5.Bài nói của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Nam Định (Ngày 21-5-1963)

Bác và đồng chí Thọ, đồng chí Lương, thay mặt Trung ương Đảng, thân ái hỏi thăm các đồng chí đại biểu.

Mấy hôm nay, các đồng chí đã thảo luận kỹ các vấn đề. Đồng chí Thọ thay mặt Trung ương cũng đã góp nhiều ý kiến với Đại hội.

Sau khi Hội nghị Trung ương lần thứ Tám đã thông qua phương hướng kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, Đại hội Đảng bộ Nam Định lần này dựa vào đó, đã bàn bạc các vấn đề một cách thuận lợi.

Hôm nay, Bác chỉ nêu vài ý kiến để các đồng chí tham khảo.

Về tình hình Nam Định, trong mấy năm qua đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà đã cố gắng vươn lên và thu được một số thành tích về các mặt.

Về nông nghiệp:

Cáchợp tác xã nói chung đã được củng cố hơn trước, các cấp uỷ đã biết vận động đồng bào lương và giáo xây dựng được những hợp tác xã tốt, như: Hợp tác xã Đồng Quỹ, Đài Môn, Tân Khang, Đại Đồng, Thượng Lỗi, v.v.. Nhờ các hợp tác xã được củng cố, cho nên trong hai năm qua, tuy bị thiên tai ba vụ, nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn phát triển cả về năng suất, diện tích và sản lượng. Năng suất lúa bình quân trong hai năm (1961 - 1962) đạt 19 tạ 70 cân (so với năng suất ba năm trước có tăng mỗi mẫu tây 37 cân, nhưng tăng còn ít).

So với hồi năm 1958, Bác về thăm tỉnh nhà thì đến nay, ba huyện miền đồng chiêm có phong trào đắp bờ, khoanh vùng, cấy cưỡng, đã biến hơn 12.000 mẫu tây một vụ thành hai vụ. Việctrồng màu gần đây có được chú ý hơn, nhờ đó mà lương thực hai năm qua có tăng, đời sống của nhân dân tuy có nơi còn khó khăn, nhưng nói chung đã được ổn định hơn trước.

Nhiệm vụ đối với Nhà nước nhưnộp thuế, trả nợ thu mua trong năm 1962, các cấp uỷ đă hoàn thành khá nhanh và gọn.

Nhưng vềhoa màu, đồng bào Nam Định trồng còn quá ít. Các cấp uỷ phải vận động nhân dân trồng nhiều hoa màu hơn nữa, nhất là khoai nước và dong riềng, để có thêm lương thực cho người và thức ăn cho gia súc. Một ví dụ tốt: Xã Trực Bình (huyện Trực Ninh) bình quân diện tích chỉ non hai sào. Nhưng nhờ đồng bào xã ấy đã ra sức trồng nhiều khoai nước mà đàn lợn đã tăng gần gấp đôi. Nhờ có nhiều lợn mà có nhiều phân. Nhờ có nhiều phân mà năng suất một sào lúa từ 630 cân tăng lên 784 cân. Nhờ năng suất lúa tăng mà lương thực cũng tăng (tính theo đầu người, năm 1960 chỉ có 323 cân, năm 1962 tăng lên 462 cân). Đó là một kinh nghiệm tốt.

Phải vận động đồng bàotrồng nhiều cây công nghiệp ở những nơi có điều kiện như trồng cói, trồng dừa... Ở Nam Định trước đây có tập quán trồng dâu nuôi tằm, nhưng đến nay mới khôi phục được một phần năm so với trước. Đó là một thiếu sót lớn cần phải khắc phục.

Phải chú ý vận động đồng bàotrồng cây ăn quả như: Cam, chanh, chuối... vàtrồng cây lấy gỗ như: Xoan, tre, v.v..

Phải ra sức phát triển chăn nuôi để thêm sức kéo, thêm phân bón, đồng thời tăng thu nhập cho nông dân và có thêm thịt để cung cấp cho nhân dân.

Việccải tiến kỹ thuật, là một điều rất quan trọng để phát triển nông nghiệp, Nam Định phải đẩy mạnh hơn nữa.

Vềthuỷ lợi to và vừa vẫn phải coi trọng. Đồng thời phải làm nhiều thuỷ lợi nhỏ, khoanh vùng, đắp bờ, chống úng ở miền Bắc tỉnh và chống chua mặn ở các huyện miền ven biển.

Vềphân bón thì hợp tác xã Tân Khang đã có thành tích khá. Nhưng chưa thành phong trào mạnh mẽ. Hiện nay, trong tỉnh còn tới 30% ruộng cấy chay. Cần vận động đồng bào chấm dứt tệ hại ấy. “Một vốc phân là một cân thóc", muốn có nhiều lúa, nhiều khoai thì nhất định phải dùng nhiều phân bón.

Vềcải tiến công cụ cũng có những kinh nghiệm tốt như huyện Nghĩa Hưng trước kia phải tốn một triệu ngày công để chuyển hơn 220.000 tấn phân ra đồng, nay nhờ dùng thuyền và dùng xe mà đã bớt được hơn 110.000 ngày công -XãGiao Hải (huyện Giao Thuỷ) nhờ phát triển thuyền mà vụ chiêm năm 1962 gặt nhanh hơn vụ chiêm năm 1961, lại dôi được hơn 4.000 ngày công. Như thế vừa đỡ tốn sức lao động, vừa dành được nhiều ngày công để làm các việc khác.

Tại sao những việc Trực Bình, Nghĩa Hưng, Giao Hải làm được, các nơi khác lại không làm được? Đó là vì cán bộ các nơi khác không biết học tập những kinh nghiệm tốt.

Ở Nam Định người đông ruộng ít. Trong Đại hội này, các đồng chí đã bàn đến cuộc vận động đồng bào đi xây dựng kinh tế miền núi, miền biển, như thế là đúng. Nhưng cần phải có kế hoạch thật đầy đủ để thực hiện cho thật tốt.

Hiện nay, tỉnh ta đang tiến hànhcuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật nhằm phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc, các cô, các chú cần phải thực hiện đúng và tốt nghị quyết của Bộ Chính trị về vấn đề này. Tỉnh uỷ, huyện uỷ, đảng uỷ xã phải trực tiếp lãnh đạo. Cán bộ tỉnh và huyện phải phân công đến tận hợp tác xã, thực tế cùng cán bộ cơ sở làm việc. Đi bước nào phải thật vững chắc bước ấy. Làm nơi nào phải thật tốt nơi ấy. Không lề mề, nhưng không nóng vội.

Nam Định có 18 vạn đồng bào công giáo, các cấp uỷ phải thật quan tâm đến phần đời và phần đạo của đồng bào công giáo. Hiện nay, trong tỉnh đã có 62% hộ giáo dân vào hợp tác xã. Có những hợp tác xã khá tốt như Đài Môn, Đồng Quỹ, Úy Như Nam... Đồng bào công giáo càng hiểu rõ chính sách của Đảng thì càng gắn bó với hợp tác xã. Cho nên phải ra sức giúp đỡ củng cố và phát triển tốt các hợp tác xã của đồng bào công giáo nhằm làm cho hợp tác xã ngày càng vững chắc. Xã viên thu nhập ngày càng tăng, đời sống ngày càng no ấm hơn.

Vềcông nghiệp:

Trong hai năm qua sản xuất có phát triển tiến bộ hơn trước. Năm 1962, Nhà máy dệt đã hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch của Nhà nước. Bác gửi lời khen ngợi công nhân và cán bộ Nhà máy Dệt.Năm nay càng phải cố gắng hơn, ra sức thi đua với Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên) để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1963 và kế hoạch 5 năm.

Công nghiệp địa phương và thủ công nghiệp,Tỉnh uỷ chưa lãnh đạo tốt, nhưng gần đây cũng đã bước đầu cố gắng phục vụ nông nghiệp như sản xuất vôi, phân bón, chế biến dong riềng và khoai nước, sản xuất hàng tiêu dùng cho nông dân.

Thủ công nghiệp,tỉnh ta có gần 6 vạn người thủ công nghiệp đã vào hơn 270 hợp tác xã. Về mặt tổ chức như thế là tốt. Nhưng về mặt quản lý thì còn nhiều khuyết điểm. Cuộc điều tra 83 hợp tác xã cho thấy rằng: Khuyết điểm phổ biến là quản lý không tốt, sổ sách luộm thuộm, chất lượng thấp kém. Nội bộ không dân chủ. Thường có tệ tham ô, lãng phí, quan liêu. Ví dụ hợp tác xã Quang Trung, Rạng Đông, Thép Mới, Thắng Lợi, Đồng Tâm... Các cấp uỷ cần phải giúp các hợp tác xã thủ công chấn chỉnh lại cho tốt, vì thủ công nghiệp cũng là một bộ phận quan trọng trong kinh tế Nhà nước và quan hệ đến đời sống của hàng vạn đồng bào.

Bác mong rằng, từ nay cán bộ và công nhân đều ra sức thi đua phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật hơn nữa để nâng cao năng suất lao động, sản xuất được nhiều, nhanh, tốt, rẻ, phục vụ cho nhân dân.

 Để thiết thực đẩy mạnh phát triển kinh tế hơn nữa thì tỉnh uỷ, các đảng uỷ và cán bộ phụ trách các cơ quan, các xí nghiệp, công trường và mậu dịch cần phải thực hiện cho có kết quả tốt cuộcvận động "nâng cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật, chống tham ô, lãng phí, quan liêu”. Phải biết kết hợp chặt chẽ các cuộc vận động này với phong trào thi đua thực hiện thắng lợi kế hoạch Nhà nước năm 1963 và kế hoạch 5 năm.

Vềcác ngành kinh tế, văn hoá khác:

Về các ngành kinh tế, văn hoá khác, Nam Định cũng đã đạt những thành tích khá như:

Giao thông vận tải, đã cố gắng phát triển giao thông ở nông thôn, nhưng vận tải đường sông thì còn kém.

Giáo dục, phát triển khá về số lượng, nhưng kém về chất lượng, vì thiếu giáo dục chính trị và đạo đức cách mạng cho học sinh.

Phong trào vệ sinh phòng bệnh, cũng đã có những nơi tốt, như xã Nghĩa Phú (Nghĩa Hưng).

Phong trào bảo vệ trị an, cũng đạt kết quả khá, dân quân tự vệ có tiến bộ, nhưng còn phải cố gắng nhiều.

Vềlãnh đạo:

Nam Định có hơn một triệu nhân dân, có gần 2 vạn 5 nghìn đảng viên và hơn 3 vạn 6 nghìn đoàn viên thanh niên lao động. Tức là cứ 100 người thì có 2 đảng viên và 3 đoàn viên. Thế là ít. Đảng viên gái (2.554 đồng chí) cũng quá ít. Cần phải có kế hoạch chu đáo để phát triển Đảng và Đoàn hơn nữa, cần phải rất chú trọng củng cố chi bộ. Đồng bào Nam Định rất chất phác, cần cù, lại có truyền thống anh dũng trong thời kỳ cách mạng và kháng chiến. Cán bộ nói chung đều tận tụy. Cho nên tỉnh ta đã có thành tích về các mặt công tác.

Nhưng chúng ta phải thật thà nhận rằng: Thành tích còn ít và tiến bộ còn chậm. Vì lãnh đạo còn yếu. Các cấp, từ chi bộ đến tỉnh uỷ, phải vì lợi ích chung của Đảng và của nhân dân mà tự phê bình một cách thành khẩn và thẳng thắn. Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ phải luôn luôn tự hỏi: Mình đã xứng đáng với vai trò lãnh đạo của Đảng hay là chưa? Sự thật là sinh hoạt nhiều chi bộ còn chưa tốt, việc giáo dục đảng viên chưa được chặt chẽ và kịp thời. Có cán bộ, đảng viên còn lãng phí nhiều trong việc cưới xin, ma chay trong gia đình mình. Thậm chí có đảng viên còn nấu rượu lậu. Họ phạm kỷ luật của Đảng, phạm pháp luật của Nhà nước, họ mất đạo đức cách mạng của người đảng viên, làm gương xấu cho quần chúng.

Trong tỉnh uỷ thì kém đoàn kết, nội bộ thiếu dân chủ. Tỉnh uỷ mà thiếu đoàn kết thì đoàn kết sao được đảng viên và nhân dân. Kết quả là ảnh hưởng không tốt đến các ngành, các cấp trong tỉnh, đến việc thực hiện các chủ trương công tác chung của địa phương. Do đó mà tỉnh uỷ lãnh đạo yếu, lãnh đạo còn chung chung, chưa đi sâu đi sát, chưa chú ý việc lãnh đạo điển hình, thiếu tập trung thường xuyên vào công tác trung tâm.

Ngay trên tỉnh cũng còn hiện tượng hình thức, tốn kém tiền bạc của Nhà nước, lãng phí công sức của nhân dân, như việc làm cổng của nhà triển lãm, việc phá đi xây lại nền nhà của tỉnh ủy... Trung ương và Bác rất phiền lòng về những khuyết điểm ấy. Chúng ta phải luôn luôn thật thà tự phê bình và nghiêm chỉnh phê bình để cùng nhau tiến bộ.

Bác mong rằng sau Đại hội này, toàn Đảng bộ Nam Định sẽ ra sức khắc phục khuyết điểm; phát triển ưu điểm, đoàn kết một lòng, thực hiện đầy đủ nghị quyết của Đại hội, biến nghị quyết đó thành quyết tâm của đảng viên, đoàn viên và đồng bào cả tỉnh, để xây dựng tỉnh Nam Định thành một tỉnh giàu mạnh, làm kiểu mẫu cho toàn miền Bắc, thiết thực góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà.

Chúc các đại biểu mạnh khoẻ, chúc Đại hội thành công.

Hồ Chí Minh:Toàn tâp,

Nhà xuất bản Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2000, t.11, tr.81-86.

 6. Bài nói của Bác tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc (Ngày 16-7-1963)

Hồ Chủ tịch ân cần trò chuyện với chiến sỹ, cán bộ lực lượng vũ trang tỉnh Vĩnh Phúc năm 1963. Ảnh internet

Bác đến thăm Đại hội, còn tham gia Đại hội tỉnh thì Trung ương Đảng đã chỉ định đồng chí Hà Kế Tấn. Bác muốn nêu một vài ý kiến rất vắn tắt.

Một là phải làm sao cho toàn đảng bộ, toàn thể nhân dân trong Tỉnh thấm nhuần Nghị quyết Hội nghị lần thứ tám của Trung ương.

Hai là phải làm sao cho tốt 3 cuộc vận động mà các cô, các chú đã biết, Bác không nhắc lại. Nhất là phải làm tốt cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật vì Vĩnh Phúc là tỉnh nông nghiệp nhiều. Phải làm thật tốt việc này, còn làm thế nào cho tốt thì các đồng chí bàn với nhau. Lần này phải làm thế nào cho tất cả các đảng viên trong tỉnh đều thấm nhuần chính sách, đường lối của Đảng. Mỗi một đảng viên đều phải gương mẫu. Người nào chưa gương mẫu thì cố gắng trở thành gương mẫu cho xứng đáng là đảng viên. Tất cả các đảng viên trong Tỉnh đều gương mẫu... để làm cho 56 vạn dân trong tỉnh thấm nhuần tinh thần làm chủ, cần kiệm xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội. Đồng thời phải luôn luôn nhớ rằng làm việc đây cũng là để ủng hộ cuộc đấu tranh của đồng bào miền Nam. Cả miền Nam, cả miền Bắc cùng đấu tranh để hoà bình thống nhất nước nhà.

Thế là đảng viên gương mẫu, nhân dân làm chủ để cố gắng làm cho tốt, trước mắt là làm vụ mùa thắng lợi. Vụ chiêm trước gặp hạnhán nên tương đối có khó khăn. Cho nên cần tranh thủ được một vụmùa thắng lợi để chuẩn bị điều kiện tốt cho những năm sau.

Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít thành công ít.

Bác chúc các cô, các chú làm được nhiều để làm cho Đảng bộ Vĩnh Phúc trở thành một trong những đảng bộ khá nhất miền Bắc.

Hồ Chí Minh:Toàn tập,

Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2000, t.11, tr.106-107.                     

7. Bài nói tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Bắc (Ngày 17-10-1963) 

Các đồng chí,

Bác thay mặt Trung ương thân ái chào mừng Đại hội và cảm ơn các đồng chí chuyên gia Trung Quốc đang hết lòng giúp chúng ta xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Một số vấn đề, Bác đã nói trong cuộc mít tinh. Ở đây, Bác chỉ góp thêm mấy ý kiến để các đồng chí thảo luận.

Tỉnh ta có một vị trí quan trọng về kinh tế, chính trị và quân sự. Đồng thời tỉnh ta có hơn 1 triệu dân. Có 153.000 mẫu tây ruộng. Có nhiều của cải thiên nhiên như gỗ, mỏ than, mỏ đồng, v.v.. Đồng bào tỉnh ta lao động cần cù và có truyền thống anh dũng trong những năm cách mạng và kháng chiến.

Thế là Hà Bắc người đông, đất rộng, của nhiều, có điều kiện để trở thành một tỉnh giàu mạnh.

Các đồng chí đều biết rằng: Năm 1945, Đảng ta chỉ có non 5.000 đảng viên mà đã lãnh đạo cả nước làm Cách mạng Tháng Tám thành công. Năm 1946, lúc đầu Đảng ta chỉ có gần 2 vạn đồng chí mà đã lãnh đạo toàn dân kháng chiến thắng lợi. Có thành tích vĩ đại đó là vì Đảng ta đoàn kết nhất trí, nhân dân ta đoàn kết nhất trí.

Hiện nay, tỉnh ta có hơn 23.000 đảng viên và 34.000 đoàn viên thanh niên lao động. Đó là một lực lượng khá to và khá mạnh, một lực lượng nhiều gấp mấy lực lượng của Đảng trong thời kỳ trước Cách mạng Tháng Tám và bắt đầu kháng chiến.

Trong thời kỳ vừa qua, đảng bộ và Đoàn thanh niên Hà Bắc đã có cố gắng và có thành tích. Những thành tích ấy đã nêu rõ trong báo cáo chính trị trước Đại hội, Bác không kể lại nữa mà chỉ nói rằng thành tích đáng lẽ nhiều hơn và to hơn nếu đảng viên và cán bộ thực hiện được những điều sau đây:

Đoàn kết nhất trí:Đoàn kết là sức mạnh, là then chốt của thành công. Đảng ta là một Đảng cách mạng theo chủ nghĩa Mác - Lênin. Tất cả cán bộ và đảng viên phải đặt quyền lợi của Đảng, của giai cấp và của nhân dân lên trên hết, cao hơn hết.

Đảng ta là một Đảng lãnh đạo. Tất cả cán bộ và đảng viên dù ở cương vị khác nhau, làm công tác khác nhau, cũng đều phải đoàn kết nhất trí để làm tròn nhiệm vụ của Đảng giao cho. Ví dụ: Trong cái đồng hồ có nhiều máy móc khác nhau, nhưng tất cả các bộ phận đều phải ăn khớp với nhau, thì đồng hồ mới chạy tốt. Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyênnghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ. Làm cách mạng thì có đúng có sai. Cố nhiên đúng phải là chính, sai là phụ. Có sai thì chúng ta giúp nhau kiên quyết sửa chữa và cùng nhau hăng hái tiến lên.

Giữa đảng viên và cán bộ với nhau, phải kiên quyết bỏ hết thành kiến. Thành kiến là một thói xấu, có hại. Do thành kiến mà sinh ra dè dặt với nhau, đối phó với nhau, kèn cựa lẫn nhau. Nó làm cho trống đánh xuôi kèn thổi ngược, nó làm cho công tác bị tê liệt, hư hỏng.

Ngày nay, hai tỉnh mới nhập thành một. Đảng viên và cán bộ hai tỉnh cũ phải tuyệt đối tránhđịa phương chủ nghĩa. Không nên nghĩ rằng tỉnh nàybị nhập vào tỉnh kia. Sự thật là hai tỉnh sáp nhập với nhau thành một tỉnh lớn của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Đó là một sự mở rộng tốt đẹp. Sáp nhập tổ chức là về hình thức. Cần phải nhất trí về tư tưởng, về hành động, về tình cảm. Đồng thời do nhận thức nhất trí về tình hình và nhiệm vụ, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng và trước nhân dân mà tăng cường đoàn kết  nhất trí - đó là điều chính.

Phải khắc phục bệnh cá nhân chủ nghĩa, bệnh công thần, óc địa vị. Nó đẻ ra nhiều cái xấu như xích mích, kèn cựa giữa cán bộ và giữa đảng viên, không ai phục ai, không giúp đỡ nhau, không cộng tác chặt chẽ với nhau. Bệnhcá nhân còn dẫn đến tệ bảo thủ, quan liêu, tham ô, lãng phí, sợ khó, sợ khổ, thấy khó khăn thì đâm ra tiêu cực bi quan.

Phải khắc phục những khuyết điểm, sai lầm như cảnh giác cách mạng kém, không tích cực thực hiện đường lối giai cấp của Đảng ở nông thôn, không ra sức bồi dưỡng lực lượng bần nông và trung nông lớp dưới, không chấp hành thật đúng các chính sách của Đảng, v.v..

Công việc ngày càng nhiều và càng phức tạp. Xã hội ngày càng tiến lên. Vì vậy, trình độ của đảng viên và cán bộ cũng phải tiến lên mới làm trọn được nhiệm vụ. Cho nên đảng viên và cán bộ phải cố gắng học tập chính trị, văn hóa và chuyên môn.

Tỉnh uỷ cũng phải ra sức chăm sóc đến cơ sở đảng, phải củng cố chi bộ cho thật tốt. Chi bộ tốt thì mọi việc sẽ tốt. Hiện nay có 40 chi bộ đạt tiêu chuẩn "4 tốt". Bác thay mặt Trung ương khen 40 chi bộ ấy và khuyên tất cả các chi bộ khác phải học tập những chi bộ tốt ấy.

Ở Hà Bắc trong 100 người dân mới chỉ có độ hơn 2 đảng viên.Như thế là ít. Cần phải xem công tác củng cố và phát triển đảng là một công tác quan trọng và thường xuyên. Và phải nắm vững phương châm phát triển đảng là trọng chất hơn lượng.

Trong số 23.000 đảng viên chỉ có 1.780 đồng chí gái. Như vậy là quá ít. Cần phải lựa chọn và kết nạp thêm đảng viên phụ nữ và đảng viên các dân tộc miền núi.

Đoàn Thanh niên Lao độngcông tác khá. Các cấp đảng uỷ cần phải lãnh đạo chặt chẽ và ra sức giúp đỡ Đoàn phát triển cho tốt.

Đảng uỷ từ tỉnh đến xã phải thật sự phụ trách làmba cuộc vận động cho tốt.

Nói tóm lại: Từ nay phải có một sự chuyển biến mạnh dạn, mới mẻ và vững chắc trong mọi công tác để giành lấy những thắng lợi ngày càng to lớn hơn.

Chúc Đại hội thành công tốt đẹp.           

Hồ Chí Minh:Toàn tập,

Nhà xuất bản. Chính trị quốc gia,

Hà Nội, 2000, t.11, tr.153-156.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: