ đạo nhiều Đại hội và Hội nghị Trung ương cũng như Đại hội của một số ngành, các địa phương trong cả nước. Các Hội nghị, Đại hội mà Người tham dự, điều hành, chỉ đạo có ý nghĩa quan trọng đối với cách mạng nước ta, để lại những bài học quý báu và hết sức giá trị trong việc tổ chức, điều hành Đại hội. Nội dung các văn kiện, bài phát biểu, bài nói do Người soạn thảo, trình bày thường rất giản dị, ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, nhưng đầy tính thuyết phục.

bai noi 1
Đảng quang vinh - Bác Hồ vĩ đại. Ảnh internet

Trong không khí cả nước tưng bừng chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chúng ta cùng đọc lại một số bài nói chuyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Đảng một số ngành, địa phương trong cả nước:

1. Bài nói chuyện của Bác với Đại hội Đảng bộ thành phố Hà Nội (Ngày 20-6-1960) 

Nhiệm vụ cách mạng hiện nay của Đảng ta là xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.Muốn làm được như thế, chúng ta phải đưa miền Bắc tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội. Chúng ta phải kiên quyết đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.

Đấu tranh thống nhất nước nhà là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ nhưng nhất định thắng lợi. Chúng ta phải giáo dục kỹ cho cán bộ, đảng viên và đồng bào miền Nam, miền Bắc thấy rõ điểm đó, để khắc phục tư tưởng nóng vội. Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân làm Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta lại kháng chiến tám, chín năm mới giải phóng được nửa nước. Trong cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta cũng phải đấu tranh bền bỉ, lâu dài, nhưng chúng ta tin rằng nhất định chúng ta sẽ thắng lợi.

Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa. Phải đánh bạt những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, làm cho tư tưởng của chủ nghĩa tập thể thắng lợi, tức là phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí.

Mục đích của chủ nghĩa xã hội là không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân. Muốn đảm bảo đời sống sung sướng mãi mãi, phải công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, phải xây dựng công nghiệp nặng. Như thế phải vừa cải thiện đời sống, vừa tích luỹ. Cải thiện đời sống từng bước theo khả năng, đồng thời phải tích luỹ để kiến thiết.

Muốn uống nước thì phải đào giếng, đào giếng thì phải đổ mồ hôi, nhưng càng khó nhọc vất vả thì giếng càng sâu, càng nhiều nước.

Hà Nội có nhiều ưu điểm, nhưng cần lưu ý một số điểm sau:

- Về mặt công nghiệp, công tác quản lý xí nghiệp làm tốt, nhưng phong trào công nhân tham gia quản lý, cán bộ tham gia lao động về sau không được liên tục và hăng hái như lúc đầu.

- Trong nông nghiệp, việc phát triển hợp tác xã và sản xuất lúa tuy khá nhưng việc giúp đỡ nông dân quản lý hợp tác xã thì chưa tốt lắm, việc chăn nuôi gia súc, nuôi cá, làm công tác tiểu thuỷ lợi chưa được chú ý đầy đủ.

- Phong trào học tập văn hoá thì cao, như thế là tốt. Nhưng cần phải tăng cường giáo dục chính trị kết hợp với văn hoá, làm cho mỗi người có ý thức học để phục vụ chủ nghĩa xã hội.

- Công tác vệ sinh ở Hà Nội cần được chú ý hơn nữa. Tuy so với hồi thuộc Pháp thì Hà Nội sạch hơn nhiều, nhưng chúng ta phải luôn luôn nhìn về phía trước mà tiến lên, cần đẩy mạnh công tác vệ sinh hơn nữa ở những khu nhà công nhân, trong các xí nghiệp, cơ quan và các khu lao động.

Ở Hà Nội, trong các xí nghiệp cũng như ở nông thôn, năng suất lao động của công nhân và nông dân còn thấp. Công suất máy móc trong các xí nghiệp mới sử dụng được khoảng trên dưới 70%, như thế còn rất lãng phí. Phải làm cho mỗi người thấy rõ: Muốn tiến lên chủ nghĩa xã hội thì phải lao động, phải hiểu rõ lao động là vẻ vang, do đó mà nâng cao năng suất lao động.

Muốn làm cho mọi công tác tiến lên nữa, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người.

Đối với công tác cải tạo xã hội chủ nghĩa ở Hà Nội, Đại hội cần chú ý đến đời sống của thợ thủ công và bà con buôn bán nhỏ đã vào tổ chức hợp tác. Ngoài ra cũng cần chú ý giúp đỡ cho nhà công thương tiến bộ hơn nữa sau khi họ đã tiếp thu cải tạo.

Phải nêu cao tinh thần cảnh giác. Cán bộ, đảng viên phải luôn luôn liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nhất là phải làm gương mẫu cho mọi người noi theo trong mọi mặt công tác. Các đoàn thể phụ nữ, công đoàn phải làm tròn nhiệm vụ của mình.

Số đảng viên và đoàn viên thanh niên lao động ở Hà Nội hiện nay nhiều gấp 8 lần số đảng viên và đoàn viên trong cả nước hồi năm 1945. Với số lượng ấy, nhất định Đảng bộ Hà Nội sẽ làm tốt trong mọi công tác, động viên được toàn thể nhân dân Hà Nội phấn khởi sản xuất, học tập, hoàn thành kế hoạch năm 1960 và kế hoạch 3 năm, lấy thành tích chào mừng Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III.

Hồ Chí Minh:Toàn tập, Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr.159-161.

 2. Bài nói của Bác tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan chính, dân, đảng Trung ương (1960)                  

Thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng là một dịp học tập tiến bộ. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cần căn cứ vào những văn kiện đó, liên hệ với công tác thực tế của mình, để nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức và kỷ luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tiến bộ hơn nữa. Vì mỗi đảng viên tốt, mỗi chi bộ tốt là Đảng được mạnh thêm một phần; đảng viên kém, chi bộ kém là những khâu yếu của Đảng. Điều đó nói chung là đúng, nói riêng với các chi bộ ở các cơ quan chung quanh Trung ương càng đúng.

Cán bộ, đảng viên cần nêu cao hơn nữatinh thần phấn đấu cách mạng của mình, khắc phục những thắc mắc cá nhân không đúng. Hiện nay ở miền Bắc nước ta, tuy cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đã xong, nhưng chúng ta còn phải tiếp tục kháng chiến chống một giặc khác, đó là giặc nghèo nàn, lạc hậu. Đấu tranh chống loại giặc này còn khó khăn hơn chống giặc Pháp, giặc Nhật trước kia nhiều. Cho nên đảng viên ta cũng phải có thêm tinh thần như thanh niên: "đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên".

Công việc cách mạng cũng như các bộ phận trong chiếc thuyền, bộ phận nào cũng quan trọng cả. Nếu các bộ phận ấy suy bì với nhau thì không được. Ví dụ như chèo thì luôn luôn vùng vẫy. Lái thì ngâm mình dưới nước ở tận sau thuyền, dưới ướt trên khô. Buồm thì thảnh thơi. Lái suy bì với chèo, chèo suy bì với buồm: “Anh buồm nằm yên một chỗ, đến khi căng lên, có trăng có gió, trông thật thảnhthơi ai ai cũng thấy. Còn tôi vất vả suốt ngày mà chẳng ai thấy". Ba bộ phận đòi đổi cho nhau: Lái làm buồm, buồm làm chèo, chèo làm lái. Như thế sẽ đi đến đâu? Sẽ không thành chiếc thuyền nữa. Ta đang làm cách mạng, có bộ phận này làm việc này, có bộ phận khác làm việc khác, các công việc đều cần thiết, đều vẻ vang cả. So với số lượng đảng viên của Đảng ta lúc Cách mạng Tháng Tám, số đảng viên ở các cơ quan Trung ương hiện nay đông hơn gấp bốn lần. Đó là chưa kể hơn một vạn đoàn viên thanh niên lao động. Cho nên, phải lãnh đạo đảm bảo công tác chuyên môn cho tốt. Mỗi đảng viên phải nhận rõ nhiệm vụ của mình là phải tiến bộ trong công tác tiến bộ về tư tưởng, làm gương mẫu trong mọi công việc, đồng thời lấy tinh thần của người đảng viên cộng sản giúp đỡ anh em ngoài Đảng cùng tiến bộ. Các chi bộ phải thi đua với nhau, giúp đỡ lẫn nhau làm tròn nhiệm vụ.

Cần nâng caotinh thần làm chủ. Ví dụ như nhà mình có rác thì phải cầm chổi mà quét chứ không phải kêu la mà nhà sạch được. Kêu la mà không tự mình quét là thiếu tinh thần cách mạng, tinh thần làm chủ. Người cách mạng phải lo lắng trước nhân dân, nhưng phải lo lắng cho đúng. Có đồng chí thông cảm với khó khăn của nhân dân, nhưng chưa đúng cách, muốn đời sống nhân dân được cải thiện nhưng không muốn Nhà nước tích luỹ vốn. Đảng và Chính phủ ta rất quan tâm đến đời sống của quần chúng. Vì chủ nghĩa xã hội là nhằm mục đích cải thiện không ngừng đời sống của nhân dân. Muốn thế phải ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, tích luỹ xây dựng nông nghiệp, công nghiệp. Liên Xô trong hơn 40 năm cách mạng đã phải mất 18 năm đầu thắt lưng buộc bụng, xây dựng nước nhà. Sau Đại chiến thứ hai bị phát xít Đức tàn phá nặng nề, Liên Xô phải thắt lưng buộc bụng lần nữa để khôi phục và phát triển kinh tế. Trung Quốc cũng phải tiết kiệm rất dữ để xây dựng đất nước. Ta nhờ có Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em giúp, nên ta không phải thắt lưng buộc bụng đến mức như Liên Xô sau Cách mạng Tháng Mười. Nhưng các nước anh em giúp chỉ là một phần. Còn tự lực cánh sinh là chính. Cho nên ta phải nêu cao tinhthầncần kiệm xây dựng nước nhà.

Trước và trong khi Đại hội Đảng toàn quốc họp, toàn Đảng, toàn dân ta có tinh thần phấn khởi hăng hái thi đua hay không, đó là do công tác của cán bộ, đảng viên ta có tốt hay không. Sau Đại hội Đảng chúng ta sẽ bước vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Chúng ta phải có mộttinh thần quyết chiến quyết thắng và phải biến quyết tâm đó thành quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân. Làm được như thế, nhất định chúng ta sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước, đẩy mạnh cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà. Làm được như thế, riêng các cô, các chú sẽ được vinh dự xứng đáng đứng trong đội tiên phong phất cao ngọn cờ chủ nghĩa Mác-Lênin.

Hồ Chí Minh:Toàn tập,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2000, t.10, tr.166-168.    

3. Bài nói chuyện của Bác tại Đại hội Đảng toàn quân (Ngày 21-7-1960) 

bac-ho-va-dai-tuong-2

Bác Hồ và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại Đại hội Đảng bộ Quân đội năm 1960.
 Ảnh internet

Thứ nhấtlà phải đoàn kết: Đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết các ngành với nhau. Đồng thời phải nâng cao tinh thần cảnh giác, giữ bí mật quân sự, bí mật quốc gia trong lúc đế quốc Mỹ công khai tuyên bố lấy do thám làm quốc sách.

Thứ hailà phải cố gắng thi đua. Bộ đội cần lấy thi đua huấn luyện quân sự làm chính và phải thi đua làm tốt các công tác khác.

Thứ balà phải chịu khó lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Nhiều đơn vị quân đội đã tự túc được thức ăn, như thế là tốt. Nhưng, cũng có những đơn vị phải đi mua rau ăn trong khi còn thừa đất bỏ hoang, đó là khuyết điểm. Về lao động sản xuất, cán bộ, bộ đội phải gương mẫu so với nhân dân và giúp đỡ nhân dân, giúp về công, giúp về kỹ thuật, phân bón, v.v..

Thứ tưlà phải giữ kỷ luật cho nghiêm túc để xứng đáng là một quân đội cách mạng.  

Hồ Chí Minh:Toàn tập,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,                             

Hà Nội, 2000, t.10, tr.183.

4. Bài nói chuyện của Bác tại Đại hội Đảng bộ Hà Nội (Ngày 1-2-1961)

Tôi thay mặt Trung ương thân ái chào Đại hội.

Dưới ánh sáng của Đại hội lần thứ III của Đảng, Hội nghị lần thứ Ba của Trung ương và Hội nghị 81 đảng anh em ở Mátxcơva, chắc rằng Đại hội này bàn bạc các vấn đề được thuận lợi hơn và sâu sắc hơn.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, trong mấy năm qua, Thủ đô Hà Nội cũng như toàn miền Bắc ta đã cố gắng nhiều và đã thu được thành tích khá trong mọi công tác chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Những kết quả tốt đẹp ấy, đồng chí Tuyên đã báo cáo rõ; tôi chỉ nói thêm rằng Trung ương rất vui lòng khen ngợi cán bộ, đảng viên, đoàn viên thanh niên và đồng bào Thủ đô ta.

*

*    *

Ở đây, tôi chỉ nêu tóm tắt mấy vấn đề mà chúng ta cần phải chú ý nhiều hơn nữa, để hoàn thành tốt kế hoạch năm 1961, làm đà tốt cho toàn bộ kế hoạch 5 năm.

- Về công nghiệp -Cần phải tiếp tục phát triển một cách thiết thực phong trào cải tiến quản lý xí nghiệp, thực hiện đều đặn và bền bỉ công nhân thực sự tham gia quản lý, cán bộ thực sự tham gia lao động. Phải thực hiện sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ.

Cần giúp đỡ bà con tư sản tiếp tục học tập và tiếp tục cải tạo bản thân mình để tiến mãi. Cần phát triển và củng cố tổ chức của công nhân ở các xí nghiệp công tư hợp doanh; cần tăng cường quản lý và chấn chỉnh các hợp tác xã thủ công nghiệp.

-Về nông nghiệp - Cần phải ra sức củng cố hợp tác xã nông nghiệp; đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật canh tác, hướng dẫn các hợp tác xã tăng gia sản xuất cho thích hợp với hoàn cảnh và yêu cầu của Thủ đô.

-Về văn hoá, giáo dục - Chúng ta đã xoá xong nạn mù chữ, đó là một thắng lợi to. Cần phải tiến lên nữa, chớ để có người mù chữ lại.

Phòng tràovệ sinh nên liên tục, không nên khi thì rầm rộ, khi thì bỏ qua, như hiện nay. Cần giáo dục rộng khắp cho nhân dân biết giữ vệ sinh. Giáo dục phải đi đôi với kỷ luật, để chấm dứt những thói xấu như vứt bậy, đái bậy trong các vườn hoa và trên các đường đi.

Cần phải chú ý nhiều hơn nữa việcgiáo dục trẻ con. Nói chung, các cháu đều ngoan. Nhưng vì giáo dục nhà trường không kết hợp chặt chẽ với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội, cho nên trong giờ học thì cháu nào cũng ngoan, ngoài giờ học thì có một số vì nhàn rảnh và không ai săn sóc mà dễ sinh hư. Việc giáo dục trẻ con, mọi người đều phải đóng góp một phần, nhưng Đoàn thanh niên phải là người phụ trách chính, Đảng thì phải ra sức giúp.

-Nói về cán bộ - Cán bộ cần phải không ngừng nâng caotinh thần trách nhiệm đối với Đảng và một lòng một dạ phục vụ nhân dân.

Nói chung, số đông cán bộ ta đều tận tuỵ, đều cố gắng làm tròn nhiệm vụ. Nhưng vẫn còn một số bị chủ nghĩa cá nhân trói buộc, do đó mà phạm nhiều sai lầm, khuyết điểm. Vài ví dụ:

+ Đối vớinhân dân thì quan liêu, mệnh lệnh; xem thường pháp luật, không tôn trọng quyền lợi của nhân dân (như có khi khám xét nhà mà không báo trước cho chủ nhà).

Tự tiện ra mệnh lệnh lung tung (như bán bánh ngọt không cho người mua mang bánh về nhà, bắt người ta ăn tại chỗ).

+ Đối vớitập thể, thì kèn cựa địa vị, tính thiệt suy hơn, chỉ hỏi Đảng và Chính phủ đã làm gì cho mình, không tự hỏi mình đã làm gì ích lợi cho nhân dân, cho xã hội.

+ Đối vớicủa công thì lãng phí, tham ô, ở các xí nghiệp và các hợp tác xã ít nhiều đều có hiện tượng xấu như vậy.

+ Đối vớibản thân thì không lo trau dồi đạo đức cách mạng, không lo học tập để tiến bộ, mà chỉ lo ăn ngon, mặc đẹp hơn người khác...

Trung ương mong rằng đồng chí nào có những khuyết điểm đó thì cố gắng mà sửa chữa, các đồng chí khác thì cố gắng giúp đỡ họ sửa chữa. Chúng ta phải thực hiệnthật thà tự phê bình và thành khẩn phê bình, để tiến bộ không ngừng.

Vài điều nữa cần phải chú ý:

Cần phải sắp xếp thời giờhọp và thời giờhọc cho hợp lý. Hiện nay ở đâu cũng có nạn khai hội quá nhiều và quá lâu.

Cần phải luôn luôn nâng caocảnh giác.

Các đồng chí,

Năm nay, chúng ta bắt đầu kế hoạch 5 năm. Kế hoạch 5 năm là một chuyển biến rất to và rất mới trong sự nghiệp cách mạng của chúng ta. Vì vậy, con người chúng ta cũng phải chuyển biến mạnh, tư tưởng, tác phong và quyết tâm của chúng ta cũng phải chuyển biến mạnh để giành lấy thắng lợi mới, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay, làm đà tốt để hoàn thành tốt kế hoạch 5 năm.

Trước hết là Đảng ta phải chuyển mạnh. Đảng mạnh là do cácchi bộ mạnh. Chi bộ mạnh là do các đảng viên hăng hái và gương mẫu.

Ở Thủ đô có độ 5 vạn đảng viên, trong đó có gần 21.500 đảng viên thuộc Đảng bộ Hà Nội.

Có 47.500 đoàn viên Đoàn Thanh niên Lao động, trong đó gần 30.000 thuộc Thành đoàn Hà Nội. Tôi luôn luôn nói đến thanh niên, vì trong mọi công việc thanh niên ta luôn luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng.

Hà Nội có 600.000 nhân dân, 150.000 là các cháu bé, gần 100.000 là đảng viên và đoàn viên thanh niên.

Cứ độ 35 người ngoài Đảng thì có 10 đảng viên và đoàn viên.

Như vậy, nếu đảng viên và đoàn viên đoàn kết chặt chẽ, đều gương mẫu trong mọi công tác; và mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên gần gũi giúp đỡ bốn bạn ngoài Đảng, cùng nhau đẩy mạnhthi đua yêu nước, thì khó khăn gì cũng khắc phục được, nhiệm vụ gì cũng hoàn thành tốt.

Kết luận là cần phải ra sứccủng cố các chi bộ, để tất cả các chi bộ trở nên thật sự là hạt nhân lãnh đạo của Đảng ở mọi bộ, mọi ngành, mọi nghề, mọi nơi.

Đảng bộ các cơ quan trung ương cần phải giúp đỡ và kết hợp chặt chẽ với Đảng bộ Hà Nội trong mọi công tác.

Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì?

Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là:không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động.

Trong hoàn cảnh miền Bắc ta, để đạt mục đích đó, chúng ta cần phải chịu khó, chịu khổ, ra sức phấn đấu, thực hiện khẩu hiệucần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Rồi chúng ta sẽ sung sướng.

Chủ nghĩa xã hội thắng lợi ở miền Bắc, tức là giúp sức cho đồng bào miền Nam đấu tranh, tức là đưa sự nghiệp hoà bình thống nhất nước nhà đến thắng lợi.

Thời đại chúng ta là thời đại xã hội chủ nghĩa ngày càng thắng lợi.

Nhân dân ta cần cù anh dũng, các nước anh em ra sức giúp ta. Toàn Đảng, toàn dân ta đều ra sức phấn đấu, chúng ta nhất định thắng lợi.

Đảng bộ Thủ đô và đồng bào, trước hết là công nhân Thủ đô phải gương mẫu, làm đầu tàu, để đưa toàn miền Bắc giành lấy thắng lợi.

Chúc Đại hội thành công.        

Hồ Chí Minh:Toàn tập ,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2000, t.10, tr.268-272.        

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: