Hệ thống Trợ năng

Thứ sáu, 14/02/2025

CT HCM tu Pac Bo den Ba Dinh Phan1 a1
Bác Hồ về Pác Bó, Cao Bằng (28/01/1941)

Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một cuộc đời trong sáng cao đẹp của một người cộng sản vĩ đại, một Anh hùng dân tộc kiệt xuất, một chiến sĩ quốc tế lỗi lạc, đã đấu tranh không mệt mỏi và hiến dâng cả đời mình vì Tổ quốc, vì nhân dân, vì lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, vì độc lập, tự do của các dân tộc, vì hòa bình và công lý trên thế giới. Với tình cảm yêu nước thương dân vô hạn, năm 1911, Người đã rời Tổ quốc đi sang phương Tây để tìm con đường giải phóng dân tộc. Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu, bốn bể đi qua gần 30 quốc gia, qua hàng trăm thành phố lớn, nhỏ, gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa. Ðiều quan trọng nhất là Người đã đến được với chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam - con đường cách mạng vô sản. Với hành trang đó Người trở về Tổ quốc thân yêu cùng với Trung ương Đảng chèo lái con thuyền cách mạng Việt Nam.

Để giúp bạn đọc hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong giai đoạn Người hoạt động ở Pác Bó – Cao Bằng đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công, xin giới thiệu với bạn đọc những chặng đường hoạt động của Bác ở nơi đầu nguồn Pác Bó và các trích đoạn hồi ký của các đồng chí được sống và hoạt động bên cạnh Người giai đoạn này. Qua đó, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về một thời kỳ hoạt động sôi nổi cùng với nhiều gian nan, thử thách của Hồ Chí Minh và những đóng góp to lớn của Người trong thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.

Quá trình chuẩn bị về nước và bắt đầu trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam

Tháng 9 - 1938, Ban Chấp hành Quốc tế cộng sản đã thông báo với Nguyễn Ái Quốc về quyết định đồng ý để đồng chí được về nước công tác. Từ Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đi xe lửa xuống phía Nam qua biên giới Xô – Trung vào Tân Cương đi Lan Châu, Tây An và đi Diên An hai tuần rồi trở lại Tây An để đi Quế Lâm (Quảng Tây) tìm cách về gần vùng biên giới Việt Nam. Sau đó, Người đi Hoành Dương (Hồ Nam) tham gia lớp huấn luyện du kích rồi trở lại Quế Lâm, đi Long Châu để bắt liên lạc với các đồng chí trong nước nhưng không gặp. Cuối năm 1939, Người tìm đường đi Côn Minh và đến đầu năm 1940, Người bắt liên lạc được với Ban Hải ngoại của Đảng ta.

Tại Côn Minh (Trung Quốc), Nguyễn Ái Quốc đã gặp đồng chí Phùng Chí Kiên, người mà Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương uỷ nhiệm sang đón Người. Tháng 4 năm 1940, Người đề nghị đồng chí Phùng Chí Kiên cùng đi thăm một số cơ sở dọc đường xe lửa Côn Minh-Hồ Khẩu. Cái khó nhất lúc bấy giờ là không có giấy tờ. Người bảo làm giấy chứng nhận của Việt Nam hưởng ứng Trung Quốc kháng địch hậu viện Hội cử hai đồng chí đi kiểm tra công tác của Hội. Cơ sở của ta lúc bấy giờ ở trên các ga chính như: Nghi Lương, Khai Viễn, Xì Xuyên, Hồ Khẩu. Nguyễn Ái Quốc đóng vai một công nhân Việt Nam đi kiếm việc làm, dừng lại ở Xì Xuyên. Ga này có hàng nghìn công nhân làm ở đề pô (nhà để đầu máy ở các ga lớn). Đồng chí Hoàng Quang Bình mở một hiệu cắt tóc ở gần ga. Người và đồng chí Kiên đến ở nhà đồng chí Bình. Người thường ít nói và hay làm, hòa mình rất nhanh với mọi người trong mọi hoàn cảnh. Sáng dậy, Người tập thể dục, tập leo núi rồi xuống suối tắm, xong Người tìm chổi quét nhà, rồi bế cháu giúp đồng chí Bình như một người nhà, rất tự nhiên, bình dị. Hàng xóm hỏi, Người trả lời là ở trong nước sang đây tìm việc làm và biết làm nhiều nghề, từ khuân vác cho đến nghề thầy cúng. Thời kỳ này, Nhật ném bom xuống đường xe lửa Côn Minh - Hồ Khẩu. Người dân ở ga Xì Xuyên chết rất nhiều. Nhân dân tổ chức làm chay và họ mời Người và đồng chí Kiên đến cúng giúp họ.

Ngày làm việc, tối Người tranh thủ mở lớp. Lớp độ vài ba hay dăm bảy người, học trong ba, bốn tối. Đi đến đâu, Người mở lớp đến đó, những hạt giống cách mạng được Người gieo trồng, vun xới, chăm sóc ngày càng phát triển, càng lớn mạnh, càng trở thành hạt nhân của Đảng.

Sau một thời gian đi thăm các cơ sở, xem xét tình hình quần chúng và đảng viên, về Côn Minh, Người triệu tập họp Bộ Hải ngoại để nghe báo cáo tình hình quần chúng và đảng viên dọc đường xe lửa. Người nhận định: Việt Kiều trên đường xe lửa bản chất là tốt, nhưng ảnh hưởng cách mạng chưa sâu. Đảng viên còn ít, nhiều chỗ chưa gây được phong trào. Cuộc vận động đình công chỉ phản đối Pháp không chở vũ khí cho Trung Quốc, chưa lên án đế quốc Pháp bóc lột, đàn áp nhân dân Việt Nam.Người đề nghị phải rải truyền đơn lên án Pháp bóc lột, đàn áp nhân dân Việt Nam và vạch mặt đế quốc Pháp cấu kết với phát xít Nhật.

Tuy đi lại nhiều ở Côn Minh, nhất là hàng ngày phải trải qua trụ sở của Quốc dân Đảng Trung Quốc để vào cơ quan bí mật làm việc, nhưng nhờ cách giữ gìn bí mật cẩn thận: Khi thì đóng giả là một ông cần vụ già đi phục dịch cho một viên quan, khi thì ăn mặc như một nông dân ở Côn Minh nên bọn địch không tài nào phát hiện ra Người.

Tháng 6 năm 1940, sự kiện Pháp đầu hàng Đức, lại càng thôi thúc Người sớm trở về Tổ quốc. Ở Vân Nam, bọn Tưởng làm náo động. Nửa đêm chúng cho xe ô tô chạy khắp đường phố, loan báo tin buồn: Pari đã vào tay quân Đức. Chúng ra lệnh các nhà thờ, chùa chiền kéo chuông inh ỏi.

Giữa lúc tình hình nhộn nhạo như vậy, tại Ban Hải ngoại ở Côn Minh, Nguyễn Ái Quốc triệu tập cuộc họp quan trọng để nhận định tình hình thế giới, cách mạng trong nước và bàn việc chuẩn bị về nước. Sau cuộc họp, Người lên đường đi gặp đại diện Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Trùng Khánh. Một thời gian sau Người cùng một số cán bộ chuyển về Quảng Tây vì hướng đi về nước bằng đường Côn Minh - Lào Cai lúc này bị thực dân Pháp kiểm soát rất gắt gao. Tại Liễu Châu (Quảng Tây), Người triệu tập cuộc gặp mặt cán bộ để bàn về việc làm thế nào hợp pháp hoá với Tưởng và tìm cách về nước càng sớm càng tốt, Người nhận định:

- Cần lợi dụng tổ chức Việt Nam Độc lập Đồng minh hội do Hồ Học Lãm từng làm sĩ quan trong Bộ Tham mưu của Tưởng Giới Thạch sáng lập ở Nam Kinh, để hoạt động hợp pháp và mời Hồ Học Lãm đứng ra chủ trì Hội nhằm hoạt động được nhiều thuận lợi.

- Báo cáo với Tướng Trương Phát Khuê - Tư lệnh Đệ tứ chiến khu và Tướng Lý Tế Thâm - Chủ nhiệm Hành dinh khu Tây Nam của Tưởng là sau khi hoạt động ở Trung Quốc được một thời gian Hội sẽ phải về nước hoạt động và sẽ cử một số cán bộ tham gia Việt Nam Độc lập Đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ, lúc đó do Hồ Học Lãm làm Chủ nhiệm và Lâm Bá Kiệt (tức Phạm Văn Đồng) làm Phó Chủ nhiệm.

Qua giới thiệu của Hồ Học Lãm, Nguyễn Ái Quốc cử một đoàn cán bộ đi gặp Tướng Lý Tế Thâm đưa một bản lý lịch tóm tắt của Việt Minh (tên gọi tắt của Việt Nam Độc lập Đồng minh hội) viết bằng chữ Hán và giới thiệu rằng ở Trung Quốc, Việt Minh đã có Hải ngoại biện sự xứ. Tướng Lý Tế Thâm đón tiếp đoàn khá thân mật, sau khi xem bản tóm tắt lý lịch của Hội, Tướng Lý hứa sẽ giúp đỡ cách mạng Việt Nam trong phạm vi có thể và yêu cầu ta giúp kế hoạch Hoa quân nhập Việt. Như vậy, danh nghĩa Việt Minh được thừa nhận một cách mặc nhiên và Việt Minh Hải ngoại biện sự xứ cũng tự nhiên trở thành tổ chức hợp pháp ở Trung Quốc.

Sau khi được Tướng Lý Tế Thâm giới thiệu với Trương Phát Khuê, tháng 11 năm 1940 các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp và một số đồng chí khác theo chỉ thị của Nguyễn Ái Quốc về Tĩnh Tây tổ chức ngay Việt Nam Độc lập Đồng minh hội Hải ngoại biện sự xứ để liên lạc với quốc tế, duy trì quan hệ với Quốc dân Đảng Trung Hoa.

Cũng trong thời gian này, tại làng Nậm Quang (Tĩnh Tây - Trung Quốc) nằm sát biên giới nước ta, cùng với các đồng chí Phùng Chí Kiên, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp huấn luyện chính trị, trực tiếp biên soạn giáo án và giảng dạy. Bốn mươi ba học viên ở phân tán trong các nhà dân thuộc hai bản Nậm Quang và Ngàn Tẩy. Chương trình học gồm 3 vấn đề lớn: Tình hình thế giới và trong nước; Tổ chức các đoàn thể cứu quốc; cách điều tra, tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện và đấu tranh cách mạng. Về chương trình huấn luyện, Người phân ra từng mục như: Tuyên truyền, tổ chức, vận động quần chúng… rồi chia cho mỗi người một đề mục. Mỗi người làm xong đề cương của mình, tập hợp lại đưa lên. Người xem rất kỹ, chú trọng từng nội dung chính trị của toàn bài giảng cho đến từng chữ, từng lời. Sau khi góp ý, phê bình, mọi người mang về sửa rồi lại mang lên để Người thông qua. Người thường khuyên phải chú trọng đến công tác thực tế, có vậy công tác cách mạng mới thu được kết quả. Người thường hay đặt những câu hỏi cụ thể, ví dụ: Huấn luyện xong rồi về địa phương làm gì? Làm như thế nào? Nếu quần chúng chưa nghe ra thì giải quyết cách sao? v.v.. Nếu đồng chí nào chưa hiểu rõ thì Người giảng lại đến khi nào đồng chí ấy hiểu và trình bày lại rõ ràng, trôi chảy thì mới thôi. Ngày 26/1/1941, khoá học kết thúc, từ học viên cho đến giảng viên đều vui mừng phấn khởi. Mọi người thấy mình trưởng thành, thấy rõ được con đường của mình đi và những việc cụ thể của mình phải làm. Sau đó, mọi người chia tay nhau toả đi khắp nơi làm nhiệm vụ theo phân công của tổ chức, đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp ở lại Tĩnh Tây, các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba… theo Nguyễn Ái Quốc từ Nậm Quang về nước.

Việc chuẩn bị về nước của Người được tiến hành một cách khẩn trương, mau lẹ, nhưng thận trọng và chu đáo. Khoảng đầu năm 1941, Người cùng một số cán bộ chuyển về làng Tân Khư, cách Tĩnh Tây 50km để gần biên giới Việt - Trung và tiện đường về nước hơn. Tại đây, Người đã gặp đồng chí Hoàng Văn Thụ thay mặt Trung ương Đảng báo cáo tình hình. Đồng chí Hoàng Văn Thụ hoạt động nhiều ở vùng Cao Bằng, đề nghị với Người nên về hướng Cao Bằng. Đây là nơi có khu dân du kích ở Sóc Giang, Lục Khu và dọc biên giới Việt – Trung. Trình độ giác ngộ của nhân dân dọc biên giới tương đối cao, cán bộ lãnh đạo ở đây cứng. Vì thế, theo đề nghị của đồng chí Hoàng Văn Thụ, Người quyết định khi về nước sẽ lấy Cao Bằng làm nơi xây dựng căn cứ địa cách mạng của Trung ương đầu não Đảng Cộng sản Việt Nam.

CT HCM tu Pac Bo den Ba Dinh Phan1 a2
Cột mốc 108 - nơi Bác hồ về nước

Ngày 28/1/1941 (tức mùng 2 Tết Tân Tỵ), Nguyễn Ái Quốc đã chính thức trở về nước qua cột mốc 108 thuộc địa phận tỉnh Cao Bằng, trực tiếp lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam. Cùng về nước với Người còn các đồng chí Phùng Chí Kiên, Lê Quảng Ba… và đặt cơ sở cách mạng tại khu vực Pắc Bó (Hà Quảng-Cao Bằng). Lần đầu tiên sau nhiều năm xa cách, khi đặt chân trở lại mảnh đất quê hương, tuy xúc động mạnh nhưng Người tự kiềm chế tình cảm để giữ được vẻ bề ngoài bình tĩnh. Người nhìn, ngắm vạn vật với một vẻ say sưa. Những khi ấy, đôi mắt Người long lanh, rực sáng. Pắc Bó là một làng nhỏ có mấy chục gia đình dân tộc Nùng sống bằng nghề làm ruộng, phát nương. Nguyễn Ái Quốc về ở tạm tại gia đình cụ Dương Vân Đình, rồi chuyển về ở nhà ông Máy Lỳ, người dân tộc Nùng, một cơ sở cách mạng của ta ở gần hang Cốc Bó, vì đoàn đông người nên Người nói với ông Máy Lỳ lên ở trên núi cho tiện.

Hồi ký “Bác Hồ đến bản tôi” – Đồng chí Đương Đại Lâm kể

“… Những ngày tháng Giêng năm Tân Tỵ. Tôi và gia đình quây quần quanh bếp lửa nhà sàn ăn một cái Tết không lấy gì làm vui vì phải xa vắng những người anh em tốt không biết giờ này đang lặn lội nơi nào. Chợt có tiếng chân ai xéo là quanh nhà, rồi tiếng lạch xạch lên thang. Và một giọng nói vọng vào nghe đến là đột ngột:

- Đại Lâm đâu rồi, ra đón khách nhá!

Tôi bật dậy. Hai bóng đàn ông in trên nền vách, lay động trong ánh đèn dầu. Nhận ra hai đồng chí Lê Quảng Ba và Hoàng Sâm, cả nhà mừng rỡ reo lên.

Mọi người hàn huyên hồi lâu quanh bếp lửa, nghe các đồng chí kể những tin tức mới mẻ về tình hình thế giới và trong nước. Ăn cơm xong, đồng chí Lê Quảng Ba gọi tôi ra góc nhà, rỉ tai:

- Đại Lâm này! Làm thế nào mượn giúp mình mấy bộ quần áo, một chiếc chiếu với lại dăm ba cái bát, đôi đũa và xanh chảo để mang lên hang.

Vì không phải chủ gia đình nên tôi không thể tự tiện lấy xanh chảo, chiếu, bát của bố mẹ cho mượn được, tôi đành nói thật với bố tôi.

Ông liền bảo:

- Không thể thế được. Tết nhất thế này ai lại bảo nhau lên hang mà ở, trời lạnh buốt sương mà ngủ hang đá thì chịu sao nổi.

Các đồng chí cứ khăng khăng, một mực xin phép lên hang. Bố tôi dịu giọng gặng hỏi:

- Hay là các đồng chí có điều gi không bằng lòng thì cứ bảo tôi.

Cuối cùng vì sợ chúng tôi hiểu lầm, đồng chí Lê Quảng Ba nói thật là có mấy đồng chí lạ cùng về, phải giữ bí mật, xuống bản chưa tiện.

Lúc này bố tôi đồng ý lấy các thứ cho mượn, nhưng rồi cứ lẩm bẩm mãi:

- Rét mướt thế này mà phải lên hang ở cho khổ. Thật là “hảo bảo nhân đa hữu nạn”, người tốt như vậy mà sao gặp lắm chuyện gian nan.

Sáng hôm sau, bố tôi dậy sớm đánh thức cả nhà dậy và bảo sắp một giỏ đầy những rượu thịt, bánh chưng, chè lam… để mang quà lên biếu các đồng chí trên hang. Đạp gai, lội suối, len lỏi theo con đường lởm chởm toàn đá dưới chân núi hai bố con đến một bãi cỏ nhỏ. Xung quanh bãi là núi đá um tùm, những cây nghiến lớn chưa có dấu dìu khai phá. Thấp thoáng sau những cây gai mọc sau kẽ đá, mấy đồng chí ta đang làm việc lưng tựa vào những tảng đá mốc xám. Mọi người đã nhìn thấy chúng tôi từ xa. Trong số những đồng chí lạ tôi thấy có hai ông cụ già râu đen.

Bố tôi cất tiếng chào, mọi người đáp lại, rồi ông cụ có dáng bộ nhanh nhẹn, mắt long lanh sáng có ánh nhìn đầm ấm, tin cậy, bước ra tươi cười mời chúng tôi ngồi. “Ông Cụ” mặc một bộ quần áo chàm tay rộng, đầu để trần không khác một cụ già địa phương. Bố con tôi mới gặp “Ông Cụ” lần đầu mà như thấy đã quen biết tự bao giờ. Câu chuyện giữa “Ông Cụ” và bố tôi lúc đầu còn chuệch choạc vì người thì không biết tiếng địa phương, người thì không biết tiếng phổ thông, phải nhờ phiên dịch. Sau hai người cùng dùng tiếng Quảng Đông nói chuyện với nhau một cách lưu loát, thỉnh thoảng lại bút đàm bằng chữ Hán. Câu chuyện vì thế càng ngày càng đậm đà. “Ông Cụ” hỏi bố tôi Tết nhất có vui không, mọi người mạnh khỏe cả chứ, công việc làm ăn ra sao. Bố tôi thành thật nói hết tình cảnh dân làng bị tổng lý, kỳ hào làm khổ nhục và tỏ ra vô cùng căm tức bọn này.

“Ông Cụ” từ tốn nói:

- Phải, cái cảnh nước mất nhà tan vì bọn đế quốc, phong kiến thì khổ sở thế đấy. Nhưng trước hết phải đồng lòng, hiệp sức đánh đuổi bằng được bọn đế quốc ra khỏi bờ cõi mới mong yên ổn làm ăn được.

Bố tôi vẫn chưa hiểu hết ý, lại thưa:

- Dạ, bọn đế quốc thì tôi chẳng biết đâu, nhưng sờ sờ trước mặt chúng tôi hàng ngày là bọn tổng lý, kỳ hào thì ác sao mà ác. Tôi vẫn cho bọn này là đáng ghét nhất đấy.

“Ông Cụ” lại giải thích thêm và bỗng chỉ tay vào một cái cây gần đấy rồi nói:

- À, tôi nói như thế này có lẽ cụ dễ hiểu hơn. Dân ta ví như cái cây này, bọn tổng lý, kỳ hào như cái đinh mà bọn đế quốc như cái búa. Búa đập vào đinh thì đinh mới cắm được vào cây. Muốn cho đinh không cắm vào cây nữa thì việc cốt yếu là phải giật cho được cái búa, đánh gãy nó đi, vất bỏ nó đi. Bọn đế quốc mà bị đánh quỵ rồi thì những tổng lý, kỳ hào chẳng qua cũng chỉ là người làng trên xóm dưới với ta cả lo gì không uốn nắn được họ.

Mọi người cùng cười vang, thán phục cách nói cụ thể mà chí lý. Hôm ấy chúng tôi ăn cơm ngay bên bờ suối. Ngoài các món quà cáp bố con tôi mang lên, còn có canh rau cải và một ít thịt xào mặn với mắm. “Ông Cụ” bảo ăn tự nhiên, đừng làm khách. Trong bữa ăn mấy lần bố tôi nài nỉ:

- Mời Cụ và các đồng chí ra xuống bản ăn Tết với chúng tôi cho vui. Lạ thì lạ cũng cứ xuống, đã có dân làng lo gì.

“Ông Cụ” đỡ lời ngay:

- Vẫn muốn thế nhưng chưa xuống làng được đâu, tai mắt bọn đế quốc nhiều lắm. Vả lại cụ đã lên đây thăm và mang cho bánh trái quà cáp như thế này là nhiều rồi, khỏi phải xuống làng làm gì nữa.

Rồi câu chuyện nhanh chóng được lái sang một hướng khác.

- Tôi già vẫn đi cách mạng. Cụ già rồi cũng làm cách mạng được đấy!

Bố tôi giẫy nẩy:

- Ôi làm cách mạng như đồng chí thì tôi chả làm nổi đâu. Trông nom việc nhà với xử kiện cho lũ cháu không xong.

- Cách mạng nhiều việc lắm, tùy tài, tùy sức ai làm việc gì thì được việc đó. Các cụ già giữ bí mật cho cách mạng, giúp đỡ và bảo vệ cán bộ qua lại công tác ở bản mình; trông nom, giúp đỡ gia đình để cho con cháu rảnh rang, yên tâm đi hoạt động cách mạng, ủng hộ cách mạng. Mà những việc ấy thì cụ cũng đã làm cả rồi!

Ông bố tôi sung sướng quá gật gù:

- À tưởng thế nào, chứ làm cách mạng thế thì tôi làm được.

Ăn cơm xong các đồng chí cơ quan xếp xanh, nồi bát đĩa lại rồi đùn xuống hốc đá dưới lòng suối.

Bố tôi xin phép ra về, trên đường đi lẩm bẩm nói với tôi mà cứ như là nói với riêng mình:

- Chà, cổ xưa đã có những người chịu cơ khổ riêng phần mình để cứu nhân, độ thế. Đại Lâm có nhớ chuyện một ông nào đó đang sống sung sướng nhưng thấy dân tình đói khổ đã ngày ngày vào rừng sâu đốn củi, gánh ra chợ bán lấy tiền để giúp đỡ người nghèo khổ, gánh đến nỗi vai sưng vù lên mưng mủ đầy dòi, nhưng ông ta vẫn kiên nhẫn chịu nhận phần đau đớn riêng mình để đỡ phần khổ cực cho người khác. Sao ông già tốt thế không biết, tuổi tác vậy mà lo toan việc dân, việc nước, mưu cầu hạnh phúc, ấm no cho bàn dân thiên hạ.

Riêng đối với tôi trên đường về hôm ấy, chân bước đi mà lòng cứ vấn vương ở lại, nơi này từ đó về sau trở lên có sức hút mạnh mẽ và thiêng liêng…”

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: