Thứ bảy, 21/12/2024

ho-chi-minh-chang-duong-9

Ảnh Tư liệu

Đồng chí Hoàng Quang Bình kể lại trong hồi ký “Bác Hồ ở Vân Nam”

… Cuối năm 1944 (âm lịch) một hôm vào khoảng 3 giờ chiều tôi đang cắt tóc cho khách thì thấy một ông già gầy ốm, râu đen, tóc đốm bạc bước vào. Tôi giật mình nhìn ra là đồng chí Trần. Tôi mừng quá, toan từ chối không cắt tóc cho mấy người còn ngồi đợi nữa. Nhưng Bác bảo cứ tiếp tục mà làm. Tôi miễn cưỡng cắt nốt cho họ, nhưng lòng không yên, cắt vội vàng. Mấy người khách nếu tinh ra ắt không đồng ý.

Tôi cắt tóc nhưng vẫn luôn luôn quay nhìn Bác. Bác ngồi trên ghế không nói năng gì. Vẻ mặt Bác mệt mỏi, da xanh xao, tái mét. Bác đội một cái mũ lính Tưởng sụp xuống che cả vùng trán rộng và mặc bộ áo cũng của lính Tưởng, rách vá nhiều chỗ. Đôi giày ở chân Bác cũng sờn rách và bết đất. Bác tháo chiếc tay nải màu chàm đặt bên cạnh mình. Đi với Bác còn có anh Nghĩa, nay là anh Phùng Thế Tài, tôi đã quen trước và một anh người Tày tên là Minh. Đó là hai đồng chí bảo vệ Bác, ăn mặc cũng rách rưới, vai cũng đeo tay nải và còn đeo thêm một cái ống nứa to.

Khách cắt tóc xong, tôi mời Bác lên gác. Gặp thằng Hải, Bác xoa đầu nó, khen nó lớn rồi.  Rồi Bác quay lại hỏi ngay tôi về tình hình Đảng, tình hình kiều bào, tình hình Hội Giải phóng của ta và tình hình bọn Quốc dân đảng ở Vân Nam.

Tôi báo cáo với Bác là cơ sở Đảng tốt, kiều bào rất hướng về Hội Giải phóng, Hội đã mạnh. Vì thế nên chính quyền Vân Nam làm khó dễ, đóng cửa Hội, đóng cửa tờ báo của Hội, theo dõi cán bộ.

Về tình hình Quốc dân đảng thì bọn Vũ Hồng Khanh đã giải tán Quốc dân đảng, lập mặt trận Việt Nam Cách mạng đồng minh Hội - Vân Nam phân hội để tranh giành quần chúng với ta. Tôi báo cáo thêm là chúng tôi không vào Hội ấy để dứt khoát phản đối chúng.

Bác nhận định ngay: Không vào là sai rồi. Tại sao không vào? Chúng mở cửa cho ta vào nắm quần chúng, sao ta lại quay đi? Chúng mở được Hội thì chúng có khả năng triệu tập quần chúng. Ta phải lợi dụng khả năng ấy. Phải vào mà biến tổ chức địch thành tổ chức ta.

Bác nghe báo cáo rồi, thấy Bác mệt, tôi đề nghị Bác đi nghỉ. Tôi hỏi thăm sức khỏe Bác, Bác bảo: “Ừ, hồi này có mệt. Không những mệt mà còn ốm nữa. Nhưng tình hình đang biến chuyển gấp, nên ốm mà vẫn phải lặn lội đi”.

Ở Vân Nam cũng có nạn đói, giặc cướp càng nổi lên như ong. Kẻ cướp phần lớn lại là tính Tưởng. Bác đi đường rất vất vả.

Anh Phùng Thế Tài nhân câu chuyện phàn nàn với tôi. Anh nói: “Bác yếu mà không chịu ăn gì, suốt dọc đường chỉ có ống thịt rang muối ớt này. Lúc nghỉ thì đi hái rau rừng nấu làm canh ăn”.

Bác giải thích: “Đường cách mạng còn dài, đoàn thể lại nghèo. Mình phải tằn tiện cho đoàn thể. Miếng ăn thì miễn sao còn sức hoạt động là được”.

Bác kể chuyện đi đường núi, tối đến không vào nhà trọ, tìm những nhà nông dân nghỉ nhờ. Nhà người ta chật chội, Bác và hai anh Tài và Minh phải quơ rơm, rải ổ nằm ngay bên cạnh ổ lợn. Đêm lợn ụt ịt suốt đêm và thỉnh thoảng lại lặc lè đi đến ngửi tay, ngửi chân, ngửi mặt.

 Một đêm cũng ngủ nhờ như thế, Bác bị sốt. Bác chỉ có một cái chăn dạ cũ, đã bợt hết tuyết. Cùng ngủ nhờ còn có một số người lạ mặt, trong đó cũng có một người sốt. Bác muốn chia tấm chăn với người ấy, nhưng sợ lộ bí mật nên lại thôi. Bác nằm không ngủ được. Bác tả hình dáng người đó và dặn tôi, nếu có gặp thì nói thế nào cho anh ta khỏi hậm hực trong lòng.

Bác nằm kể chuyện dưới ánh đèn lù mù ở một căn gác xép. Hai má Bác hóp lại, cặp mắt trũng sâu xuống. Chỉ có tia mắt vẫn sáng vui. Chăn của Bác rung rung. Bác vẫn chưa dứt cơn sốt dọc đường. Chòm râu Bác còn đen nguyên, nhưng mớ tóc lòe xòe gối trên chiếc tay nải đã có nhiều sợi bạc. Chúng tôi nghe chuyện, thương Bác quá! Sao Bác quan tâm đến mọi việc, mọi người đến thế!

Tôi hỏi Bác anh Kiên đâu? Bác lặng đi một lúc không nói được. Lâu lâu Bác mới nghẹn ngào: Chết rồi!

Nước mắt tôi cũng ứ trào lên, cổ họng như nghẹn tắt. Anh Kiên đối với tôi còn thân hơn ruột thịt. Anh dạy dỗ tôi nhiều, chỉ bảo cặn kẽ từng ly, từng tý, gợi cho tôi chí khí cách mạng, bày cho tôi cách hoạt động cách mạng. Anh Kiên chết. Tôi muốn hỏi anh chết như thế nào, chết bao giờ, ở đâu? Tôi rất tha thiết muốn biết những điều đó nhưng thấy Bác thương cảm, tôi không dám hỏi, sợ Bác đau lòng.

Bác ở lại Y Liêng độ một tuần. Tuy Bác còn rất mệt, Bác cũng bảo tôi triệu tập anh em công nhân đến để Bác nói chuyện. Lần này Bác gặp anh em Bác rất niềm nở, không im lặng như trước.

Bác nhận định: “Tình hình mới của cách mạng bây giờ cần chuyển hoạt động về trong nước. Lực lượng chủ yếu để giải phóng dân tộc cũng là lực lượng trong nước. Ngoài này là phụ. Đồng chí nào về nước được thì nên về. Đồng chí nào không về được thì ở bên này, tiếp tục ủng hộ Trung Quốc kháng Nhật vận động kiều bào đoàn kết, cùng các tổ chức quần chúng cứu quốc. Ở ngoài này bây giờ đang gặp hoàn cảnh khó khăn, các đồng chí phải tùy thời cơ mà hoạt động cho khéo, nghĩ cho chín chắn, làm cho chín chắn. Hội giải phóng có phức tạp, phải củng cố đoàn kết cho tốt”.

 Bác lại nói chuyện Pháp thế nào, Nhật thế nào, cách mạng đang tiến triển thế nào. Bác nói đường sắt bị bóc rồi, anh em đang thất nghiệp, đang gặp khó khăn, nhưng tương lai của Tổ quốc rất sáng sủa.

Lần này Bác đi Côn Minh. Lúc ở Y Liêng đi, Bác vẫn còn mệt, tôi tiễn Bác ra ga. Nửa đường Bác bảo tôi nên về, không cần đi tiễn. Tôi về nhà thấy Bác còn quên quyển sổ tay nhỏ bằng khổ một gói thuốc lá. Hiện tượng Bác để quên sổ chứng tỏ Bác yếu hết sức. Trước Bác không quên cái gì bao giờ. Tôi nghĩ có thể là một quyển sổ tay quan trọng, nên chạy hộc tốc ra ga để trao trả Bác. Bác lên tàu chúng tôi còn đứng ở sân ga nhìn theo..."

Đồng chí Tống Minh Phương kể - Bác Hồ ở Côn Minh

"...  Cuối năm 1944, Hồ Chủ tịch từ trong nước có việc sang Côn Minh. Bác sống ở nhà tôi trong mấy tháng. Mãi mãi sau này tôi vẫn nhớ những ngày được gặp Bác lần ấy. Bây giờ ngồi kể lại, tôi cứ bồi hồi như đang nâng niu trong tay vật gì thiêng liêng quý báu lắm, chỉ sợ sểnh tay không giữ được trọn vẹn. Tôi chỉ sợ nhớ không được hết, ghi không được đúng hình ảnh Bác trong những ngày đầy ánh sáng ấy của đời tôi.

 Bác tới vào một buổi chiều mùa Đông. Cảm giác đầu tiên của tôi là thấy Bác gầy quá. Đôi mắt Bác vẫn trong sáng, hiền từ như thế, nhưng đôi gò má của Bác cao lên. Da Bác không được đỏ đắn, tóc Bác đã bạc nhiều... Bác mặc một bộ quần áo nhuộm chàm phai màu; trời rét, Bác khoác thêm một cái áo bông ngắn sờn vai. Lúc tới, Bác đi đất, đầu đội một cái mũ vải cũng nhuộm chàm.

Nhà tôi là một tiệm cà phê. Hồi ấy tôi chưa được tham gia tổ chức, mới còn là một người cảm tình, nhà tôi là một cơ sở hoạt động của Đảng ở Côn Minh. Tôi thu xếp mời Bác nghỉ trong một căn buồng trên gác, một căn buồng chật hẹp, chỉ đủ kê một cái giường để Bác nằm và một cái bàn để Bác làm việc, nhưng có một khung cửa sổ nhỏ. Thu xếp xong chỗ nghỉ cho Bác, chúng tôi soạn lại hành lý của Bác. Việc này phải nhờ mấy anh cùng đi với Bác - anh Phùng Thế Tài và một đồng chí tên là Minh. Thực ra cũng chẳng có gì mà soạn. Hay nói cho đúng, những thứ Bác mang theo đều nên bỏ, đều nên thay cả, kể từ cái khăn mặt đến cái ống đựng thịt muối ớt. Cái khăn mặt của Bác nhuộm chàm bạc thếch đã rách gần hết. Đôi giày của Bác mang theo càng rách hơn, Bác đi đến nỗi lòi cả chân ra. Còn ống thịt muối? Hai anh Phùng Thế Tài và Minh ngày ấy còn rất trẻ. Các anh mở lắp ống thịt muối ra, lắc đầu kể lại cho chúng tôi nghe về “món thịt”, vì thực tình đến chín phần muối mới có một phần thịt. Dọc đường vượt biên giới, mỗi ngày đi bộ, đến nơi phải nấu ăn, người nấu niêu cơm, người đi hái rau rừng, một thìa muối thịt ấy bỏ vào nấu với rau rừng là thành canh. Hành lý của Bác, đáng kể nhất chính là ống thịt muối ấy. Nhưng cả ống thịt muối chúng tôi cũng muốn bỏ đi, khi nào Bác về sẽ làm ống khác.

Bác không cho làm thế, không cho vứt bỏ thứ gì cả, Bác bảo: Đồng bào, các đồng chí ở nhà còn khổ, những thứ ấy vẫn còn dùng được. Nhất là ống thịt muối, không lên phí phạm. Cùng lắm, Bác mới cho mua cái khăn mặt và vì công việc cần thiết Bác mới cho mua đôi giày vải. Lúc nhà tôi đi mua, Bác còn dặn mua đôi ít tiền bằng vải thường thôi. Chiếc khăn mặt mua về, Bác lại đem nhuộm xanh, còn đôi giày vải, Bác phê bình nhà tôi vì đã mua một đôi loại kha khá.

Đường xa lâu ngày, lại lội suối, leo núi, Bác tới nơi thì rất mệt. Tuy ốm sốt nhưng Bác không cho đưa đi bệnh viện, sợ có những việc bất trắc. Bác chỉ cho nhà tôi mua vài uống thuốc tiêm; rồi hằng ngày tiêm cho Bác. Cũng may sao, chỉ một tuần sau, Bác bình phục và bắt tay vào công việc.

