phan 8 anh 1
Hồ Chủ tịch lội suối đi công tác - Ảnh: Tư liệu

Những lần gặp Bác - Nguyễn Lương Bằng kể

… Liên ủy Cao - Bắc - Lạng triệu tập một cuộc Hội nghị vào cuối tháng 8-1944, thảo luận một số vấn đề cấp bách – trong đó có vấn đề võ trang khởi nghĩa. Nhiều đội võ trang của huyện, châu cũng được mời về tham dự.

Hội nghị thống nhất một bản báo cáo chung nhận định về tình hình thế giới, tình hình trong nước và các tỉnh Cao - Bắc - Lạng, đồng thời cũng nhận định những điều kiện có thể phát động chiến tranh du kích trong liên tỉnh. Nhưng khi đi vào giải quyết những vấn đề chi tiết, cụ thể - nhất là trong việc chuẩn bị võ trang khởi nghĩa – thì còn nhiều vướng mắc không giải quyết được. Giữa lúc ấy thì chúng tôi được tin Bác đã về nước. Mọi người vui mừng, phấn khởi vô hạn. Trông nét mặt người nào cũng rạng rỡ. Hội nghị cử ngay anh Giáp và tôi đi báo cáo tình hình và xin chỉ thị của Bác.

Lúc bấy giờ Bác đang ở Na Sát, một xã thuộc Cao Bằng giáp biên giới Trung Quốc. Bác ở trong một căn lán nhỏ, xung quanh núi đá bao bọc. Vừa thấy chúng tôi Bác bước ngay ra cửa đón, cử chỉ vẫn nhanh nhẹn. Còn chúng tôi thì cứ đứng ngẩn ra mà nhìn Bác, nghẹn ngào không nói lên lời. Bác đã gầy nay lại càng gầy hơn, tóc bạc thêm ra.

Cũng như mọi lần, không bao giờ Bác để cho chúng tôi thăm hỏi, săn sóc Bác; Bác lại ân cần hỏi han sức khỏe và công tác của chúng tôi, của anh em ở nhà. Chúng tôi báo cáo với Bác về tình hình sức khỏe của anh em ở nhà, về tình hình cách mạng ở khu Cao - Bắc - Lạng, về cuộc Hội nghị liên tỉnh và những khó khăn trong khi thảo luận. Bác chăm chú nghe chúng tôi báo cáo xong rồi nhận định phê phán. Bác nói Hội nghị chủ trương phát động chiến tranh du kích Cao - Bắc - Lạng là mới chỉ căn cứ vào tình hình địa phương mà chưa thấy hết được tình hình toàn quốc. Như vậy là mới chỉ nhìn thấy bộ phận mà chưa thấu toàn cục. Tình hình bây giờ nếu phát động ngay chiến tranh du kích trong liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, còn khó khăn hơn cả thời kỳ khủng bố vừa rồi. Bởi vì các địa phương khác, tuy phong trào cách mạng đã lên cao nhưng chưa có nơi nào đủ điều kiện đấu tranh võ trang để sẵn sàng hưởng ứng. Bọn đế quốc thấy được chỗ yếu của ta, chúng sẽ tập trung lực lượng đối phó và tiêu diệt. Ngay lực lượng trong liên tỉnh Cao - Bắc - Lạng cũng còn phân tán, chưa tập trung được đầy đủ. Cán bộ còn thiếu nhiều. Lực lượng nòng cốt còn ít và chưa vững. Vũ khí ít ỏi lại không tập trung. Sau cùng Bác nhận định:

- Bây giờ thời kỳ cách mạng hòa bình đã qua nhưng thời kỳ toàn dân khởi nghĩa thì chưa đến.

