Dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội ta được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phản ánh quyền dân chủ, vừa phản ánh mục đích dân chủ. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, vận dụng thực hành dân chủ trong xã hội. Chỉ có thực hành dân chủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thì quyền dân chủ và trách nhiệm dân chủ của mỗi cá nhân mới được thực hiện trên thực tế, loại trừ được dân chủ cực đoan, mất dân chủ.
Thực hiện quyền dân chủ gắn với đề cao trách nhiệm chính trị
Bản chất dân chủ trong Đảng và trong xã hội ta quy định quyền lợi dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ phải luôn gắn liền với nhau. Khi thực hành dân chủ, mọi thành viên đều được thực hiện quyền lợi dân chủ, đồng thời phải thực hiện trách nhiệm dân chủ. Điểm khác biệt căn bản giữa thực hành dân chủ trong Đảng với thực hành dân chủ trong xã hội ở trách nhiệm thực hiện dân chủ. Đảng Cộng sản Việt Nam là một tổ chức chính trị, đội tiền phong chiến đấu có tổ chức, đại biểu cho lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Việc thực hành dân chủ trong Đảng luôn kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện quyền dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ trong giải quyết các vấn đề thực tiễn cách mạng đòi hỏi. Đảng có vai trò lãnh đạo cách mạng, Đảng nhận rõ trách nhiệm của mình trước nhân dân trong thực hành dân chủ; Đảng phải lãnh đạo nhân dân thực hiện đầy đủ quyền dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ của mỗi người.
Ngay từ khi thành lập, Đảng ta đã xác định mục tiêu đấu tranh đưa nhân dân thoát khỏi áp bức, bóc lột, bất công lên địa vị làm chủ xã hội. Nhờ sự lãnh đạo của Đảng, với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, nhân dân ta thoát khỏi kiếp ngựa, trâu bước lên địa vị người làm chủ đất nước. Từ đó đến nay, Đảng với nhân dân luôn gắn bó máu thịt, Đảng tôn trọng nhân dân, lấy mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh để phấn đấu. Nhân dân ta biết ơn Đảng, tin yêu Đảng. Việc góp ý kiến của nhân dân vào dự thảo các văn kiện đại hội của Đảng được nhân dân ta trân trọng bằng trí tuệ và tâm huyết của mỗi người, nhận thức đúng trách nhiệm của mình. Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng ta được xây dựng công phu, do tập thể các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, chuyên gia, các cơ quan giúp việc của Đảng chuẩn bị theo một quy trình chặt chẽ, được đại hội từ cấp cơ sở trở lên thảo luận dân chủ, biểu quyết theo đa số để hoàn chỉnh dự thảo đưa ra lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Điều đó khẳng định trách nhiệm thực hành dân chủ, trách nhiệm chính trị của Đảng trước nhân dân, nhằm tạo sự đồng thuận giữa quyền lực chính trị với quyền lực xã hội đối với sứ mệnh của dân tộc.
Các đại biểu tiến hành bầu Ban chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVI,
nhiệm kỳ 2015-2020. Ảnh: qdnd.vn
Tuy nhiên, do sự khác biệt giữa thực hành dân chủ trong Đảng và trong xã hội ở trách nhiệm thực hành dân chủ, nên những người cơ hội, chủ nghĩa cá nhân chưa thật sự vì dân, vì nước, thường tìm kế sách đưa đất nước chậm phát triển. Họ thường tìm cách tuyên truyền, vu cáo, bôi nhọ nhằm phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, gây chia rẽ Đảng với nhân dân, phá hoại dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Những luận điệu cho rằng, Đảng “không thành tâm” trong việc tiếp thu ý kiến của nhân dân, hay “việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân chỉ là hình thức” đều phản ánh sai sự thật về quy trình thực hành dân chủ của Đảng. Thực tế lịch sử không thể phủ nhận, việc Đảng đã lãnh đạo đấu tranh giành được quyền làm chủ cho nhân dân lao động; Đảng cùng với nhân dân đấu tranh bảo vệ quyền làm chủ ấy trong suốt 70 năm qua với biết bao xương máu của các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh; không lẽ bây giờ Đảng lại tự xóa bỏ mục tiêu, lý tưởng của mình? Cần nhìn nhận cho đúng mục đích của Đảng lấy ý kiến nhân dân tham gia vào dự thảo các văn kiện trình đại hội, đề cao trách nhiệm thực hiện dân chủ, phản ánh đúng nguyện vọng chính đáng của nhân dân với Đảng, biến nguyện vọng ấy thành mục tiêu phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân trong những năm tới.
Để việc góp ý vào dự thảo các văn kiện của Đảng có chất lượng, hiệu quả, đòi hỏi mọi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của mình, đồng thời đề cao trách nhiệm chính trị trong việc nghiên cứu dự thảo các văn kiện, đề xuất, góp ý kiến khách quan, trung thực, phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo nhân dân với Đảng. Các cơ quan chức năng giúp việc cho Đảng đề cao trách nhiệm, tiếp thu đầy đủ ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân, tổng hợp nghiên cứu, phân tích những ý kiến có đủ căn cứ khoa học và những ý kiến chưa có cơ sở khoa học, tham mưu đề xuất đưa ra đại hội thảo luận, quyết định. Các đại biểu dự đại hội các cấp cần đề cao trách nhiệm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ của bản thân, đồng thời thực hiện đầy đủ quyền dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ của đảng viên đã tín nhiệm cho mình để xem xét, thảo luận tiếp thu ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình đại hội. Cần nhận thức đúng, các ý kiến của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia vào dự thảo các văn kiện do đại hội thảo luận, quyết định biểu quyết theo đa số. Cá nhân có ý kiến tham gia vào dự thảo các văn kiện không được đại hội biểu quyết thừa nhận, phải tôn trọng quyết định của đại hội. Mọi hành vi tuyên truyền, xuyên tạc, vu cáo Đảng đều là sai lầm, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, cần phải được đấu tranh ngăn chặn.
Nguyên tắc tập trung dân chủ là điều kiện bảo đảm quyền dân chủ
Dân chủ trong Đảng và dân chủ trong xã hội ta được thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ, vừa phản ánh quyền dân chủ, vừa phản ánh mục đích dân chủ. Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng, vận dụng thực hành dân chủ trong xã hội. Chỉ có thực hành dân chủ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, thì quyền dân chủ và trách nhiệm dân chủ của mỗi cá nhân mới được thực hiện trên thực tế, loại trừ được dân chủ cực đoan, mất dân chủ. Nguyên tắc tập trung dân chủ đòi hỏi thực hành dân chủ trong việc góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội, Đảng phải bảo đảm cho mỗi cá nhân được thực hiện đầy đủ mọi quyền lợi dân chủ và trách nhiệm thực hiện dân chủ. Đồng thời, nguyên tắc cũng bắt buộc việc thực hành dân chủ phải đi đến thống nhất ý chí và hành động trong việc đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn. Nguyên tắc tập trung dân chủ không hạn chế cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện quyền dân chủ mà là phương tiện bảo đảm để quyền dân chủ và trách nhiệm dân chủ đạt được mục đích. Nếu như thực hành dân chủ không theo nguyên tắc tập trung dân chủ thì ý kiến được đa số tán thành và ý kiến được thiểu số tán thành đều không phân minh rõ ràng và cả hai loại ý kiến đó đều được coi như nhau và không được thực hiện trên thực tế.
Việc cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến vào dự thảo các văn kiện đại hội Đảng thường có nhiều loại ý kiến khác nhau, nhưng phải hướng tới mục tiêu chung là định ra một đường lối đưa đất nước phát triển; không thể cùng lúc đất nước ta thực hiện nhiều đường lối khác nhau. Do vậy, nguyên tắc tập trung dân chủ chính là vũ khí đấu tranh, là điều kiện bảo đảm quyền dân chủ được đa số thừa nhận phải được thực hiện trên thực tế. Để phá hoại dân chủ trong Đảng và trong xã hội ta, các thế lực thù địch thường tìm mọi cách xuyên tạc nguyên tắc tập trung dân chủ, mục đích thực hành dân chủ của cán bộ, đảng viên và nhân dân, thực chất là xóa bỏ quyền dân chủ của mỗi cá nhân trên thực tế. Không thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ thì việc thực hành dân chủ sẽ trở thành lộn xộn, sẽ nảy sinh hiện tượng lẫn lộn đúng sai, đa số cũng như thiểu số, dân chủ đúng đắn cũng như dân chủ giả hiệu, và như vậy, dân chủ trong xã hội sẽ không có trên thực tế.
Đảng Cộng sản Việt Nam có vai trò lãnh đạo Nhà nước và xã hội, như đã được Hiến pháp quy định. Việc Đảng tổ chức lấy ý kiến cán bộ, đảng viên và nhân dân góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng là hoàn toàn đúng đắn, với mục đích trong sáng, nhằm phát huy quyền dân chủ, đề cao trách nhiệm thực hiện dân chủ của mọi tổ chức và cá nhân trong xã hội, tạo sự đồng thuận, thống nhất ý chí và hành động của Đảng với nhân dân, biến quyền lực chính trị của Đảng thành quyền lực xã hội của nhân dân. Mọi hành động, việc làm của bất cứ tổ chức, cá nhân nào cản trở, xuyên tạc, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phá hoại mục đích thực hành dân chủ của nhân dân đều là những hành vi vi phạm Hiến pháp và pháp luật Nhà nước, cần phải lên án, đấu tranh, ngăn chặn, nhằm bảo đảm thực hiện tốt dân chủ trong Đảng và trong xã hội./.
ĐỖ MẠNH HÒA
Theo Báo Quân đội nhân dân
Thanh Huyền (st)