Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam, một nhà hoạt động chính trị, một nhà tư tưởng, anh hùng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất, danh nhân văn hóa thế giới. Người luôn luôn gần gũi với nhân dân, chăm lo cho đời sống của nhân dân, dâng hiến cả cuộc đời mình cho dân tộc, vì vậy nhân dân ta gọi Người là “Bác Hồ” với tấm lòng kính yêu.Trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, hình tượng Bác Hồ bao giờ cũng là đề tài vô cùng phong phú, là nguồn cảm hứng vô tận trong những sáng tạo của giới mỹ thuật. Trong kháng chiến chống Pháp và những năm tháng hòa bình đầu tiên, các họa sỹ và các nhà điêu khắc có nhiều điều kiện được vẽ Bác gần gũi với các tầng lớp nhân dân.

Hinh tuong anh 1
Bác Hồ đến thăm Nhà máy Cơ khí Gia Lâm (Nguyễn Đỗ Cung, màu nước, 1960)

Các tác phẩm thể hiện hình ảnh của Người từ khi ra đi tìm đường cứu nước, đến lúc lãnh đạo nhân dân giành thắng lợi thống nhất đất nước được các nghệ sỹ thể hiện hết sức giản dị, gần gũi, thân thương, một hình ảnh luôn luôn làm xúc động lòng người.Các họa sỹ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Đỗ Cung, nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim là những người được vinh dự vẽ chân dung và nặn tượng Bác sau ngày cách mạng tháng Tám thành công. Thời điểm này, tuy rất bận rộn nhưng Bác vẫn dành thời gian cho các họa sỹ được thể hiện chân dung của mình tại Bắc bộ phủ (nơi làm việc của Bác ở Hà Nội). Những tác phẩm đó đã thành công rất lớn. Bức sơn dầu và khắc gỗ của họa sỹ Tô Ngọc Vân vẽ Bác đang ngồi làm việc trong bộ áo quần kaki vàng nhạt và đôi giày Nùng màu xanh chàm; họa sỹ Nguyễn Đỗ Cung ghi lại hình ảnh Bác trên một tranh mực nho, nét mặt của lãnh tụ nhìn nghiêng khắc khổ; nữ điêu khắc Nguyễn Thị Kim thể hiện Bác trong tư thế đang chú tâm vào công việc, tượng bán thân nhưng vẫn toát lên phong thái giản dị ở bộ y phục. Năm 1947, ở Đồng Tháp Mười, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu trong một đêm xúc động, đã lấy máu từ tay mình vẽ “Bác với 3 em thiếu nhi Bắc - Trung - Nam”, điều đặc biệt là lúc ấy ông chưa hề được gặp Bác lần nào. Nét vẽ ân tình, xúc động đã mở đầu cho hàng lọat tác phẩm vẽ và nặn tượng về Bác sau này. Luôn luôn ấp ủ với đề tài được sáng tác về Bác, nhà điêu khắc Diệp Minh Châu được ưu ái ở bên Bác gần nữa năm với lý do là từ miền Nam ra vẽ Bác, đưa về cho đồng bào miền Nam xem hình bóng của Người. Cuối năm 1958, theo nguyện vọng của Sứ quán Cộng hòa dân chủ Đức muốn có pho tượng hoặc bức họa cỡ lớn về Hồ Chủ tịch mà tác giả phải là người Đức, Bác đã đồng ý để nhà điêu khắc Đức Henrich Đrácke nặn tượng Bác. Để kết hợp, Bác đề nghị một số họa sỹ Việt Nam đến cùng làm việc. Hàng ngày, Bác dành một tiếng rưỡi đầu buổi sáng ngồi mẫu cho nhà điêu khắc Đức và các bạn đồng nghiệp Việt Nam (gồm các họa sỹ và nhà điêu khắc Trần Văn Lắm, Diệp Minh Châu và Trần Văn Cẩn). Mặc dù ở tuổi gần 70 nhưng Bác vẫn ngồi thanh thản, ung dung trên bục cao, không hề tỏ ra mệt mỏi để mọi người tiện quan sát làm việc. Trong thời kỳ đầu, đất nước mới được độc lập, những tác phẩm vẽ về Bác đã để lại nhiều dấu ấn. Họa sỹ Vương Trình có Bác dặn dò mỗi người phải trồng hai cây và Giải phóng đôi vai; họa sỹ Mai Văn Hiến với Những lời dạy bảo; họa sỹ Nguyễn Văn Thiện ghi lại buổi Bác đến thăm một gia đình nông dân; họa sỹ Quang Thọ có nhiều tranh vẽ Bác với các dũng sỹ diệt Mỹ; Bác chia kẹo và thuốc lá cho các chiến sỹ bảo vệ pháo ở Hà Tây; họa sỹ Cao Thương vẽ Bác với các cháu thiếu nhi...

Hinh tuong anh 2
Rời lều cỏ Bác tiếp tục hành quân (Nguyễn Trọng Kiệm, sơn mài, 1985)

Những họa sỹ vẽ chân dung Bác luôn lột tả được tính cách, hình tượng, cá tính và cả nhân cách lãnh tụ, như vầng trán cao, mắt sáng, mũi thẳng và chòm râu rất phương Đông. Hai họa sỹ Nguyễn Thụ và Huy Oánh vẽ tranh cổ động Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân; họa sỹ Lê Huy Trấp vẽ Hồ Chủ tịch. Về tranh khắc gỗ, thì họa sỹ Phan Kế An và Trần Đình Thọ thể hiện “chân dung Bác” rất có hồn, mặc dù đó là một chất liệu rất khó thể hiện. Rất nhiều tranh cổ động cũng như tượng Bác được các nghệ sỹ thể hiện thành công. Riêng tượng đài Bác đã được đặt ở khắp các tỉnh, thành phố và ở 15 nước trên thế giới…Họa sỹ Lê Duy Ứng, một người con ở Quảng Bình, trong một trận đánh với giặc Mỹ đã bị thương, gần như mù hai mắt. Trong lúc đau đớn tại chiến trường, anh đã lấy máu của mình vẽ chân dung Bác Hồ để nói lên lòng dũng cảm, sự quyết tâm chiến đấu đến cùng, đồng thời là thể hiện niềm tin đối với Bác, với Đảng.Về hình tượng của Bác trên tem thư, sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được khai sinh, ngành Bưu chính Việt Nam đã trân trọng đưa chân dung Bác Hồ lên bộ tem đầu tiên của quốc gia vừa giành được tự do, độc lập, phát hành đúng vào ngày Quốc khánh 2/9/1946. Họa sỹ Nguyễn Sáng là người được nhận vinh dự thiết kế trình bày bộ tem có chân dung Bác đầu tiên và cũng là bộ tem đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tự thiết kế và in ấn. Sau đó 3 năm, họa sỹ Nguyễn Sáng tiếp tục vẽ 2 mẫu nữa để phát hành nhân dịp kỷ niệm lần thứ 59 ngày sinh của Người.Vào dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh của Người và hưởng ứng cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức triển lãm tranh cổ động tại Nhà triển lãm Mỹ thuật 16 Ngô Quyền - Hà Nội. Tại triển lãm, hơn một nửa tranh cổ động nhằm tuyên truyền toàn Đảng, toàn dân, toàn quân học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, hưởng ứng cuộc vận động xây dựng chỉnh đốn Đảng, sống và làm việc theo gương Bác Hồ vĩ đại, chống tham ô, lãng phí, thực hiện phê bình và tự phê bình để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, chấp hành nghiêm chỉnh đường lối chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã và sẽ mãi mãi sống trong lòng dân tộc, trong trái tim của các nghệ sỹ nhiều thế hệ, luôn là đề tài tâm huyết trong sáng tác của các họa sỹ, nhà điêu khắc Việt Nam cũng như nhiều nghệ sỹ tạo hình quốc tế.

Hinh tuong anh 3
Bác vẫn cùng chúng cháu hành quân
(Nguyễn Thụ - Huy Oánh, tranh cổ động, màu bột, 1970)

Hinh tuong anh 4
Bác Hồ với thiếu niên, nhi đồng (Diệp Minh Châu, 1993. Ảnh chụp 2004)

Qua những năm gần đây, cuộc vận động của Đảng và Nhà nước ta về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, quảng bá các tác phẩm báo chí và văn học nghệ thuật trên tất cả các kênh thông tin đại chúng, hàng trăm tranh, tượng vẽ và nặn về Bác đã ra đời rất sống động, trân trọng của nhiều họa sỹ, nhà điêu khắc trong nước và nước ngoài. Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức trại sáng tác và triển lãm Mỹ thuật, Nhiếp ảnh về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” nhân kỷ niệm 125 năm Ngày sinh của Bác (19/5/1890 - 19/5/2015) tại Lễ hội Làng Sen toàn quốc năm 2015, đã thu hút nhiều nghệ sỹ tham gia.Trong thời kỳ đất nước đang đổi mới, hội nhập như hiện nay, nhiều phương tiện hiện đại đã hỗ trợ cho nghề nghiệp đối với các họa sỹ, nhà điêu khắc, nhà nhiếp ảnh. Hy vọng với những nhận thức nhạy bén, bằng tài năng và lòng ngưỡng mộ các nghệ sỹ sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm mang tính thời đại gắn bó với tư duy truyền thống khi sáng tác về một vĩ nhân. Vĩ nhân đó là Hồ Chủ tịch, một con người hết sức gần gũi trong cảm nhận nghệ thuật của chúng ta./.

H.T.T

(Bài đăng trên Tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh số tháng 5/2015)
Theo http://ape.gov.vn
Minh Thu (st)

Bài viết khác: