Thứ bảy, 21/12/2024

Thời gian mà Chủ tịch Hồ Chí Minh sống và làm việc ở Hà Nội từ cuối tháng Tám, năm 1945 đến khi Người qua đời, vào 9 giờ 47 phút sáng ngày 02/9/1969 là 24 năm nhưng không liên tục. Khi toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Người và cơ quan đầu não của Trung ương Đảng, của Chính phủ đã rời Hà Nội về căn cứ địa cách mạng ở Việt Bắc. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại ở miền Bắc, ngày 01 tháng 01 năm 1955, đồng bào Hà Nội, thay mặt cả nước hân hoan chào đón Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ trở về Thủ đô. Cho đến lúc qua đời, thời gian Người sống và làm việc tại Hà Nội chỉ trong khoảng 15 năm. Đó là khoảng thời gian Hà Nội cùng cả nước chứng kiến những quyết định trọng đại của Người, in dấu ấn vào những bước ngoặt lịch sử của Đất nước và Dân tộc. Bản Di chúc của Người đã tròn 1/2 thế kỷ kể từ khi Người viết những dòng đầu tiên.

Đã 46 năm trôi qua, kể từ phút giây Người đi xa và đồng bào Hà Nội cùng cả nước đau đớn vĩnh biệt Người.

“Như thế, Người đi, phút cuối cùng

Nhẹ nhàng thanh tịnh rất ung dung

Lời Di chúc gửi êm bên gối

Quên nỗi mình đau để nhớ chung”

                                                          (Tố Hữu).

Tất cả đã đi vào ký ức thiêng liêng của lịch sử. Tình thương yêu của Người với đồng bào, đồng chí, với nhân dân - dân tộc và nhân loại đã từng được biết đến, mãi mãi được nhắc đến như huyền thoại về một tình yêu.

Phút lâm chung, vẫn nguyên vẹn sự minh mẫn của bậc vĩ nhân và cốt cách hiền triết Á Đông, đậm bản sắc dân tộc Việt Nam, Người cầm tay Thủ tướng Phạm Văn Đồng mà thường ngày Người vẫn gọi trìu mến là “chú Tô” và hỏi: “hai Giáp có phải không chú?”.

Ấy là Người nhớ rằng, lễ mừng Quốc khánh lần thứ 24 là năm chẵn, hãy đốt pháo hoa cho dân chúng mừng. Mọi năm vào ngày lễ trọng - mùa Thu Tháng Tám, đồng bào Hà Nội vẫn hân hoan chào đón Người, lắng nghe tiếng nói ấm áp của Người. Trong nắng sớm mùa Thu và rợp trời cờ đỏ sao vàng, đi giữa Quảng trường Ba Đình lịch sử, đồng bào Hà Nội ai cũng ngước nhìn lên lễ đài để được nhìn rõ ánh mắt, nụ cười của Người, để nhận từ đó, sự ấm lòng và niềm tin yêu, hy vọng. Vậy mà, Quốc khánh lần thứ 24, lần đầu tiên, người dân Thủ đô không được nhìn thấy Bác Hồ trên lễ đài như bao năm trước. Nào có ai hay, Bác đã ra đi vĩnh viễn, trở về với thế giới người Hiền, sau những cơn đau quặn thắt đáy lòng. Từ 9 giờ 47 phút sáng ngày 02/9/1969, thời gian như ngừng trôi. Suốt những ngày tang lễ, “đời tuôn nước mắt trời tuôn mưa”, Hà Nội và cả nước dường như vỡ òa trong tiếng khóc. Bạn bè khắp năm châu bốn biển cùng đau nỗi đau không gì có thể đền bù cùng dân tộc và nhân dân Việt Nam. Vì dân tộc độc lập mà Người đã trọn đời tranh đấu, vì nhân dân phải được tự do và sống trong hạnh phúc mà Người đã hy sinh, dâng hiến và hóa thân.

Ngôi nhà sàn đơn sơ, giản dị Người đã ở, trọn một đời giường đơn chiếu mộc, cũng trọn một đời không một giấc ngủ yên. Gần đó, “nhà 67”, Người đã ở những ngày cuối cùng và tại nơi đây, trên giường bệnh, giữa những cơn đau, Người vẫn hằng mong tin chiến thắng báo về từ miền Nam - miền Nam luôn ở trong trái tim Người. Nghe tin đê vỡ, lũ lụt tràn về, Người hỏi trong hơi thở gấp: Đê vỡ ở đâu? Có kịp sơ tán dân đi chưa? Người còn hỏi, sắp đến ngày khai trường rồi, các chú chuẩn bị trường, lớp, sách vở cho các cháu đến đâu rồi?