Thời gian Bác lưu lại Côn Minh khoảng gần ba tháng. Suốt ba tháng nghỉ, sinh hoạt hàng ngày của Bác rất nền nếp, đều đặn. Chúng tôi bảo nhau có thể cứ xem lúc nào Bác làm gì là biết mấy giờ, không cần phải xem đồng hồ.

Ngoại ô Côn Minh có những con mương dẫn thủy nhập điền, hai bên bờ mương trồng những rặng thông dài, cao vút. Hàng ngày, Bác dậy từ 5 giờ sáng, ra đấy để tập thể dục. Bác chạy mãi dọc theo rặng thông, lượt trở về, Bác vừa đi, vừa thở... Hôm nào đến 7 giờ sáng, Bác cũng xuống giúp đỡ cửa hàng. Cửa hàng của tôi thường đông khách nhất vào buổi ăn sáng, mấy anh em tôi tất bật không kịp. Bác xuống đứng đỡ ở tủ bánh mì, bán  giúp chúng tôi cho đến lúc thưa khách. Khách mua bánh mì, hàng ngày, lâu dần đến quen mặt, họ xì xào với nhau: “không biết Minh Phương tìm đâu được về người cha già phúc hậu thế”.

Thấy Bác gầy quá, chúng tôi muốn chăm lo thức ăn hàng ngày cho Bác, nhưng Bác chả ăn gì. Mỗi sáng, nồi sữa tươi đun lại, nhà tôi hớt lấy váng múc một cốc mời Bác. Bác dần dần khỏe ra, chúng tôi rất sung sướng nhìn cánh tay Bác rắn chắc. Anh Minh cùng đi với Bác kể chuyện lại có thời kỳ Bác luyện võ, Bác đẽo một hòn đá tròn vừa tay nắm, cứ thế hằng ngày Bác bóp hòn đá trong tay thật mạnh như muốn bóp vỡ ra, đôi khi cả trong lúc làm việc... Những ngày ở Côn Minh, Bác còn luyện tay nắm đá nữa, nhưng nhìn cánh tay Bác, chúng tôi rất mừng.

Trong thời gian này, nhiều lần Bác và chúng tôi dậy từ 4 giờ sáng, Bác  nói chuyện về tình hình, Bác dạy dỗ chúng tôi về đạo đức cách mạng, Bác tiếp xúc với kiều bào, với chính khách; Bác chơi đùa với các cháu thiếu nhi. Có những cháu, Bác chỉ gặp một lượt nhưng ba năm sau, một lần gặp tôi còn nhớ tên hỏi xem cháu đã lớn chừng nào.

Những ngày rảnh việc, chúng tôi mời Bác đi thăm phong cảnh Côn Minh. Đi xa hơn 10 cây số, Bác vẫn đi bộ, từ chối cả ô tô hàng, cả xe ngựa. Có lần chúng tôi mời Bác đi thăm chùa Hoa cách Côn Minh bốn cây số; ở đấy có ngôi chùa cổ, có cả khu vườn rộng mấy mẫu đất, trồng đủ hàng trăm thứ hoa, mùa nở rộ, rực rỡ như cảnh tiên. Lại có lần chúng tôi mời Bác đi thăm chùa Đồng, thăm Hắc Long Đàm, cách Côn Minh hơn 10 cây số. Đó là một cái đầm rộng người ta đồn đại rằng ngày xưa có con rồng đen xuống tắm. Ở đây cũng có ngôi chùa, lại có gốc thông cổ thụ lớn hàng bốn tay ôm. Bác nghỉ trưa tại đây, dưới gốc thông, Bác ăn cơm nắm với chúng tôi rồi Bác tìm một gốc cây có cành xòa xuống mặt đầm, ken nhau như mắc võng Bác ngả lưng nghỉ trưa. Chúng tôi nhìn Bác nằm, bình dị lạ thường, nhưng trong sự bình dị ấy lại thấy cả một tấm gương sáng của sự rèn luyện, của một ý chí lượng toát ra từ trong từng việc rất nhỏ. Sau ngót ba tháng làm việc ở Côn Minh, Bác lại lên đường về nước, chúng tôi lại làm một ống thịt muối y như cái ống của Bác khi ra đi...

Những kỷ niệm ngoại giao sâu sắc với Bác Hồ - Hoàng Quốc Việt kể

Bác Hồ tới Côn Minh vào tháng 2 năm 1945. Đến Côn Minh, Bác ở nhà anh Tống Minh Phương và vợ anh là chị Trần Thị Việt Hoa, một cơ sở cách mạng của ta. Lúc này trong nước nhân dân ta đang gấp rút chuẩn bị tiến lên Tổng khởi nghĩa, thì ở Côn Minh, Bác mở “mặt trận ngoại giao”, trước hết với Mỹ. Qua phân tích, Bác thấy rằng lúc này đang cần phải tranh thủ Mỹ. Lợi dụng kẻ thù này đi đánh kẻ thù kia là một trong những kế sách của Bác. Vì vậy, Bác quyết định tiếp tướng Claiơ Sênôn, Tư lệnh trưởng Bộ Tư lệnh Không quân 14 của Mỹ tại Trung Quốc. Làm việc này, Bác muốn tranh thủ những người có thể tranh thủ. Quan điểm ngoại giao của Bác bao giờ cũng hết sức rõ ràng. Để chuẩn bị cho cuộc tiếp tướng Claiơ Sênôn, Bác gặp Sáclơ Phen, người phụ tá của tướng Claiơ Sênôn. Cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa Sáclơ Phen và Bác vào ngày 17/03/1945. Sau đó, ngày 20/03/1945, Bác và Sáclơ Phen gặp nhau lần thứ hai tại hiệu cà phê của gia đình anh Tống Minh Phương ở phố Chinpi, Côn Minh. Cuộc gặp gỡ lần thứ ba vào ngày 23 tháng 3 năm 1945, tại một cửa hiệu ở Côn Minh. Bác tiếp Sáclơ Phen để bàn về chương trình làm việc giữa Bác và tướng Claiơ Sênôn.

 Trước khi gặp tướng Claiơ Sênôn, gia đình anh Phương mua sắm cho Bác chiếc áo lông và đôi giày mới. Ngày 29 tháng 3 năm 1945, Bác gặp tướng Claiơ Sênôn. Tiếp Bác, Sênôn mặc quân phục đại lễ với tất cả các loại huân chương mà ông ta được thưởng. Khi gặp Bác, Sênôn lúng túng vì không có phiên dịch. Bác bảo không cần, rồi nói chuyện với Sênôn bằng tiếng Anh rất lưu loát, làm ông ta hết sức ngạc nhiên. Viên tướng Mỹ cảm ơn Bác và Việt Minh  đã cứu thoát, chăm sóc hết sức tử tế viên phi công. Bác nói đây là bổn phận của những người Việt Nam chống phát xít. Họ có thể làm tất cả những gì trong phạm vi khả năng làm được để giúp đồng minh. Bác hỏi Sênôn rằng phi công Shaw hiện giờ ở đâu hỏi. Sênôn trả lời: “Shaw đã lên đường về Mỹ. Trước khi lên máy bay anh ta gửi lời cảm ơn ngài. Sênôn trao cho Bác thuốc chữa bệnh và tiền tặng những người Việt Nam đã cứu sống phi công của họ. Bác nhận thuốc,  hoàn lại tiền. Tướng Sênôn, một con người có bộ mặt rất nghiêm khắc, hiếm thấy nụ cười trên môi ông ta. Vậy mà khi tiếp Bác, ông ta luôn vui vẻ, hòa nhã.

Vài ngày sau, viên tướng Mỹ lại xin gặp Bác. Ông ta sai Sáclơ Phen đi ô tô đến tận nhà anh Phương để đón Bác. Tới nơi, họ mở cửa lớn đón Bác vào. Tưởng phía Mỹ bàn với Bác chuyện gì, hóa ra họ đề nghị Bác làm việc cho họ. Nói đúng tim đen là họ muốn mua chuộc Bác, vì lúc ấy có lẽ họ chưa biết Bác là Hồ Chí Minh. Sau này, Bác kể lại, Bác đã trả lời đại ý là: Chúng tôi không phải người đi làm thuê. Chúng tôi là người cách mạng. Chúng tôi đánh Nhật, đồng minh cũng đánh Nhật. Chúng tôi giúp đồng minh thi đồng minh phải giúp chúng tôi. Chúng ta bình đẳng với nhau. Còn nhiệm vụ cách mạng, chúng tôi cứ làm. Trước những lời lẽ cứng rắn của Bác, họ không dám giở trò mua chuộc nữa chỉ đề nghị Bác giúp đỡ cho một trạm cấp cứu các phi công đồng minh ở Đông Dương khi bị nạn. Bác đồng ý. Tướng Sênôn giao cho Sáclơ Phen thực hiện kế hoạch này. Vấn đề chỉ có thế, vậy mà kẻ xấu đồn rằng Bác bị tình báo Mỹ lợi dụng.

Người Mỹ ở Côn Minh mở tiệc chiêu đãi Bác. Trong bữa tiệc, Bác kể tiểu sử của Oasinhtơn và Linhcôn, những người có công giải phóng nước Mỹ và giải phóng người nô lệ da đen ở Mỹ. Họ không ngờ rằng, một vị đại diện của Việt Minh lại am hiểu sâu sắc những chính khách của nước Mỹ đến như vậy. Dự tiệc xong, trở về nhà, Bác triệu tập một số bà con Việt kiều có tâm huyết với nước, hiện đang ở Côn Minh lại, nói rõ cho bà con biết vì sao ta lại tạm thời bắt tay với Mỹ? Vấn đề là ở chỗ thu hút lực lượng chống Nhật - Pháp. Bác hỏi ý kiến bà con: Phía Mỹ mời tiệc ta, ta có nên đáp lại không? Bà con đồng thanh nhất trí đáp lại phía Mỹ bằng bữa cơm Việt Nam. Anh Phương và chị Hoa xung phong đứng ra tổ chức bữa tiệc. Hôm sau, mọi người bắt tay vào việc chuẩn bị làm tiệc. Tiệc được tổ chức ngay tại nhà anh Phương. Nhờ những bàn tay khéo léo của các chị, bữa tiệc được tổ chức khá chu đáo. Nhìn các món ăn, Bác bằng lòng lắm, nói vui: ''Cơm ta chẳng kém gì cơm tây''. Năm phái viên cao cấp của Mỹ đã đến dự tiệc. Về phía ta, ngoài Bác ra, có khoảng dăm người, trong đó có anh Phương, chị Hoa. Bác đón tiếp phái đoàn Mỹ hết sức nồng hậu. Do tài ngoại giao khéo léo của Bác, những người Mỹ dự tiệc đều tuyên bố sẵn sàng ủng hộ Việt Minh để đánh Nhật. Tiệc tan, Bác tiễn họ ra tận ô tô, rồi quay trở vào nói với anh em: “Bữa tiệc đã thành công, đạt được mục đích của ta”.

Những ngày ở Côn Minh, tuy sống trong hoàn cảnh ngặt nghèo, Bác lúc nào cũng giữ phong độ ung dung. Sáng nào Bác cũng dậy sớm, tập thể dục dưới những rặng thông. Ăn sáng xong, Bác giúp gia đình anh Phương làm một số công việc, sau đó, mới đi làm nhiệm vụ. Vốn là người rất yêu quý thiên nhiên, những lúc rảnh rỗi, Bác thường đi xem phong cảnh đẹp ở Côn Minh. Một hôm, Bác bảo anh Phương rằng, nghe nói vùng Kim Diện này có phong cảnh tuyệt đẹp, những lăng tẩm, đền đài, miếu mạo dựng lên từ thời Minh. Bác muốn đi. Anh chị Phương định thuê một chiếc xe ngựa để Bác đi. Bác không đồng ý, nói: ''Xa mấy dặm mà phải đi xe ngựa. Cuốc bộ thôi. Ở trong nước, anh em mình đi hoạt động toàn phải leo đèo, lội suối, vẫn chịu được huống chi chúng ta. Nên dành tiền gửi về giúp nước''. Nói xong, Bác làm ''tiên phong'', mọi người bước theo Bác. Trên đoạn đường 10 cây số, từ phủ Côn Minh đến Kim Diện, vừa đi Bác vừa kể chuyện rất vui.

Ở Côn Minh, Bác đã dự kiến Nhật có khả năng sẽ đảo chính Pháp. Điều này được biểu hiện rất rõ qua câu chuyện ''Đổi tên biển quảng cáo''. Gia đình anh Phương mở hiệu cà phê, lấy tên là ''Đông Dương'', viết bằng tiếng Anh. Bác bảo nên thay nó bằng tiếng Pháp và lấy tên mới là “Tân Nam”. Gia đình anh Phương không hiểu ý Bác, nhưng vẫn làm theo Bác, đem hạ tấm biển bằng tiếng Anh xuống và trương tấm biển bằng tiếng Pháp lên. Quả nhiên, sau ngày 9-3-1945 Nhật đảo chính Pháp, lính Pháp chạy toán loạn sang Côn Minh. Vì chưa hết sợ, lính Pháp cứ chọn cửa hiệu nào viết bằng tiếng Pháp mới dám vào, vì chúng nghĩ rằng, viết tiếng Pháp có nghĩa thân Pháp. Vì vậy, hiệu cà phê ''Tân Nam'' của gia đình Tống Minh Phương được một phen “no khách” toàn lính Pháp. Số tiền lớn thu được qua bán cà phê, anh chị Phương đã dành dụm gửi về giúp cách mạng trong nước.

Sau khoảng hai tháng ở Côn Minh, Bác lên đường đi Quảng Tây rồi chuẩn bị về nước. Trong buổi chia tay với gia đình anh chị Phương và bà con Việt kiều ở Côn Minh, Bác căn dặn: Ở nước ngoài không được làm đặc vụ cho bất cứ một nước nào. Bọn Mỹ, Anh, Tưởng đều muốn Việt kiều ta làm tình báo cho chúng. Ta phải kiên quyết từ chối. Ở bên này, bà con cần cưu mang, đùm bọc nhau, phải vận động bà con ủng hộ trong nước. Làm bất cứ việc gì cũng phải có lập trường vững vàng, như thế mới làm cách mạng được. Bác nói chỉ ngần ấy lời mà chứa đựng cả tâm huyết của một con người suốt đời vì nước vì non, một con người toàn tâm toàn ý phụng sự cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Mọi ý nghĩ, việc làm của Bác đều hướng về Tổ quốc. Tạm biệt bà con Việt kiều, Bác lên xe ô tô ra sân bay Côn Minh. Máy bay Stinson L-5 Sentinel của lực lượng không quân 14 của Mỹ tại Trung Quốc, cất cánh, đưa Bác sang Liễu Châu, tỉnh Quảng Tây. Tại Liễu Châu, tháng 3-1944, Bác dự Đại hội Quốc tế chống xâm lược. Trong lúc trò chuyện với các đại biểu, Bác nói: Lịch sử chống xâm lược của dân tộc chúng tôi “vừa oanh liệt lại vừa bi tráng”. Nó dạy cho chúng tôi biết rằng, ''lãnh thổ Việt Nam tuy bị dìm đắm dưới gót giầy của quân xâm lược, nhưng tinh thần dân tộc của nhân dân Việt Nam vĩnh viễn không thể vì thế mà bị tiêu diệt''. Nó để lại cho chúng tôi một bài học là: ''Thiếu một sức mạnh nhất trí của cả nước, thiếu sự giúp dỡ mạnh mẽ của bên ngoài, thì cuộc vận động giải phóng khó mà thành công được, nhất là hiện nay chúng tôi đang đứng trước hai tên cướp xâm lược hung ác nhất của phương Đông và phương Tây''. Tại Liễu Châu, Bác gặp các bạn Việt Nam trong Đồng minh Hội. Lúc này, tại Liễu Châu, Việt Nam Cách mạng Đồng minh Hội bị tan tác sau khi Nhật đánh chiếm, chỉ còn khoảng 100 người. Cơ quan của Hội phải chuyển về Bách Sắc. Nhiều người lãnh đạo của Hội không còn ở đây. Nguyễn Hải Thần bị giam một nơi gần biên giới Trung - Việt và đang tìm cách liên hệ với Nhật. Nguyễn Tường Tam ở Vân Nam với Quốc dân Đảng của ông ta. Một số người trong Đồng Minh Hội ở Quảng Tây tiếp Bác có phần dè dặt. Tuy không phản đối ra mặt, nhưng gây khó dễ cho Bác. Vì vậy, Bác quyết định đi Tĩnh Tây, một huyện cũng thuộc tỉnh Quảng Tây, gần biên giới Trung Việt, và từ Tĩnh Tây, Bác đi bộ về nước./.

Đức Hiếu (Tổng hợp)

Bài viết khác: