Tôi gặp Tiến sỹ - nhà nghiên cứu lịch sử Nguyễn Văn Khoan vào một buổi sáng sớm, khi ông vừa đi lấy một vài cuốn sách ở đâu đó về. Mời khách vào trong, việc đầu tiên ông làm là… xin lỗi về sự lộn xộn của căn phòng. Ông nói: “Trông thế này thôi, nhưng tôi luôn nhớ chính xác những thứ cần tìm”. Nói đoạn, ông dẫn tôi tới kho tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh mà ông trân trọng, lưu giữ cẩn thận suốt mấy chục năm qua.
Ở tuổi 87, TS Nguyễn Văn Khoan vẫn không ngừng tìm tòi,
nghiên cứu tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh
Một lần làm phiên dịch cho Bác
Nhiều người biết Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan đều nói rằng, ông giống như một “nhà Hồ Chí Minh học”. Không chỉ là tác giả, người biên soạn trên 50 đầu sách về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó có 3 bộ tác phẩm lớn là “Hồ Chí Minh toàn tập”, “Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử”, “Tiểu sử Hồ Chí Minh”, ông còn sở hữu hàng trăm tư liệu quý về Bác. Từ năm 1949-1989, ông phục vụ trong quân đội, tham gia chiến đấu, công tác ở nhiều cơ quan đơn vị, trong đó có Cục Đối ngoại, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Chính trong thời gian này, ông có cơ hội gặp gỡ và phiên dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như nhiều vị tướng của quân đội như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Văn Tiến Dũng...
Kỷ niệm đáng nhớ nhất là vào khoảng năm 1962 khi Đại tướng quân đội Liên Xô Ivan Batop sang thăm Việt Nam, ông có vinh dự ngồi cạnh dịch cho Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bữa tiệc chiêu đãi phái đoàn nước bạn. “Mở tiệc, Bác cầm một cái đĩa, một cái thìa, hô “Bắt đầu chiến đấu”. Thế là mọi người đều cười vui vẻ. Bác nói chuyện trực tiếp với các chính khách bằng tiếng Nga. Chỉ khi nào gặp từ vựng mà mình chưa rõ lắm, Bác mới hỏi lại. Tôi còn nhớ rõ hình ảnh Bác lúc ấy, Bác mặc áo bà ba, đi đôi dép cao su thường ngày…”, ông xúc động. Được gặp Bác, có lẽ không ít người cảm thấy hồi hộp, thậm chí “tim đập chân run”. Với Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan, thì được gặp Bác, tiếp xúc nhiều lần với Bác, ông lại càng cảm thấy cảm phục, vì dù là một lãnh tụ, trên cương vị Chủ tịch nước, mà với ai Bác cũng giữ phong thái gần gũi, bình dị.
Cảm phục và kính trọng Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau khi rời quân đội, ông Nguyễn Văn Khoan về công tác tại Viện Mác - Lê nin - Hồ Chí Minh. Tại đây, ông có cơ hội nghiên cứu, tìm tòi thêm nhiều tư liệu về Người. Có một điều đáng nể ở Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan là không chỉ giỏi tiếng Nga, ông còn thông thạo tiếng Pháp. Ông cho rằng, mình may mắn được nhiều người bạn nước ngoài thi thoảng gửi tặng những cuốn sách quý mà trong nước không có. Chẳng hạn như cuốn “Vấn đề thuộc địa trên Báo Nhân đạo (1904-2004)” của tác giả Alain Ruscio (Pháp) mà ông đang nghiên cứu, có tới 90 bài viết của Bác chưa được công bố ở Việt Nam. Chỉ tiếc rằng, tư liệu này hiện chưa được ai khảo cứu.
Đi theo dấu chân Bác
Để có được những trang viết chân thực, sinh động về Chủ tịch Hồ Chí Minh, TS Nguyễn Văn Khoan không chỉ thu thập tư liệu về Bác mà còn tự mình đi khắp nơi, gặp gỡ những nhân chứng đã từng có cơ hội được gặp Bác để lắng nghe những câu chuyện của họ kể về Bác lúc sinh thời. Ông đi từ Cao Bằng, Thái Nguyên… cho đến Bến Tre, Cà Mau, những nơi còn in dấu chân Người. Đã có thời gian, suốt 1 tháng, ông “nằm vùng” tại Bảo tàng Thái Nguyên, ghi chép tất cả các tư liệu tìm thấy về Bác. Không chỉ tìm trên văn bản, như một ký giả cần mẫn, ông còn trực tiếp tìm đến các nhân chứng để gom góp, thu thập những mẩu chuyện dù nhỏ nhất. Chẳng có máy ghi âm, máy ảnh, với quyển sổ trên tay, ông tỉ mỉ ghi lại từng chi tiết. Ông nói, những nhân chứng ấy hầu hết đều như ông, đã bước sang tuổi thất thập. Nhớ về Bác, ai cũng xúc động quá, lúc nhầm lẫn, nhớ nhớ quên quên âu cũng là chuyện thường tình. Nhưng mỗi lần gặp họ, nghe họ giãi bày, tâm sự, ông như lại được sống trong những kỷ niệm của chính mình.
Trường hợp bà Đặng Quỳnh Anh làm ông nhớ mãi. Sinh ở Nghệ An, bà theo gia đình sang sống ở Thái Lan. Năm 1929, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang Thái Lan, có đến ở nhờ nhà bà và được gia đình bà hết lòng giúp đỡ. Sau giai đoạn ấy, bà về định cư ở Hà Nội. Ông kể: “Có một lần tôi đến thăm bà, lúc ấy bà đã ngoài 90 tuổi và yếu lắm rồi. Bà một tay cầm bát cháo, tay cầm chiếc thìa nhưng không cho vào miệng được vì tay bà run lắm. Nhìn cảnh ấy, tôi vừa thương, vừa giận, tôi hỏi con gái bà: “Sao chị không đút cho bà?”. Chị chỉ bảo, bà không đồng ý. Vì sinh thời, Bác Hồ đã từng nói với bà: “Việc gì mình tự làm được thì làm, đừng nhờ người khác”. Từ ấy, kể cả những lúc đau ốm, việc gì bà cũng tự mình làm”. Câu chuyện ấy khiến ông Nguyễn Văn Khoan nhận ra rằng, lời nói của Bác, dù đơn giản nhưng có sức lay động, ảnh hưởng lớn lao đến thế nào.
Ở tuổi 87, Tiến sỹ Nguyễn Văn Khoan vẫn say mê nghiên cứu và dịch thêm những tư liệu về Bác. Ông từ tốn: “Tiền có được từ viết báo, viết sách, tôi lại mua sách. Cứ có sách gì mới về Bác là tôi phải đi mua ngay. Để xem họ viết gì, có gì mới, có gì hay để tôi ghi lại. Tôi từng này tuổi, không đi lại nhiều được nữa. Nhưng còn sức lực, tôi sẽ còn đọc, còn dịch, còn nghiên cứu về Người"./.
Theo An ninh Thủ đô
Huyền Trang (st)