Thứ bảy, 21/12/2024

Bài 1: Thực hành dân chủ tự giác, có mục đích

Đảng ta đang tổ chức lấy ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII của Đảng. Gần đây, trên mạng xã hội xuất hiện một số ý kiến dưới “danh nghĩa nhân dân”, phản ánh “lòng dân với việc góp ý”... Thoảng qua, tưởng như đó là những ý kiến tâm huyết, nhưng bên trong lại có những nội dung xuyên tạc, phủ nhận quá trình thực hành dân chủ của Đảng, vu cáo, nói xấu Đảng ta, ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, cản trở việc thực hiện quyền dân chủ của đảng viên và nhân dân. Chúng ta cần tỉnh táo nhận diện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời những quan điểm sai trái, nhận thức lệch lạc, mưu đồ xấu đó.

Chủ trương đúng đắn, hợp lòng dân

Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc. Từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI đến nay, trước mỗi kỳ Đại hội, Đảng ta đều tổ chức lấy ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân vào các dự thảo văn kiện trình Đại hội trước khi quyết định những chủ trương, đường lối đưa đất nước phát triển đi lên. Đây là một chủ trương đúng đắn, được toàn Đảng, toàn dân đồng tình ủng hộ. Điều đó cho thấy, Đảng ta và nhân dân ta đều có chung mong muốn thống nhất ý chí và hành động, chung sức, chung lòng phấn đấu đưa đất nước ta, dân tộc ta phát triển, đi lên.

Trong quá trình lấy ý kiến đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng thường có những ý kiến khác nhau. Có ý kiến đồng thuận, đóng góp bổ sung sâu sắc hơn; có ý kiến do cách tiếp cận, cách nhìn riêng mang tính phản biện để Đại hội xem xét, tiếp thu và cũng có cả những ý kiến chưa thống nhất với các quan điểm, chủ trương, đường lối trong dự thảo nêu ra. Các ý kiến của đảng viên và nhân dân đóng góp vào dự thảo văn kiện ở các kỳ Đại hội đều được cơ quan có thẩm quyền của Đảng trân trọng tiếp thu theo đúng quy trình dân chủ và nguyên tắc tổ chức của Đảng. Có ý kiến được đưa ra thảo luận ở nhiều kỳ họp, được cân nhắc kỹ lưỡng và được đa số đại biểu thừa nhận, tiếp thu đưa vào dự thảo văn kiện trình Đại hội thảo luận quyết định. Tuy nhiên, cũng có những ý kiến khi nghiên cứu, xem xét thấy chưa có đủ cơ sở, luận cứ khoa học nên Đại hội chưa tiếp thu và tiếp tục nghiên cứu.

Tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, từ giữa tháng 9-2015, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI tổ chức lấy ý kiến của đảng viên và nhân dân đóng góp vào Dự thảo Báo cáo Chính trị và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội trình Đại hội. Gần đây, dư luận thấy xuất hiện một số ý kiến trên mạng xã hội dưới “danh nghĩa nhân dân”, phản ánh “lòng dân với việc góp ý” vào chủ trương, đường lối thông qua “các kiến nghị”, “thơ ngỏ” gửi Đảng, gửi chính quyền, do một số người đứng ra ký tên và yêu cầu Đảng “đưa ra công chúng để thảo luận minh bạch, sòng phẳng”… Thoảng qua, tưởng như đó là những ý kiến tâm huyết, với mục đích xây dựng, nhưng bên trong lại có những nội dung xuyên tạc, phủ nhận quá trình thực hành dân chủ của Đảng, vu cáo Đảng. Những ý kiến đó gây bất lợi trong việc lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo các văn kiện của Đảng, ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân, cản trở việc thực hiện quyền dân chủ của đảng viên và nhân dân. Một trong những nguyên nhân của hiện tượng trên là do người đóng góp ý kiến chưa thật sự hiểu rõ bản chất dân chủ trong Đảng và trong xã hội, mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng với quyền làm chủ của nhân dân.

thuc-hanh-dan-chu
Hội nghị Trung ương lần thứ mười hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XI. Ảnh: TTXVN.

Dân chủ trong Đảng và trong xã hội ta phản ánh quyền lực, địa vị, lợi ích của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Bản chất dân chủ trong Đảng và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta thống nhất với nhau, dân chủ mang bản chất giai cấp công nhân. Đó là dân chủ tự giác, có mục đích; quyền dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ gắn liền với nhau; dân chủ có nguyên tắc, bảo đảm quyền dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ được thực hiện trên thực tế. Việc thực hành dân chủ đòi hỏi phải giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền lợi dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ.

Do vậy, để tạo sự đồng thuận trong việc đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện, cần thống nhất nhận thức về thực hành dân chủ trong Đảng, trong xã hội ta nhằm củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng, ngăn chặn, làm thất bại những âm mưu chia rẽ, phá hoại mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân.  

Quyền dân chủ và trách nhiệm dân chủ

Dân chủ trong Đảng và trong xã hội ta phản ánh quyền lực, địa vị, lợi ích của Đảng, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động; quy định việc giải quyết mối quan hệ giữa quyền lợi và trách nhiệm của đảng viên trong thực hành dân chủ. Nói đến dân chủ trong Đảng và dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nói đến quyền làm chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của đội tiền phong là Đảng Cộng sản Việt Nam, sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Quyền làm chủ đó được thể hiện ở quyền lực chính trị và quyền lực xã hội. Quyền lực chính trị được biểu hiện thông qua vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước, thể hiện trách nhiệm thực hiện dân chủ của hệ thống chính trị; quyền lực xã hội được biểu hiện thông qua quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện việc thực hiện quyền lợi dân chủ của nhân dân. Chỉ có thực hành dân chủ tự giác, dân chủ có mục đích mới có cơ sở để tạo ra sự thống nhất cao giữa quyền lực chính trị và quyền lực xã hội, biến quyền lực chính trị thành quyền lực xã hội.

Bất cứ một quốc gia nào trên thế giới cũng đều phải có một bộ máy lãnh đạo đất nước, bao gồm các tổ chức trong hệ thống chính trị. Mọi chủ trương, đường lối do bộ máy lãnh đạo đề ra, nếu nhằm thực hiện lợi ích của đông đảo nhân dân lao động trong xã hội, thì quyền lực chính trị và quyền lực xã hội luôn thống nhất với nhau, quyền làm chủ của nhân dân được bảo đảm trên thực tế. Nếu chủ trương, đường lối do bộ máy lãnh đạo đất nước đề ra không xuất phát từ lợi ích của đại đa số nhân dân lao động trong xã hội, thì không thể có được sự thống nhất quyền lực chính trị với quyền lực xã hội; và quyền làm chủ của nhân dân không thể có trên thực tế, mọi lý thuyết về dân chủ trong xã hội đó chỉ là giả tạo.

Đảng Cộng sản Việt Nam là đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng không có lợi ích nào khác. Việc Đảng tổ chức lấy ý kiến của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo các Văn kiện trình Đại hội XII với mục đích tạo sự thống nhất giữa quyền lực chính trị và quyền lực xã hội, bảo đảm quyền làm chủ trên thực tế của mọi tầng lớp nhân dân lao động. Nhân dân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Đảng nhằm phản ánh đầy đủ hơn tâm tư, nguyện vọng với Đảng thực hiện quyền làm chủ của mình trên thực tế. Cả hai quá trình lấy ý kiến và góp ý kiến đều thông qua thực hành dân chủ tự giác, có mục đích; thực hành dân chủ trên cơ sở nhận rõ trách nhiệm nhằm hướng tới giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Thực hành dân chủ tự giác dựa trên sự giác ngộ về địa vị, sứ mệnh lịch sử, mục tiêu, lý tưởng của giai cấp công nhân, quyền làm chủ của nhân dân lao động; giác ngộ về quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi công dân đối với xã hội, với sự phát triển đi lên của dân tộc, của đất nước. Thực hành dân chủ có mục đích, mọi hành động dân chủ đều nhằm hướng tới sự thống nhất ý chí và hành động trong xã hội; hướng tới thực hiện thắng lợi mục tiêu, lý tưởng của Đảng, của đông đảo nhân dân lao động trong xã hội. Đó hoàn toàn không phải là quá trình thực hành dân chủ tự phát, tách rời quyền dân chủ với trách nhiệm thực hiện dân chủ; đòi quyền lợi dân chủ, nhưng không thực hiện trách nhiệm dân chủ. Thực hành dân chủ có mục đích đó là thực hiện quyền dân chủ và trách nhiệm dân chủ phải gắn với giải quyết một vấn đề cụ thể, một nhiệm vụ cụ thể, không có dân chủ chung chung, mục đích rõ ràng, không đi đến giải quyết, tháo gỡ những vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Thực hành dân chủ tự giác, có mục đích đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân, khi đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội của Đảng phải hiểu rõ quyền làm chủ của mình, cả quyền lợi và trách nhiệm. Quyền làm chủ đó phải được thực hiện có mục đích nhằm tìm ra con đường đúng đắn, đưa đất nước phát triển đi lên; không vì động cơ cá nhân, bị kích động, lôi kéo mà tự đánh mất quyền dân chủ và trách nhiệm dân chủ của bản thân. Việc xác định đúng quyền làm chủ và trách nhiệm làm chủ của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên và nhân dân trong việc góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện của Đảng trình Đại hội sẽ là cơ sở phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo nhân dân với Đảng, làm cho việc góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện Đại hội Đảng trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu, rộng, với trách nhiệm chính trị cao của toàn Đảng, toàn dân. Thực hành dân chủ tự giác, có mục đích còn là cơ sở để đấu tranh phê phán các quan điểm sai trái, cản trở, phá hoại quyền làm chủ của nhân dân./.

ĐỖ MẠNH HÒA

Bài 2: Thực hành dân chủ có nguyên tắc

Theo Báo Quân đội nhân dân

Thanh Huyền (st)

Bài viết khác: