Đó là ông Nguyễn Trọng Thát - 84 tuổi đời, 61 tuổi Đảng ở thôn Phú Cang 2 Nam, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa). Có tận mắt chứng kiến bộ sưu tập đồ sộ với những hình ảnh, tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mới thấy hết sự kỳ công, cần mẫn và tâm huyết của ông trong việc sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ. Từ năm 2007 đến nay, ông Thát đã dày công sưu tầm được kho tư liệu vô cùng quý giá với hơn 400 tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ… Bộ sưu tập của ông như những thước phim tư liệu, tái hiện lịch sử cuộc đời và sự nghiệp của Bác.
Sưu tầm tư liệu về Bác Hồ không chỉ là niềm đam mê mà còn xuất phát từ lòng kính trọng
của ông đối với Bác.
Thư viện vì dân…
Từ lâu, nhà ông Thát đã trở thành nơi hội tụ của các cụ già và các cháu thiếu nhi trong làng.
Chúng tôi đến xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh tìm nhà ông Thát vào một ngày Chủ Nhật cuối tháng 8. Vừa đến đầu xã, đang loay hoay không biết hỏi thăm ai thì một cậu bé chừng 10 tuổi nhanh miệng: “Cô tìm nhà ai?”. “Cô muốn tìm nhà một ông già có rất nhiều ảnh Bác Hồ”. Tôi vừa dứt lời, cậu bé cười tinh nghịch: “Cháu biết rồi, đó là nhà ông già Noel”. Một bà cụ đứng bên cạnh tiếp lời: “Cụ Thát hay giúp đỡ người khác, lại có bộ râu dài bạc trắng nên mọi người thường gọi cụ là ông già Noel. Cụ Thát thông minh, đôn hậu, hiểu biết hơn người. Cụ sưu tầm được rất nhiều hình ảnh về Bác Hồ và thành lập nên Thư viện vì dân đấy”.
Ngoài đam mê sưu tầm ảnh Bác Hồ, ông còn đam mê chăm sóc cây cảnh.
Cậu bé dẫn chúng tôi đến nhà ông Thát. Đến trước cổng một căn nhà cấp 4 khá ngăn nắp, cậu bé chỉ tay về hướng một ông già đang cặm cụi chăm sóc cây cảnh: “Ông già Noel đấy cô ạ”. Đúng như những gì chúng tôi nghe qua. Tuy đã ở tuổi xưa nay hiếm, dáng người gầy yếu, mái đầu bạc trắng, bộ râu dài nhưng trông ông Thát còn khá nhanh nhẹn, hoạt bát. Trước hiên nhà ông, tấm bảng “Thư viện vì dân” được treo ngay ngắn, phía dưới là tấm ảnh về đại gia đình Bác Hồ. Ấn tượng đầu tiên khi vào nhà ông là đâu đâu cũng thấy hình ảnh của Bác Hồ. Có những tấm hình qua thời gian đã úa vàng nhưng được ông lồng trong khung kính rất cẩn thận. Sau phút làm quen, ông Thát hào hứng dẫn chúng tôi đi tham quan “bộ tài sản vô giá” của mình, rồi chậm rãi giới thiệu sơ bộ về các bức ảnh của Bác và sự ra đời của Thư viện vì dân. Năm 2008, khi kho tư liệu hình ảnh, sách báo về Bác được sưu tầm đồ sộ, ông nghĩ đến việc thành lập thư viện. Ngay cái tên thư viện mà ông đặt cũng gợi trong tôi về một người luôn suy nghĩ và quan tâm đến người khác. Thư viện vì dân tuy không nhiều sách, tài liệu nhưng ở đây có những tài liệu vô cùng quý giá và ý nghĩa. Toàn bộ tài liệu trong thư viện là hơn 400 hình ảnh, bài viết liên quan đến Bác Hồ. Ngoài ra còn có 9 tập tài liệu tư vấn sức khỏe và nhiều tài liệu về tình hình kinh tế, chính trị xã hội, an ninh quốc phòng… Mỗi tập tài liệu là những bức ảnh về Bác Hồ được cắt dán khá cẩn thận. Mỗi thể loại được sắp xếp ngăn nắp trên một diện tích nhất định và theo từng thời kỳ lịch sử. Ban đầu, thư viện có tên là Thư viện nhân dân, nhưng khi đưa ra cuộc họp chi bộ, mọi người đã thống nhất lấy tên Thư viện vì dân. Xung quanh việc đặt tên cho thư viện, ông Lê Viết Lượng - một cán bộ trong xã chia sẻ: “Thư viện này do một mình ông Thát lập nên. Ông ấy vì dân mới làm thư viện, chứ không phải do nhân dân lập thư viện”. Ông Thát cho biết: “Tôi lập nên thư viện này không những cho hiện tại mà còn để lại cho con cháu mai sau. Nay mai tôi qua đời, tôi sẽ bàn giao lại toàn bộ cho thôn làm tư liệu”.
Các thành viên trong gia đình Bác Hồ trong bộ sưu tầm của ông Thát.
Ngay khi Thư viện ra đời, việc đầu tiên ông Thát làm là bỏ tiền túi ra mua tôn về che hết phần sân nhà và mua sắm bàn ghế, quạt điện, võng… phục vụ bà con tới nghiên cứu tài liệu; các cháu thiếu nhi tới nghe ông kể chuyện về Bác Hồ. Tôi thắc mắc: “Sao võng được mắc nhiều vậy hả bác?”, ông cười hóm hỉnh: “Ngoài những người đến tìm tài liệu về Bác phục vụ cho công việc, những người đến đây thường là các cụ già nên ngồi một lúc là mệt mỏi. Vì vậy, có chiếc võng, các cụ ngồi mệt lại nằm thư giãn”.
… Và hành trình đi tìm tư liệu về Bác
Ông Thát đang giới thiệu về các thành viên trong gia đình Bác Hồ.
Ông Nguyễn Trọng Thát sinh ra và lớn lên ở Hà Tĩnh. Ngay từ khi còn công tác tại Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh), ông đã thích lưu giữ những hình ảnh về Bác Hồ. Năm 1986, sau khi nghỉ hưu, ông vào Khánh Hòa sinh sống và luôn nung nấu ý nghĩ sưu tầm ảnh Bác Hồ nhưng chưa có cơ hội để làm. Đến năm 2007, nhân dịp xã phát động Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, ông bắt tay vào thực hiện ước mơ bấy lâu nay của mình với suy nghĩ “Làm một việc gì đó có ý nghĩa cho đời”. Ông chủ động đưa ra kế hoạch sưu tầm, rồi thông qua cấp ủy chi bộ thôn, xã. Thấy việc làm của ông có ý nghĩa, thiết thực, chi bộ rất hoan nghênh và tạo điều kiện.
Cho đến bây giờ, ông Thát cũng không nhớ nổi những nơi mình đã đến, đã đi qua để tìm kiếm, sưu tầm tư liệu, tranh ảnh về Bác Hồ. Hễ nơi nào có tài liệu về Bác là ông tìm tới, đi không được thì ông nhờ con cháu chở đi. Để có được những tài liệu, bức ảnh quý giá về Bác Hồ, ông phải tìm kiếm ở rất nhiều nguồn khác nhau. Từ những người bạn, đến các sạp báo cũ tại Nha Trang; nhiều nhất là tại trụ sở UBND xã Vạn Phú. Theo ông Thát, hầu hết tư liệu của ông được chọn lọc từ hơn 20 đầu báo khác nhau; trong đó trên 70% từ báo Khánh Hòa. Ông chia sẻ: “Báo Khánh Hòa đúng là một kho tư liệu về Bác. Mỗi khi đọc báo, thấy có bài nào hay tôi đều cắt ra. Mỗi lĩnh vực, tôi đóng cẩn thận vào một cuốn, khi cần tài liệu tìm rất dễ. Ngoài các tư liệu về Bác Hồ, tôi còn cắt những chuyên mục tư vấn sức khỏe, bài thuốc hay trên báo Khánh Hòa rồi đóng thành tập. Cũng nhờ bài thuốc tôi cắt từ báo Khánh Hòa mà bà Hoàng Thị Thi (Vạn Phú) đã chữa khỏi chứng mất ngủ”.
Ông Thát kể, lúc đầu ông đến xã tìm tài liệu, nhiều người còn hỏi ông tìm cái gì và tìm để làm gì. Sau này, mọi người đều biết việc làm của ông nên khi nhìn thấy có bao nhiêu tài liệu, sách báo về Bác Hồ, họ đều tự động mang ra cho ông. “Nói thật, đi đến đâu, vào nhà nào tôi cũng nhìn trước, ngó sau, hễ có ảnh Bác là xin bằng được. Nhiều khi thấy mình rất vô duyên” - ông Thát hóm hỉnh. Ban ngày ông đi xin hình ảnh, tối đến một mình tỉ mỉ cắt dán từng hình ảnh vào các cuốn sổ hoặc trên các tờ lịch. Mỗi thể loại, mốc lịch sử được ông phân ra một cuốn như: Thời niên thiếu của Bác Hồ; Bác ra đi tìm đường cứu nước; Bác Hồ đến thăm bà con nông dân; Bác Hồ với giáo dục; Bác Hồ với các cháu thiếu niên nhi đồng… Phía dưới mỗi bức ảnh, ông đều chú thích cẩn thận. Vì vậy, khi cần tài liệu chỉ việc nêu chủ đề, ông nhìn ảnh sẽ biết tài liệu để ở đâu. Nhờ sự cần cù, ngăn nắp và cách sắp xếp khoa học của ông nên người xem không bị nhầm lẫn mốc thời gian lịch sử. Cứ thế, dần dần ông trở thành người rất giàu kiến thức về lịch sử, về Bác Hồ và kho tư liệu cũng nhiều lên theo thời gian. Mỗi khi có cuộc thi tìm hiểu về lịch sử, các em học sinh lại tìm đến ông để mượn tài liệu và nhờ ông giải thích. Ông Thát khoe: “Tôi vừa tặng Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Vạn Ninh một cuốn tư liệu về giáo dục. Trong tập tài liệu là những hình ảnh, lời hay ý đẹp, thư gửi học sinh nhân ngày khai trường… của Bác Hồ”.
Các cháu thiếu nhi say sưa nghe ông Thát kể chuyện Bác Hồ.
Trong số hàng trăm tài liệu về Bác, tài liệu khiến ông xúc động nhất và thường đưa ra phát biểu tại các cuộc họp chi bộ là những lời khuyên ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu và những lời căn dặn của Bác như: “Cán bộ phải có cả đức và tài”; “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Song song với đó là hình ảnh Bác đi tát nước với bà con ở tỉnh Hưng Yên; Bác đi kiểm tra sâu bệnh trên các ruộng lúa của nông dân… Theo ông Thát, ngày xưa Bác Hồ bận trăm công nghìn việc nhưng Bác vẫn luôn gần dân, sát dân, hiểu được cuộc sống của người dân. Cầm bức ảnh Bác Hồ đi kéo lưới với bà con nông dân ở biển Sầm Sơn, Thanh Hóa; Bác tát nước chống hạn với nông dân…, ông Thát chia sẻ: “Tôi sưu tầm tài liệu, hình ảnh về Bác Hồ xuất phát từ lòng kính trọng đối với Bác; đồng thời thông qua đó giúp người đọc hiểu những tình cảm, cách đối nhân xử thế, sự chỉ bảo của Người đối với cán bộ, đảng viên về việc chăm lo đời sống cho nhân dân…”.
Bà Nguyễn Thị Ưng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Vạn Phú tâm sự: “Ban đầu, khi chú Thát đưa ra kế hoạch, chúng tôi rất ủng hộ nhưng không nghĩ là chú làm thành công như vậy. Hiện nhà chú là nơi hội họp, đàm đạo thơ ca, kể chuyện về Bác Hồ… của các cụ già và các cháu thiếu nhi trong vùng. Theo ý nguyện của chú, khi nào thôn Phú Cang 2 Nam xây được nhà văn hóa, chúng tôi sẽ đưa toàn bộ tư liệu của chú lưu giữ tại đây”.
Với những người dân Vạn Phú, ông Thát là một tấm gương sáng, là “ông già Noel” luôn giúp đỡ người khác. Chia tay ông, chúng tôi nhớ mãi nụ cười của ông với lời bộc bạch chân thành: “Sưu tầm hình ảnh, tư liệu về Bác không chỉ là niềm đam mê của tôi, mà còn là sự tôn kính, tưởng nhớ của tôi đối với Bác Hồ. Tôi chỉ ngừng sưu tầm ảnh Bác khi đôi chân không còn bước tiếp được nữa”./.
CẨM VÂN
Theo Báo Khánh Hòa
Huyền Anh (st)