Hãy nhớ lại 46 năm về trước, những ngày chiến tranh ác liệt, đời sống căng thẳng, công việc bộn bề, Người lâm bệnh nặng. Biết rằng sinh tử là quy luật của muôn đời, không ai tránh được, Người vẫn cố chờ đợi miền Nam, dù linh cảm đã mách bảo Người, đó là điều không thể.

Trong Di chúc, Người đã dặn lại chúng ta, nếu như khi tôi đã qua đời mà miền Nam vẫn chưa được giải phóng thì xin gửi lại một ít tro xương cho đồng bào miền Nam. Ta thấu hiểu nỗi đau của Người, biết rõ nỗi đau ấy trên từng nét chữ. Trong lần cuối cùng sửa Di chúc giữa ngày tháng năm sinh nhật, nét bút đỏ của Người gạch chữ “xương” đi, để lại chữ “tro” và dặn lại: tro thì chia vào ba hộp sành, cho miền Bắc một hộp, miền Trung một hộp, miền Nam một hộp, tìm đồi cao mà chôn xuống cho đỡ tốn đất ruộng.

Người nghĩ tới dân, thương nông dân, để đất ruộng cho nông dân, dặn miễn thuế nông nghiệp cho bà con trong các hợp tác xã, ngay sau ngày giải phóng miền Nam. Trước lúc ra đi, Người muốn nghe một câu hò Huế, một làn điệu dân ca xứ Nghệ và muốn được uống một ngụm nước dừa. Ở đời, không ai có thể sống mãi và “sinh có hạn, tử bất kỳ”, đó là lẽ thường, cũng là điều nghiệt ngã của số phận - cái hữu hạn của sự sống cá thể. Vậy mà, với Hồ Chí Minh, Người không chỉ vượt lên nỗi đau, “quên nỗi mình đau để nhớ chung”, không chỉ cố chờ đợi đến ngày toàn thắng, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước - dù không thể chờ được - mà Người còn cố chờ đến ngày Quốc khánh với một nỗi niềm, ra với đồng bào, dù chỉ nói dăm câu, gặp dân dăm phút. Nỗi niềm ấy của Người, không chỉ đồng bào Thủ đô mà đồng bào cả nước, kể cả đồng bào ta ở nước ngoài thấu hiểu linh thiêng và cao cả đến nhường nào. Với Hà Nội và người dân ở Hà Nội, nỗi đau chịu tang Người da diết khôn cùng, bởi được trực tiếp đến với Người, “ta đi qua đau khổ trước di hài”. “Bác ơi!” là tiếng gọi, tiếng khóc của tất cả mọi người, từ em nhỏ thơ ngây đến những người già từng trải, những giọt nước mắt này thay cho cả những người vắng mặt do hoàn cảnh đất nước còn chia cắt.

Hà Nội đã đón Người trong Lễ Độc lập đầu tiên, lắng nghe Tuyên ngôn độc lập do Người đích thân soạn thảo và tuyên đọc. Hà Nội đã được nghe trực tiếp tiếng Người “Đồng bào nghe tôi nói có rõ không?”. Có lãnh tụ nào trên đời gần gũi, thân thương với dân và hòa vào lòng dân đến như vậy?

Hà Nội lại vinh dự thay mặt cả nước đón Người cùng Trung ương Đảng và Chính phủ từ Việt Bắc trở về sau chín năm kháng chiến thắng lợi với kỳ tích Điện Biên Phủ lẫy lừng năm châu chấn động địa cầu.

Hai mươi tư năm sau kể từ ngày Người đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hà Nội đau đớn vĩnh biệt Người.

Hà Nội và cả nước, bạn bè quốc tế trong giờ phút tiễn đưa Người về với tổ tiên và thế giới người Hiền, có vạn người, triệu người lắng nghe đọc Di chúc của Người - Bản Di chúc 1000 từ mà Người dồn tâm sức để viết và sửa chữa hàng năm, sửa lần cuối cùng vào dịp sinh nhật 5/1969, bốn tháng sau, Người vĩnh biệt chúng ta. Bản Di chúc ấy là một đại tổng kết lý luận và thực tiễn cách mạng Việt Nam, lắng đọng và kết tinh những tư tưởng, đạo đức, tâm hồn và tình cảm cao quý của Người - con người Việt Nam đẹp nhất, Con Người viết hoa Chân - Thiện - Mỹ mà lịch sử đã tạo nên, đã làm rạng rỡ Việt Nam, đã tỏa sáng trong Nhân loại. Người khiêm nhường chỉ gọi đó là một bức thư, là mấy lời để lại cho đồng bào đồng chí. Văn kiện lịch sử vô giá này, Người đã ấp ủ và viết ra từ Hà Nội  - trái tim Tổ quốc. Người sửa chữa từng câu từng chữ, để lại cho chúng ta muôn vàn tình thân yêu, ký thác vào ta bao dự định tốt lành, tràn ngập niềm tin và tinh thần lạc quan để cổ vũ đồng bào đồng chí, còn nỗi đau đời, nỗi đau nhân thế, Người nén chặt trong lòng. Người ra đi không có điều gì phải ân hận, Người chỉ có một niềm nuối tiếc, “chỉ tiếc là tiếc rằng, không được phục vụ Cách mạng, Tổ quốc và đồng bào lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Khi Tổng Bí thư Lê Duẩn (lúc đó gọi là Bí thư thứ nhất) đọc đến đoạn này thì cả quảng trường Ba Đình lịch sử và khắp mọi nơi - dưới các loa phóng thanh trong phút đau thương vĩnh biệt - cả một biển người đã khóc, đã đồng cảm  cùng nhau bởi nỗi đau lớn nhất, đã kết thành sức mạnh của đồng tâm, đồng chí, đồng lòng  để đồng hành  , thề quyết biến đau thương thành hành động, giải phóng miền Nam để thỏa lòng mong ước của Người, thề đưa lá cờ quyết chiến, quyết thắng của Người mà Người ký thác, trao gửi cho đồng bào đồng chí tới đích cuối cùng.

Năm lời thề của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân vĩnh biệt Người được “chắt” ra từ những điều cốt yếu nhất trong Di chúc 1000 từ của Người. Cảm xúc lại trào dâng bởi thương yêu và tự hào khi chúng ta biết rằng, Người chỉ dành riêng cho mình điều tối thiểu trong cái tối đa, chỉ vẻn vẹn 79 từ Người dặn về việc riêng. Ngay việc đó vẫn chỉ thấy một tấm lòng thương dân, thương nước đến vô cùng: “chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Tôi để lại muôn vàn tình thương yêu tới đồng bào, đồng chí, tới các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý cùng bạn bè quốc tế. Chu đáo và ân cần là vậy, là đặc trưng nổi bật của tình thương yêu, thấm đẫm chất nhân văn Hồ Chí Minh.

Từ Di chúc của Người, Thủ tướng Phạm Văn Đồng hồi ấy đã nhận xét, trong trái tim mênh mông của Người có tất cả tình thương Người dành cho mỗi người chúng ta. Người đã đi trọn lô gích của một đời, trọn vẹn và toàn vẹn để dâng hiến  và hóa thân  . Vào lúc cuối đời, trả lời câu hỏi phỏng vấn của một nhà báo nữ Cu Ba “trong cuộc đời của chủ tịch đâu là điều thiêng liêng nhất?”, Người đã đặt tay lên ngực, nơi có nhịp đập trái tim, Người nói một câu thôi: “Tôi tự nguyện dâng hiến đời tôi cho nhân dân tôi, cho dân tộc tôi và cho cả nhân loại”.

Những lời cảm động ấy đã tạc vào ký ức của lịch sử, ký ức của muôn đời.

Có thể nào quên những chi tiết này trong cuộc đời của Người. Cho đến lúc ra đi, trên ngực áo của Người không một tấm huân chương. Quốc hội tôn vinh Người, trao tặng Người huân chương Sao vàng, là huân chương cao quý nhất của Việt Nam. Người đã nói lời cảm ơn và đề nghị hoãn lại, đợi đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, lúc đó đồng bào miền Nam gắn huân chương cho Người cũng chưa muộn. Tự đáy lòng, Người nói rằng, mình chưa xứng đáng.

Người giải thích rằng, mình mới chỉ đi đến nơi mà chưa về đến chốn; Người có một niềm tin mãnh liệt vào thắng lợi của cách mạng nhưng biết rằng, sẽ không gặp được đồng bào trong ngày toàn thắng. Miền Nam luôn ở trong trái tim Người là như vậy, có thương yêu và tin tưởng, có hy vọng và chờ mong với nỗi niềm day dứt khôn nguôi.

Những giọt nước mắt cửa Người thấm hai bên gối và trên ngực áo của Người cũng đẫm nước mắt. Đó là nước mắt của các bác sỹ trong tổ y tế đặc biệt đã nỗ lực hết sức để cứu chữa cho Người, thầm mong một phép nhiệm màu cho tim Người đập lại mà không được.

Người đã đi vào một khoảnh khắc thiêng - giờ Người từng viết và sửa Di chúc, giờ mà Người vẫn dành riêng đọc báo mỗi ngày, dõi theo từng tấm gương “người tốt việc tốt”, “mỗi người tốt là một bông hoa đẹp, cả nước, cả dân tộc là một vườn hoa đẹp”. Mười năm cuối đời, Người đã gửi tặng 5 - 6 nghìn huy hiệu cho người tốt việc tốt từ em nhỏ đến các cụ già. Vậy là, chữ “ Dân  ” đã quy tụ tất cả mọi nỗ lực cho mục đích sống của Người và “ Vì dân  ” đã định hình lẽ sống cao thượng nhất mà Người suốt đời thực hành để chúng ta noi theo. Những chi tiết sống động ấy là những sự kiện và kỷ niệm mà Người gắn bó với Dân - từ Hà Nội, từ ngôi nhà sàn bình dị, Người hướng tới cả nước, tới cả bạn bè quốc tế, từ dân tộc đến thế giới nhân loại.

Trong hàng ngàn, hàng vạn thư và điện từ khắp năm châu bốn biển gửi tới Hà Nội - Việt Nam để chia sẻ nỗi đau buồn của chúng ta, lời của Phi Đen CátxtơRô sâu sắc biết nhường nào: “đồng chí Hồ Chí Minh thuộc về một lớp người đặc biệt, mà cái chết lại gieo mầm cho sự sống, đời đời bất diệt  (tác giả nhấn mạnh). Đó không chỉ là ngợi ca nhân cách và tầm vóc của Người mà còn là sự khẳng định một thực tế lịch sử, một giá trị vĩnh hằng. Sự sống mạnh hơn cái chết. Cá thể là hữu hạn mà nhân loại là vô cùng. Hồ Chí Minh đã từ Việt Nam đến với thế giới. Thế giới hiểu Việt Nam và Việt Nam được tin yêu giữa lòng bè bạn là nhờ có Người, con người “có tầm mắt đại dương” (Chế Lan Viên), biểu tượng cao quý của khát vọng tự do và suốt đời tranh đấu cho hòa bình, cho lẽ phải và sự công bằng dành cho tất cả mọi người trên trái đất này như bạn bè quốc tế đã nói về Người. Sinh thời, Người đã nghiền ngẫm các giá trị nhân sinh qua nếm trải trực tiếp mọi gian nan, khó nhọc, hiểm nguy trên đường tranh đấu, qua sự thấu hiểu  và thấu cảm  tâm nguyện và đời sống của muôn vạn người từ những thân phận và cảnh đời nô lệ. Bởi vậy, Người đã nâng cao sự thực hành “Thân dân” tới “Dân chủ” trong lẽ sống Ở đời  và đem vào sự tu dưỡng “chính tâm” của người cộng sản hiện đại những giá trị cao quý của đạo đức cách mạng cần kiệm liêm chính - bốn đức để làm người  . Ánh sáng trí tuệ, tinh thần ấy của Hồ Chí Minh, ngọn lửa thiêng ấy của tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh sáng mãi qua các thế hệ.

Đã tròn nửa thế kỷ, kể từ ngày đầu tiên Người viết Di chúc tại Hà Nội. Đã 46 năm qua, từ giây phút Người vĩnh biệt chúng ta, cũng tại Hà Nội này.

Bởi Người sống mãi trong lòng dân và trong trái tim nhân loại nên tất cả những gì thuộc về sự nghiệp và sự sống của Người vẫn nguyên vẹn trong suy tư và cảm xúc của mỗi chúng ta. Tố Hữu đã nói hộ chúng ta điều đó

 “ Tháng năm ơi! Có thể nào quên

Hàng bóng cờ tang thắt dải đen

Rủ giữa lòng đau ta nhớ mãi

Cuộc đời như ngọn lửa đầu tiên”…

                                               (Theo chân Bác).

          Ngọn lửa đầu tiên ấy, qua trải nghiệm của lịch sử, từ mỗi cuộc đời của mỗi con người, các thế hệ nối tiếp nhau, ta nhận ra, ánh sáng ngọn lửa ấy được bắt đầu  từ ngày Nguyễn Tất Thành, “Người đi tìm hình của Nước” rời bến cảng Nhà Rồng ngày 05/6/1911. Và, sau 30 năm của cuộc hành trình tìm đường cứu nước, Người đã trở về Pắc Bó, Cao Bằng, đặt tên “núi Các Mác”, “suối Lênin” như một lời nguyện thề  suốt đời chung thủy với chủ nghĩa, một lòng một dạ kiên trì con đường cách mạng vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Quyết định chuyển hướng chiến lược cách mạng, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, thành lập Mặt trận Việt Minh ngày 19/5/1941 dẫn tới cách mạng Tháng Tám, 1945 là sự tỏa sáng rực rỡ của ngọn lửa thần kỳ này bởi người thắp lửa thiên tài Hồ Chí Minh.

Trong “Việt Nam diễn sử ca”, được viết giữa núi rừng Việt Bắc, Người dự báo, năm 1945, Việt Nam độc lập. Điều tiên tri kỳ lạ  và kỳ diệu  ấy đã xảy ra, từ Quốc dân đại hội Tân Trào đến Thủ đô Hà Nội, giữa quảng trường Ba Đình rợp trời cờ đỏ sao vàng trong ngày lễ Độc lập ngày 02/9/1945.

“Người đi tìm hình của nước” giữa đêm đen nô lệ nay đã là người khai sinh ra nước Việt Nam mới với bản Tuyên ngôn Độc lập bất hủ - Tuyên ngôn dựng nước, lập quốc trong thời đại mới  thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của ông cha ta  .

Áng thiên cổ hùng văn được sản sinh trong thời đại mới đã vừa kế tục  tinh hoa của truyền thống vừa phát huy và làm thăng hoa  trí tuệ và tâm hồn, khí phách và bản lĩnh Việt Nam.

Từ khi Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Nhà Rồng để dấn thân vào sự nghiệp cứu nước cứu dân đến khi Người có mặt ở Hà Nội, viết Tuyên ngôn Độc lập mà Người cảm nhận rằng, đó là những giây phút sung sướng nhất của đời mình, phải trải qua độ dài thời gian 34 năm (1911 - 1945). Cuộc khủng hoảng triền miên về đường lối cứu nước từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 20 thế kỷ XX đã chấm dứt, khi Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy chân lý, với bước ngoặt từ chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc đến chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Ngọn lửa đầu tiên của Đời đã rọi ánh sáng cho Lịch sử sang trang sử mới.

Từ làng Sen, làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, quê nội và quê ngoại của Người đến Thủ đô Hà Nội, chỉ mấy trăm cây số mà Người đã đi từ thuở thiếu thời đến khi tuổi đời đã hơn nửa thế kỷ để tới nơi. Đó là cuộc đi làm thay đổi hình hài, số phận của cả dân tộc từ vong quốc nô tới độc lập, từ nô lệ tới tự do. Ngọn lửa đầu tiên của đời, Bác Hồ đã thắp lên và tỏa sáng, đang tiếp tục truyền lửa và mãi mãi tỏa sáng trong cuộc đời các thế hệ con cháu của Người để thực hiện đầy đủ và xứng đáng nhất với tâm nguyện và hoài bão của Người: Độc lập vững bền cho Tổ quốc, tự do và hạnh phúc thực sự cho dân tộc và nhân dân./.

GS. Hoàng Chí Bảo

http://hochiminh.vn/

Minh Nguyệt (st)

Bài viết khác: