Một lần tình cờ, tôi đọc được bài thơ “Bác còn hỏi mãi quê mình” của Hoàng Đình Luyện (Lệ Thủy), trong đó có câu: “Căm giận bốc cao, gái quê ta cũng quyết tâm đánh trả/ Và đồng hồ vàng Bác tặng gửi o Triển công đầu”. Hình ảnh người con gái vùng quê xứ Lệ vinh dự được Bác Hồ gửi tặng chiếc đồng hồ vàng trong câu thơ ấy cứ thôi thúc tôi tìm về mảnh đất vùng cát trắng quê chị.
Người con gái ấy là liệt sỹ Nguyễn Thị Triển (Phù Thiết, Hưng Thủy), là nữ dân quân bắn rơi chiếc REAC đầu tiên của Mỹ trong lúc nó đang chụp ảnh vào đêm 27-7-1966. Gần 40 năm trôi qua, chiếc đồng hồ quý giá ấy vẫn được bao thế hệ con cháu trong gia đình chị gìn giữ, nâng niu.
Chiến công của người nữ anh hùng
Câu chuyện kể của ông Nguyễn Đình Ngoắt (Phù Thiết, Hưng Thủy) tràn ngập niềm tự hào đối với người o (cô) của mình là liệt sỹ Nguyễn Thị Triển. Người đàn ông đã bước vào tuổi lục tuần ấy cho biết, những năm 60 thế kỷ trước, o Triển là Đội phó Đội Dân quân xã Hưng Thủy.
Trong ấn tượng của ông - thời điểm ấy đang là một cậu bé học sinh cấp hai trường làng - thì o Triển có khuôn mặt phúc hậu, mái tóc đen dài và miệng lúc nào cũng nở nụ cười thật tươi. 26 tuổi, ở quê ông, ai cũng đã con bồng, con bế nhưng o quyết tâm gác lại những hạnh phúc riêng tư để toàn tâm đánh Mỹ. Là nữ, nhưng người đội phó dân quân ấy không ngần ngại bất kỳ nhiệm vụ khó khăn, thử thách nào.
Đêm 27-7-1966, như thường lệ, o Triển cùng một số người khác đang đi tuần quanh vùng thì phát hiện một chiếc REAC – loại máy bay trinh sát chụp ảnh ban đêm của giặc Mỹ đang chuẩn bị chụp ảnh địa bàn. Không do dự, người nữ dân quân gan dạ ấy đã chỉ huy tổ trực chiến đi cùng bắn cháy máy bay, tên phi công bị thương rơi xuống trong đêm tối.
“Hôm nớ, trời tối lắm, nhưng khi chiếc máy bay bị bắn cháy, tui nhớ là hắn sáng cả một góc trời. Bà con kéo nhau ra xem đông lắm. Phần đầu máy bay rơi trên địa phận xã Tân Thủy, phần còn lại rơi ở Hưng Thủy. Lúc nớ chưa biết ai bắn, nhưng thấy máy bay giặc Mỹ bị bắn cháy là tụi con nít tụi tui sướng lắm. Ngày mai mới biết là do chính o Triển bắn cháy thì càng sướng hơn nữa”, ông Ngoắt tự hào nhớ lại.
Chiến công của người nữ dân quân gan dạ Nguyễn Thị Triển thời điểm ấy đã cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân và dân vùng đất cát Hưng Thủy. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, một tin vui về với vùng quê cách mạng ấy: Nữ đội phó Nguyễn Thị Triển - người đầu tiên bắn cháy chiếc REAC đã được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và được Bác Hồ quyết định tặng đồng hồ đeo tay bằng vàng. Vinh dự ấy không còn là niềm vui riêng của cá nhân o Triển mà trở thành niềm tự hào chung và là niềm khích lệ tinh thần to lớn của cả vùng quê nghèo ven quốc lộ 1A.
“Bà con nô nức, phấn khởi, dự định trong buổi lễ đón nhận chiếc đồng hồ của Bác sẽ mổ heo, mổ bò của hợp tác xã để ăn mừng. Ngày nớ, dù còn nhỏ nhưng cứ nghe ai nhắc chuyện o Triển của mình là tự hào lắm!”, ông Ngoắt hồ hởi kể.
Thế nhưng, sự sống trong thời chiến vốn mong manh vô cùng. Khi chưa kịp đón nhận vinh dự to lớn, người nữ dân quân ấy đã vĩnh viễn hy sinh trong một trận bom oanh tạc của kẻ thù. Ông Nguyễn Đình Thoan, anh trai của o Triển, hiện đang sinh sống tại thị xã Bình Long (Bình Phước) kể lại rằng 4h chiều ngày 17-8-1967 (âm lịch), khi Ban Chấp hành xã Đoàn đang họp tại trụ sở ủy ban xã thì hai chiếc máy bay Mỹ lao ầm ầm trên bầu trời, chúng ném bom tới tấp ngay tại địa điểm cuộc họp. O Triển cùng 5 đồng đội khác đã vĩnh viễn ra đi.
Thời điểm ấy, ông Thoan là y sỹ của trạm xá xã Hưng Thủy đã tự tay khâm liệm cho em gái mình. Điều khiến ông đau đớn và day dứt mãi cho đến tận hôm nay là thi thể của em gái đã không còn nguyên vẹn khi bị mất đi một cẳng chân. Bí mật ấy chỉ một mình ông biết và chôn chặt cho đến 7 năm sau ngày o Triển hy sinh, ông mới dám chia sẻ cho cả gia đình.
Mất mát quá lớn cùng với việc suốt một ngày dài cứu chữa và khâm liệm cho nạn nhân trận ném bom ấy khiến ông không đủ sức đứng vững và ngất xỉu ngay khi vừa mang được thi thể em gái về nhà. Nhưng đau đớn hơn cả là người con gái ấy hy sinh khi tuổi đời còn quá trẻ và khi chưa kịp đón nhận chiếc đồng hồ quý giá Bác Hồ trao tặng.
Vài tháng sau ngày o Triển hy sinh, chiếc đồng hồ vàng Bác Hồ tặng đã được trao về cho gia đình người nữ dân quân gan dạ. Và suốt gần 40 năm trôi qua, bao thế hệ con cháu trong gia đình đã gìn giữ món quà ấy như một vật gia bảo thiêng liêng.
“Giữ lấy gia bảo!”
Ông Nguyễn Đình Ngoắt kể lại rằng từ khi đón nhận được chiếc đồng hồ Bác tặng cho con gái, bà nội của ông là cụ Đinh Thị Nhỏ đã gìn giữ nó cẩn thận cho đến khi mất – năm 1982. “Đi đến đâu, bà cũng mang theo, kể cả khi bà vào sống với chú tôi ở Bình Phước. Với bà, đó là báu vật không thể tách rời. Cho đến trước khi mất, bà nội tui vẫn cứ nhắc nhở con cháu phải giữ gìn cẩn thận món quà Bác Hồ tặng như một vật gia bảo thiêng liêng”, ông Ngoắt bùi ngùi.
Cụ Nhỏ mất đi, chiếc đồng hồ được truyền lại cho cha ông Ngoắt và đến nay, nó đang được cất giữ cẩn thận tại căn nhà ông ở. Đó là một chiếc đồng hồ giây cót, được làm hoàn toàn bằng vàng. Trải qua thời gian gần nửa thế kỷ nhưng chiếc đồng hồ ấy vẫn sáng bóng và khi lên dây thì chạy bình thường. Từng đường nét vẫn rất tinh tế và sắc sảo. Ông Ngoắt cho biết, vài tháng sau ngày o Triển hy sinh, chiếc đồng hồ đã được đại diện chính huyện và xã mang đến tận nhà, trao cho cụ Đinh Thị Nhỏ.
Thời điểm đó, Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam đã ngỏ ý muốn mua lại chiếc đồng hồ ấy để phục vụ cho công tác trưng bày. “Họ cũng có ý là sẽ làm một chiếc đồng hồ khác có giá trị tương tự để tặng gia đình, thay thế cho chiếc đồng hồ của Bác nhưng lúc đó cả nhà tui không đồng ý. Vật thiêng liêng Bác Hồ tặng thì gia đình phải gìn giữ, nhất là khi o Triển đã không còn nữa. Tôn trọng ý kiến của gia đình, nên Bảo tàng chỉ xin lại cái hộp gỗ màu đỏ đựng đồng hồ để trưng bày thôi”, ông Ngoắt kể lại.
Chiếc đồng hồ Bác tặng đã luôn ở đó, chứng kiến sự đổi thay và lớn lên của bao thế hệ con cháu trong gia đình người nữ dân quân gan dạ năm xưa. Ông Ngoắt kể rằng có những thời điểm gia đình ông khó khăn đến cùng cực, miếng ăn còn không đủ no, thì chiếc đồng hồ vàng là vật có giá trị lớn lao nhất. Nhưng chưa bao giờ, dù là trong suy nghĩ tồn tại ý nghĩ là sẽ bán nó đi.
“Giá trị tinh thần thì không có gì đo đếm được. Với gia đình tui, đó không chỉ là niềm tự hào, mà là sự hiện diện của Bác, của o Triển trong mỗi bước đường đời, là suối nguồn khích lệ, động viên con cháu luôn cố gắng sống tốt, sống đẹp”, ông Ngoắt bùi ngùi./.
Theo http://www.quangbinh.gov.vn/
Huyền Trang (st)