Thứ bảy, 21/12/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài của nhân dân Việt Nam, đã trực tiếp sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện Quân đội nhân dân Việt Nam trở thành Quân đội anh hùng.

Từ khi được thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân đội Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu, giành thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Hồ Chí Minh nói: “Quân đội ta là quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng. Mới ra đời, với gậy tầy, súng kíp đã cùng toàn dân đánh Pháp, đánh Nhật, đưa Cách mạng Tháng Tám đến thành công”(1). Hay trong những ngày ác liệt nhất của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, Bác khen ngợi: “Quân đội ta anh dũng trong kháng chiến, mà cũng anh dũng trong hòa bình. Đã làm tốt nhiệm vụ bảo vệ miền Bắc, đập tan mọi hành động khiêu khích, phá hoại của đế quốc Mỹ và tay sai. Đã giáng trả lại đế quốc Mỹ những đòn đích đáng như ngày 5-8-1964”(2).

Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định mục tiêu chiến đấu của Quân đội ta là thực hiện đường lối, mục tiêu cách mạng của Đảng: Độc lâp dân tộc, dân chủ và CNXH. Người chỉ rõ: quân đội cách mạng phải biết vượt qua khó khăn thử thách, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng, “có truyền thống anh dũng, khắc khổ, kiên nhẫn, cần kiệm, chất phác, việc khó khăn nguy hiểm mấy cũng không sợ, nhất định làm cho kỳ được. Đó là truyền thống, đạo đức, tác phong tốt, phải luôn được giữ vững và phát triển”(3). Người giáo dục cán bộ, chiến sĩ tinh thần cần kiệm xây dựng quân đội, ý thức quý trọng của công. Người nhắc nhở bộ đội “cần giữ gìn tốt vũ khí, trang bị, xe cộ; tiết kiệm đạn dược, xăng dầu; cần quý trong sức của, sức người của nhân dân”(4), sử dụng tốt trang bị vũ khí của địch để đánh địch.

Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định, mọi hoạt động trên lĩnh vực quân sự phải đứng trên lập trường giai cấp công nhân, lực lượng vũ trang cách mạng phải đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện và trực tiếp của Đảng, “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”(5). Nghiêm chỉnh chấp hành sự lãnh đạo của Đảng là nguyên tắc cao nhất, là nhân tố quyết định sự trưởng thành và sức mạnh của các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu phải xây dựng Quân đội ta thành một công cụ bạo lực sắc bén của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, một quân đội “trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua; kẻ thù nào cũng đánh thắng”(6). Muốn vậy, “phải ra sức đẩy mạnh việc xây dựng và củng cố công tác chính trị và quân sự trong bộ đội ta. Phải nâng cao giác ngộ chính trị, nâng cao chiến thuật và kỹ thuật, nâng cao kỷ luật tự giác của bộ đội ta. Phải làm cho Quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân”(7). Người khẳng định, chiến sỹ là nhân tố quyết định mọi thắng lợi. Anh bộ đội cụ Hồ sinh ra từ nhân dân, vì nhân dân chiến đấu, là người lính có lý tưởng cao cả, kiên quyết hăng hái làm tròn nhiệm vụ.

Để tạo nên sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hành động đòi hỏi Quân đội ta phải xây dựng tính chính quy. Theo Hồ Chí Minh, tính chính quy của Quân đội ta là sự thống nhất chặt chẽ về chính trị, tổ chức và hành động, dựa trên sự thống nhất mục tiêu, lý tưởng chiến đấu và hệ thống điều lệnh, điều lệ. Kỷ luật của Quân đội ta kỷ luật của quân đội cách mạng, quân lệnh như sơn, nghiêm minh, tự giác. Người nói: “từ bước đi, từ cái chào đều phải chính quy hóa”(8) và “kỷ luật là sức mạnh của quân đội”(9). Bác căn dặn: “Bộ đội là một đoàn thể tổ chức nghiêm ngặn đã sẵn, càng dễ thực hành đời sống mới”(10), “phải luôn luôn phát triển cái kỷ luật nghiêm như sắt, cái tinh thần vững như đồng, cái chí khí quật cường tất thắng”(11).

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trung thành tuyệt đối với Đảng, hiếu nghĩa với nhân dân là bổn phận quân đội cách mạng, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, do Đảng tổ chức xây dựng và lãnh đạo. Trong việc xây dựng Quân đội nhân dân, vấn đề cơ bản nhất mà Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên nhấn mạnh là phải ra sức xây dựng và không ngừng bồi dưỡng bản chất cách mạng, bản chất giai cấp công nhân cho quân đội; phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội; tăng cường đoàn kết nội bộ, đoàn kết quân dân, đoàn kết quốc tế, nhằm xây dựng Quân đội ta thành một quân đội kiểu mới của giai cấp công nhân, một quân đội thực sự của dân, do dân, vì dân. Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ, được sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân…, quân đội ta hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và Chính phủ trao cho; đã có truyền thống vẻ vang là tuyệt đối trung thành với Đảng, với nhân dân; chiến đấu anh dũng, công tác và lao động tích cực, tiết kiệm, cần cù, khiêm tốn giản dị; đoàn kết nội bộ; đồng cam cộng khổ với nhân dân, luôn luôn sẵn sàng khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”(12). Người nhấn mạnh: “Quân đội mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và nhờ kỷ luật nghiêm”(13) và “quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”(14).

Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến đời sống của bộ đội. Người chăm lo cái ăn, cái mặc của bộ đội, kêu gọi đồng bào tăng gia sản xuất, góp gạo nuôi quân. Người chỉ thị: “Phải làm thế nào một bát gạo, một đồng tiền, một viên đạn, một viên thuốc, một tấc vải, phải đi thẳng đến chiến sỹ”(15). Trong “Di chúc” Người căn dặn: Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân ta phải làm tốt chính sách đền ơn, đáp nghĩa đối với những người đã hi sinh một phần xương máu cho sự nghiệp cứu nước. Người dạy toàn dân phải đời đời biết ơn những người con đã hy sinh xương máu để cứu nước, cứu nhà. Sự quan tâm của Bác đối với lực lượng vũ trang nhân dân thể hiện bằng những việc làm cụ thể, bình dị nhưng chứa chan tình cảm.

Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta càng phải ghi nhớ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân và dân như cá với nước, đoàn kết một lòng, học hỏi, giúp đỡ lẫn nhau”(15). Cán bộ, chiến sĩ quân đội phải nhận thức đúng đắn rằng: ngoài lợi ích của Tổ quốc, của Đảng, của nhân dân, Quân đội ta không có mục đích tự thân nào khác. Muốn cho nhân dân tin cậy, yêu mến, quân đội phải thể hiện phẩm chất tốt đẹp của mình cả trong tư tưởng, tình cảm và hành động. Vấn đề có ý nghĩa quan trọng hiện nay là cán bộ, chiến sĩ phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng, yêu cầu, nội dung xây dựng quân đội về chính trị; phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp cua quân đội; nêu cao quyết tâm học tập, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao bản lĩnh chính trị, không ngừng hoàn thiện phẩm chất cách mạng, đạo đức, lối sống của người quân nhân cách mạng, xứng đáng là Bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, như Bác đã chỉ rõ: “Hiện nay chúng ta đang ra sức xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiễn vững chắc thành một quân đội chính quy và hiện đại”(16).

Thực tiễn đã chứng minh hơn 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh Quân đội nhân dân Việt Nam luôn một lòng trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, luôn giương cao ngọn cờ chiến đấu vì mục tiêu, lý tưởng cao cả của Đảng, của giai cấp, của dân tộc. Quân đội ta đã cùng với toàn dân hoàn thành sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, xây dựng chủ nghĩa xã hội; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; thực hiện tốt chức năng đội quân chiến đấu, đội quân công tác, bảo vệ thành quả cách mạng, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc, xây đắp nên truyền thống vẻ vang của quân đội anh hùng sinh ra từ một dân tộc anh hùng./.

Lê Thanh Hải

Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Theo http://lyluanchinhtri.vn

Thu Hiền (st)

_________________

(1) (2) (6) (15) (16) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG, H.2002, tr.349, 349, 530, 350, 350.

(3) (9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQG, H.2002, tr.307, 306.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG, H.2002, tr.29.

(5) (7) (13) (14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2002, tr.530, 171, 514, 560.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG, H.2002, tr.171.

(10) (11)Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG, H.2002, tr.426, 330.

(12) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQG, H.2002, tr.274.

(17) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG, H.2002, tr.374.

Bài viết khác: