Ông E.P.Glazunov nguyên là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Đông Dương Đảng Cộng sản Liên Xô, Chủ tịch Hội Hữu nghị Nga - Việt. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, ông nhiều lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt còn trực tiếp dịch trong các cuộc gặp giữa Đại sứ Liên Xô X.A.Tốpmanxia và Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch. Xin lược trích hồi ký của ông E.P.Glazunov về những lần gặp Người.
… Theo thông lệ cuộc gặp gỡ bao giờ cũng ở Phủ Chủ tịch. Mở đầu là những câu chuyện hội đàm chung, sau đó chuyển sang phòng chiếu phim, chiếu phim tài liệu của Việt Nam, Liên Xô hoặc quốc tế, thông thường có rất nhiều trẻ em cùng xem phim. Hồ Chí Minh khi xem phim thì bình luận, trao đổi với Đại sứ những cảnh quay trong phim, hoặc nói chuyện với các em thiếu nhi về bộ phim. Khoảng 15 - 20 phút phim kết thúc, Bác Hồ đề nghị chuyển sang phòng khác, thông thường lúc đó chỉ có Đại sứ với Hồ Chủ tịch cùng đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Hoàng Lương. Chủ tịch Hồ Chí Minh thông báo cho Đại sứ các vấn đề của Việt Nam, nghe Đại sứ thông báo tình hình Liên Xô. Tôi không thể nhớ hết nội dung các cuộc đối thoại ấy, chỉ nhớ nó mang tình anh em thân thiện. Mặc dù buổi trao đổi rất nghiêm túc, nhưng Bác thường vui vẻ và thân thiện.
Bác Hồ nói chuyện với nhân dân Liên Xô
Trong quá trình làm việc, thỉnh thoảng Bác lại hỏi tôi những câu hỏi rất đời thường như: Công việc thế nào, cuộc sống ra sao? Đại sứ thì hỏi Hồ Chí Minh tôi phiên dịch thế nào... Một lần Bác Hồ hỏi tôi về văn hóa nghệ thuật Việt Nam. Bác hỏi tôi đã đọc sách của các nhà văn Việt Nam chưa, tôi trả lời có quyển đọc rồi, có quyển chưa. Đại sứ không biết tiếng Việt, ông rất căng thẳng, không hiểu tôi và Chủ tịch Hồ Chí Minh nói những chuyện gì. Đại sứ lo lắng khi thấy đồng chí Phạm Văn Đồng và Thứ trưởng Hoàng Lương cười, không biết có phải cười mình không. Tôi cũng rất lo lắng và hỏi Hồ Chủ tịch có được phiên dịch những câu nói của tôi với Hồ Chủ tịch cho Đại sứ nghe không, Bác Hồ nói: Anh cứ tiếp tục nghe và trả lời, tôi sẽ tự phiên dịch cho Đại sứ. Sau khi cuộc nói chuyện kết thúc, Bác Hồ tự nói chuyện với Đại sứ Tốpmanxia bằng tiếng Nga...
Tôi muốn kể về lần gặp gỡ Hồ Chủ tịch trong buổi tiếp các chuyên gia nước ngoài ở Câu lạc bộ Quốc tế. Tháng 8.1962, kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Phủ Chủ tịch, Hồ Chủ tịch đi dạo với các đồng chí lãnh đạo trong khuôn viên Phủ Chủ tịch, mọi người có trách nhiệm thông báo với Hồ Chủ tịch đã đến giờ bắt đầu buổi lễ. Hồ Chủ tịch cầm micro nói bằng các thứ tiếng: Việt, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, mời mọi người vào phòng, mọi người vỗ tay đồng ý. Trong buổi lễ đó, Người đã đến và mời tôi nâng cốc chúc mừng Ngày Quốc khánh, lúc đó cốc của tôi chưa có rượu. Bác rót rượu cho tôi, tôi rất lo lắng và hồi hộp vì một nhân viên bình thường ở Sứ quán được Chủ tịch Nước quan tâm. Hồ Chủ tịch hỏi tôi:
- Cháu làm gì ở đây?
Tôi trả lời:
- Tôi là cán bộ Sứ quán.
Bác Hồ nói:
- Còn tôi là Chủ tịch Nước, cán bộ bình thường thì phải tuân lệnh Chủ tịch Nước.
Thế là Bác Hồ rót rượu mời tôi uống.
Đứng xung quanh có đồng nghiệp của tôi ở Sứ quán, trong đó có một phóng viên người Nga đùa tôi là sẽ đưa thông tin anh gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh về Moscow. Đó là ví dụ cụ thể về cách Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp xúc với mọi người, ai Người cũng quan tâm, chú ý. Thông thường những người có cương vị cao như Bác Hồ, khi gặp gỡ những người bình thường như tôi người ta hay quên, riêng Bác thì không, đến lần gặp gỡ sau, Bác coi tôi như một người quen, hỏi tôi về gia đình, vợ con, về mọi người trong gia đình tôi, về công việc... Lần gặp sau, khoảng tháng 5 năm sau đó, tôi được gặp Bác trong dịp mừng chiến thắng Phát xít. Người đến và phát kẹo cho thiếu nhi, sau đó đến hỏi tôi: - Cháu thế nào, có khỏe không?
Tôi muốn nói là tôi vô cùng kính trọng Bác Hồ, Người không chỉ là một nhà chính trị kiệt xuất, mà Người là con người có những phẩm chất rất tuyệt vời. Trải qua rất nhiều năm, tên tuổi Hồ Chí Minh vẫn được mọi người nhớ và kính trọng. Hồ Chí Minh đặt nền móng cho mối quan hệ giữa Việt Nam và Liên Xô, tên tuổi Người chắc chắn sẽ được nhắc đến vì Người đã đưa ra sáng kiến thành lập hội Hữu nghị Xô - Việt và Nga - Việt hiện nay. Không chỉ là kiến trúc sư cho tình hữu nghị giữa nhân dân hai nước, Người còn xây dựng mối quan hệ trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa… giữa Việt Nam và Liên Xô. Điều đó càng khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có chỗ đứng vững chắc trong lòng người dân Xô Viết cũng như người Nga hiện nay, mặc dù qua bao biến đổi của thời gian và chính biến.
Theo quan điểm của chúng tôi, Liên Xô cũng như nước Nga cần nói lời cám ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, bởi Người chính là cầu nối quan trọng giữa nhân dân Liên Xô với Việt Nam. Trước Cách mạng tháng Tám, Việt Nam chưa có trên bản đồ chính trị thế giới, mà lúc đó là thuộc địa của Pháp. Bác Hồ đến Liên Xô từ năm 1923, độc giả Liên Xô đã biết về đất nước Việt Nam qua các bài báo, tác phẩm của Bác. Người tham gia Đại hội Quốc tế Nông dân, tham gia Đại hội VI, VII Quốc tế Cộng sản, làm cho mọi người biết về Việt Nam. Người đã quảng bá cho đất nước Việt Nam trên trường quốc tế. Hồ Chí Minh còn là một nhà Mácxít xuất sắc. Người luôn nói Người là học trò của Lênin, bởi vì Người đã vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam...
Tôi xin nhắc lại lời một phụ nữ Đảng Cộng sản Tây Ban Nha Đôraret Inbarurin khi được biết Hồ Chủ tịch qua phiên họp của Quốc tế Cộng sản. Bà gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh là con người huyền thoại. Hồ Chủ tịch chính là con người huyền thoại, nhà yêu nước vĩ đại, một nhà Mácxít Lêninnít. Quan điểm của riêng tôi, Hồ Chí Minh đã có những đóng góp quan trọng trong phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới./.
Hoa Đình Nghĩa lược ghi
Thu Hiền (st)