Thứ bảy, 21/12/2024

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về “yêu nước” với một cách tiếp cận hết sức tiến bộ, giản dị và dễ hiểu: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Như vậy, Người đã khẳng định: Thi đua chính là thể hiện lòng yêu nước đối với Tổ quốc, là một tiêu chí để đánh giá lòng yêu nước của mỗi cá nhân. Thi đua là một phẩm chất tốt đẹp của những người yêu nước. Tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đã và sẽ mãi được Đảng, nhân dân ta kế thừa, phát huy và đó cũng chính là nền tảng tư tưởng cho các phong trào thi đua yêu nước của chúng ta ngày nay.

Ngày 01/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195-SL thành lập Ban Vận động thi đua ái quốc Trung ương và các cấp. Đây chính là tổ chức bộ máy thực hiện công tác thi đua ái quốc từ Trung ương đến địa phương. Sau đó, ngày 11/6/1948, Người đã lần đầu tiên ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định rõ mục đích của việc phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc: Diệt giặc đói; diệt giặc dốt; diệt giặc ngoại xâm với cách làm là dựa vào lực lượng và tinh thần của dân để đạt kết quả: Dân tộc độc lập - dân quyền tự do - dân sinh hạnh phúc. Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển mạnh mẽ và trở thành một phong trào lan tỏa rộng khắp, thổi bùng lên ngọn lửa nhiệt tình đến khắp mọi miền đất nước, các thành phần, tầng lớp trong xã hội đều hăng hái thi đua trên các lĩnh vực, góp phần làm nên thắng lợi vẻ vang của cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đưa đất nước bước sang kỷ nguyên mới, cả nước cùng đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Từ khi có Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 11/6/1948 đến nay, Đảng và Nhà nước ta tiến hành 8 kỳ Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc, trong nhiều kỳ Đại hội ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tham dự và tận tình quan tâm, động viên, khuyến khích, khen thưởng kịp thời. Cụ thể là:

1.       Đại hội lần thứ I (năm 1952)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất họp từ ngày 1 đến ngày 6/5/1952 tại Chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

Đại hội có trên 150 chiến sĩ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Đại hội tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho 23 chiến sĩ xuất sắc. Trong đó có các anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu được tôn vinh như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sĩ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sĩ Ngô Gia Khảm, Hoàng Hanh, Giáp Văn Khương, Quang Vinh...

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-1

Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu dự Đại hội Chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ I, năm 1952. Ảnh internet

 cac-ky-dai-hoi-thi-dua-2

Chủ tịch Hồ Chí Minh với đại biểu tham dự Đại hội chiến sĩ thi đua toàn quốc
 lần thứ nhất, 5/1952. Ảnh internet

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-3

Chủ tịch Hồ Chí Minh thân mật hỏi chuyện em Nguyễn Thị Thanh - Chiến sĩ thi đua ngành sản xuất giấy, đại biểu ít tuổi nhất dự Đại hội Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ I, năm 1952. Ảnh internet

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-4
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất
 tại Thái Nguyên, tháng 5/1952. Ảnh internet

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-5
Các đại biểu tham dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất tại Thái Nguyên, năm 1952. Ảnh internet

Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

2. Đại hội lần thứ II (năm 1958)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II diễn ra từ ngày 7 đến 8/7/1958 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-6
Trong hai ngày 7 và 8 /7/1958, tại Hà Nội diễn ra Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua Công-Nông-Binh toàn quốc lần thứ II. Trong ảnh: Hồ Chủ tịch nói chuyện thân mật và chia kẹo cho Anh hùng lao động Nguyễn Phúc Đồng (Ngành quân giới) và nữ Anh hùng Nguyễn Thị Năm (Nhà máy Dệt Nam Định) trong buổi gặp mặt các đại biểu dự Đại hội. Ảnh internet

Đại hội có trên 450 đại biểu tham dự, trong đó có 236 chiến sĩ thi đua lao động chân tay và trí óc, 127 chiến sĩ thi đua nông nghiệp, 71 chiến sĩ thi đua của quân đội nhân dân và 22 đại biểu cán bộ thuộc đủ các lứa tuổi, các giới, các dân tộc, đồng bào miền Nam và Hoa kiều. Đại diện cho phong trào thi đua tập thể, có đại biểu của 75 đơn vị xuất sắc của các xí nghiệp, công trường, tổ đổi công, hợp tác xã và bộ đội; 18 tập đoàn sản xuất xuất sắc của đồng bào miền Nam; đại diện cho các anh hùng, chiến sĩ thi đua năm 1952; có 10 đại biểu công nhân các xí nghiệp thuộc khu vực tư doanh.

Đại hội tuyên dương 26 Anh hùng lao động (trong đó có 16 đảng viên Đảng lao động Việt Nam, 5 phụ nữ, 6 đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, 2 đồng bào các dân tộc ít người, 1 Hoa kiều) và đề nghị Nhà nước tặng 618 Huân chương Lao động các hạng, 38 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

  Đại hội lần này đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa...

3. Đại hội lần thứ III (năm 1962)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến 6/5/1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, đề nghị Nhà nước tặng thưởng 594 Huân chương Lao động, 27 Huân chương Chiến công các hạng. Một số cá nhân tiêu biểu như Giáo sư, bác sỹ Tôn Thất Tùng với thành tích khoa học về mổ gan, mổ tim; bác sĩ Lương Định Của tạo ra nhiều giống cây nông nghiệp có năng suất cao; Vũ Xuân Thủy, chăm chỉ học hỏi chuyên gia Liên Xô và áp dụng kỹ thuật tiên tiến điều khiển máy xúc; Châu Văn Huy, từ người thợ trở thành cán bộ kỹ thuật giỏi, nghiên cứu và áp dụng thành công việc bơm hơi khô vào dây cáp điện thoại, một công việc đáng lẽ kỹ sư giỏi mới làm được; Huỳnh Văn Tiến ở mỏ than Thống Nhất có sáng kiến cải tiến tổ chức lao động và bố trí quy trình khai thác hợp lý, đưa năng suất của lò mỗi ngày từ 50 tấn lên 135 tấn; Lý Văn Du, tài xế xe lửa đã sáng tạo ra phương pháp lái xe kéo vượt tải trên đường dốc; Phạm Ngọc Chức, trong hơn 7 năm làm công nhân khai thác gỗ đã có 125 sáng kiến lớn nhỏ...

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-8
Thủ tướng Phạm Văn Đồng với 5 đơn vị (Đại Phong, Ba Nhất, Duyên Hải, Bắc Lý, Thành Công) đạt danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào thi đua tại Đại hội thi đua lần thứ III (1962). Ảnh internet

Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

4. Đại hội lần thứ IV (năm 1967)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV họp từ ngày 6 đến 7/1/1967 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-9
Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua chống Mỹ,
cứu nước (Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua lần thứ IV) diễn ra tại Hà Nội
 tháng 1/1967. Ảnh internet

Đại hội có trên 500 đại biểu tham dự; tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong 111 cá nhân Anh hùng, có 31 Anh hùng quân đội, 7 Anh hùng là dân quân, tự vệ, 7 Anh hùng là công an nhân dân, 29 Anh hùng là công nhân, 21 Anh hùng là nông dân, 4 Anh hùng là trí thức, 40 Anh hùng là thanh niên, 17 Anh hùng là phụ nữ, có 3 Anh hùng là phụ lão và 14 Anh hùng thuộc các dân tộc ít người. Trong số 45 đơn vị Anh hùng, có 22 đơn vị quân đội và dân quân, tự vệ: 5 đơn vị công an vũ trang; 8 đơn vị giao thông vận tải và bưu điện; 4 đơn vị công nghiệp và lâm nghiệp; một nông trường; 3 hợp tác xã, một bệnh viện; đặc biệt chúng ta có địa phương “Quyết thắng” anh hùng.

  Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

5. Đại hội lần thứ V (năm 1986)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V diễn ra từ ngày 16 đến ngày 17/1/1986 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 chiến sĩ thi đua toàn quốc thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các địa phương, miền xuôi và miền ngược.

Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986-1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.

6. Đại hội lần thứ VI (năm 2000)

Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 21 đến 24/11/2000 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Tham dự Đại hội có trên 900 đại biểu là Anh hùng, Chiến sĩ thi đua toàn quốc và nhân tố mới, điển hình tiên tiến. Trong đó, có 407 tập thể và cá nhân anh hùng, 298 chiến sĩ thi đua toàn quốc, 195 điển hình tiên tiến. Ngoài ra, còn có 362 đại biểu là khách mời, gồm có cán bộ lão thành cách mạng, Mẹ Việt Nam anh hùng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, bộ, ban, ngành đoàn thể Trung ương. Các đại biểu được hình thành: 61 đoàn địa phương, 07 đoàn khối Trung ương, 01 đoàn Bộ Quốc phòng, 01 đoàn Bộ Công thương, 01 đoàn kiều bào và 01 đoàn là người nước ngoài.

Đây là Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, của phong trào thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước; động viên, cổ vũ tinh thần thi đua, ý chí vươn lên nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.

7. Đại hội lần thứ VII (năm 2005)

Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/10/2005, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Tham dự Đại hội có trên 1270 đại biểu (1160 đại biểu chính thức, 110 đại biểu khách mời) được lựa chọn từ các hội nghị điển hình tiên tiến và đại hội thi đua của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước. Trong đó, có 87 Anh hùng và đại diện 241 tập thể Anh hùng; 122 Chiến sĩ thi đua toàn quốc, 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 53 đại biểu dân tộc thiểu số, mười tài năng trẻ, năm thiếu niên tuy tuổi nhỏ đã lập được thành tích xuất sắc, năm người Việt Nam ở nước ngoài và năm người nước ngoài đã có công góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Cao tuổi nhất là Giáo sư Trần Văn Giàu (93 tuổi), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đây là Đại hội có ý nghĩa quan trọng, đánh giá lại phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2001-2005; kiểm điểm việc triển khai thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động đợt thi đua đặc biệt trong năm 2005 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001-2005); thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong hai năm 2004-2005.

8. Đại hội lần thứ VIII (năm 2010)

Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/12/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1500 đại biểu, trong đó có 334 đại biểu là cá nhân, đại diện tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc được phong tặng trong 5 năm qua; 995 điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực.

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-10
Ảnh internet

 Đây là Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006-2010), lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Cùng với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra năm 2010, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này tiếp nối truyền thống của 7 lần đại hội trước đó; tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng”, thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.

cac-ky-dai-hoi-thi-dua-11
Ảnh internet

Trong buổi họp báo diễn ra sáng ngày 30/11/2015, tại Hà Nội, đại diện Ban Tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX cho biết, với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội năm nay có nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011-2015; biểu dương, tôn vinh các anh hùng, chiến sĩ thi đua, các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc.

Bên cạnh đó, thông qua Đại hội, phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực đời sống xã hội, gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua, khen thưởng.

Ban Tổ chức đã thành lập 125 đoàn đại biểu về dự Đại hội. Trong số 2.000 đại biểu tham dự Đại hội, có 1.800 đại biểu chính thức. Cụ thể gồm: 138 đại biểu là Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng các bộ, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể T.Ư, các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư; 167 đại biểu là đại diện tập thể và cá nhân được phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”, “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân” (thành tích thời kỳ đổi mới, được phong tặng sau Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần VIII); 101 đại biểu là “Chiến sĩ thi đua toàn quốc”; 1.394 đại biểu là đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, ngoại giao…

Đoàn Chủ tịch Đại hội gồm 35 đồng chí, trong đó có lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, đoàn thể T.Ư, TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; đại diện tập thể, cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; đại diện nhà khoa học, Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ, Nghệ nhân (Nhân dân, Ưu tú); đại diện trí thức, dân tộc, tôn giáo, công nhân, nông dân, người Việt Nam ở nước ngoài.

Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ diễn ra trong hai ngày 06 - 07/12/2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội./.

Huyền Trang (tổng hợp)

Bài viết khác: