nha-bac-o-lang-sen
Căn nhà nơi Bác Hồ sống thời thơ ấu ở Làng Sen

Những ngày ở Vinh (Nghệ An) tuần qua để lại trong tôi thật nhiều cảm xúc. Bên cạnh việc chia sẻ với các đồng nghiệp trong chương trình bồi dưỡng luật sư bắt buộc, chúng tôi có cơ hội được giao lưu với hơn ba trăm tân sinh viên Khoa Luật Trường Đại học Vinh vào tối ngày 2.10.2015.

 Ngày hôm sau, Đoàn Luật sư tỉnh Nghệ An tổ chức buổi Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam, đón nhận bức trướng với dòng chữ “đoàn kết - trí tuệ - bảo vệ công lý” do ông Lê Xuân Đại, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trao tặng.

Lần đầu tiên đến với Làng Sen quê Bác, chúng tôi được ông Nguyễn Bá Hòe, Giám đốc Khu tưởng niệm, dẫn đi thăm căn nhà mái lá năm gian do bà con trong vùng dựng mừng ông Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng khoa thi Tân Sửu (1901). Đây cũng là nơi Bác Hồ sống thời còn nhỏ trong khoảng thời gian từ 1901 đến 1906. Ngoài trời, cơn mưa nhẹ vào đầu giờ sáng vừa tạnh khiến cho hàng dâm bụt như xanh hơn. Giọng nói truyền cảm của cô hướng dẫn viên đang nói về những ký ức và tình cảm còn đọng lại trong lòng người dân dành cho các thành viên trong gia đình Bác Hồ. Chính từ nơi đây, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã theo cha vào chấm thi hương lại tại trường thi Bình Định, khởi đầu cho hành trình từ Bến cảng Sài Gòn ra đi tìm đường cứu nước, giành tự do độc lập cho nhân dân.

Khi cùng đại diện một số Đoàn Luật sư ở các tỉnh Bắc miền Trung đứng thắp hương, dâng hoa trước anh linh của Bác Hồ chính trên mảnh đất nơi sinh ra Người, chúng tôi cảm nhận sâu sắc hơn tình cảm và tấm lòng của Bác đối với giới luật sư và nghề luật sư cách mạng ở nước ta. Vào thời khắc này cách đây 70 năm, với nhãn quan chính trị - pháp lý sắc bén và tầm nhìn chiến lược, bằng sự trải nghiệm cá nhân của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 46/SL ngày 10.10.1945 tạm thời cho thi hành Sắc lệnh tổ chức luật sư ngày 25.5.1930 của chế độ thực dân Pháp, với một số điểm sửa đổi phù hợp với điều kiện mới của cách mạng. Theo Sắc lệnh này, các luật sư có quyền bào chữa ở trước tất cả các Tòa án hàng tỉnh trở lên và trước các Tòa án quân sự; đồng thời xác định các điều kiện mới để “được liệt danh vào bảng luật sư tại Tòa thượng thẩm Hà Nội hay Sài Gòn”.

Một điều rất đặc biệt là ngay trong những tháng ngày đầu tiên giành được chính quyền, đất nước chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến gian khổ chống thực dân Pháp, bên cạnh Bác Hồ, lãnh đạo Đảng và Nhà nước, có sự âm thầm đóng góp công sức, trí lực của các luật sư, luật gia cách mạng như: Phan Anh, Vũ Đình Hòe, Trần Công Tường, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Huy Mẫn… Sau này những tấm gương như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo cùng nhiều luật sư đã dấn thân đồng hành cùng dân tộc trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, giữ gìn và bảo vệ các thành quả của cách mạng. Việc Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 10.10 hàng năm là Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam chính là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và xã hội đối với những đóng góp của giới luật sư trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khởi đầu bằng chính Sắc lệnh mang dấu ấn lịch sử vẻ vang này.

Bằng sự trải nghiệm của bản thân khi được tiếp cận với các trào lưu tư tưởng và văn minh pháp lý nhân loại trên hành trình bôn ba khắp năm châu bốn biển, lại được luật sư Loseby bào chữa trắng án qua 9 phiên tòa lịch sử ở Hồng Kông vào năm 1931, có thể nói Bác Hồ là người hiểu một cách sâu sắc sứ mệnh cao quý của nghề luật sư, yêu thương giới luật sư. Ngay cả trong thời chiến, Bác Hồ vẫn nghĩ đến việc phải bảo đảm quyền trợ giúp pháp lý cho những người bị xét xử khi thành lập chế định bào chữa viên nhân dân thông qua việc ký ban hành Sắc lệnh số 69/SL ngày 18.8.1949. Chính Người quyết định sự tồn tại của chế định luật sư khi xảy ra cuộc tranh luận sau thời điểm 1954 là nên hay không nên duy trì chế định này, bởi có người coi đó là một sản phẩm của văn minh tư sản. Tư tưởng của Người còn thể hiện thông qua việc chỉ đạo xây dựng các bản Hiến pháp 1946, 1959 với việc ghi nhận quyền bào chữa của công dân, tổ chức luật sư được hình thành với nhiệm vụ góp phần bảo vệ công lý.

Ngày nay, đội ngũ luật sư Việt Nam đã có được một Ngày kỷ niệm truyền thống hàng năm như một dịp tưởng nhớ đến tư tưởng bao la, nhân nghĩa về tư pháp nói chung và về nghề luật sư nói riêng của Bác Hồ kính yêu. Với chiến lược phát triển từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, nghề luật sư Việt Nam sẽ có được vị trí, vai trò không chỉ là một nghề nghiệp tự do, hoạt động độc lập trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, mà còn góp phần thực hiện chức năng xã hội của luật sư, làm nên diện mạo của nền dân chủ của đất nước. Điều này cũng đòi hỏi đội ngũ luật sư Việt Nam trui rèn phẩm chất đạo đức và kỹ năng hành nghề, phải là tấm gương cho tinh thần thượng tôn pháp luật, xứng đáng với sự tin cậy của các chủ thể xã hội, đóng góp thật sự cho tiến trình phát triển kinh tế, cải cách tư pháp, hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta./.

Luật sư Phan Trung Hoài

Theo Báo Lao động

Đặng Tuyết (st)

Bài viết khác: