1. Thông tư số 106/2015/TT-BQP của Bộ Quốc phòng ban hành ngày 18/9/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 26/2015/NĐ-CP ngày 09/3/2015 của Chính phủ về chế độ, chính sách đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội và các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

Thông tư này áp dụng đối với sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp (QNCN), cán bộ làm công tác cơ yếu thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ hưởng lương như đối với quân nhân (sau đây gọi chung là cán bộ), là cấp ủy viên từ cấp cơ sở trở lên (trong và ngoài Đảng bộ Quân đội) hoặc hiện đang giữ các chức vụ, chức danh trong các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội (ở Trung ương, các địa phương) và các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ hoặc cấp ủy viên đang giữ các chức vụ do Hội đồng nhân dân bầu, đủ điều kiện tái cử cấp ủy khóa mới nhưng không đủ tuổi tái cử các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu, có nguyện vọng không tái cử cấp ủy hoặc cấp ủy viên và ủy viên chuyên trách Ủy ban kiểm tra của Đảng đủ điều kiện tái cử khóa mới nhưng có nguyện vọng không tái cử để nghỉ hưu trước tuổi với điều kiện tuổi tái cử còn từ 6 (sáu) tháng trở xuống.

Thông tư hạn tuổi để tính hưởng trợ cấp đối với cán bộ không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm nghỉ hưu trước tuổi được quy định như sau:

- Đối với sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm:

+ Cấp úy: 46 tuổi.

+ Thiếu tá: 48 tuổi.

+ Trung tá: 51 tuổi.

+ Thượng tá: 54 tuổi.

+ Đại tá: Nam 57 tuổi, nữ 55 tuổi.

+ Cấp tướng: Nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi.

- Đối với quân nhân chuyên nghiệp phục vụ tại ngũ ứng với cấp bậc quân hàm:

+ Cấp úy: 46 tuổi.

+ Thiếu tá: 48 tuổi.

+ Trung tá, Thượng tá: 50 tuổi.

Thông tư số 106/2015/TT-BQP có hiệu lực từ ngày 04/11/2015 và chế độ, chính sách hướng dẫn tại Thông tư này được thực hiện kể từ ngày 01/01/2015.

2. Nghị định số 79/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 14/9/2015 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Nghị định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015.

Nghị định này quy định các hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

Theo Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với cá nhân là 75.000.000 đồng, đối với tổ chức là 150.000.000 đồng.

Theo đó, hành vi vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp sẽ bị xử phạt tiền theo các mức sau:

- Từ 1 – 3 triệu đồng với hành vi không cập nhật và công khai thông tin về việc cấp văn bằng, chứng chỉ trên trang thông tin điện tử hoặc tại trụ sở chính, phân hiệu, cơ sở đào tạo của cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

-Từ 3 – 5 triệu đồng với hành vi cho người khác sử dụng hoặc sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác.

- Từ 5 – 7 triệu đồng với hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Từ 7 – 10 triệu đồng với hành vi mua bán, sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

- Từ 10 – 20 triệu đồng với hành vi làm giả văn bằng, chứng chỉ mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghị định này thay thế Nghị định số 148/2013/NĐ-CP ngày 30/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực dạy nghề và Sửa đổi một số điều của Nghị định số 138/2013/NĐ-CP ngày 22/10/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

3. Nghị định số 80/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 17/9/2015Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2013/NĐ-CP ngày 05/02/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/11/2015.

Nghị định có những thay đổi như sau:

- Người có bằng cử nhân luật, đã tốt nghiệp khóa đào tạo nghề luật sư, đang làm việc tại các Trung tâm TGPL nhà nước, được cử tham dự khóa bồi dưỡng nghiệp vụ; nếu đạt yêu cầu kiểm tra khóa bồi dưỡng thì được Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL theo quy định.

Người đã từng là luật sư hoặc được miễn khóa đào tạo nghề luật sư theo Luật Luật sư, đang làm việc tại các Trung tâm TGPL nhà nước, được cử tham dự kiểm tra bồi dưỡng; nếu đạt yêu cầu kiểm tra thì được Học viện Tư pháp, Bộ Tư pháp cấp Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL theo quy định.

- Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chương trình, thời gian các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL cho các chức danh nghề nghiệp Trợ giúp viên pháp lý; ban hành Quy chế tổ chức, kiểm tra và cấp chứng chỉ các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ TGPL.

Nghị định 80/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 10/11/2015.

4. Nghị định số 74/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 09/9/2015về Phòng không nhân dân. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/11/2015.

Theo đó, tổ chức lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân được quy định như sau:

- Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân gồm:

+ Lực lượng trinh sát, quan sát phát hiện, thông báo, báo động phòng không.

+ Lực lượng ngụy trang, sơ tán, phòng tránh.

+ Lực lượng đánh địch xâm nhập, tiến công đường không.

+ Lực lượng phục vụ chiến đấu, bảo đảm phòng không nhân dân.

+ Lực lượng khắc phục hậu quả, cứu hỏa, cứu thương, cứu sập.

- Lực lượng chuyên môn phòng không nhân dân được tổ chức thành các tổ (đội) từ lực lượng của các cơ quan, tổ chức, lực lượng vũ trang địa phương và toàn dân tham gia, trong đó lực lượng Dân quân tự vệ và Bộ đội địa phương là nòng cốt thực hiện nhiệm vụ phòng không nhân dân.

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức và các đơn vị liên quan có trách nhiệm thành lập các tổ (đội) chuyên môn phòng không nhân dân theo hướng dẫn của Bộ Quốc phòng.

Nghị định 74/2015/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/11/2015 và thay thế Nghị định 65/2002/NĐ-CP.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: