Thứ bảy, 21/12/2024

 

Pac Bo - BA Dinh  phan 7 anh 1
Sơ đồ tuyến đường Hồ Chí Minh bị chính quyền Tưởng Giới Thạch giải đi sau khi bị bắt,
 từ tháng 8/1942- 9/1943 ( nguồn: Lưu trữ Trung Quốc)

Những ngày tháng Bác bị bắt giam bên Trung Quốc

Cuối tháng 8 năm 1942, Bác có việc phải đi sang gặp Chính phủ Trung Quốc. Bác giao cho đồng chí Vũ Anh chuẩn bị hành trang giúp Bác. Gọi là chuẩn bị nhưng công việc cũng chẳng có gì nhiều: Chỉ là chuẩn bị một bộ quần áo tây và một bộ quần áo chàm người Nùng; một con dấu của Việt Nam độc lập Đồng Minh Hội và một của Quốc tế chống xâm lược Việt Nam phân hội (Phân hội Việt Nam Hội Quốc tế chống xâm lược). Bác tự viết hai tờ giấy giới thiệu của hai đoàn thể trên cử Cụ Hồ Chí Minh đi gặp Chính phủ Trung Quốc. Mục đích chính của Bác là qua gặp Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cái tên Cụ Hồ Chí Minh ra công khai từ đó. Và cũng từ đó cái tên của Người ngày càng làm rạng rỡ Đảng ta, nhân dân ta, đất nước ta. Lúc bấy giờ Bác có một danh thiếp đề tên Hồ Chí Minh.

Ngày 19/8/1942, Bác từ Lam Sơn ra đi, một đồng chí giao thông đi trước, đồng chí Lê Quảng Ba đi giữa. Bác giả là một ông già người Nùng mù, chống gậy đi sau cùng.

Sang đến Ba Mông thuộc huyện Tĩnh Tây (Trung Quốc) hai người ở tại nhà Từ Vĩ Tam một nông dân nghèo. Bác sang vào đúng dịp Tết Trung nguyên (14 tháng 7 âm lịch) là Tết lớn của địa phương nên gia đình Từ Vĩ Tam tha thiết giữ Người ở lại. Tại đây Dương Dào, một nông dân Bác quen biết từ trước đã hăng hái nhận trách nhiệm đưa Hồ Chí Minh đến Bình Mã (huyện Điền Nông, Quảng Tây, Trung Quốc).

Hai người lên đường đi Bình Mã (Lê Quảng Ba ở lại nhà Từ Vĩ Tam). Bác cùng Dương Đào đến tới phố Túc Vinh, cách huyện lỵ Đức Bảo 20km về phía Đông (thuộc huyện Thiên Bảo, Quảng Tây) thì bị quân cảnh ở trụ sở của Quốc dân đảng bắt giữ. Về nguyên nhân bắt giữ, theo báo cáo của tướng Trương Phát Khuê – Tư lệnh Đệ tứ chiến khu của Quốc dân Đảng lúc đó là: Khi kiểm tra căn cước, tuần cảnh phát hiện ra rằng ngoài chứng minh thư của “Quốc tế chống xâm lược Việt Nam phân hội” ra, Hồ Chí Minh còn mang theo thẻ Hội viên đặc biệt của “Quốc tế tân văn xã”, Giấy thông hành quân dụng của Văn phòng Tư lệnh Đệ tứ chiến khu cấp… Tất cả giấy tờ đều cấp năm 1940, đã quá thời hạn sử dụng, chúng nghi là gián điệp nên bắt giữ (theo sách “Hồ Chí Minh – Biên niên tiểu sử, tập 2, 1930-1945. Nxb Chính trị Quốc gia).

Ngày 28/8/1942, từ Túc Vinh, Bác cùng Dương Đào bị áp giải đến huyện Thiên Bảo. Ngày 29/8/1942, Bác lại bị giải từ Thiên Bảo đến huyện lỵ Tĩnh Tây.

Pac Bo - BA Dinh  phan 7 anh 2
Trang bìa tác phẩm “Ngục trung nhật ký”

Kể từ đó, Hồ Chí Minh bị giam giữ, đày ải, chúng giải Người qua 18 nhà tù của 13 huyện của tỉnh Quảng Tây (các nhà tù như: Thiên Bảo, Điền Đông, Quảng Đức, Quế Lâm…). “Hai tay Người bị trói, cổ mang dây xiềng, trước và sau có một tiểu đội cảnh sát, súng lắp đạn sẵn, lưỡi lê sáng lòe. Đến mỗi nhà tù mỗi huyện, nghỉ lại ít hôm rồi lại bị giải đi. Nhà tù thì chật hẹp bẩn thỉu, người bị giam thì đông, không đủ chỗ ngủ cho mọi người”. Chính trong thời gian bị giam giữ, Người đã sáng tác ra hơn 100 bài thơ viết bằng chữ Hán, đó là tập thơ “Ngục trung nhật ký” (Nhật ký trong tù) hiện nay được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Ngày 13 tháng 9 năm 1943, Người được thả tự do ở Liễu Châu và ngay lập tức Người đã bắt liên lạc được với Hội giải phóng Việt Nam, một bộ phận của Việt Minh tại Vân Nam (Trung Quốc) và nhiều tổ chức chống Nhật – Pháp tại đây. Sau đó tập thơ chữ Hán của Hồ Chí Minh được tập hợp lại trong một cuốn sách đó là tác phẩm: “Nhật ký trong tù” gồm những bài thơ của Người viết trong cảnh lao tù từ mùa Thu năm 1942 đến mùa Thu năm 1943 (theo sách “Nhật ký trong tù”, Nxb Chính trị Quốc gia). Tác phẩm “Nhật ký trong tù” là minh chứng gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây không những là tác phẩm văn học lớn mà còn là một văn kiện lịch sử quan trọng, thể hiện tư tưởng tình cảm của người anh hùng giải phóng dân tộc vĩ đại, danh nhân văn hóa thế giới và có tác dụng giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ của người Việt Nam.

Bác Hồ với kiều bào - Đồng chí Lê Tùng Sơn kể

“… Lúc bấy giờ vào tháng 8-1943, tôi thay mặt Hội Giải phóng từ Côn Minh tới Liễu Châu dự Hội nghị toàn quốc của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội”(1). Đường trường hơn một nghìn cây số đi dọc xương sống của cao nguyên Vân Quý, băng qua các triền núi hiểm trở, bốn mùa mây phủ. Trước sau hơn một tuần lễ, tôi mới tới được Liễu Châu – thị xã xây dựng trên ngọn núi Ngư Phong nhìn xuống dòng Liễu Giang trong xanh. Tức cảnh tôi đã đánh bạo viết về thị xã này như sau:

Đây là lúc Thu sang cảnh Liễu Châu

Đàn ca vang nhộn suốt canh thâu

Phố phường lộng lẫy người chen chúc

Qua lại trên sông nhộn nhịp cầu

Đầu tiên tôi đưa thư của Hội Giải phóng giới thiệu tôi với Trương Phát Khuê, Tư lệnh trưởng Chiến khu IV (Đệ tứ Chiến khu), viên Chủ nhiệm chính trị là Hầu Chí Minh viết thư giới thiệu tôi với Ban Thường vụ của Cách mạng đồng minh hội. Người đầu tiên tôi gặp ở Hội là Nguyễn Hải Thần – một nhân vật tôi đã nghe tiếng từ lâu. Sau câu chuyện xã giao thường lệ, ông ta tiếp chuyện tôi, giọng pha nhiều tiếng Quảng Đông, do ông ta sống ở Trung Quốc từ năm 1905 nên đã quên mất nhiều tiếng Việt. Rồi như sực nhớ ra điều gì, ông ta hỏi tôi:

- À này ông Lê (Thần gọi tôi là ông Lê) ở đây có ông Hồ Chí Minh. Nếu như ông cần gặp, tôi có thể đưa ông vào gặp.

Nghe nói vậy tôi phải cố gắng lắm mới nén nổi, không để nỗi vui mừng lộ rõ trên nét mặt. Thật kỳ lạ, sao đời làm cách mạng của tôi lại có thể biết tới nhiều điều may mắn, kỳ lạ đến thế! Tuy vậy tôi vẫn giả đò hỏi lại:

- Ông Hồ Chí Minh là ai vậy? Tôi chưa biết bao giờ.

- Ông Hồ Chí Minh, chưa rõ lai lịch ra sao mà bị bắt ở Tĩnh Tây, rồi bị giải về hành doanh Quế Lâm là ông Lý Tế Thâm bảo ông Hồ là người Việt Nam thì cứ đưa về Liễu Châu ở đó có “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội”. Còn hiện nay Trương trưởng quan (tức Trương Phát Khuê) đã cho ưu đãi ông ta ở tại Bộ Tư lệnh của Chiến khu IV.

Tôi hỏi lại:

- Nếu vậy tôi vào có tiện không?

- Vào được chứ - Nguyễn Hải Thần nói oang oang - ở đấy Chủ nhật nào mà chẳng có anh em “phục quốc” tới thăm ông ta. Đông người lắm. Tuy chưa rõ thái độ chính trị của ông ta thế nào, nhưng trông người có vẻ quắc thước, đi đứng, ăn nói đường hoàng. Tôi thấy ông ta không phải người bình thường.

Và ngay chiều hôm đó, Nguyễn Hải Thần dẫn tôi vào thăm Bác. Đến nơi Thần gọi Bác:

- Cụ Hồ, có ông Lê ở Vân Nam mới sang đến nơi, tôi đưa ông ấy vào thăm Cụ đây.

Tôi để ý nhìn vào trong nhà thấy Bác đang chăm chú ngồi viết bên bàn. Nghe có người gọi Bác quay lại rồi đứng dậy, bước đến gần bắt tay Nguyễn Hải Thần và tôi, kế đó Bác hỏi:

- Ông ở Vân Nam mới sang? (Bác gọi tôi là ông) – rồi Bác hỏi thăm – đời sống của kiều bào ta ở bên đó hiện giờ ra sao?

Tôi vội trả lời, song vẫn hết sức chú ý mọi cử chỉ của Bác. Tôi nghe Bác nói giọng vang vang, trầm hùng khiến tôi bất giác nghĩ đến giọng của Lê Lợi như đã được ghi chép trong Đại Việt sử ký. Trong Bác đúng là điển hình của sự cấu tạo ngoại hình của những vĩ nhân Việt Nam: Vầng trán Bác cao, vóc người tầm thước, chòm râu thưa và dài – lúc đó râu Bác chưa bạc, đôi mắt Bác to, sáng long lanh. Mặc dù vừa mới trải qua hơn một năm trời trong cảnh sống lao tù khốc liệt của Tưởng Giới Thạch, người Bác trông còn yếu nhưng phong thái tỏ ra ung dung, tự tại lạ thường.

Thời gian này Bác sống trong một ngôi nhà tám mái dựng trên ngọn đồi, sát bên bờ dòng Liễu Giang từ Quế Lâm đổ về, chạy qua vùng núi đá vôi, nước trong xanh in màu da trời ngăn ngắt. Bên trong nhà sáng sủa, thoáng đãng, chung quanh nhà chạy dài rập rờn nhấp nhô những rặng liễu, đồi thông bốn mùa xanh tốt.

Đây vốn là toà nhà văn hóa Trung Sơn, người ta đã ngăn làm đôi. Một bên là thư viện, nửa bên kia là nhà ăn của sĩ quan thuộc Bộ Tư lệnh Chiến khu IV. Bác ở luôn đấy và cùng ăn với sỹ quan.

Chỗ Bác ở có kê một chiếc giường con, có màn, chăn và đệm. Cạnh giường là một cái bàn con. Trên bàn có để nhiều sách báo chữ Trung Quốc, một lọ cắm mấy chiếc bút lông và một nghiên mực.

Ngoài một số ít những đồ dùng đơn sơ ấy, tôi còn thấy một ít mảnh vải vụn, mấy mũi kim, vài cuốn chỉ Bác vẫn dùng để khâu vá bộ quân phục đã bạc màu của mình. Tất cả những thứ đó Bác xếp đặt rất ngăn nắp, gọn gàng. Điều đó nói rõ nếp sống có tổ chức và đức tính cẩn thận của Bác.

Qua mỗi cử chỉ hay lời nói, Bác tỏ ra hết sức thoải mái song vẫn giữ được sự mực thước vừa phải mà luôn tỏ ra chủ động trong mọi tình huống. Nên chỉ mới sau một lúc mà sự giáo dục của Bác đối với tôi đã rất sâu sắc, khiến tôi mãi ghi nhớ suốt đời. Tôi còn nhớ buổi đó, trong câu chuyện giữa tôi với Nguyễn Hải Thần, tôi tỏ ra không khoan nhượng đối với bọn phản cách mạng lúc đó. Chờ cho Nguyễn Hải Thần đã bước ra ngoài, Bác mới bảo tôi:

- Ở đây không giống như bên Vân Nam, ông cần nói ít, nghe nhiều. Đừng “thanh niên” quá làm người ta sợ.

Qua mấy lời dặn dò ngắn gọn, súc tích của Bác tôi bỗng sực nhớ ra hoàn cảnh cụ thể của Liễu Châu lúc đó: Một số phần tử người Việt làm tay sai cho Quốc dân đảng Trung Quốc đương mưu mô chống Cộng, chống Việt Minh. Do đó, tôi quyết tâm tiếp nhận lời dặn của Bác làm phương châm chỉ đạo hành động của mình trong suốt thời gian ở cái thị xã sóng gió này.

Kể từ hôm ấy, cứ đến Chủ nhật tôi lại tới chỗ Bác ở để thăm Bác. Cũng có lúc Bác ra trụ sở “Việt Nam Cách mạng đồng minh hội” gặp tôi. Nhân đó, tôi tranh thủ báo cáo rõ với Bác về tình hình phong trào Việt Kiều ở Vân Nam, về mối liên hệ của phong trào Việt Kiều với đồng bào trong nước cũng như mối quan hệ với các nước đồng minh.

Với mối quan tâm đặc biệt Bác chăm chú nghe tôi báo cáo xong, rồi Bác căn dặn tôi những việc cần làm sau khi trở về Vân Nam. Về đường liên lạc với trong nước, Bác nói: Nên tới Cột Mà, Cao Bằng tìm gặp đồng chí Dương Đại Lâm và Hoàng Quốc Văn, tự khắc sẽ có người ra đón. Thế là kể từ hôm ấy trở đi, tôi may mắn được sự chỉ đạo trực tiếp về mọi mặt của Bác.

Đời sống hàng ngày của Bác lúc này tuy cùng ăn với đám sĩ quan của Trương Phát Khuê, nhưng cơm nấu gạo xay, vừa ăn vừa phải nhặt thóc, thức ăn chỉ có rau không, sau một tuần mới có một lần được ăn chất béo.

Thấy Bác yếu, ăn uống khăm khổ, tôi viết thư cho anh em bên Vân Nam biết rõ tình hình. Anh em liền gửi sang cho tôi 2.000 bạc tiền Trung Quốc lúc đó, bảo tôi đem biếu Bác bồi dưỡng sức khỏe.

Tôi đem số tiền trao cho Bác. Bác không lấy, phần tôi cũng khăng khăng không chịu nghe. Sau Bác cầm tiền đi mua sách gửi về trong nước. Bác bảo tôi:

- Mình ở đây tuy khổ xong không đến nỗi đói. Còn anh em trong nước hiện nay đói không có cơm ăn, ốm không có thuốc uống. Nhiều khi có cơm mà không có muối ăn (lúc này ở trong nước Tây treo giải 20kg muối đổi lấy cái đầu Việt Minh). Đấy là chưa kể đến khó khăn của cán bộ sống trên rừng núi, sốt rét liên miên. Nếu không biết đồng cam, cộng khổ, thương yêu giúp đỡ nhau, sẽ khó mà vượt qua được thử thách.

Bác chỉ nói có bấy nhiêu lời mà qua đó tôi nhận thấy tấm lòng yêu thương rộng lớn của Bác đối với anh em và cũng qua đó tôi được Bác giáo dục sâu sắc.

Về phần sức khỏe của Bác sau khi được trả tự do, như tôi được biết, ngay bệnh lao của Bác cũng chưa ổn định hẳn. Nên tôi để ý thấy Bác kiên trì tập luyện cũng nhẫn nại như dạo Bác mới từ nhà lao ra, hai chân bị xích lâu ngày không cất bước được, Bác đã áp chặt hai bàn tay vào tường, cứ như thế tập đi từng bước một.

Còn bây giờ sáng nào cũng vậy, ngay giữa tháng giá mùa Đông, lính thổi kèn hiệu vừa trở dậy, Bác đã một mình bước ra sân tập luyện. Trước tiên Bác đi vài bài “Thái cực quyền” do Hầu Chí Minh, Thiếu tướng - Chủ nhiệm chính trị của Chiến khu IV hướng dẫn. Sau đấy, trên con đường phủ cát lượn sóng rập rờn dọc theo dòng Liễu Giang, Bác chạy mải miết và hăng say cho đến khi mồ hôi thấm ướt áo. Kế đó Bác cởi quần áo, bơi thoải mái trong làn nước xanh trong giá buốt của dòng Liễu Giang đang rì rầm tuôn chảy trong ánh bình minh nhợt nhạt giữa những tháng mùa Đông.

Sự việc hiếm có này ngay tức khắc gây dư luận bàn luận sôi nổi trong đám sĩ quan. Họ bảo: “Ông ấy hẳn phải có bộ thần kinh bằng thép”.

Sau giờ tập luyện sáng sớm, Bác cùng ngồi ăn với đám sĩ quan. Nhân đó Bác tranh thủ tiếp xúc rộng rãi với họ, nói lên tình cảm của mình đối với cuộc kháng chiến của nhân dân Trung Quốc chống Nhật. Nội dung những câu chuyện Bác nói nghe sinh động, cụ thể, cách nói hóm hỉnh, hấp dẫn người nghe, thể hiện sự hiểu biết rộng và sâu không những đối với các vấn đề về Trung Quốc, về thế giới mà cả đối với những vấn đề thực tế trong đời sống hàng ngày.

Cũng vì thế vô luận Bác đứng hay ngồi hoặc xuất hiện bất chợt ở đâu, lập tức đám sĩ quan nọ quây tròn hỏi chuyện Bác. Nhưng có một điều tôi để ý trong các bữa ăn Bác không mấy khi ngồi một chỗ cố định ở một bàn nào mà mỗi bữa Bác ngồi một nơi. Qua đó Bác tiếp xúc trò chuyện được với nhiều người mà ai nghe chuyện Bác cũng đều thấy bổ ích.

Về phía các sĩ quan của Chiến khu IV, không ai là không quen thân Bác mà dường như họ đều rất quan tâm đến Bác. Mỗi khi gặp Bác từ xa, họ đã cất tiếng chào vui vẻ, nhiệt thành:

- Chào Hồ tiên sinh! Hồ tiên sinh vẫn mạnh giỏi chứ? Hồ tiên sinh ăn cơm chưa?....

Sự thật thì đám sĩ quan này, trong đó có một số là nhân sĩ chính giới ở Hoa Nam, đều kính phục Bác. Họ nhất trí với nhau cho Bác là người có học vấn uyên bác, có chí hướng lớn và nghị lực phi thường. Nhưng đồng thời họ cũng nhận thấy đấy là một nhân vật đáng sợ đối với họ. Vì họ ngờ Hồ tiên sinh là Nguyễn Ái Quốc. Vậy có thực Cụ là Nguyễn Ái Quốc không?

Bác cười bảo tôi:

- Vậy chú cứ đi hỏi ông Nguyễn Ái Quốc xem sao?

Câu trả lời hóm hỉnh của Bác khiến tôi cũng vui vẻ cười theo.

Trong đám sĩ quan thì Hầu Chí Minh, Thiếu tướng - Chủ nhiệm chính trị của Chiến khu IV là người hay gần và thân với Bác hơn cả. Tôi đồ chừng Trương Phát Khuê cho ông ta theo dõi Bác, mong dò tìm thái độ chính trị của Bác. Chính ông ta là người hướng dẫn Bác học “Thái cực quyền” và tặng Bác nhiều sách nói về chủ nghĩa Tam dân.

Sau bữa ăn sáng, Bác vào thư viện đọc sách báo. Bác để tâm ghi chép những vấn đề thời sự có liên quan đến thời cục lúc bấy giờ dùng làm tài liệu trao đổi ý kiến thảo luận với đám sỹ quan. Vì vậy, nội dung những buổi tiếp xúc của Bác bao giờ cũng hấp dẫn và phong phú.

Bác thường xuyên viết bài cho Nhật báo Liễu Châu. Số bài viết và đăng báo của Bác rất nhiều, tôi không nhớ hết. Hiện nay chỉ còn nhớ đầu đề một số bài viết của Bác như sau:

- “Làm thế nào để việc giúp đỡ của Trung Quốc đến tận tay nhân dân Việt Nam”.

- “Nhân dân Li băng phải được độc lập, tự do”.

- “Vấn đề chống Trục của các nước đồng minh với vấn đề dân tộc tự quyết của các dân tộc nhỏ, yếu”.

Qua những bài báo của Bác, mọi người càng thêm chú ý đến Bác. Và hôm nào báo có đăng bài của Bác nhà báo lại loan báo trước để thu hút bạn đọc. Mọi người đều bảo: “Nếu nói văn của Hồ tiên sinh khác nào nhả ngọc, phun châu, thật chẳng phải là nói quá. Thật vậy, sao lại có người Việt Nam viết văn Trung Quốc hay như vậy”. Và họ đều thừa nhận văn của Bác viết lạc, trong sáng, khúc triết, lập luận đanh thép, khác hẳn lối văn khuôn sáo cũ kỹ mà mọi người thường đọc lúc bấy giờ…

Ghi chú

(1) Tổ chức này do bọn Tưởng lập ra cho bọn tay sai của chúng như Nguyễn Hải Thần…, để hòng lợi dụng danh nghĩa cách mạng Việt Nam mà thực hiện những mưu đồ đen tối của chúng. Ta cũng biết như vậy nên có chủ trương đấu tranh đòi tham gia vào ban lãnh đạo của Hội ấy với ý đồ nếu không lái được nó theo hướng của ta thì cũng hạn chế được tác hại của nó.

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: