1. Nghị định số 115/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 11/11/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động với các nội dung cơ bản sau:

- Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) đối với người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại Khoản 2 Điều 89 của Luật BHXH được quy định như sau:

+ Từ ngày 01/01/2016 đến 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

+ Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

+ Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do doanh nghiệp quyết định, trừ viên chức quản lý chuyên trách trong công ty TNHH một thành viên do nhà nước làm chủ sở hữu.

- Tiền lương tháng đóng BHXH đối với người quản lý điều hành hợp tác xã có hưởng tiền lương quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này là tiền lương do đại hội thành viên quyết định.

2. Nghị định số 123/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Hộ tịch về đăng ký khai sinh, kết hôn, quản lý và sử dụng Sổ Hộ tịch trong giai đoạn Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử và Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư chưa được vận hành thống nhất trên cả nước (sau đây gọi là giai đoạn chuyển tiếp); đăng ký khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em chưa xác định được cha, mẹ, trẻ em sinh ra do mang thai hộ; khai sinh, kết hôn, nhận cha, mẹ, con, khai tử tại khu vực biên giới; cấp Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra ở nước ngoài chưa được đăng ký khai sinh về cư trú tại Việt Nam; đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài tại Ủy ban nhân dân cấp huyện; ghi vào Sổ Hộ tịch việc kết hôn, ly hôn, hủy việc kết hôn của công dân Việt Nam đã được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền nước ngoài; đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử; việc bố trí công chức tư pháp - hộ tịch làm công tác hộ tịch chuyên trách và một số biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.

Theo đó, Nghị định quy định mới về giấy khai sinh là:

- Giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân.

- Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

- Nếu nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh.

3. Nghị định số 122/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 14/11/2015 quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.

 - Nghị định quy định mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp như sau:

+ Mức 3.500.000 đồng/tháng, là lương tối thiểu vùng 2016 áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng I (tăng 400.000 đồng so với năm 2015).

+ Mức 3.100.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng II (tăng 350.000 đồng so với năm 2015).

+ Lương tối thiểu vùng là 2.700.000 đồng/tháng, áp dụng đối với doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn thuộc vùng III (tăng 300.000 đồng so với năm 2015).

+ Mức lương tối thiểu vùng là 2.400.000 đồng/tháng, áp dụng đối với DN hoạt động trên địa bàn thuộc vùng IV (tăng 250.000 đồng so với năm 2015)

Địa bàn thuộc vùng I, vùng II, vùng III và vùng IV được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Nghị định 122/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 103/2014/NĐ-CP.

4. Nghị định số 117/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 12/11/2015 quy định về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản. Nghị định có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Nội dung cơ sở dữ liệu về nhà ở quốc gia theo Nghị định số 117, gồm:

- Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến nhà ở và đất ở;

- Số lượng và diện tích từng loại nhà ở; về diện tích đất để đầu tư xây dựng nhà ở; về số lượng, diện tích nhà ở đô thị, nông thôn; về số lượng, diện tích nhà ở theo hình thức sở hữu; về nhà ở phân theo mức độ kiên cố xây dựng quy định tại các Điểm c, d, đ, e Khoản 1 Điều 8 của Nghị định 117/2015 được tổng hợp từ cơ sở dữ liệu về nhà ở địa phương;

- Số liệu, kết quả thống kê, tổng hợp, báo cáo của các chương trình điều tra, thống kê quốc gia về nhà ở;

- Các chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở quốc gia;

- Số lượng, diện tích nhà ở công vụ;

- Các chỉ tiêu thống kê khác về nhà ở.

Xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được Nghị định số 117/2015/NĐ-CP quy định như sau:

- Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được xây dựng phù hợp với kiến trúc hệ thống thông tin quốc gia, đáp ứng chuẩn về cơ sở dữ liệu và các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật.

- Cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản được kết nối trực tuyến với cơ sở dữ liệu về đất đai, cơ sở dữ liệu thuộc Bộ, ngành, địa phương có liên quan.

- Nội dung xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm việc thu thập, cập nhật, xử lý thông tin, lưu trữ, bảo quản theo quy định tại Điều 10, 11, 12 của Nghị định số 117/2015/CP.

Nghị định quy định các hình thức khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản gồm:

- Qua mạng internet;

- Qua trang thông tin điện tử do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản quy định;

- Qua mạng chuyên dùng;

- Thông qua phiếu yêu cầu hoặc văn bản yêu cầu;

- Bằng hợp đồng giữa cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản và bên khai thác, sử dụng dữ liệu về nhà ở và thị trường bất động sản theo quy định.

5. Nghị định số 108/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/10/2015  quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

Cụ thể, căn cứ tính thuế TTĐB ô tô dưới 24 chỗ được quy định như sau:

- Đối với cơ sở nhập khẩu (CSNK): Là giá bán của CSNK nhưng không được thấp hơn 105% giá vốn xe NK.

Giá vốn xe nhập khẩu gồm: Giá tính thuế nhập khẩu + thuế nhập khẩu (nếu có) + thuế tiêu thụ đặc biệt tại khâu nhập khẩu.  

Nếu giá bán của CSNK thấp hơn 105% giá vốn xe NK thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.

- Đối với cơ sở sản xuất (CSSX), lắp ráp: Là giá bán của CSSX nhưng không được thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của các cơ sở kinh doanh thương mại (KDTM) bán ra.

Giá bán bình quân của các cơ sở KDTM để so sánh là giá bán chưa bao gồm các lựa chọn về trang thiết bị, phụ tùng mà cơ sở KDTM lắp đặt thêm theo yêu cầu khách hàng.

Nếu giá bán của CSSX, lắp ráp thấp hơn 7% so với giá bán bình quân của cơ sở KDTM bán ra thì giá tính thuế TTĐB là giá do cơ quan thuế ấn định.

Nghị định 108/2015/NĐ-CP thay thế Nghị định 26/2009/NĐ-CP, 113/2011/NĐ-CP.

6. Nghị định số 109/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 28/10/2015 về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

- Nghị định quy định mức trợ cấp sinh hoạt hàng tháng đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú là: Mức 700.000 đồng đến 1.000.000 đồng tùy từng đối tượng nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 109 và tùy mức thu nhập bình quân đầu người hàng tháng của hộ gia đình nghệ nhân.

- Đối tượng nghệ nhân nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định được hỗ trợ bảo hiểm y tế như sau:

+ Được ngân sách nhà nước đóng bảo hiểm y tế với mức đóng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo.

+ Được hưởng bảo hiểm y tế khi khám bệnh, chữa bệnh với mức hưởng như đối với người thuộc hộ gia đình nghèo.

- Nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn khi chết thì được nhà nước hỗ trợ chi phí mai táng là 7.000.000 đồng.

Nghị định 109 còn quy định về trình tự, thủ tục hưởng, điều chỉnh, thôi hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng đối với nghệ nhân ND, nghệ nhân ưu tú; trình tự, thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế, tạm dừng đóng bảo hiểm y tế đối với nghệ nhân, thu hồi thẻ bảo hiểm y tế; chi phí mai táng…

7. Nghị định số 113/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 09/11/2015 quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập. Nghị định có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.

- Theo Nghị định điều kiện hưởng phụ cấp nhà giáo: Nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

- Mức phụ cấp đặc thù đối với nhà giáo: Nhà giáo quy định tại Điều 4 Nghị định 113/2015 được hưởng phụ cấp đặc thù mức 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

- Cách tính, hưởng đặc thù đối với nhà giáo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập

+ Phụ cấp đặc thù được tính theo số giờ dạy tích hợp, dạy thực hành thực tế.

+ Phụ cấp đặc thù được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không dùng để tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.

8. Nghị định số 124/2015/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 19/11/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nghị định có hiệu lực từ ngày 05/01/2016.

Nghị định sửa đổi về đối tượng bị xử phạt hành chính như sau: Tổ chức quy định tại Khoản 1 Điều 2 Nghị định 185/2013/NĐ-CP gồm cả các doanh nghiệp; hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; các tổ chức kinh tế khác được thành lập và hoạt động theo pháp luật và các đơn vị trực thuộc của các tổ chức kinh tế nói trên; văn phòng đại diện, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam ; văn phòng đại diện của tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam.

Theo Nghị định thì hành vi vi phạm về hoạt động kinh doanh theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau:

- Phạt từ 1 – 2 triệu đồng hành vi hoạt động kinh doanh không đúng địa điểm, trụ sở ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Phạt tiền 2- 3 triệu đồng hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Phạt từ 3 – 5 triệu đồng hành vi hoạt động kinh doanh dưới hình thức DN mà không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng hành vi tiếp tục hoạt động kinh doanh trong thời gian bị đình chỉ hoặc thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

- Phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt trên trong trường hợp kinh doanh ngành, nghề thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện./.

Kim Yến (Tổng hợp)

Bài viết khác: