Quân đội là đội quân công tác, đội quân chiến đấu nên bên cạnh kỹ năng chiến đấu, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần quyết chiến thắng mọi kẻ thù, phẩm chất đạo đức của quân nhân bao giờ cũng là yếu tố then chốt. Nhiệm vụ hết sức quan trọng đặt ra hiện nay là công tác giáo dục đạo đức cho cán bộ quân đội theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Nâng cao nhận thức về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh
Đây là giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội. Giáo dục là hoạt động có mục đích, có tổ chức, chủ động, tự giác của con người, do đó tất yếu phải dựa trên cơ sở nhận thức đúng đắn và khoa học. Nhận thức của đội ngũ cán bộ quân đội về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh có vai trò định hướng, điều chỉnh hành vi của người cán bộ phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ được giao, đồng thời giúp họ từng bước hoàn thiện nhân cách. Nhận thức không đầy đủ sẽ dẫn đến việc học tập và làm theo một cách giản đơn, hình thức. Để thực hiện có chất lượng, hiệu quả giải pháp này, cần tập trung triển khai một số biện pháp sau:
Một là, tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho đội ngũ cán bộ quân đội hiểu rõ hơn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng và yêu cầu, nội dung của các phẩm chất đạo đức người cán bộ quân đội theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Hai là, xây dựng, thực hiện tốt chương trình hành động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay.
Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ quân đội về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh luôn gắn với nâng cao hiệu quả hoạt động thực tiễn của từng cán bộ đối với việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ. Nhận thức luôn đi đôi với hành động cụ thể, thiết thực, nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh càng sâu sắc, hành động càng phải tự giác và đạt hiệu quả cao. Có như vậy, đội ngũ cán bộ quân đội mới thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh. Vì vậy, xây dựng, thực hiện tốt chương trình hành động học tập tư tưởng và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là yêu cầu cấp thiết đặt ra hiện nay đối với mỗi cán bộ quân đội.
Xây dựng môi trường lành mạnh làm cơ sở xây dựng đạo đức Hồ Chí Minh
Xây dựng môi trường văn hóa đạo đức quân sự lành mạnh là điều kiện thuận lợi để giáo dục, rèn luyện theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh trong quân đội. Sự tác động vào nhận thức, tình cảm, ý chí của cán bộ quân đội không chỉ từ phía chủ thể giáo dục mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường văn hóa đạo đức quân sự. Vì vậy, xây dựng môi trường văn hóa đạo đức quân sự lành mạnh là cơ sở giúp cho lãnh đạo, chỉ huy trong công tác tổ chức giáo dục, rèn luyện đạo đức của cán bộ quân đội đạt được những mục đích, yêu cầu đề ra.
Trong xây dựng môi trường văn hóa đạo đức quân sự lành mạnh, cần tập trung tạo được bầu không khí dân chủ, kỷ luật, nếp sống chính quy; khắc phục triệt để những hiện tượng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức. Đó là những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc xây dựng, củng cố, phát triển nhân cách quân nhân, đến nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục đạo đức cho cán bộ quân đội. Để môi trường văn hóa đạo đức quân sự trở thành cái nôi nuôi dưỡng và phát triển những phẩm chất đạo đức của cán bộ quân đội, cần xây dựng các tập thể quân nhân, các tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy và tổ chức quần chúng vững mạnh; đồng thời, tích cực tuyên truyền và thực hiện tốt các quy định, chuẩn mực về đạo đức; giải quyết tốt các mối quan hệ trong nội bộ đơn vị và giữa đơn vị với nhân dân, với các tổ chức đoàn thể, chính quyền địa phương nơi đóng quân.
Đặc biệt, các cấp lãnh đạo, chỉ huy ở đơn vị cơ sở cần quan tâm tổ chức tốt những hoạt động văn hóa tinh thần cho bộ đội, nhất là vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ. Kinh nghiệm ở những đơn vị nhiều năm qua có môi trường văn hóa đạo đức quân sự lành mạnh cho thấy, nếu để cán bộ, chiến sĩ tiêu phí thời gian rỗi một cách vô ích thì đó cũng là những “mầm mống” dẫn đến vi phạm kỷ luật về đạo đức, lối sống. Vì vậy, cần định hướng cho cán bộ, chiến sĩ sử dụng hợp lý thời gian rỗi vào các hoạt động hữu ích, tạo môi trường văn hóa đạo đức quân sự phát triển lành mạnh, vững chắc.
Đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức
Giải pháp quan trọng này nhằm giải quyết những yêu cầu về tính khoa học, thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội ở đơn vị cơ sở hiện nay. Theo kết quả điều tra xã hội học đối với cán bộ quân đội, có 90% tổng số ý kiến được hỏi cho rằng, đây là một trong các giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng công tác giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh.
Nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội hiện nay rất phong phú, đa dạng. Tuy nhiên tiến hành đổi mới giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội phải trên cơ sở nắm vững và vận dụng sáng tạo những nguyên lý, nội dung, phương pháp giáo dục đạo đức của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để giữ gìn và phát triển những giá trị đạo đức mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng, nhiệm vụ quân đội và đơn vị trong tình hình mới.
Chất lượng giáo dục đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ quân đội theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước hết phải xây dựng được nội dung, kết cấu chương trình khoa học, lô-gíc, có tính định hướng chính trị rõ ràng, sắc bén. Tăng cường giáo dục lý luận, nâng cao kiến thức cơ bản về những nguyên lý, chuẩn mực đạo đức, những luận giải dựa trên cơ sở khoa học, có tính thuyết phục cao. Hàm lượng khoa học trong mỗi nội dung, mỗi vấn đề giáo dục cơ bản phải chứa đựng những tinh hoa, giá trị đạo đức truyền thống phong phú của dân tộc, của Đảng và Bác Hồ về những chuẩn mực đạo đức “Bộ đội Cụ Hồ”.
Cùng với đổi mới nội dung, cần tiếp tục đẩy mạnh đổi mới hình thức, phương pháp bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ quân đội theo hướng: vận dụng linh hoạt, sáng tạo nhiều hình thức, phương pháp sinh động, đặc biệt, phải chú ý vận dụng có hiệu quả những phương pháp mà sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh thường sử dụng để giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên.
Phát huy tốt vai trò của các tổ chức, các lực lượng
Giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ quân đội là một mặt hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị, các tổ chức quần chúng và đội ngũ cán bộ, đảng viên có vai trò quan trọng đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả những hoạt động đó của đơn vị. Kết quả giáo dục đạo đức của đội ngũ cán bộ quân đội phụ thuộc một phần rất lớn đối với việc phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tổ chức, các lực lượng. Trên thực tế, khi nào cán bộ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, các cơ quan, ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội ở trong đơn vị quân đội nêu cao vai trò, trách nhiệm quan tâm chăm lo tới hoạt động giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ thì hiệu quả hoạt động này không ngừng được củng cố, tăng cường. Theo đó, các vụ việc vi phạm phẩm chất đạo đức, lối sống trong đội ngũ cán bộ quân đội giảm và ngược lại.
Đối với cấp ủy, tổ chức đảng ở các đơn vị quân đội: Cấp ủy và tổ chức đảng là hạt nhân chính trị ở đơn vị, có trách nhiệm lãnh đạo mọi mặt. Việc phát huy vai trò lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần bảo đảm cho hoạt động giáo dục đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội được tiến hành đúng hướng và đạt mục đích, yêu cầu đặt ra.
Đối với người chỉ huy các cấp: Người chỉ huy các cấp có vai trò rất quan trọng, trực tiếp góp phần quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động giáo đạo đức cho đội ngũ cán bộ quân đội.
Đối với chính ủy, chính trị viên, cán bộ chính trị và cơ quan chính trị: Chính ủy, chính trị viên và cơ quan chính trị làm tốt vai trò là người đảm nhiệm và chịu trách nhiệm về tổ chức hoạt động giáo dục, rèn luyện đạo đức cho đội ngũ cán bộ của đơn vị.
Đối với tổ chức quần chúng (công đoàn, đoàn thanh niên, hội phụ nữ): Xây dựng công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, hội phụ nữ ở các đơn vị quân đội vững mạnh toàn diện, phát huy vai trò của các tổ chức này trong việc cung cấp thông tin, nắm bắt và định hướng dư luận quần chúng đối với việc giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ.
Đối với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương: Phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương nơi đóng quân cũng như nơi cư trú của cán bộ quân đội là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng.
Nâng cao tính tích cực, chủ động, tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức
Quá trình giáo dục đạo đức phụ thuộc nhiều vào quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện. Các hoạt động giáo dục lý luận, giáo dục tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, giáo dục truyền thống, tự phê bình và phê bình, các hình thức giáo dục thông qua hoạt động thực tiễn, giáo dục bằng thuyết phục, nêu gương,... có thể coi là một cách thức, một biện pháp, một con đường vạch ra mục tiêu phương hướng, tạo ra môi trường thuận lợi để thúc đẩy quá trình rèn luyện đạo đức, phát triển năng lực. Nhưng toàn bộ các hoạt động đó cuối cùng đều thông qua chính đối tượng giáo dục, thông qua khả năng tiếp nhận chuyển hóa các tác động bên ngoài thành quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của họ.
Tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức là thuộc tính vốn có trong bản chất con người. Với tư cách là chủ thể của quá trình nhận thức và cải tạo thế giới, với khả năng ý thức và tự ý thức, con người hoàn toàn có khả năng cải tạo được chính bản thân mình. Để ý thức được những điểm yếu của mình và tự điều chỉnh đúng đắn phải trên cơ sở được giáo dục và có sự tác động thuận lợi của môi trường, hoàn cảnh. Trong đó, giáo dục lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, giáo dục tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh chính là sự khởi đầu và đặt nền móng cho tự giáo dục. Hoạt động giáo dục càng chặt chẽ, càng toàn diện, con người càng lĩnh hội được nhiều kiến thức kinh nghiệm, có điều kiện phát triển trưởng thành về mặt xã hội thì nhu cầu về tự giáo dục càng lớn. Tự giáo dục, tự rèn luyện là giai đoạn phát triển cao của quá trình giáo dục đạo đức, thể hiện trình độ phát triển cao của con người.
Người cán bộ có ý thức, trách nhiệm, tự giác rèn luyện luôn coi việc tự rèn luyện, hoàn thiện mình là trách nhiệm, là vinh dự. Tư tưởng đạo đức Nho giáo cho rằng “từ thiên tử đến thứ dân đều phải coi việc tu thân là việc hàng đầu”. Chỉ có trên cơ sở tu thân mới có thể “tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh kế thừa truyền thống đạo đức phương Đông cũng nói nhiều về tu thân nhưng nội dung tu thân theo quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh rộng lớn và cách mạng, tu thân cho mục tiêu lý tưởng giải phóng dân tộc và hạnh phúc của mọi người, cho sự giải phóng hoàn toàn và triệt để con người. Bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một tấm gương sáng về tu thân, về tấm gương đạo đức mẫu mực, cao thượng. Để thực sự tự rèn luyện đạo đức và phát triển năng lực có kết quả, trước hết đòi hỏi người cán bộ phải có năng lực tự ý thức cao. Điều kiện quan trọng để rèn luyện khả năng làm chủ bản thân là phải luôn nghiêm khắc với chính mình; đồng thời, biết kiểm tra, đánh giá những nỗ lực về trí tuệ, đạo đức, năng lực hướng nó vào đạt tới mục đích tự giáo dục của mình.
Cùng với việc nhận thức được bản thân mình, quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện của người cán bộ chỉ có thể thực hiện được trong quá trình lao động, học tập, công tác. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác - Lê-nin nhấn mạnh rằng chỉ bằng lao động, con người mới có thể đạt được sự hoàn thiện. Vì vậy, việc tự giáo dục chỉ có ý nghĩa khi nó gắn liền với hoạt động của con người trong thực hiện các nhiệm vụ của họ. Người ta không thể hoàn thiện mình chỉ ở trong đầu, chỉ trong ý tưởng. Sự hoàn thiện nhân cách, phát triển của giá trị đạo đức đòi hỏi phải được thực hiện thông qua hoạt động thực tiễn, được kiểm tra đánh giá qua kết quả thực tiễn. Sự nhu nhược, cách tu dưỡng xa rời thực tiễn sẽ dẫn con người tới sự buông xuôi về đạo đức, thoái hóa trong lối sống./.
ThS. Nguyễn Thọ Yên
Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội
Theo Tạp chí Cộng sản
Thanh Huyền (st)