Tuy đấy chỉ là câu nói ngắn gọn nhưng là một nhận định tổng quát tình hình chính trị và quân sự của một thời kỳ từ vận động chính trị chuyển sang vũ trang khởi nghĩa. Câu nói ấy là một bài học sâu sắc và vô cùng quý giá đối với chúng tôi. Chúng tôi như người đi đêm, chưa thấy đường. Bác đã đem ngọn đèn pha đến rọi đường cho chúng tôi đi.

Bác ngừng lại một lúc, nhìn chúng tôi rồi tiếp:

- Nếu bây giờ chúng ta chỉ hoạt động bằng hình thức vận động chính trị không thôi thì chưa đủ để đẩy phong trào đi tới. Nhưng nếu chúng ta phát động vũ trang khởi nghĩa ngay thì sẽ bị bọn địch khủng bố và tiêu diệt. Cuộc đấu tranh bây giờ phải từ hình thức chính trị đến hình thức quân sự. Tuy nhiên,  chính trị phải coi trọng hơn quân sự. Do đó, chúng ta phải tìm một hình thức thích hợp để có thể đẩy phong trào cách mạng tiến lên mạnh hơn. Theo Bác nếu thành lập ra đội quân giải phóng ngay thì hãy còn sớm. Bác suy nghĩ rồi hôm sau quyết định cho chúng tôi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân.

Bác dặn thêm:

- Nhưng mà tuyên truyền phải coi trọng hơn tác chiến.

Bác chỉ thị anh Võ Nguyên Giáp phụ trách Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân. Nhiệm vụ của đội này là dùng võ trang đấu tranh từng vụ một  để động viên chiến sĩ và kêu gọi nhân dân nổi dậy. Bác yêu cầu phải thành lập nhanh, khi thành lập phải có những lời thề danh dự. Thành lập xong phải ra quân, hành động có tính chất quần chúng: Trận đầu mặc dù đội quân mới thành lập còn non yếu nhưng phải chiến thắng. Điều đó sẽ ảnh hưởng tốt cho công tác tuyên truyền và tác động đến quần chúng. Bác nói: Người cán bộ cách mạng, bất cứ làm việc gì, cũng phải biết mình, biết người, phải điều tra, nghiên cứu cẩn thận, biết rõ sức ta, sức địch, không được để sơ hở phải làm lộ bí mật, thiệt hại đến phong trào.

Sau đó không lâu, Bác gửi một bức thư nhỏ đặt trong bao thuốc lá cho đồng chí Võ Nguyên Giáp đó là Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân được thành lập.

Nội dung Chỉ thị gồm các vấn đề sau:

1. Tên ĐỘI VIỆT NAM TUYÊN TRUYỀN GIẢI PHÓNG QUÂN nghĩa là chính trị trọng hơn quân sự. Nó là đội tuyên truyền. Vì muốn hành động có kết quả thì về quân sự, nguyên tắc chính là nguyên tắc tập trung lực lượng, cho nên, theo chỉ thị mới của Đoàn thể, sẽ chọn lọc trong hàng ngũ những du kích Cao - Bắc - Lạng số cán bộ và đội viên kiên quyết, hăng hái nhất và sẽ tập trung một phần lớn vũ khí để lập ra đội chủ lực.

Vì cuộc kháng chiến của ta là cuộc kháng chiến của toàn dân cần phải động viên toàn dân, vũ trang toàn dân, cho nên trong khi tập trung lực lượng để lập một đội quân đầu tiên, cần phải duy trì lực lượng vũ trang trong các địa phương cùng phối hợp hành động và giúp đỡ về mọi phương diện. Đội quân chủ lực trái lại có nhiệm vụ dìu dắt cán bộ vũ trang của các địa phương, giúp đỡ huấn luyện, giúp đỡ vũ khí nếu có thể được, làm cho các đội này trưởng thành mãi lên.

2. Đối với các đội vũ trang địa phương: Đưa các cán bộ địa phương về huấn luyện, tung các cán bộ đã huấn luyện đi các địa phương, trao đổi kinh nghiệm, liên lạc thông suốt, phối hợp tác chiến.

3. Về chiến thuật: Vận dụng lối đánh du kích, bí mật, nhanh chóng, tích cực, nay Đông mai Tây, lai vô ảnh, khứ vô tung.

Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của giải phóng quân, nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam.

 Tháng 12 năm 1944

Trận đầu tiên và cũng là trận chiến thắng vẻ vang đã đi vào lịch sử dân tộc của đội quân cách mạng ấy là trận Phay Khắt – Nà Ngần.

Bác Hồ - Những kỉ niệm không quên - Thượng tướng Phùng Thế Tài

Chuyến đi Vân Nam này của Bác là một chuyến đi quan trọng và dài ngày nên đồng chí Vũ Anh gọi tôi lên giao nhiệm vụ rất cẩn thận. Hơn nửa thế kỉ đã qua rồi mà bây giờ nghĩ lại tôi vẫn cảm thấy bàng hoàng về chuyến đi đó… hơn một nghìn cây số, từ Pác Bó đến Côn Minh, Bác lại vừa đi bộ, vừa đi tàu, thú thật không thể tưởng tượng nổi. Trước khi đi Bác bảo tôi mua nửa cân thịt lợn, nửa cân muối, nửa cân ớt rang khô lên rồi cho vào một ống bương. Để chuẩn bị cho chuyến đi dài ngày, đồng chí Vũ Anh đưa cho tôi một số tiền để chi tiêu dọc đường.

Thấy tôi đeo khẩu P.38 bên sườn, Bác nhìn tôi một lượt rồi hỏi:

- Súng chú có bao nhiêu đạn? Chú có biết bắn không?

Tôi thưa:

- Súng cháu có vài chục viên. Cháu bắn khá lắm.

Thấy Bác đi suốt cả đêm qua không được ngủ, đến chặng nghỉ, tôi định để Bác nghỉ lâu một chút cho lại sức, nhưng Bác lại nói:

- Bác cháu ta đi thôi!

Đây là đất Trung Hoa đang nằm dưới chính quyền Tưởng Giới Thạch. Chúng tôi đi ban ngày, không phải đi đêm như trên đất mình nữa. Mới đi được khoảng 20 cây số, vị khách quý của Bác là anh chàng Shaw (viên phi công Mỹ này đã được ta cứu thoát sau khi chiếc B25 của anh ta bị bắn rơi trên đất Cao Bằng), viên phi công trẻ măng đã đi cà nhắc, nhăn nhó trông rất khổ sở. Anh ta kêu đi giày đau chân, cởi giày ra đi chân đất, nhưng chỉ được một đoạn lại ngồi ôm chân, lại nhăn nhó. Tôi đâm lo là tình hình này không biết đến khi nào mới đến được Côn Minh. Bác trông bề ngoài thì có vẻ bình thường, nhưng thực ra tôi biết là Bác phải cố gắng lắm. Bác đã có tuổi chịu làm sao được. Phải có biện pháp, tôi nghĩ bụng thế, rồi nhân lúc Bác và Shaw nghỉ tôi vào địa phương trưng dụng được hai con ngựa, một con cho Shaw đi, một con cho Bác đi. Nhưng khổ quá, Bác lại không chịu đi. Bác bảo: “Sao chú cứ hay làm phiền dân thế? Chú mượn được thì chú đi”. Thế là phải trả ngựa cho dân…

Buổi trưa, hai Bác cháu vào một tiệm ăn. Tôi muốn bồi dưỡng sức khỏe cho Bác, lại căn cứ vào sức ăn của mình nên gọi hai đĩa thức ăn, một bát canh và một đĩa cơm. Bữa com ngon quá. Món xào thơm phức. Đi đường đói ngấu, ăn càng khỏe.

Trong khi ăn Bác bảo tôi:

- Các đồng chí trong nước bữa no, bữa đói… Ta ăn thế này hoang quá!

Câu nói của Bác làm tôi lúng túng, không biết trả lời ra sao.

Chiều tối hai Bác cháu đến một cái làng nằm giữa Cát Mà và Tĩnh Tây thì ngủ lại. Cát Mà là chợ biên giới, phía Trung Quốc.

Nghỉ lại, phải dùng cơm tối. Nghĩ lại bữa trước Bác phê bình là hoang, lần này tôi chỉ gọi một đĩa thức ăn, một bát canh và một đĩa cơm.

Ăn xong, tôi vào liên hệ một nhà dân gần đường để Bác nghỉ.

Tôi ăn xong lau lại súng đạn. Dọc đường đi, súng tôi lúc nào cũng lên đạn, đề phòng bất trắc, nhưng không xảy ra chuyện gì cả. Trước khi đi nằm Bác mở chiếc đồng hồ quả quýt dặn tôi:

- Sáng mai, bốn giờ ta đi. Chú nhớ dậy sớm đánh thức Bác. Đi sớm cho được đường.

- Vâng ạ!

Tôi đút khẩu P.38 xuống dưới gối, ngả lưng xuống giường, duỗi thẳng cẳng. Các khớp xương được dịp kêu răng rắc. Tôi ngáp một cái dài, đến gần sái cả quai hàm, hai mắt díu lại… Tôi ngủ biến lúc nào không biết. Tôi mê lung tung, hình ảnh này vừa hiện lên đã bị xóa đi vì những hình ảnh khác. Tôi mơ đến cảnh bữa cơm trưa ở tiệm ăn. Bác bảo tôi: “Ta ăn thế này hoang quá!...”, tôi đang định nói lại câu gì thì bỗng cảm thấy như bị hẫng. Tôi mở choàng mắt. Bác đã đứng bên giường tôi:

- Dậy thôi! Bốn giờ rồi! Ta đi thôi.

Buổi trưa nghỉ lại một thôn ven đường, tôi mua gạo, mượn nồi thổi cơm ăn. Mót thịt rang muối ớt phát huy tác dụng. Chỉ cần một bó rau muống, nấu theo kiểu vừa luộc, vừa canh, cho một thìa thịt rang vào là có một món ăn tốt. Đi đường mệt, đói bụng nên hai Bác cháu ăn rất ngon miệng. Riêng Shaw được Bác ưu tiên cho ăn bánh mì với thịt mua ở quán ăn dọc đường. Tôi nhìn Bác, đang ăn bát canh rau muống, còn viên phi công Mĩ thì được ăn bánh mì cặp thịt ngon lành, trong lòng không vui chút nào. Tại sao có sự vô lí như vậy? Bác hiểu tâm trạng của tôi, mìm cười an ủi.

Khoảng 3 giờ chiều hôm đó, chúng tôi đến Tĩnh Tây. Bác bảo tôi có liên hệ với bản doanh của Trung tướng Trần Bảo Xương, Quân đoàn trưởng một quân đoàn của Tưởng Giới Thạch, nhờ gọi điện cho tướng Mĩ Chenault ở Côn Minh là có đại biểu của Việt Nam Độc lập đồng minh sẽ đến gặp để trao cho phía Mĩ một phi công Mĩ và bàn việc hợp tác đánh Nhật. Nhưng không ngờ việc lại diễn ra không được suôn sẻ. Trần Bảo Xương tiếp Bác rất trọng thể, chiêu đãi cơm rượu hết sức thân tình. Y còn thay mặt đồng minh cảm ơn tiên sinh đã bảo vệ và nuôi dưỡng phi công Mĩ được mạnh khỏe an toàn. Nhiệm vụ tiên sinh đến đây đã hoàn thành trọn vẹn. Xin tiên sinh cứ yên tâm nghỉ ở đây rồi sáng mai trở lại Việt Nam. Chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm đưa viên phi công trao trả tận tay người Mĩ. Bác đưa mắt nhìn tôi. Tôi nghĩ bụng: Tình hình này thì gay rồi, công của mình hóa ra công cốc. Không có viên phi công đi cùng, chuyến đi Côn Minh của Bác sẽ kém giá trị. Thoáng nhanh trong đầu, tôi nghĩ ra một giải pháp. Tôi nói với Trần Bảo Xương là hoàng tiên sinh và Shaw đã có hơn một tháng sống bên nhau ở chiến khu Việt Nam, do đó để Shaw trò chuyện với tiên sinh mấy phút trước lúc chia tay. Trần Bảo Xương đồng ý. Bác căn dặn Shaw, khi gặp Tư lệnh Không quân nhớ nói trong thời gian gặp nạn ở Việt Nam được quân du kích Việt Minh chăm sóc chu đáo như thế nào và chuyển tới tướng quân Tư lệnh “Lời chào thân ái của những người du kích Việt Minh”. Shaw tỏ ra rất xúc động khi phải chia tay với Bác. Tôi thoáng thấy trên khuôn mặt non trẻ của anh những giọt nước mắt.

Trên đường về phòng nghỉ, Bác bất chợt phát hiện bỏ quên mũ trong phòng khách, bảo tôi quay lại lấy, và chính trong tình huống này đã xảy ra một sự kiện đáng ghi nhớ. Khi tôi vừa bước vào tiền sảnh thì nghe ở phía trong chúng đang bàn nhau bắt giữ hai Bác cháu chúng tôi lại. Tôi vốn là một người không sợ gì cả, nhưng nghe chúng bàn nhau như vậy tim tôi như có ai bóp chặt. Tôi nghĩ đến cảnh tù đày qua hàng chục nhà giam mà Bác phải chịu đựng hồi năm 1942-1943. Tôi nghĩ đến vai trò của Bác trong những ngày sắp tới của cách mạng Việt Nam. Bình tĩnh lại, không thể cho chúng biết, tôi nhẹ nhàng quay lại báo cáo với Bác. Nhưng khác với tôi, Bác lại rất bình tĩnh, chỉ thoáng một chút đăm chiêu. Suy nghĩ một lúc, Bác quyết định ta quay về ngay đêm nay.

- Nhưng làm sao mà ra khỏi cổng gác được?

- Ta giả vờ ra ngoài mua bao thuốc lá.

Hai Bác cháu quên cả mệt, đi như chạy ra khỏi Tĩnh Tây và cuốc bộ một mạch không nghỉ. Sáng hôm sau thấy Bác quá mệt, tôi thưa với Bác:

- Cháu trông Bác mệt rồi mà đường còn xa, cháu vào thôn kia lấy ngựa Bác đi ạ! Tôi chỉ về phía thôn trước mặt.

Bác lắc đầu:

- Không! Bác cháu ta đi bộ thôi - Bác hỏi tôi - Chú đã mệt rồi à?

- Thưa Bác, không ạ! - Tôi đáp - Cháu thương Bác mỏi!

Bác xua tay:

- Chú không thương dân ư? Chú cứ nghĩ xem: Người dân người ta chỉ có con ngựa để kiếm ăn. Chú lấy đi, được việc chú. Nhưng người ta lấy gì nuôi vợ, nuôi con? Nhân dân Tàu cũng khổ như nhân dân mình thôi.

Ngày hôm đó Bác đi bộ được 80 dặm, tức là vào khoảng bốn chục cây số. Lần này không có “vị khách quý” nên hai Bác cháu đi khá nhanh.

Tôi đi theo Bác, có lúc đi ngang, có lúc lại chạy lên trước để dò đường. Tôi vui sướng như một đứa cháu bên một người ông kính mến. Tai nghe từng tiếng động nhỏ chung quanh, mắt tôi quắc lên. Tôi tin chắc rằng nếu có kẻ nào bất thình lình xuất hiện, tôi sẽ trông thấy ngay và sẵn sàng tiêu diệt nó trước khi nó kịp xông vào hai Bác cháu. Ngày hôm sau, hai Bác cháu về tới Pác Bó.

*       *

*

Khoảng hơn một tuần sau, Bác lại gọi đồng chí Vũ Anh và tôi đến bảo: Các chú chuẩn bị để Bác đi Côn Minh. Công việc chuẩn bị cũng như lần trước. Đồng chí Vũ Anh bảo vợ đồng chí Lê Quảng Ba mua một cân thịt, một cân muối, một cân ớt rồi rang lên vào cho vào ống bương. Đồng chí Vũ Anh lại đưa cho tôi một số tiền để chi tiêu dọc đường.

Lần này tôi thấy nhiệm vụ nặng nề, nếu vẫn chỉ có một mình, trấn được mặt trước thì lộ mặt sau. Bảo vệ được phía sau thì lộ phía trước và “hở sườn”, tôi nói ý ấy với đồng chí Vũ Anh cho thêm một người nữa cùng đi.

Đồng chí Vũ Anh khen phải, và cử đồng chí Minh (tức là đồng chí Đinh Đại Toàn, người dân tộc Tày rất to khỏe) cùng đi với tôi.

Đồng chí Minh hơn tôi đến chục tuổi, hiền lành, thật thà, tốt. Nhưng phải cái hơi chậm. Tôi lúc ấy mới 23 tuổi, nặng 67 ki-lô, cao hơn đồng chí Minh mười phân mét, người thì to gấp rưỡi. Tôi phải cái tính ngang bướng, nóng nảy. Cái tính ngang bướng này là hậu quả của nửa năm trời theo học trường quân chính tình báo ở Khai Hóa của bọn Tưởng, hằng ngày phải đương đầu với bọn Quốc dân đảng, nay có đồng chí Minh, tính tình điềm đạm, đi cùng bảo vệ “đồng chí Hoàng” thì tốt quá. Cái nọ bổ sung cái kia.

Trước khi đi có cuộc họp do Bác chủ trì. Đây là buổi sinh hoạt đầu tiên của ba Bác cháu. Chúng tôi kiểm điểm tình hình chuẩn bị: Về quần áo thì Bác có một cái áo bông khoác ngoài màu tro, đã sờn cả vai và một cái quần màu tro; đồng chí Minh cũng mặc một bộ quần áo của Quốc dân đảng, đội mũ Quốc dân đảng, Bác đi dép rơm, tôi đi giày cao su, còn đồng chí Minh đi giày vải. Mỗi người như vậy có “nhất bộ”, một bộ lót và một cái chăn dạ. Tôi báo cáo với Bác về việc chuẩn bị lương khô. Bác nói:

- Đi đường xa, vẫn phải chuẩn bị lương khô chu đáo. Bác đã có kinh nghiệm. Làm thế này vừa tiết kiệm vừa để được lâu, vừa ngon; nửa cân thịt với nửa cân muối và ớt thành một cân. Ta mua rau nấu canh ăn thêm. Như vậy là có đủ chất đạm, chất mỡ, cả vi-ta-min A là ớt.

Bác quy định cho mỗi bữa ăn chỉ được lấy ra một thìa thịt rang mặn. Bác nói tiếp:

- Ngày đi, tối sinh hoạt, kiểm điểm và đề ra kế hoạch ngày hôm sau. Các chú cứ như thế mà làm!

Đường đi từ Quảng Tây sang Vân Nam đi bộ mất mười một ngày. Muốn vậy, mỗi ngày trung bình phải đi từ 35 đến 40 cây số.

Ba Bác cháu bắt đầu đi…

Mới chớm vào mùa Đông, nhưng biên giới đã lạnh nhiều. Thấy Bác mặc áo bông, tôi cũng yên tâm đôi chút, Bác đi như một chàng thanh niên. Lúc vượt đèo, lúc lội suối, nhanh nhẹn hơn cả đồng chí Minh.

Tôi bảo đồng chí Minh:

- Hai chúng mình đi với Bác, chúng mình phải bảo vệ Bác, đi về phải an toàn.

Đồng chí Minh gật đầu. Tôi và Minh phân công hằng ngày như sau: Sáng sớm dậy đồng chí Minh thổi cơm; cơm chín, nắm lấy ba nắm bằng nắm tay để dành đến trưa. Tôi nấu thức ăn. Dọc đường, gặp rau mua một bó, rồi xúc một thìa thịt trong ống và đổ vào nồi rau, nấu lên. Sáng thì được ăn cơm nóng với canh thịt. Đến trưa, gặp quán thì dừng lại nghỉ, giở cơm nắm ra ăn với thịt mặn. Tối mới lại thổi cơm, ăn cho nóng.

Bác bảo chúng tôi:

- Đi như vậy, vừa tiết kiệm, vừa no bụng, lại được đường.

Tôi cũng thấy là chí lí.

Đường đi xa, lại mấp mô, Bác đi dép rơm, phồng cả chân. Tôi tính mua giày Bác đi. Bác không cho mua. Bác bảo:

- Không đi! Chú có mua, Bác cũng không đi!

Chúng tôi thấy Bác nói thế cũng không dám mua nữa. Bác bảo hai đứa chúng tôi:

- Dép này có hỏng thì lại mua dép rơm khác vẫn tốt hơn.

Bác quấn giẻ vào quai dép để đi cho đỡ phồng chân.

Đi bộ mới đầu còn vui chân, đi miết. Nhưng càng đi càng mỏi, càng về sau lại càng mỏi tợn: Các gót chân, mắt cá chân, cổ chân cứ như là từng bộ phận cắt rời nhau ra… Đến chỗ nghỉ, đồng chí Minh chẳng thiết gì ăn uống nữa, cứ ngồi bóp chân bóp cẳng hoài. Tôi không đến nỗi như đồng chí Minh nhưng cũng cứ phải lấy hai tay ấn ấn hai đầu gối. Hai đầu gối và hai cái xương bánh chè tưởng như không còn là của tôi nữa! Bác đi mượn cái chậu giặt, đái vào ngâm chân. Bác bảo hai đứa chúng tôi:

- Các chú làm thử xem! Ngâm chân tốt nhất. Mai đi lại thoải mái như thường.

Tôi nghe theo, cũng làm thử. Nước đái mình có khai thật - càng khai càng tốt - nhưng ngâm cái chân vào, cái mỏi rã đi lúc nào không biết. Đồng chí Minh cũng ngồi dậy làm theo.

Sáng hôm sau dậy sớm, tôi và đồng chí Minh người nào việc nấy đã có phân công từ trước, cứ thế mà làm. Đồng chí Minh bảo tôi:

- Đồng chí Tài à! Bác nói đúng lắm đó. Tôi không mỏi cái chân nữa đó!

Tôi cũng quên bẵng mất cái chân mỏi từ lúc nào.

Ăn cơm sáng xong, ba Bác cháu lại lên đường. Hôm nay, Bác quy định cho chúng tôi đi đường cũng phải học: Học hai buổi, buổi sáng và buổi chiều. Bác thực hiện luôn.

Vừa đi đường, Bác vừa giảng cho chúng tôi nghe về cách mạng Việt Nam và cách mạng Trung Quốc. Bác nói tôi nhớ đại ý: Chủ nghĩa tam dân(1) của ông Tôn Trung Sơn là tiến bộ nhiều so với đời Mãn Thanh… Nhưng có những vấn đề ông Tôn Trung Sơn bắt mạch chưa trúng và chữa bệnh chưa đúng. Cách mạng của ta theo kiểu Cách mạng Tháng Mười Nga. Mục đích cách mạng của ta là đánh Tây, đuổi Nhật, giành độc lập. Chủ nghĩa tam dân là cách mạng tư sản, có những vấn đề không triệt để… Cách mạng của ta do giai cấp công nhân lãnh đạo, triệt để… Bác nói cả về vấn đề cải cách nông thôn, về tương lai công nghiệp, về điện khí, nông trường… Bác vừa đi vừa nói, phân tích tỉ mỉ. Bác nói rất dễ hiểu nên nghe đến đâu nhớ đến đấy, thấm thía lắm. Học một mình thường chóng mỏi, nhưng học với Bác thì lại vui, vì giờ nghỉ có xen kẽ văn nghệ. Bài học trên đường với những kiến thức mới mà Bác vừa truyền thụ cho chúng tôi làm tôi càng kính mến Bác. Ba Bác cháu chuyện trò vui vẻ.

Hết bài “Cách mạng Việt Nam” và “Cách mạng Trung Quốc”, Bác lại giảng sang bài “Cách mạng Tháng Mười”. Hết bài “Cách mạng Tháng Mười”, Bác lại chuyển sang giảng về những thuận lợi, khó khăn và nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam. Lớp học trên đường có tác dụng tốt. Không những chúng tôi nhớ những điều Bác dạy mà cũng quên cả mệt nhọc, đi được xa, được nhiều.

Đường chúng tôi đi có nhiều dốc, nhiều đèo, có cái dốc cao gần ba ngàn mét gọi là dốc Tùng Cảng. Buổi sáng sớm ở chân dốc bên này, buổi trưa mới lên tới đỉnh dốc. Xuống đến chân dốc bên kia là vừa tối. Những lúc mệt hoặc lúc lên dốc, xuống dốc (xuống dốc cũng vất vả không kém gì lên dốc) là Bác lại dạy chúng tôi ngâm thơ. Bác chỉ dạy có một tác phẩm là Chinh phụ ngâm, Bác bảo:

- Bác cháu ta ngâm một bài!

Rồi Bác cất giọng âm ấm của miền Trung:

… Chí làm trai dặm nghìn da ngựa

Gieo thái sơn nhẹ tựa hồng mao…

Giọng ngâm của Bác thấm vào lòng tôi, phơi phới niềm lạc quan cách mạng.

Bác bảo chúng tôi:

- Đây là văn có, có ý nghĩa, văn chương hay. Các chú nên học thuộc lòng.

Tôi phục Bác quá. Bác cái gì cũng biết, hỏi Bác cái gì Bác cũng nói được. Một tác phẩm văn cổ như Chinh phụ ngâm hàng mấy trăm câu thơ mà Bác nhớ không sai một chữ.

Bác cho chúng tôi học từng đoạn một. Bác thường khen tôi: “Chú nhớ khá!”. Bác khen cả đồng chí Minh.

Hôm sau lên đường, Bác hỏi:

- Hôm qua học được những cái gì?

Chúng tôi nhắc lại. Đó là những phương pháp dạy có kiểm tra, có biểu dương của Bác.

Mất hai tuần đi bộ, ba Bác cháu tới ga Bixichai, chuẩn bị lên tàu về Côn Minh, nhưng ở trên tàu Bác bị sốt cao nên đến ga Nghi Lương hai anh em đưa Bác xuống tạm nhà anh Hoàng Quang Bình, cơ sở của ta. Một tuần liền được tiêm ký ninh trực tiếp nên cơn sốt lui dần, mọi người nhất trí đưa Bác đến Côn Minh điều trị tiếp. Thế là vừa đi bộ, vừa đi tàu hỏa tới tháng Hai mới đến nơi, anh em bố trí Bác ở nhà anh chị Tống Minh Phương, cơ sở của ta mở tiệm cà phê ở tại số 76, phố Kim Bích, Côn Minh…

(1) Dân tộc độc lập, dân quyền tự do, dân sinh hạnh phúc.

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: