Thứ bảy, 21/12/2024

 

Từ Thà Khẹt (Lào), chúng tôi vào Nakhon Phanom (Thái Lan) trên cầu Hữu Nghị 3 bắc qua sông Mê Kông. Xe mới dừng lại ở cửa khẩu phía Nakhon Phanom, đã thấy các cô, các bác Việt kiều ôm hoa đứng chờ dưới cái nắng như đổ lửa. Bác Nguyễn Văn Xuyên, Phó Chủ tịch Hội Thái - Việt tỉnh Nakhon Phanom chân tình: “Chúng ta tranh thủ thời gian đến thăm Làng hữu nghị Thái- Việt, dâng hoa lên bàn thờ Cụ Hồ đã, nghỉ ngơi sau nhé!”. 

theo chan Bac 1
Du khách Việt Nam và bà con Việt kiều bên chân dung Bác Hồ tại
 Làng hữu nghị Thái - Việt

Xe lướt đi giữa đại lộ thẳng tắp, rừng cây xanh như tràn cả ra tận lề đường, qua những làng thôn yên ả và những khu mua sắm, siêu thị sầm uất, chừng 15 phút chúng tôi đến bản Mạy, nơi có Làng hữu nghị Thái- Việt. Na Chook cũng là tên vùng đất này được gọi theo địa danh một cái hồ lớn tại đây, người Việt gọi là hồ Nà (tiếng Thái, chook là cái ao lớn). Bác Lê Văn Lộc (90 tuổi), quê gốc ở Hương Sơn, Hà Tĩnh, Việt Nam dù sinh ra ở bản Mạy này nhưng trong chất giọng vẫn giữ được âm sắc đặc trưng của người con núi Hồng, sông La. Nhấp chén chè xanh dưới tán cây rợp mát trong làng, bác Lộc cho biết, bản Mạy thuộc huyện Mương, tỉnh Nakhon Phanom ra đời từ những năm đầu của thế kỷ XX do những người Việt từ Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình di cư đến đây lập nghiệp. Hiện làng có trên 120 hộ, trong đó hơn 90% là người Việt. Người được xem là khai canh của ngôi làng Việt này là ông Lê Văn Thuyết, người gốc Can Lộc, Hà Tĩnh. Cư dân bản Mạy sống bằng nghề trồng lúa nước, trồng rau, trồng cây ăn quả và buôn bán khắp 19 tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan. Ngôn ngữ sử dụng hàng ngày khi chợ búa, giao lưu với dân bản địa thì bằng tiếng Thái, còn khi bước vào cổng nhà mình, ai cũng sử dụng tiếng mẹ đẻ. 

Ông Nguyễn Cao Sơn, Chủ tịch Hội Thái Việt tỉnh Nakhon Phanom cho biết, bản Mạy là một “địa chỉ đỏ” rất đỗi thiêng liêng đối với bà con Việt kiều trên đất Thái Lan. Vào tháng 7/1928, Bác Hồ kính yêu của chúng ta, lúc bấy giờ lấy bí danh là Thầu Chín đã dừng chân và cùng bà con Việt kiều yêu nước hoạt động cách mạng ở nơi này. Ở bản Mạy, Bác sống trong gia đình ông Võ Trọng Đài, một người bạn của Bác khi còn ở Việt Nam, một quần chúng giác ngộ cách mạng và rất hăng hái hoạt động đoàn thể. Ngôi nhà này ở phía sau mảnh đất của ông Huê Đạm và bà Nguyễn Thị Nuôi. Sau khi ông Đài qua đời, ngôi nhà Bác Hồ từng ở và hoạt động được giao lại cho người con trai tên là Tiêu cai quản. Khi Bác Hồ đến bản Mạy, ông Tiêu chỉ mới 8 tuổi. Ông cũng chính là người được Bác Hồ dạy tiếng Việt và sống gần gũi Bác. Ông Tiêu mất năm 2010, ngôi nhà được giao lại cho các con ông cai quản. Thời hoạt động cách mạng ở đây, ông Thầu Chín khuyên các hội viên trong Hội hợp tác dựng một ngôi nhà khang trang để làm nơi sinh hoạt cộng đồng. Ngoài thời gian đi vận động và tổ chức phong trào yêu nước ở các vùng khác, ông Thầu Chín thường tham gia nhiều hoạt động của Hội hợp tác bản Mạy như dựng nhà, trồng lúa, đắp đường, làm gạch và rất nhiệt tình trong việc học tiếng Thái, dạy trẻ em chữ Việt. Trong các buổi tiếp xúc với đồng bào ở đây, ông Thầu Chín đã khéo léo nhắc nhở con dân mang trong mình dòng máu Việt phải luôn tự hào với truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của cha ông, yêu thương đùm bọc lẫn nhau và hướng về cội nguồn dân tộc. Trong ngày khánh thành Nhà hợp tác, ông Thầu Chín đã cùng mọi người trồng một hàng dừa dọc theo bờ rào tiếp giáp với đường làng, trồng hai hàng dâm bụt từ cổng vào sân Nhà hợp tác và trồng cây khế ngọt ngay đầu hồi nhà. Hiện ngôi nhà vẫn còn lưu giữ nhiều kỷ vật của Bác ở bản Mạy. Bác sống và hoạt động tại đây cho đến khi rời Thái Lan sang Trung Quốc. Đứng giữa bản Mạy, chúng tôi có cảm giác như đứng giữa một khu nhà vườn thuần Việt tĩnh lặng của xứ Huế. Đất mát lạnh bởi tre trúc đổ bóng, chùm hoa dâm bụt cháy lên trong nắng trưa và hàng cau vươn cành lá như những chiếc lược chải vào mây trời xanh ngắt. 

theo chan Bac 2
Khu lưu niệm Bác Hồ đang được xây dựng tại Nakhon Phanom, Thái Lan

Biên niên sử có ghi rằng, tháng 11/1929 ông Thầu Chín rời Thái Lan đi Trung Quốc. Tháng 4/1930 ông Thầu Chín có dịp quay trở lại Thái Lan, nhưng lần ấy ông chỉ tới Băng Cốc, Uđon Thani, không có dịp về bản Mạy. Tháng 9/2001, chính quyền tỉnh Nakhon Phanom và bà con dân bản Mạy đã đóng góp tiền của, công sức, dựng lại trên nền đất cũ của Nhà hợp tác một ngôi nhà chính ba gian, một ngôi nhà bếp, kho thóc và sưu tầm đưa trở về đây những vật dụng sinh hoạt phản ánh, phục dựng chân thực thời kỳ ông Thầu Chín và các đồng chí của Người đã sử dụng từ năm 1928 - 1929. 

Tháng 1/2004, từ sáng kiến của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh, Phó Thủ tướng Thái Lan, Chính phủ hai nước Việt Nam và Thái Lan đã tổ chức Hội nghị liên Chính phủ Việt - Thái và quyết định thành lập Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy. Ngày 22/2/2004, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phan Văn Khải và Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawtra đã khai trương Làng hữu nghị Thái - Việt ở bản Mạy, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh từng ở và làm việc. Tại làng hữu nghị vẫn còn ghi lại lời của Đại tướng Chavalit Yongchaiyudh, khi ông khởi xướng dự án xây dựng Làng hữu nghị Thái - Việt: “Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, Người đặc biệt nhận được sự tôn kính của nhân dân Việt Nam mà còn là con người kiệt xuất được cả thế giới biết đến. Sự kính trọng nhà lãnh đạo của nước Việt Nam láng giềng đã từng có lịch sử gắn bó với đất nước Thái Lan sẽ là mốc son đánh dấu mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước ngày càng bền vững và sâu sắc…”. Làng hữu nghị Thái - Việt được xây dựng trên đất này là mái nhà chung ấm cúng, một địa chỉ sâu nặng nghĩa tình của bà con Việt kiều tỉnh Nakhon Phanom cũng như Việt kiều ở Thái Lan. Vào các ngày lễ trọng của đất nước hay tết nguyên đán của dân tộc, bà con Việt kiều các tỉnh vùng Đông Bắc Thái lại hành hương về đây để có dịp nói tiếng Việt “mô tê răng rứa” cho thỏa thích, ăn với nhau bữa cơm Việt có bát canh rau tập tàng, quả cà pháo giòn tan, có cả vả và quả chuối non chấm ruốc trộn ớt tươi cay đến xé lưỡi. Khi chia tay, bao giờ cũng ăn với nhau một bát miến lươn, cháo cá tràu nấu bột để giữ mãi cái hương vị quà quê xứ sở; cùng hát với nhau ca khúc “Có ai vô xứ Nghệ”, lời của nhà thơ tài danh Huy Cận, nhạc của Phạm Tuyên, với những ca từ đong đầy nỗi hoài niệm thân thương xứ sở: 

Ai ơi cà xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn. 
Nước chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon. 
Khoai lang vàng xứ Nghệ, càng nhai kĩ càng bùi. 
Cam xã Đoài xứ Nghệ, càng chín lại càng tươi. 
…Ôi tâm hồn xứ Nghệ, trong hồn Việt Nam ta 
Có gì tự ông cha, rất xưa mà rất trẻ...

Và được cất lên tiếng lòng của mình đối với Bác trong niềm tự hào, xúc động sâu sắc: 

Giống như Bác của ta, một Con Người xứ Nghệ…! 

Có thể thấy, dù chỉ lưu lại thời gian ngắn (từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929), nhưng dấu ấn Bác Hồ tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom vẫn hết sức sâu đậm qua ký ức và những kỷ vật của Người được các thế hệ bà con Việt kiều và nhân dân Thái Lan trân trọng, nâng niu, gìn giữ, cùng những hình ảnh gần gũi, thân thuộc của làng quê Việt Nam trên đất nước Thái Lan là minh chứng sinh động cho tình hữu nghị thân thiết giữa nhân dân hai nước Việt  - Thái. Năm 2013, trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Lan, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và trao tặng cho Hội Hữu nghị Việt Nam - Thái Lan 30 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp khu lưu niệm. Công trình được khởi công vào tháng 5/2014 và đang khẩn trương thi công đúng tiến độ. Hôm chúng tôi đến thăm, chiếc cổng đường bệ và uy nghi như chiếc cổng làng quen thuộc vùng châu thổ sông Hồng mở ra một không gian Việt ấm cúng đã gần như hoàn tất. Những quần thể kiến trúc thuần Việt với mái ngói thâm nâu, mái đao cong vút đầu hồi nhà, nhịp cầu bắc qua hồ sen bằng đá xanh vững chãi… cũng đã lên vóc lên hài. Mai này, đây sẽ là nơi mà bất cứ người Việt Nam nào có dịp đi qua vùng Đông Bắc Thái Lan đều muốn được một lần đến thăm Người; đây còn là chốn hành hương thiêng liêng của những người con mang dòng máu Việt trên đất Thái Lan mỗi độ tết đến, xuân về lại hội tụ sum vầy bên Bác kính yêu… 

Theo các tài liệu từ các bạn Thái Lan, trong quá trình bôn ba ở nước ngoài để tổ chức và vận động phong trào cách mạng, Bác Hồ kính yêu đã hai lần đến hoạt động ở Thái Lan. Lần thứ nhất từ tháng 7/1928 đến tháng 11/1929, lần thứ hai là tháng 4/1930. Một số địa điểm mà Bác Hồ đã từng đến và hoạt động cách mạng bước đầu đã thống kê được ở các tỉnh, thành phố như Bang Kok, Phi Chit, Uđon Thani, Nong Khai, Sakon Nakhon, Ubon Ratchathani, Mukdahan, Am Natcharon, Nakhon Phanom... 

Bên kia bờ sông Mê Kông, một Khu lưu niệm Bác Hồ do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Nhà nước Lào đầu tư cũng đã được xây dựng ngay giữa trung tâm thành phố Kaysone Phomvihane, tỉnh Savannakhet, nhằm ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng, giải phóng dân tộc của các bộ tộc Lào. Công trình có diện tích hơn 1.000 m2, được khởi công và hoàn thành nhân dịp kỷ niệm 123 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tại đây, tháng 6/1929, Bác Hồ (lúc bấy giờ mang bí danh là Thầu Chín) đang hoạt động tại vùng Đông Bắc Thái Lan đã từ Mukdahan vượt sông Mê Kông sang thị xã Savannakhet (nay là thành phố Kaysone Phomvihane, Lào) để khảo sát tình hình chính trị, kinh tế, xã hội, sau đó Người trở lại Thái Lan. Khu lưu niệm có phiến đá quý gắn chân dung của Bác Hồ, ghi dấu thời gian Bác hoạt động cách mạng trên vùng đất Savannakhet năm 1929, đặt trong một công viên đẹp và thanh bình, hài hoà với cảnh quan và những công trình kiến trúc xung quanh. 

Khát vọng hội nhập, cùng chung sống hòa bình, phát triển thịnh vượng đã giục giã chúng ta mở đường xuyên Á. Trên hành trình đến với bạn bè, giao lưu, hợp tác, hội nhập, phát triển, chúng ta càng vững tin, càng vững vàng khi đi trên con đường Bác đã đi qua… 

Theo http://www.baoquangtri.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: