1. Nghị định số 110/2015/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 29/10/2015 sửa đổi Nghị định 21/2010/NĐ-CP về quản lý biên chế công chức. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/12/2015.
Nghị định quy định với các nội dung như: Hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức; trách nhiệm của lãnh đạo các đơn vị; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Nghị định mới sửa đổi Khoản 1 Điều 12 về hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức theo hướng “Cơ quan, tổ chức, đơn vị quy định tại Khoản 1, 2 và Điểm a Khoản 10 Điều 2 Nghị định này lập hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ thẩm định; các cơ quan, tổ chức đơn vị quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và Điểm b, c Khoản 10 Điều 2 Nghị định này lập hồ sơ điều chỉnh biên chế công chức gửi cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định.”
Đồng thời để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2014 của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngữ công chức, viên chức, Nghị định mới bổ sung thêm quy định trách nhiệm của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập phải “xây dựng đề án điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức gửi Bộ Nội vụ thẩm định, tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định”; bổ sung thêm trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ là “Thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi biên chế công chức dự phòng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hàng năm. Điều chỉnh, bổ sung biên chế công chức đối với từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương sau khi được Thủ tướng Chính phủ quyết định.”
2. Thông tư số 124/2015/TT-BQP do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành ngày 09/11/2015 hướng dẫn thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp và chi phí y tế đối với đối tượng làm việc trong Quân đội bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thông tư 124/2015 của Bộ Quốc phòng có hiệu lực từ ngày 25/12/2015.
- Điều kiện người lao động được bồi thường TNLĐ, BNN trong Quân đội
+ Người lao động bị tai nạn lao động làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết, trừ trường hợp quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 5 Thông tư 124;
+ Người lao động bị bệnh nghề nghiệp được bồi thường khi:
Bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, thôi việc, mất việc, nghỉ hưu;
Bị suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do BNN theo kết quả khám giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ.
- Mức bồi thường do TNLĐ – BNN đối với người làm việc trong Quân đội nhân dân Việt Nam
Mức bồi thường đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Điểm a, b Khoản 1 Điều 4 TT số 124/2015/BQP được tính như sau:
+ Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân khi NLĐ bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%; nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư 124/2015/TT-BQP:
Mức bồi thường TNLĐ, BNN = 1,5 + {( Mức (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp - 10) x 0,4}
-Theo đó người lao động bị tai nạn lao động trong QĐ làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết trong các trường hợp sau thì được trợ cấp TNLĐ:
+ Tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động theo kết luận trong biên bản điều tra TNLĐ;
+ Tai nạn LĐ xảy ra đối với NLĐ khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở tại địa điểm và thời gian hợp lý.
- Mức tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp TNLĐ, BNN là tiền lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu thời gian không đủ 6 tháng thì là tiền lương bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động, thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp.
3. Thông tư số 58/2015/TT-BCA do Bộ Công an ban hành ngày 03/11/2015 quy định tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của lực lượng Cảnh sát cơ động ban hành. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.
Thông tư với các nội dung về trách nhiệm tuần tra, kiểm soát; đối tượng, trình tự tuần tra, kiểm soát; trang bị phương tiện của Cảnh sát cơ động…
Theo đó, lực lượng CSCĐ chỉ được kiểm tra, kiểm soát người, phương tiện, đồ vật, tài liệu khi có một trong các căn cứ sau:
- Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự.
- Có căn cứ cho rằng trong người, phương tiện có cất giấu đồ vật, tài liệu, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính (VPHC), nếu không khám ngay thì sẽ bị tẩu tán, tiêu hủy.
- Khi phát hiện ngườiphạm tội quả tang, đang bị truy nã, truy tìm.
4. Thông tư số 163/2015/TT-BTC do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 05/11/2015 sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 và bộ linh kiện ô tô, khung gầm đã gắn động cơ, có buồng lái thuộc Chương 98 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Thông tư có hiệu lực từ ngày 20/12/2015.
Theo đó, mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xe có động cơ dùng để vận tải hàng hóa thuộc nhóm 87.04 tăng so với trước. Cụ thể như sau:
- Tăng từ 30% lên 50% đối với xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 10 tấn nhưng không quá 20 tấn thuộc mã hàng 8704.10.25.
- Tăng từ 20% lên 50% đối với xe có tổng trọng lượng có tải tối đa trên 20 tấn nhưng không quá 24 tấn thuộc mã hàng 8704.10.26.
- Tăng từ 15% lên 20% đối với:
+ Xe thu gom phế thải có bộ phận nén phế thải thuộc mã hàng 8704.21.22, 8704.22.22, 8704.23.22…
+ Xe xi téc; xe chở xi măng kiểu bồn thuộc mã hàng 8704.21.23…
+ Xe chở bùn có thùng rời nâng hạ được thuộc mã hàng 8704.21.25, 8704.22.45, 8704.23.45…
+ Xe đông lạnh thuộc mã hàng 8704.22.21, 8704.23.21…
5. Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH của Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội ban hành ngày 22/10/2015 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 63/2015/NĐ-CP quy định chính sách đối với người lao động dôi dư khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Thông tư số 44 có hiệu lực từ ngày 10/12/2015. Thông tư quy định các nội dung sau cụ thể như sau:
- Xây dựng phương án sử dụng lao động khi sắp xếp lại công ty TNHH1TV do Nhà nước làm chủ sở hữu
+ Lập danh sách lao động tiếp tục được sử dụng ở công ty sau khi sắp xếp lại theo mẫu số 2 tại Thông tư số 44 trên cơ sở rà soát cơ cấu tổ chức, hệ thống định mức, các vị trí chức danh công việc trong từng tổ đội, phân xưởng, phòng, ban và định hướng chiến lược phát triển công ty sau khi sắp xếp lại.
+ Lập danh sách lao động nghỉ việc và chấm dứt HĐLĐ hoặc sẽ chấm dứt HĐLĐ theo Điều 36 của Bộ luật Lao động theo mẫu số 3 tại Thông tư 44/2015/BLĐTBXH.
+ Lập danh sách lao động không bố trí được việc làm ở công ty sau khi sắp xếp lại và phải chấm dứt HĐLĐ (danh sách người lao động dôi dư).
- Thời gian làm việc để làm căn cứ tính chế độ khi sắp xếp lại công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu
+ Thời gian làm việc có đóng bảo hiểm xã hội làm căn cứ tính khoản hỗ trợ khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước tại điểm c Khoản 1 và điểm b Khoản 2 Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP là thời gian tính hưởng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
+ Thời gian làm việc làm căn cứ tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, khoản tiền hỗ trợ khi thực hiện tái cơ cấu DNNN tại Khoản 4, 5 Điều 3 và trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc tại Điều 4 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP là thời gian người lao động đã làm việc thực tế tại công ty thực hiện sắp xếp lại trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian NLĐ đã được công ty sắp xếp lại chi trả trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp mất việc làm.
+ Trường hợp NLĐ chuyển đến làm việc tại công ty thực hiện sắp xếp lại trước ngày 01/01/1995 thì thời gian để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, khoản tiền hỗ trợ tại Khoản 4, 5 Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP bao gồm thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, khoản tiền hỗ trợ quy định tại Khoản 2 Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH và thời gian người lao động làm việc thực tế trong khu vực nhà nước trước đó.
- Tiền lương làm căn cứ tính chế độ khi sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước là tiền lương bình quân tháng đóng bảo hiểm xã hội của 05 năm cuối cùng trước khi nghỉ việc tại điểm b Khoản 1 Điều 7 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP được tính theo mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội ghi trong sổ bảo hiểm xã hội của người đại diện phần vốn của công ty.
6. Quyết định số 959/QĐ-BHXH do Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành ngày 09/09/2015 quy định về quản lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm xã hội, thẻ bảo hiểm y tế. Quyết định có hiệu lực từ ngày 01/12/2015.
Quyết định đã quy định mới về mức tiền lương tháng đóng BHXH, theo đó đối với Người lao động thực hiện chế độ tiền lương do đơn vị quyết định thì mức tiền lương tháng đóng BHXH là tiền lương ghi trong Hợp đồng lao động, cụ thể như sau:
- Từ 01/01/2016, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định pháp luật về lao động;
- Từ 01/01/2018, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định pháp luật về lao động.
Quy định trước đây chỉ là đóng BHXH trên mức tiền lương, tiền công hàng tháng ghi trên Hợp đồng lao động mà không quy định rõ đóng thêm các khoản phụ cấp lương hay khoản bổ sung khác./.
Kim Yến (Tổng hợp)