Hồ Chủ tịch mãi mãi là lãnh tụ kính yêu của dân tộc. Sau khi Người ra đi, nhân dân cả nước thương tiếc Người vô vàn vì những công lao của Người đã cống hiến cho dân cho nước. Tuy nhiên, mỗi người dân lại thể hiện lòng tôn kính Bác theo một cách khác nhau, rất riêng nhưng đều chung một ý nghĩa. tại thành phố mang tên Người, có một gia đình đã lập nhà thờ Bác ngay trong khuôn viên gia đình để bày tỏ lòng tôn kính ấy.
Nơi lưu giữ những ký ức về Bác
Ngôi nhà đó ở 310 Hồ Học Lãm, khu phố 3, phường An Lạc, quận Bình Tân, TP HCM; nằm trong khuôn viên của gia đình ông Trương Vũ Bảo. Đó là một ngôi nhà gỗ khá cổ và khá đẹp. Diện tích ngang khoảng 14m, dài 18m, cao khoảng 12m. Mái lợp ngói, xung quanh vách làm bằng ván.
Ban thờ Bác Hồ trong nhà thờ Bác của gia đình ông Bảo
Trong nhà có ngai thờ Bác Hồ đặt trên chiếc tủ thờ bằng gỗ được làm theo kiểu miền Nam với tượng Bác, phía sau tượng là lá cờ Đảng và cờ Tổ quốc, cùng với những hình ảnh như hình ảnh gia đình Bác, Bác Hồ với dũng sĩ miền Nam, Bác Hồ thăm đồng, Bác Hồ hỏi thăm bà con nông dân, nhà Bác Hồ ở Làng Sen… Và những di bút của Bác: Di chúc của Bác Hồ, những đoạn văn Bác viết trên báo Cứu quốc năm 1949, bàn về "Cần - Kiệm - Liêm - Chính"… Hai bên có hai câu đối bằng chữ Hán được gia chủ dịch ra tiếng Việt là:Hiếu đệ lạc thiên luân cụ khánh nhất đường hòa khí/ Văn chương khai thế nghiệp lưu phương bá đợi thơ hương. Tiếc rằng, chúng tôi không biết nghĩa của hai câu đối này.
Trong nhà thờ còn nhiều ảnh, di bút của Bác, những hiện vật thời chiến tranh như: Bình toong, dép râu, radio, rìu của bộ đội, du kích… Tất cả như muốn gợi lại không gian của một thời kháng chiến trường kỳ mà vĩ đại. Và những hình ảnh, tư liệu về Bác Hồ ở nơi đây như gợi lại hình bóng của vị lãnh tụ kính yêu của toàn dân tộc, giản dị, nhân ái bao dung và cũng thật gần gũi.
Nhà thờ Bác Hồ do ông Trương Vũ Bảo (nguyên Bí thư phường An Lạc, quận Bình Tân) xây dựng trong khuôn viên của nhà mình. Bà Nguyễn Thị Hốt, vợ ông Bảo là người Bình Dương. Ông Bảo quê ở tỉnh Vĩnh Long. Cả hai từng tham gia kháng chiến. Thời trẻ, ông Bảo đi bộ đội, chiến đấu ở nhiều chiến trường từ miền Trung vào tới Nam Bộ. Sau giải phóng, bà nghỉ ở nhà, còn ông tiếp tục tham gia công tác ở địa phương. Với quân hàm Trung tá, ông Bảo chuyển ngành làm Bí thư Đảng ủy huyện Bình Chánh cho đến khi nghỉ hưu. Ông Bảo mất năm 2013.
Bà Hốt cho biết về nguồn gốc của nhà thờ Bác: "Căn nhà này được chồng tôi làm cách đây khoảng 10 năm, sau khi ổng về hưu. Hồi đó khi còn công tác, ông nhà tôi hay được ra Hà Nội. Lần nào ông cũng đi thăm Lăng Bác và Nhà sàn Bác Hồ. Ổng mê Nhà sàn đó lắm. Khi về ổng nói với tôi: "Nếu mình làm được căn nhà bằng gỗ để thờ Bác thì hay biết mấy". Sau đó ổng nhờ người quen tìm mua nhà gỗ ở Tiền Giang về dựng lên. Nhà này khi mua về chưa được như vầy, ông nhà tôi phải mua thêm gỗ về để sửa sang, mất mấy tháng mới xong".
Niềm vinh dự của gia đình
Sở dĩ phải làm nhà bằng gỗ vì theo bà Hốt, ông Bảo quan niệm rằng nhà gỗ thì mang vẻ đẹp truyền thống của dân tộc, ẩn chứa văn hóa dân tộc. Thêm nữa làm nhà gỗ để nó gần gũi, ấm áp và mang tính giản dị như tính cách con người của Bác.
Một số hình ảnh Bác trong nhà thờ
Theo lời bà Hốt, sau khi làm xong nhà, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh có tặng gia đình bà một số hình ảnh về Bác Hồ để trưng bày. Còn lại những hình ảnh, di vật khác là do gia đình bà tự gom góp hoặc bạn bè của ông Bảo mang đến. Vào những ngày lễ, như: Sinh nhật Bác 19-5, Quốc khánh 2-9, Ngày thành lập Đảng 3-2, Ngày chiến thắng 30-4… gia đình ông Bảo lại làm lễ thắp hương tưởng nhớ Bác. Nhiều bạn bè đồng đội của ông Bảo, lãnh đạo địa phương… đều tham dự. Bà Hốt cho biết, có những ngày như ngày kết nạp Đoàn, kết nạp Đảng, đại diện phường lại đến nhà thờ thắp hương Bác và làm lễ kết nạp ở đây. Ở một khía cạnh nào đó, có thể gọi, nơi đây đã trở thành một "địa chỉ đỏ" cho người dân ghé thăm, tưởng nhớ về lịch sử và công lao của tiền nhân, những người đã hy sinh vì dân tộc, trong đó có Bác Hồ.
"Từ khi ông nhà tôi có ý định làm nhà thờ Bác, gia đình tôi ai cũng ủng hộ và thấy vui. Khi có nhà thờ Bác rồi thì trong lòng tôi và con cái thấy thanh thản, mừng vui, thoải mái" - bà Hốt chia sẻ.
Chúng tôi gặp cháu nội ông Bảo là anh Trương Minh Hùng. Anh Hùng cho biết, cũng như bà nội, anh cảm thấy vui vì trong nhà mình có nhà thờ Bác Hồ. Lớp trẻ như anh chỉ được biết về Bác qua sách vở, thông tin tư liệu. Nhưng có điều gì đó như truyền thống gia đình, anh luôn bày tỏ sự kính trọng, ngưỡng mộ vị Cha già dân tộc. "Nhiều gia đình ở xung quanh đây cũng muốn làm nhà thờ Bác Hồ trong vườn nhà của mình nhưng không có điều kiện. Bởi thế, được thờ Bác Hồ trong nhà, chúng tôi xem đó như là một niềm vinh dự lớn", anh Hùng cho biết.
Sống mãi trong lòng dân
Từ Bắc chí Nam, nhiều người dân đã lập đền thờ Bác. Ngày 20/4 vừa qua, cựu chiến binh Võ Như Thông (thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) đã khánh thành và mở cửa cho người dân vào thăm Nhà tưởng niệm Bác Hồ với Quảng Nam - Quảng Nam với Bác Hồ. Nhà tưởng niệm bao gồm các tư liệu, hình ảnh, các bài báo viết về Bác Hồ với vùng đất Quảng Nam.
Bà Nguyễn Thị Hốt trong ngôi nhà thờ Bác Hồ của gia đình
Được biết từ năm 2009, ông Thông đã xây dựng nhà thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, diện tích rộng gần 100m², phía trước là bức tượng Bác Hồ cao hơn 3m. Phía sau là phòng trưng bày gần 100 cuốn sách, báo, tranh ảnh, các tư liệu về Bác với kinh phí đầu tư gần 200 triệu đồng. Sau đó, năm 2013, ông Thông đã xây dựng nhà tưởng niệm Bác Hồ. Các tư liệu, hình ảnh được ông Thông sưu tầm suốt hàng chục năm qua. Kinh phí đầu tư cho ba khu tưởng niệm này gần 700 triệu đồng, đó là tiền lương hưu do vợ chồng ông tích góp từ nhiều năm qua…
Hay trên quê hương đất lúa Thái Bình, có một cựu thanh niên xung phong, bằng niềm kính yêu vô bờ bến với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thầm lặng lập bàn thờ Bác suốt 40 năm qua. Cựu thanh niên xung phong đó là bà Đỗ Thị Mến, ngụ tại thôn Lục Bắc, xã Thái Xuyên, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Năm 2009, được sự giúp đỡ của bà Trần Thị Hiền - Giám đốc Xí nghiệp In II, Viện Khoa học - Công nghệ và các nhà hảo tâm cũng như bà con xóm làng, bà Mến đã dành 500m² đất trong khuôn viên vườn nhà mình để xây khu nhà sàn thờ Bác Hồ. Ngôi nhà được thiết kế theo mẫu nhà sàn trong Khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Phía trước, chính giữa ngôi nhà là ảnh Bác được treo trang trọng. Hai bên là cờ Đảng và cờ Tổ quốc. Phía dưới là khẩu hiệu: "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh".
Bà Mến và bà con trong làng đặt tên là "Nhà sàn 19 tháng 5". Bây giờ, ngôi nhà sàn ấy không chỉ là nơi để bà con xóm làng tưởng nhớ Bác mà còn là nơi lui tới của nhiều đoàn tham quan trong và ngoài nước
Hay như ở tỉnh Quảng Trị, có Đại tá Nguyễn Đức Vũ, gần 90 tuổi, thành viên của Ban Chấp hành Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Trị, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Triệu Phong cũng xây nhà thờ Bác Hồ. Dành dụm được một khoản tiền, đúng vào dịp sinh nhật Bác năm 2006, ông Vũ cho khởi công xây dựng nhà lưu niệm Bác cạnh căn nhà của ông sinh sống, với tổng kinh phí gần 40 triệu đồng. Sau 4 tháng thi công, ngày 2-9-2006, nhà lưu niệm đã hoàn tất trong niềm hạnh phúc của ông Vũ cùng người dân xã Triệu Thượng. Ngày khánh thành, chính quyền và nhiều ban, ngành địa phương đến chúc mừng. Đảng ủy xã Triệu Thượng đã tặng nhà lưu niệm bức tượng Bác. Xã đoàn tặng chiếc đồng hồ, Chi hội Cựu chiến binh góp bộ bàn ghế.
Về căn nhà thờ của ông Trương Vũ Bảo, trao đổi cùng chúng tôi, bà Phạm Thị Thanh Thuận - Phó chủ tịch quận Bình Tân, cho biết: "Chính quyền địa phương rất tự hào vì có một ngôi nhà thờ Bác Hồ ở đây do gia đình một đảng viên xây dựng. Nhà thờ Bác Hồ của gia đình cô chú Tám Bảo là nơi tuyệt vời để giáo dục, tuyên truyền cho thế hệ sau về lịch sử, tinh thần yêu nước và về tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều người dân ở đây kể rằng, lúc ông Bảo còn sống, vào ngày kỷ niệm sinh nhật Bác 19-5, lễ Quốc khánh 2-9… ông thường tổ chức họp mặt cựu chiến binh, bà con chòm xóm… đến cùng tham gia làm lễ tưởng nhớ Bác tại nhà thờ này. Người dân rất thích, rất yêu mến ngôi nhà thờ Bác ở đây.
Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng ban công tác Mặt trận Tổ quốc khu phố 3, phường An Lạc, cho biết thêm: "Nhà thờ Bác Hồ do gia đình chú Tám Bảo, một tiền bối cách mạng trung kiên một lòng hướng về Bác xây dựng lên không chỉ là nơi tưởng nhớ Bác mà còn là nơi giáo dục cho con cháu, thế hệ sau biết đến công ơn người đi trước, ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Đây cũng là nơi một số đoàn thể đến thắp hương tưởng nhớ Bác, là một cái hay, là điểm giáo dục cho lớp trẻ tìm hiểu và nhớ về Bác. Tôi mong muốn nếu gia đình chú Tám Bảo có điều kiện và có ý định thì mong nhà thờ được phát triển hơn nữa để trở thành nơi giáo dục chính trị, lịch sử chung cho các thế hệ sau này…".
Phạm Huy Văn
Huyền Trang (st)